Sidebar

Thứ Hai
29.04.2024

Linh Mục và Tu Sĩ Sống Đạo - Tháng 09 năm 2007

CHỦ ĐỀ: LINH MỤC & TU SĨ SỐNG ĐẠO

I. THƯ MỤC VỤ số 8

Đến đây, chúng tôi muốn ngỏ lời đặc biệt với các linh mục và các tu sĩ nam nữ, vì anh chị em chính là những nhân tố tích cực và quan trọng trong việc triển khai Thư Mục Vụ này.

Anh chị em là những người chọn Chúa làm gia nghiệp, và tự nguyện hiến dâng cả cuộc đời mình để phục vụ Thiên Chúa và con người, nhất là những người bé nhỏ trong xã hội. Sự dấn thân này được thể hiện cả trong đời sống chiêm niệm lẫn trong hoạt động tông đồ.

Việc sống đạo trong lòng xã hội hôm nay cần đến gương sáng và lời cầu nguyện của anh chị em. Tuy rằng việc tham gia vào những công tác từ thiện xã hội của anh chị em còn gặp rất nhiều hạn chế, nhưng nơi nào có sự hiện diện của anh chị em, đức tin và đức ái Kitô giáo được cảm nhận một cách rõ nét. Vì thế, chúng tôi kêu gọi anh chị em hãy nỗ lực và kiên trì dấn thân, để vừa xoa dịu nỗi khổ đau của anh chị em đồng loại, vừa làm cho Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong lòng xã hội chúng ta đang sống.

II. DẪN GIẢI

Thơ Mục Vụ, cốt yếu là khuyến khích, thúc đẩy toàn thể giáo hữu dấn thân cố gắng sống đạo thánh đức hơn đồng thời mời gọi thiện hảo hoá thế giới suy đồi hôm nay. Trong đoạn này:
Hội Thánh tin tưởng vào đời sống linh mục và tu sĩ
Tin tưởng nương tựa, vì đời tu là do Chúa gọi và trao sứ mạng (thiện hảo hoá) và người tu đã dấn thân đón nhận ơn gọi và vui lãnh sứ mạng.
Tin tưởng vì để thiện hảo hoá thì dùng đời sống nêu gương và cầu nguyện.
Hơn nữa, đời tu làm cho Chúa hiện diện ở trần gian: chính là hình ảnh thoát khổ và đạt phúc.

III. CHUYỆN MINH HOẠ

ĐIỂM TỰA

Bão đến. Nhà sập. Cột đèn gãy. Cây cối trốc gốc la liệt. Nước ngập lễng lãng khắp nơi. Tưởng chừng như tận thế đến nơi rồi!
Tờ mờ sáng, một ông già chống gậy đến thăm cha xứ:
Thưa cha, bão lụt dữ quá cha ở nhà đừng đi đâu nghe, tụi con sợ lắm!
Nước ngập thế nầy, tôi đi đâu cho được. Muốn ra khỏi nhà cũng không xong!
Vậy mà, biết chắc có cha ở nhà tụi con an tâm.
Khi mọi sự êm ả, người giáo dân vẫn an tâm vì biết có cha sở ở nhà, ở với mình, nhưng không ý thức mấy về chuyện đó. Khi đất trời nghiêng ngã, họ bổng thấy cần biết bao sự hiện diện của “một người cha” mà họ đặt hết niềm tin vào. Vậy đó, linh mục ở giữa đàn chiên của mình như “một điểm tựa” mà họ dựa vào để sống và sống niềm tin của mình.

IV. DIỄN GIẢI

”Việc sống đạo trong lòng xã hội hôm nay cần đến gương sáng và lời cầu nguyện của anh chị em (linh mục và tu sĩ)… nơi nào có sự hiện diện của anh chị em, đức tin và đức ái Kitô giáo được cảm nhận một cách rõ nét”. (Thư Mục Vụ, 8)

Thế nhưng, linh mục và tu sĩ nam nữ là những ai mà đời sống đạo của họ có tác động sâu xa đến xã hội như vậy?

Trước hết, linh mục và tu sĩ là những người được Chúa kêu gọi. Chính Chúa đã kêu mời họ để họ phục vụ Hội Thánh. Tiếng gọi nầy phát xuất từ trong tâm hồn niềm khao khát phục vụ Chúa và Hội Thánh; đồng thời cùng với sự tuyển chọn của bề trên, đặc biệt qua việc Đức Giám Mục phong chức linh mục, đã chính thức xác nhận ơn gọi nầy. Các linh mục là những người quản lý kho tàng ân sủng của Thiên Chúa, chứ không phải là những chủ sở hữu: “Vậy chớ gì thiên hạ coi chúng tôi như những đầy tớ của Đức Ki-tô, những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Mà người ta chỉ đòi hỏi ở người quản lý một điều, là phải chứng tỏ lòng trung thành” (1Co 4,1-2). Nhiệm vụ của các linh mục là trung thành phục vụ, là phân phát ân sủng của Chúa nhằm lợi ích cứu rỗi các linh hồn.

