Sidebar

Thứ Hai
29.04.2024

Phục Vụ Sự Sống - Tháng 07 năm 2007

CHỦ ĐỀ: PHỤC VỤ SỰ SỐNG

I. THƯ MỤC VỤ 2006, số 6.

Đời sống bác ái có thể thực hành bằng nhiều cách, nhưng Thư Mục Vụ năm nay nhấn mạnh đặc biệt đến việc dấn thân phục vụ. Vì thế, chúng tôi mời gọi anh chị em hãy phát huy tinh thần liên đới và yêu thương phục vụ Tin Mừng Chúa Giêsu, phục vụ sự sống và phẩm giá con người ….

II. DẪN GIẢI

1. Phục vụ là tôn trọng người và giúp cho người.
2. Phục vụ phát huy tinh thần liên đới và yêu thương.
3. Phục vụ cao siêu hơn là phục vụ chính cho sự sống con người.
4. Sự sống là phẩm giá cao siêu nhất của con người.

III. CHUYỆN MINH HOẠ

CHẤP NHẬN ĐỨA CON TÀN TẬT

Ngày 14-12-1989 , bà Nancy Drouin, phụ nữ trẻ tuổi Công Giáo Canada , cho ra đời đứa con thứ ba. Bé trai Justin mập mạnh như bao trẻ sơ sinh khác. Khi ôm con vào lòng lần đầu tiên để cho bú, bà Nancy tràn ngập niềm vui và hãnh diện. Bên cạnh vợ, ông Pierre Duval cũng sung sướng không kém. Ông ẵm con và siết chặt vào lòng. Nó là hoa quả yêu thương của đôi vợ chồng trẻ.

Nhưng niềm vui không kéo dài lâu. Ngay ngày hôm sau, các bác sĩ bắt đầu nhận ra dấu hiệu bất thường nơi bé Justin. Giờ đây khi có dịp gợi lại kỷ niệm, ông Pierre kể:

Lúc đó, khi ẵm Justin trên tay, tôi thấy bé rất dễ thương với khuôn mặt tròn trĩnh. Nhưng ngay tức khắc sau đó, tôi bỗng có cảm giác bé Justin bị “mongolisme” (Bệnh còn có tên gọi Langdon Down, phát hiện 1866. Bệnh chậm phát triển tinh thần ở trẻ em, mắc ngay từ lúc sinh ra do sai lạc nhiễm sắc thể. Biểu hiện ở trẻ là bộ mặt trì độn với trán thấp, mắt xếch và xa nhau, kiểu nếp quạt, trông hơi giống người Mông Cổ nên còn gọi là Mongolisme ). Ý tưởng vừa lóe lên xóa ngay trong tôi niềm vui và thay vào đó là nỗi buồn vô tả. Nhưng tôi trấn tĩnh và thầm nhủ, không được tiết lộ điều này với Nancy , vì nàng sẽ bị khủng hoảng mạnh. Nghĩ thế rồi tôi liền chia sẻ niềm vui với vợ, hãnh diện vì vợ hiền sinh hạ ba đứa con kháu khỉnh.

Sau cuộc khảo nghiệm sơ khởi, bác sĩ chính thức thông báo cho bà Nancy biết bé Justin là trẻ bất thường. Bà Nancy kể lại giây phút sống cuộc thử thách đầu tiên:

Tôi xin phép ra vườn đi dạo một vòng. Trời mùa đông Canada thật lạnh. Nhưng tim tôi còn giá buốt hơn. Tôi cảm thấy vô cùng sầu khổ. Tôi ngước mắt nhìn trời và thưa cùng Chúa: “Lạy Chúa, xin cho ý Chúa nên trọn, và nếu con trai con có điều chi thì xin Chúa ban cho con ơn can đảm chấp nhận và yêu thương con con, mặc dù nó tàn tật, bất thường”. Cầu nguyện như thế với Chúa rồi, nước mắt tôi bỗng chan hòa, nhưng cùng lúc tôi cảm thấy an bình và đầy tràn sức mạnh để vượt qua thử thách. Giờ đây tôi phải tìm lời lẽ để thông báo cho chồng tôi biết tin không vui. Rất may chàng bình tĩnh chấp nhận. Chúng tôi cùng an ủi và nâng đỡ nhau, với ý nghĩ: “Sở dĩ Chúa gởi bé Justin tàn tật bất thường đến với chúng ta, là vì Chúa biết chúng ta sẵn sàng chấp nhận và yêu thương bé”. Chúng tôi cũng nói với nhau: “Bé Justin hẳn có một sứ điệp mang đến cho chúng ta khi bước chân vào đại gia đình hai họ chúng ta”.

