Sidebar

Thứ Năm
02.05.2024

Nhịn Mà Không Đói

Trong thời gian gần đây, phương pháp nhịn đói để chữa bệnh càng lúc càng trở nên phổ biến. Không có gì lạ, khi hình thức này đã từ lâu là một trong các liệu pháp cơ bản trong kho tàng kinh nghiệm của nhiều nền y học dân gian, Đông cũng như Tây. Tuy vậy, vẫn còn nhiều người chưa hiểu thật đúng về phương pháp nhịn đói, ngay cả ở nơi phương pháp này đã đi vào bài bản, như ở châu Âu.

Trước hết, không phải lúc nào tùy hứng cũng có thể áp dụng liệu pháp nhịn đói như biện pháp giải độc cho cơ thể. Phương pháp này thường chỉ được áp dụng khi cơ thể đang trong tình trạng tích lũy độc chất. Người ở phương Tây vì thế có khuynh hướng áp dụng sau mùa đông, tức sau khi cơ thể tích lũy chất béo do ăn nhiều mỡ mà lại ít vận động vì trời bên ngoài quá lạnh. Phần lớn cư dân ở châu Á, cho dù khí trời ấm áp, cũng chọn sau mùa xuân, sau những ngày nhậu nhẹt hội hè. Nên hay không nên nhịn đói, khi nào và như thế nào? Cách tốt nhất vẫn là hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi đi đến quyết định.

Kế đến, không hẳn nhịn đói càng lâu càng tốt. Một liệu trình nhịn đói chữa bệnh đúng thể dạng kinh điển thường kéo dài bốn tuần, qua đó ba tuần để nhịn ăn và một tuần để phục hồi dưới sự hướng dẫn và theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc chuyên khoa trong chế độ điều trị nội trú. Hình thức này tất nhiên không dễ khả thi cho mọi người. Với người không có nhu cầu như bệnh nhân tim mạch, béo phì... liệu pháp nhịn ăn cũng có thể được thực hiện một cách linh động dưới hình thức áp dụng tại nhà và chỉ kéo dài hơn một tuần bao gồm một ngày chuẩn bị, năm ngày nhịn ăn và ba ngày dành cho quy trình phục hồi của cơ thể. Với hình thức nào bất kỳ, đoạn kết của quy trình nhịn ăn chữa bệnh bao giờ cũng là giai đoạn hồi phục. Công phá mà không đi kèm với xây dựng thì chỉ là phá hoại!

Thêm một điểm dễ ngộ nhận. Nhịn ăn chữa bệnh không đồng nghĩa với đói meo! Nhịn ăn trị bệnh cũng không có điểm nào tương đồng với hình thức tuyệt thực, trừ trường hợp bỏ ăn để làm "nư"! Người áp dụng phương pháp này trên thực tế chỉ giảm tối đa các món ăn quen thuộc và thay vào đó là chế độ dinh dưỡng với món nhiều nước, món dễ tiêu, món ít năng lượng. Món phải giảm cho bằng được trong thời gian điều trị là rượu, bia, cà phê, thuốc lá, bánh kẹo... Ngược lại, khẩu phần gồm nhiều bữa nhỏ trong ngày được xây dựng trên nước khoáng pha nước trái cây theo tỷ lệ 50/50, canh hay cháo, rau trộn, trái cây, ngũ cốc... Người theo phương pháp nhịn ăn chữa bệnh vì thế không thể... đói!

Chưa hết. Mục tiêu chủ yếu của phương pháp nhịn ăn chữa bệnh nhằm thúc đẩy tiến trình thanh lọc cơ thể thông qua biện pháp "xả rác". Người áp dụng phương pháp này, nếu không được thông tin đúng mức, rất dễ hoang mang, thậm chí nản lòng, khi nhiều triệu chứng bất ngờ xuất hiện trong những ngày đầu của liệu trình, như vã mồ hôi với mùi khó chịu, đau quặn bụng, tiểu rắt với nước đậm màu, đậm mùi... Bên cạnh đó là tình trạng dao động tâm lý nên rất dễ đãng trí, buồn chán, mệt mỏi. Cái khó của phương pháp nhịn ăn chữa bệnh chính là làm sao "vượt lên chính mình" trong những ngày đầu "vạn sự khởi đầu nan". Nhịn ăn chữa bệnh với truyền hình suốt ngày, điện thoại di động trên tay thì không cần hỏi thêm cũng biết, hoặc bệnh nhân bỏ cuộc giữa đường, hoặc tiền mất tật mang. Vì thế, biện pháp kết hợp nhịn ăn chữa bệnh với phương pháp hành thiền hay thể thao nhẹ nhàng bao giờ cũng là đòn bẩy để người áp dụng có trớn mà qua cầu.

Nhịn đói định kỳ để thanh lọc cơ thể là một biện pháp đúng, thậm chí là phương pháp phòng bệnh nên được quảng bá rộng rãi, đặc biệt cho người dễ bị rối loạn biến dưỡng. Nhịn đói vì mục tiêu sức khỏe không đồng nghĩa với phương pháp kiêng cữ gay gắt, như nhiều người vẫn còn hiểu lầm, do tập trung thái quá vào tiếng "đói" thay vì chữ "nhịn"!

Nhịn ăn mà không đói mới hay! Có thế thì y khoa mới đồng nghĩa với nghệ thuật.

3646    10-01-2011 06:15:32