Các linh mục và tu sĩ là những chứng nhân của tình yêu: yêu Chúa và yêu người. Là những người đã có cảm nghiệm tình yêu sâu thẳm mà Thiên Chúa dành cho mình, đến lượt họ các linh mục và tu sĩ cũng muốn cho người khác được nếm cảm tình yêu nầy.

Ý thức sự hiện diện sống động của Chúa Giêsu nơi mình, linh mục và tu sĩ tin vững chắc rằng Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa, đã đến trần gian, sống kiếp con người, chia sẻ thân phận con người, để biểu lộ tình yêu của Chúa Cha đối với nhân loại. Đến lượt mình, linh mục và tu sĩ cũng đi lại con đường của Chúa Giêsu, con đường yêu thương, để đem mọi người đến với ơn cứu rỗi, chính là sự sống đời đời.

Yêu Chúa để yêu người. Mỗi linh mục và tu sĩ thuộc về một dân tộc, một nền văn hóa và sống trong một dòng lịch sử khác nhau, do đó tình yêu thương của họ phải được trải ra cho những con người của thời đại mà họ đang sống: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô và không có gì thực sự là của con người àm lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (Hiến Chế về Mục Vụ trong thế giới ngày nay, 1).

Linh mục sống giữa thế trần nhưng không thuộc về trần thế, bởi vì linh mục thuộc về Chúa Kitô, tiếp bước sứ mạng cứu rỗi của Đấng Cứu Thế, là Cha hay xót thương những người tội lỗi.

Yêu người còn có nghĩa là mong muốn điều tốt đẹp, hạnh phúc, niềm vui và bình an cho những người mà họ gặp gở, không chỉ đời nầy mà thôi, nhưng còn cho hạnh phúc đời đời mà Chúa Kitô hứa ban cho cho những ai tin vào Người. Sứ mạng nầy đòi hỏi vị linh mục phải trở nên mục tử, như lòng Chúa mong ước, nghĩa là giống Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành, dẫn dắt đàn chiên về Nhà Cha trên trời. Vị mục tử phải biết chiên của mình, dẩn dắt, chăm sóc và nuôi dưỡng chúng nhất là quan tâm tìm kiếm những chiên bị lạc ngay cả khi phải liều đánh mất mạng sống mình.

Linh mục và tu sĩ còn phải yêu mến Hội Thánh. Đức Kitô là Phu Quân của Hội Thánh. Ngài đã yêu thương và phó mình vì Hội Thánh. Các linh mục và tu sĩ bằng đời sống hiến dâng trọn vẹn của mình qua việc giữ luật độc thân cũng không ngoài mục đích để phục vụ Chúa và anh em mình một cách hoàn hảo hơn.

Linh mục và tu sĩ còn phải là điểm tựa cho người khác. Archimedes đã nói: "Cho tôi một đòn bẩy đủ dài và một điểm tựa đủ mạnh, tôi có thể một tay nâng nổi trái đất".

Theo gương Chúa Giêsu, linh mục yêu thương và phục vụ anh em mình. Quyền hành theo phẩm trật mà linh mục lãnh nhận là để phục vụ: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35). Bằng tâm tình, lối suy nghĩ và thái độ sống được thể hiện ra bên ngoài, vị linh mục phải “là người của Chúa”, thể hiện “Chúa Kitô là Đầu”, vừa hiệp thông với Hội Thánh địa phương vừa với Hội Thánh phổ quát, là cha của con cái mình, khi cống hiến trọn cuộc đời mình cho phần rỗi con cái mà mình có trách nhiệm chăm nom và không bao giờ bỏ rơi đàn chiên của mình. Đó chính là điểm tựa yêu thương, mà người tín hữu có thể tựa nương vào.

Hiến thân cho Chúa Kitô, tức là thuộc về Chúa Kitô, linh mục nhân Danh Chúa Kitô đồng thời là hiện thân của Chúa Kitô, ngài phục vụ phần rỗi anh em bằng cách đem Chúa đến cho họ, qua việc cử hành các bí tích, rao giảng Lời Chúa, thăm viếng bệnh nhân và người cùng khốn.

Tóm lại, đời sống của linh mục không chỉ bắt chước Chúa Giêsu, nhưng còn phải là Chúa Kitô khác, vì qua chức linh mục, chính Chúa Giêsu hiện thân nơi vị linh mục của Ngài. Bản thân linh mục và các việc mà vị linh mục làm phải phản ảnh sự hiện diện của Chúa Giêsu. Chính Chúa hiện diện nơi linh mục thể hiện tình yêu cứu rỗi cho muôn người.

Tuy nhiên, không ai cho cái mà mình không có. Vì thế, tự thân vị linh mục, cũng là tội nhân cần luôn giao hoà với Chúa và sống thân tình với Người, trong niềm trông cậy vào lòng thương xót Chúa.

(Tham khảo: www. emmavoc.com)

Lạy Chúa, trong vai trò linh mục và tu sĩ, xin cho chúng con ý thức mình là đểm tựa để nâng đở đời sống đức tin của anh chị em chúng con. Amen

KIỂM ĐIỂM

1. Đời tu có phải là để cho riêng mình được nên thánh và được phước không?
2.
Tôi có nghĩ tu là có phận sự phải thiện hào hoá nhân loại không?
3.
Tôi có nghĩ người ta tội nhiều bê bối không tin Chúa v.v.là tại tôi phần nào? Người ta ít thánh cũng có thể là tại tôi, tôi nghĩ thế nào?
4.
Đời tu, tôi có nhớ nhiệm vụ của tôi phải là muối là đèn sáng cho đời. Tôi có nhớ không?
5.
Tôi đã làm gì để đời được thiện hảo? Làm tới đâu? Cố gắng nhiều ít?

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Kêu mời:
Anh chị em thân mến,
Thường thường, người ta nhìn đời sống đạo, nghe lời dạy đạo của các linh mục và tu sĩ, mà hiểu biết về đạo, và áp dụng sống đạo. Hơn nữa, các cha sở có bổn phận sắp đặt các việc mục vụ, để hướng dẫn giáo dân dễ dàng sống đạo. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:

Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Các con hãy lo cho họ ăn đi”. Chúng ta cầu nguyện cho các bậc giáo sĩ và tu sĩ, trung thành với những việc bổn phận trong đấng bậc của mình, hầu nên gương sáng cho mọi người sống đạo Chúa.

Chúa phán: “Ta đến để cho chiên Ta được sống, và sống dồi dào”. Chúng ta cầu nguyện cho các giáo sĩ và tu sĩ, luôn đào sâu lòng kính mến Chúa, quảng đại trong việc hy sinh chịu khó, và tận tuỵ giúp các tín hữu lãnh nhận sức sống của Chúa.

Chúa phán: “Này, Thầy sai các con đi, như chiên con ở giữa sói rừng”. Chúng ta cầu nguyện cho các linh mục và tu sĩ, được tràn đầy ơn khôn ngoan và tình yêu của Chúa Thánh Thần, để sắp xếp thời giờ, công việc thuận lợi cho đời sống đạo.

Chúa phán: “Ta đến để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, biết kính trọng và vâng lời các đấng bậc linh mục và tu sĩ, cầu nguyện và giúp đỡ các ngài sống đúng với phẩm chức của mình.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa mời gọi và tuyển chọn các bậc giáo sĩ và tu sĩ làm hiện thân của Con Chúa. Xin ban Thánh Thần Chúa xuống cách đặc biệt trên các tôi tớ Chúa là giáo sĩ và tu sĩ, giúp họ sống xứng với ơn gọi mình, hầu giúp mọi người được đến nơi hằng sống. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. QUỚI CHỨC SỐNG ĐẠO

CHƯƠNG I
ƠN GỌI LÀM TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN

2. Giáo dân tham dự vào sứ mạng của Giáo Hội

Giáo Hội được khai sinh là để làm cho nước Chúa Kitô rộng mở trên khắp hoàn cầu, hầu làm vinh danh Thiên Chúa Cha: tức là làm cho mọi người tham dự vào việc chuộc tội và cứu rỗi, để rồi nhờ họ, toàn thể vũ trụ thực sự được qui hướng về Chúa Kitô. Mọi hoạt động của Nhiệm Thể hướng về mục đích này gọi là việc tông đồ, công việc mà Giáo Hội thực hiện nhờ tất cả các chi thể, tùy theo những cách thức khác nhau. Thật ra n gọi làm Kitô hữu tự bản chất cũng là ơn gọi làm tông đồ. Cũng như toàn bộ một cơ thể sống động, (2*) không chi thể nào hoàn toàn thụ động, nhưng cũng tham dự vào đời sống và công việc của toàn thân. Cũng thế, trong Nhiệm Thể Chúa Kitô tức Giáo Hội, toàn thân tùy theo công dụng khả năng từng phần tử khiến thân thể này gắn bó và liên kết chặt chẽ với nhau (x. Eph 4,16), đến nỗi chi thể nào không hoạt động đúng tầm mức của mình trong việc tăng triển toàn thân đều bị coi là vô dụng đối với Giáo Hội cũng như ới chính mình.

Trong Giáo Hội có nhiều tác vụ khác nhau nhưng đều cùng chung một sứ mệnh. Chúa Kitô đã trao phó cho các Tông Ðồ và những người kế vị các ngài nhiệm vụ nhân danh và lấy quyền Người mà giảng dạy, thánh hóa và cai quản. Còn phần giáo dân, vì họ tham dự thực sự vào nhiệm vụ tư tế, tiên tri và vương đế của Chúa Kitô, nên họ chu toàn phần việc của mình trong sứ mệnh của toàn dân. Thiên Chúa trong Giáo Hội và ở giữa trần gian 2 . Giáo dân thực sự thi hành việc tông đồ bằng công việc của mnh để rao giảng Phúc Âm và thánh hóa nhân loại, đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần và hoàn hảo hóa những việc thuộc phạm vi trần thế, sao cho công việc của họ thuộc lãnh vực này làm chứng tỏ tường về Chúa Kitô và góp phần vào việc cứu độ nhân loại. Vì bản chất riêng biệt của người giáo dân là sống giữa đời và làm việc đời nên chính họ được Thiên Chúa mời gọi để một khi tràn đầy tinh thần Kitô giáo, họ làm việc tông đồ giữa đời như men trong bột. (Sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân, số 2)

Ý chính

Hiểu biết về chức linh mục thừa tác và linh mục cộng đồng:

Là nhiệm thể của Chúa Kitô, Đấng vừa là Linh Mục, vừa là Vua, vừa là ngôn Sứ. Giáo Hội trở thành một cộng đồng tư tế, vương giả và ngôn sứ. Trong đó, có chức linh mục cộng đồng và chức linh mục thừa tác. Chức linh mục thừa tác được dành riêng cho hàng giáo phẩm và cho các ngài quyền tham dự vào chức linh mục của Chúa Kitô trong chức thánh.

Gọi là chức linh mục cộng đồng vì tất cả các tín hữu (giáo dân hay giáo sĩ thuộc hàng giáo phẩm) đều được tham dự vào nhờ phép Rửa Tội. Sự tham dự này cho mọi tín hữu khả năng tự mình dâng lên Chúa lễ tế Thánh Thể, nhờ tay linh mục thừa tác cũng như họ có thể kết hợp với lễ vật hy sinh là Chúa Kitô trong khi rước lễ, và như vậy được dâng chính mình lên như lễ thiêng liêng cho Thiên Chúa. Các tín hữu cũng tham dự quyền vương giả của Chúa Kitô nhờ phép Rửa Tội và Thêm Sức. Quyền vương giả cho họ sức mạnh tinh thần để chế ngự bản tính riêng của họ, bắt nó tùng phục quyền bính Thiên Chúa để hinh phục mọi người cho Nước Trời và chiếu sáng tinh thần Phúc Âm trong lãnh vực trần thế.

Sau cùng, các tín hữu cũng tham dự quyền ngôn sứ. Mọi tín hữu có quyền làm chứng cho Chúa Kitô bằng lời nói và bằng chính đời sống Kitô hữu.

Câu hỏi:
- Việc Tông Đồ là gì?

- Ai thực hiện việc Tông Đồ?
- Giáo dân hay Giáo sĩ sống và làm việc giữa đời nhiều hơn?
- Ban Quới Chức tham dự vào sứ mạng của Hội Thánh thế nào?
- Phương thế nào giúp Quới Chức thi hành sứ mạng Tông Đồ? (thămviếng, sổ sách...)

SỐNG THEO LỜI CHÚA: 1Timôthê 3,8-13

”Các trợ tá cũng vậy, phải là người đàng hoàng, biết giữ lời hứa, không rượu chè say sưa, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn; họ phải bảo toàn mầu nhiệm đức tin trong một lương tâm trong sạch. Họ phải được thử thách trước đã, rồi mới được thi hành chức vụ trợ tá, nếu không bị ai khiếu nại. Các bà cũng vậy, phải là người đàng hoàng, không nói xấu, nhưng tiết độ, đáng tin cậy mọi bề. Các trợ tá phải là người chỉ có một đời vợ, biếtđiều khiển con cái và gia đình cho tốt. Những ai thi hành chức vụ trợ tá cách tốt đẹp, thì được một chỗ danh dự, và được mạnh dạn nhiều nhờ lòng tin vào Đức Kitô Giêsu”.

Bản thân và gia đình Quới Chức cần:

- Trao dồi kiến thức giáo lý (các buổi nghe giảng, nghe dạy Lời Chúa và giáo lý)
- Tạo nề nếp trong việc sống đạo (kinh tối, kinh sáng, lễ Misa, Thánh lễ Chúa nhật, các bí tích). Soạn ra một lịch trình giữ nề nếp sống đạo cho từng thành phần trong gia đình.
- Trao dồi kiến thức văn hoá
- Giữ gìn sức khoẻ hồn xác.
- Yêu thương phục vụ nhau về phần hồn lẫn phần xác.
- Bồi đắp vẻ đẹp cho cộng đồng xã hội và môi trường.
- Loại trừ mọi ảnh hưởng của các tệ nạn xã hội

VII. HỌC KINH THÁNH

Bài 21: MÔISÊ QUA ĐỜI
(Đnl33-34)

1. Môisê đóng vai trò quan trọng thế nào đối với dân Israel?

Vai trò quan trọng của Môisê đối với dân Israel chính là được Chúa dùng để truyền cho dân biết thờ phượng một Thiên Chúa. Không chỉ ông là một vị cứu tinh, là người trung gian mà còn là một ngôn sứ (người nói thay cho Chúa) nữa.

2. Việc Môisê chết ngoài Hứa Địa muốn nói lên điều gì?

Điều nầy muốn nhắc nhở ta: Thiên Chúa không thiên tư tây vị một ai (Đnl 32, 51).

Lời Chúa: “Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”. (Lc 17, 10).

Cầu nguyện: Lạy Chúa xin cho con ý thức được thân phận mỏng dòn và mau qua của kiếp người để con chỉ biết trông cậy vào mình Chúa thôi. Amen

VIII. SỐNG ĐẠO

CẢM NGHĨ VỀ ĐỜI TU
Tại sao tu? Tu để làm gì? Tu ích lợi gì?

A

Chúa tạo dựng con người là thánh, là hạnh phúc. Sau nguyên tội, Chúa cứu chuộc, Chúa cũng ban thánh thiện cho nhân loại, cho mọi người, nhưng có phần biến chuyển. Xưa thánh thiện hạnh phúc, trên nguyên tắc Chúa ban cho toàn thể tập thể (nhân loại).

Sau nguyên tội, Chúa cũng ban cho nhân loại, nhưng mỗi người mỗi cá biệt phải tự lãnh trách nhiệm: tìm đạt và bảo vệ thánh thiện, hạnh phúc.

Chung cho mọi người. Tại sao lại có đời tu? Nghĩa là đời thánh thiện hơn, hạnh phúc hơn? Chúng ta có thể nhận định:

Thánh thiện hạnh phúc: có nhiều cấp bực, Chúa có thể kêu gọi một số người, sống thánh thiện hạnh phúc cách cao siêu hơn. Thánh như Chúa, thánh hạnh phúc trong chính việc kết hợp với Chúa. Đúng ra chúng ta chưa thể biết rõ việc kết hợp như thế nào, và cũng chưa có thế biết cái khoái lạc trong việc kết hợp đó ra sao.

B

Đúng ra, tu không hẳn là do ý con người muốn thôi. Tu là một ơn Chúa, là một tiếng Chúa kêu mời, không những để sống thánh thiện hơn người, nhưng Chúa còn trao thêm sứ mạng cộng tác với của Chúa.

Sứ mạng của Chúa kitô là cứu chuộc, là thánh hoá là qui tụ… để đưa về cho Thiên Chúa một đại gia đình. Chúa trao sứ mạng đó, hay đúng hơn, Chúa muốn cho đời tu tham gia chính sứ mạng đó. Có thể niói đơn giản hơn: Chúa muốn chúng ta nên muối, để nhân loại khỏi hư nát, chúng ta nên men làm cho nhân loại tốt hơn … để qui tụ mọi người cùng sống một sự sống của Chúa Kitô (chúng con nên một).

Đời tu, mặc dầu tín hữu vẫn kính trọng nhưng nghĩ xa hơn thì có thể thấy được một kiếp sống thật là cao siêu: sống với Chúa, tham gia công trình của Chúa.

Trên đây chỉ nêu một vài phương diện sứ mạng của Chúa, để thấy đời tu cần thiết cho Hội Thánh.

C

Đời tu, cách chung tín hữu chúng ta đều tôn trọng, nhưng thật sự chúng ta có xác tín: đời tu là khẩn thiết là lợi ích cho chúng ta, cho Hội Thánh không?

Khẩn thiết, không hẳn khẩn thiết “vô bất đắc” (không có không được), nhưng vẫn có thể nói: Hội Thánh cần có đời tu.

Có đời tu mới có được nhiều trung gian truyền chuyển ơn cứu chuộc, ơn tái tạo vào đời.

Có đời tu, nêu gương, kéo ơn Chúa xuống, tăng năng lực để con người có khả năng tăng trưởng đời sống thánh.

Bằng đời sống tu, những người sống thực hiện sứ mạng của Chúa, đã nêu gương sống không bám vào đời mà hướng về chúa, để đạt chân hạnh phúc.

Nếu khôntg có đời tu, thiết nghĩ mức độ sống đạo không tiến cao có thể làm nảy sinh tâm trạng ích kỷ. Sống đạo để được Chúa ban phúc lạc ở trần gian và đời sau.

Không chỉ sống đạo vì chúa toàn năng tuyệt đối ... mình phải hoàn toàn tuân phục. Chúa ban cho mình tất cả, Chúa là Chúa tình yêu nên mình phải sống đạo với tất cả tình yêu.

Hội đồng Giám Mục muốn nhắc sứ mạng cao siêu của đời tu để nhắc nhở chúng ta một lối sống tốt đẹp, nhứt là trong tình trạng thế giới có phần lung lạc hôm nay. Đời tu ngày hôm nay, phải có lực hơn những thời đại khác.

Đời tu kém … thế giới suy đồi.
Đời tu thánh … thế giới tinh tuyền.
Thử cảm nghĩ về đời tu …

HIỆP NHẤT

Đời tu không tu riêng cho mình mà còn lãnh sứ mạng tham dự vào, hay cộng tác với sứ mạng của Chúa Kitô, sứ mạng có thể nói cao siêu nhất.Đời tu phải chú tâm nỗ lực thể hiện sự hiệp nhất, nhất là trong một thế giới khinh thường đạo đức luân lý. Hiệp nhất giữa Chúa với người và người với nhau: hiệu quả của thương yêu.

Qua việc Chúa tạo dựng các vật thọ tạo, chúng ta thấy ít nhiều hình ảnh của bản thể Chúa: Ba ngôi một Chúa. Chúa tạo các vật từ vô tri, đều tri giác, đều linh thiêng, đều ở ngoài Chúa, mà các vật được dựng nên cho Chúa, cho nên dầu ngoài Chúa, cũng phải hướng về Chúa.

Liên kết do vật vô tri hướng về Chúa còn xa quá. Cho nên Chúa tạo dựng con người là tiểu vũ trụ, góp những chi trong vũ trụ nhờ có phần lý trí linh thiêng nên đạt thành một ngôi vị. Chính ngôi vị này hiểu biết và nói được là mang cả vũ trụ hướng về Chúa. Qua đó, ta thấy thấy được chút nào việc con người hiệp nhất với Chúa.

Chúa lại ban cho nguyên tổ mối hiệp nhất với Chúa cách thân tình hơn, kết hợp với Chúa như con với Cha, nhưng nguyên tổ đã làm mất đặc ân này.

Chúa Kitô nhận lãnh việc tái tạo chuộc lại ơn làm con. Đó là sứ mạng qui tụ nên một Nước Thiên Chúa, hay dễ thấy hơn, Chúa qui tụ nên một đại gia đình, để kết hợp với Chúa và kết hợp với nhau. Đời tu, cộng tác, tham gia sứ mạng của Chúa Kitô, ta phải sống thế nào?

Với đời tu, không thánh quyền (không có chức thánh), ít ra Chúa muốn cho đời thấy tấm gương hiệp nhất, một đức tính đặc biệt của Hội Thánh (hình ảnh một Chúa Ba Ngôi), qui tụ những khác biệt thành một đơn nhất. Sống tập thể hiệp nhất, không những tránh dẹp những trái nghịch trở ngại cho sống chung hiệp nhất mà còn phải nhiệt thành sống thương nhau; nhiệt thành thương nhau để có phần sang sớt niềm thương cho anh chị em cùng thương; mình thương mà cũng làm cho anh chị em cũng thương như mình. Đó là tham gia sứ mạng hiệp nhất của Chúa Kitô.

Với đời tu có thánh quyền (có chức thánh) thì việc tham gia vào sứ mạng hiệp nhất, không những sống như đời tu trong Hội dòng, mà còn lãnh trách nhiệm làm trung gian, làm dụng cụ cho hiệp nhất, qua bí tích, qua lời giảng dạy.

Đời tu, không gì tệ hại bằng phá hoại đời tu, lạm dụng sứ mạng, không những hại mình mà hại cho thế giới cho nhân loại.

Tu thiện hảo thì có thể nói vừa đem hoà bình và hạnh phúc cho thế giới, còn chính mình có thể đạt hiệp nhất tuyệt vời: hiệp nhất với nhân tính của chúa Kitô, và do đó cũng nói được là hiệp nhất với chính Thiên Chúa.

IX. MẠN ĐÀM

Xin phép đọc giả, cho phép một lão già thuật lại chuyện đời xưa. Không xưa gì lắm, năm bảy chục năm trước thôi. Chuyện xưa không phải chuyện bày đặt để đọc cho vui, hay để dạy đời. Chuyện này có thật, lão già tào lao xin bảo đảm.

Một ngày kia một chủng sinh bước vào nhà xứ … gặp ngay cha phó biệt cư, cha sở họ Châu Pha, thấy gương mặt ngài rạng rỡ, phấn khởi lạ thường. Thầy chủng sinh chào cha rồi phất thêm một câu: Bữa nay cha được vận may gì mà cha có vẻ khoái chí quá vậy?

- Cha đáp: Dĩ nhiên là may, là hên, vì có ông Denis An ở Cap (Vũng tàu), mình ra gặp ổng moi được 1000 đồng (khoảng vài chục triệu) cho cha sở, ngu sao mà không vui?
Ông cố hay quá!
Hay gì? Ta đi đòi nợ đấy.
Oai nhỉ? Ông cố xơ xác vậy mà lại là chủ nợ một ông nhà giàu nhất ở miền Nam.
Nói thiệt cho nghe hồi còn ở Chủng Viện, mình đã hốt thuốc chữa bịnh cho bà xã ông An đấy.
Ghê nhỉ! Ông cố mà cũng làm lương y nữa.

Cũng có hơi lạ vì Hội Thánh cấm linh mục làm lương y, vì lương y thì phải bắt mạch mới “đầu thang” (hốt thuốc) … nhưng theo ta thì nam nữ thọ thọ bất thân, rờ rẩm nguy hiểm. Còn mình là con lương y. Không lý cha làm thầy con bán sách; mình không học mạch mà học tánh dược, học đầu thang (bốc thuốc). Mình bốc cho bà nhà giàu đó vài thang … có lẽ nhờ tổ đãi mà bà ta hết bịnh.

Ông ta đến gặp mình muốn trao cho một số tiền đền ơn, hay trả công gì đó. Mình trình với ông ta: Tôi không cần tiền bạc đâu. Ở chủng viện nhà chung lo cho đủ thứ rồi, còn cần chi nữa.

Thầy tưởng tôi cho ít hả?

Tôi thưa lại: ít tôi đã không cần mà nhiều thì để làm gì? Xin cám ơn ông!..... Nhưng tôi lại móc ông. Thật bây giờ tôi xin khỏi nhận, … nhưng về sau , khi có dịp cất nhà thờ hay nhu cầu gì khác … lúc đó, ông cho thì tôi ẳm liền. Chính vì vậy mà khi gặp ông ấy, ông mấy lần mời tôi dùng cơm, tôi có ẩn ý nên nói với ông: Tôi cần một chuyện, ông giúp tôi được thì tôi ở lại ăn cơm, còn không giúp được thì tôi chuồn đi nơi khác.

Ông ta hỏi: cha cần tôi giúp những gì?

Tôi nói: ông cho tôi 1000 đồng thì tôi ở lại ăn cơm!

Ông ta có vẻ ngẩn ngơ, nhưng chỉnh lại thì ông ta nói: Tôi làm gì có tiền ở đây mà cho cha!

Ông mà không có tiền, ai tin được?

Ông ta trả lời: Thiệt ở đây tôi không có tiền, chỉ có “chèque” (ngân phiếu để rút tiền trong kho bạc).

Sao cũng được, miễn tôi có được 1000 đồng thôi!

Ôi! Dễ quá mà. Ông móc tập ngân phiếu, ký biếu cho 1000$ liền tay.

Dĩ nhiên bữa cơm vui vẻ. Về Bà Rịa vui vẻ, khoái chí … trao số tiền cho cha sở Bà Rịa (cha cất nhà thờ Tử đạo nơi Đất thánh, nhưng thiếu tiền).

Nói chuyện khào có ích gì đâu? Vẫn có ích, vì cho chúng ta thấy gương hạnh những người không ham tiền, không bám vào tiền, ngay người giàu cũng không bám vào tiền. Tiền không là ông chủ mà là nô lệ. Cho tiền không ngại, xin tiền mà vẫn hiên ngang. Giàu không giàu, nghèo không nghèo … có thể thấy được: tri túc giả phú (biết cái mình đang có mà kể là đủ, là giàu).

X. TẢN MẠN:

HÀNH TRÌNH MÙA HÈ

Đọc trang web giaophanvinhlong.net, lịch trình của Đức Cha Tôma kín mít trọn tháng 8: đi thăm viếng các họ đạo và ban phép Thêm Sức, gặp gỡ các linh mục tĩnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh. Thông thường mùa hè là khỏang thời gian nghỉ ngơi sau những tháng làm việc căng thẳng, Đức Cha lại tận dụng mùa hè để đi thăm viếng mục vụ các họ đạo, tiếp xúc các linh mục, tu sĩ và giáo dân.

Nhìn thấy các họ đạo đang phát triển, cộng đoàn giáo dân sống đạo tốt, các linh mục và tu sĩ thi hành sứ mệnh cách năng động tích cực, Đức Cha có được niềm vui tinh thần, sá gì đường xa mệt nhọc. Mỗi dịp đón Đức Cha đến ban phép Thêm Sức, các họ đạo luôn chuẩn bị xa gần và trong ngoài khang trang tươm tấc. Dạy giáo lý, tân trang nhà cửa, kiểm điểm sổ sách, vệ sinh môi trường, tạo nét cảnh quan ... Có vài giáo dân phát biểu: nếu mỗi năm Đức Cha mỗi đến, họ đạo mình chắc hăng hái tốt lành hơn. Một câu nói đáng suy nghĩ đấy chứ !

Chọn cho mình khẩu hiệu “Ambulate in dilectione”, Đức Cha đang thể hiện những cuộc lên đường với ngọn lửa nhiệt tình của vị chủ chăn đến với hàng ngàn con chiên trong khắp giáo phận Vĩnh Long. Đó cũng là ra khơi hướng về những chỗ nước sâu để thả lưới truyền giáo trên vùng biển mênh mông. Trong khi cử hành Bí Tich Thêm Sức, sự hiện diện của Đức Giám Mục qui tụ cộng đoàn tín hữu và cầu khẩn Chúa Thánh Thần ngự xuống để củng cố đức tin thêm vững mạnh, sưởi ấm các tâm hồn và hiệp nhât các tín hữu.

Năm “sống đạo” thêm sinh động nhờ hành trình mùa hè của Đức Giám Mục như làn gió hun đúc tinh thần các cộng đòan. Tháp tùng Đức Giám Mục có vài cha đồng hành chia sẻ niềm vui với các họ đạo. Mùa hè của các em thiếu nhi thêm phong phú kỷ niệm đẹp trong y phục trang trọng với ngọn đèn thắp sáng trên tay. Các bậc phụ huynh vui mừng thấy con em mình được Đức Cha xức dầu thánh và chúc bình an. Cử chỉ thánh thiêng này tiếp thêm sức mạnh cho các em trong cách sống làm kitô hữu. Nhờ đó, ấn tín của Bí tích Thêm Sức tạo nên sự khác biệt và biến đổi các em trong giai đoạn mới của lứa tuổi hoa niên.

Mùa hè đang khép lại, nhưng hành trình của Đức Cha chưa dừng bước ... Ngài luôn thao thức thăm viếng mục vụ, điều đó cho thấy ngài noi theo tấm gương của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từng đi khắp các Châu lục.

Niềm vui gặp nhau là điểm đến lý tưởng cho mọi cuộc hành trình. Đem tin yêu và gieo mầm hy vọng trên mọi nẻo đường cuộc sống.

XI. NGHỆ THUẬT SỐNG

TÁCH CÀ PHÊ MUỐI

Anh gặp nàng trong một bữa tiệc. Nàng vô cùng xinh xắn và dễ thương... Biết bao chàng trai theo đuổi nàng trong khi anh chỉ là một gã bình thường chẳng ai thèm để ý. Cuối bữa tiệc, lấy hết can đảm, anh mời nàng đi uống café. Hết sức ngạc nhiên, nhưng vì phép lịch sự nàng cũng nhận lời.

Họ ngồi im lặng trong một quán café. Anh quá run nên không nói được câu nào. Cô gái bắt đầu cảm thấy thật buồn tẻ và muốn đi về... Chàng trai thì cứ loay hoay mãi với cốc café, cầm lên lại đặt xuống... Đúng lúc cô gái định đứng lên và xin phép ra về thì bất chợt chàng trai gọi người phục vụ: "Làm ơn cho tôi ít muối vào tách café". Gần như tất cả những người trong quán nước đều quay lại nhìn anh... Cô gái cũng vô cùng ngạc nhiên. Nàng hỏi anh tại sao lại có sở thích kì lạ thế. Anh lúng túng một lát rồi nói: "Ngày trước nhà tôi gần biển. Tôi rất thích nô đùa với sóng biển, thích cái vị mặn và đắng của nước biển. Vâng, mặn và đắng - giống như café cho thêm muối vậy... Mỗi khi uống café muối như thế này, tôi lại nhớ quê hương và cha mẹ mình da diết...". Cô gái nhìn anh thông cảm và dường như nàng rất xúc động trước tình cảm chân thành của anh. Nàng thầm nghĩ một người yêu quê hương và cha mẹ mình như thế hẳn phải là người tốt và chắc chắn sau này sẽ là một người chồng, người cha tốt... Câu chuyện cởi mở hơn khi nàng cũng kể về tuổi thơ, về cha mẹ và gia đình mình...

Khi chia tay ra về, cả hai cùng cảm thấy thật dễ chịu và vui vẻ. Và qua những cuộc hẹn hò về sau, càng ngày cô gái càng nhận ra chàng trai có thật nhiều tính tốt. Anh rất chân thành, kiên nhẫn và luôn thông cảm với những khó khăn của cô. Và... như bao câu chuyện kết thúc có hậu khác, hai người lấy nhau. Họ đã sống rất hạnh phúc trong suốt cuộc đời. Sáng nào trước khi anh đi làm, nàng cũng pha cho anh một tách café muối...

Nhưng khác những câu chuyện cổ tích, câu chuyện này không dừng ở đó. Nhiều năm sau, đôi vợ chồng già đi, và người chồng là người ra đi trước... Sau khi anh chết, người vợ tìm thấy một lá thư anh để lại. Trong thư viết: "Gửi người con gái mà anh yêu thương nhất! Có một điều mà anh đã không đủ can đảm nói với em. Anh đã lừa dối em, một lần duy nhất trong cuộc đời... Thực sự là ngày đầu tiên mình gặp nhau, được nói chuyện với em là niềm sung sướng đối với anh. Anh đã rất run khi ngồi đối diện em... Lúc đó anh định gọi đường cho tách café nhưng anh nói nhầm thành muối. Nhìn đôi mắt em lúc đó, anh biết mình không thể rút lại lời vừa nói nên anh đã bịa ra câu chuyện về biển và café muối. Anh không hề thích và chưa bao giờ uống café muối trước đó! Rất nhiều lần anh muốn nói thật với em nhưng anh sợ... Anh đã tự hứa với mình đó là lần đầu và cũng là lần cuối anh nói dối em. Nếu được làm lại từ đầu, anh vẫn sẽ làm như vậy... để được có em và để được uống tách café muối em pha hàng ngày suốt cuộc đời anh... Anh yêu em!".

Mắt người vợ nhòa đi khi đọc đến những dòng cuối lá thư. Bà gấp bức thư lại và chầm chậm đứng lên, đi pha cho mình một tách café muối... Nếu bây giờ có ai hỏi bà café muối có vị như thế nào, bà sẽ nói cho họ biết: Nó rất ngọt!!!

(Trích www.petalia.org)

XII. LỜI CHÚA: Ga 15, 13

Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương
của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.

XIII. CHÂM NGÔN

”Người tu là người của Chúa mà cũng có thể nói được là người của mọi người, nhưng không riêng thuộc về ai cả”.

”Người tu không có quyền sống riêng cho mình, chỉ để cho mình thiện hảo và phúc lạc”.

1604    21-04-2012 09:33:58