Ông Pierre kể lại:

Tôi nhớ mãi giây phút đau thương ấy. Chúng tôi ôm nhau khóc và cùng nhau chiêm ngắm khuôn mặt ngây thơ dễ thương của bé Justin. Đêm đó chúng tôi cùng nhau cầu nguyện thật lâu, lâu hơn thường lệ. Chúng tôi nài xin THIÊN CHÚA ban cho chúng tôi nhiều ơn để can đảm chấp nhận và yêu thương Justin. Bây giờ hồi tưởng lại giây phút lần đầu tiên tôi ẵm Justin trên tay và có cảm tưởng Justin là trẻ bất thường, tôi thấy rằng, thật ra đây không phải là ý tưởng đột ngột xuất hiện trong tôi, nhưng tôi tin chính giây phút đó, bé Justin như nói với tôi: “Ba à, Ba hãy nhìn con thật kỹ, con không phải đứa bé bình thường, vậy Ba có thương con không, Ba có chấp nhận con là đứa bé tàn tật không?” Chặng đường khó khăn đầu tiên trải qua. Tiếp đến là chặng đường khó khăn thứ hai. Đó là việc loan báo cho gia đình bè bạn biết con chúng tôi bất bình thường. May mắn thay mọi người không tỏ vẻ ngạc nhiên. Trái lại an ủi và khích lệ vợ chồng tôi chấp nhận thử thách Chúa gửi.

Nỗi đau khổ mà vợ tôi và tôi thường trải qua, đó là những lúc chúng tôi cùng tự hỏi: “Justin sẽ làm gì sau này, khi nó lớn lên?” Hai đứa con kia của chúng tôi bình thường, tương lai thuộc về chúng, chúng tôi chỉ là người hướng dẫn chỉ dạy. Nhưng còn Justin thì sao? Justin có thể tự lập được không? Đau buồn tự hỏi nhưng rồi chúng tôi lại đặt trọn Đức Tin nơi THIÊN CHÚA. Mỗi ngày có niềm vui nhưng cũng có nỗi sầu, ngày nào đủ cho ngày ấy! Nhưng mỗi ngày đều có sức mạnh ơn thánh Chúa giúp chúng tôi vượt thắng thử thách.

Bà Nancy kể lại kinh nghiệm cảm động:

Lễ Ba Vua năm 1990, giáo xứ chúng tôi tổ chức buổi trình diễn Máng Cỏ, có Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng cho các mục đồng và Ba Vua đến thờ lạy Chúa. Giáo xứ đề nghị chọn bé Justin làm Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng. Thật là một đề nghị bất ngờ và cảm động. Chúa Hài Đồng là một bé tàn tật. Lễ Ba Vua năm đó quả là cuộc lễ đáng ghi nhớ. Nhà thờ giáo xứ đông nghẹt người, nhất là cha mẹ và trẻ em. Ai cũng muốn đến gần hang đá, để nhìn thấy Justin và chạm vào Justin. Quả thật, Đức Chúa GIÊSU đang ở nơi mỗi người trong chúng ta.. Đối với riêng gia đình chúng tôi thì sự có mặt của bé Justin đã đưa Pierre và tôi xích lại gần nhau hơn. Tôi tin rằng ơn thánh của bí tích hôn phối đặc biệt giúp chúng tôi, ban cho chúng tôi sức mạnh và niềm an bình nội tâm. Những khốn khó xảy ra thường củng cố Đức Tin và giúp chúng tôi tiến mạnh trong Đức Tin.

”Tôi đã hết lòng trông đợi Chúa. Người nghiêng mình xuống và nghe tiếng tôi kêu. Người kéo tôi ra khỏi hố diệt vong, khỏi vũng lầy nhơ nhớp, đặt chân tôi đứng trên tảng đá làm cho tôi bước đi vững vàng. Chúa cho miệng tôi hát bài ca mới, bài ca tụng THIÊN CHÚA chúng ta. Thấy thế, nhiều người sẽ kính sợ và tin tưởng vào Chúa. Phúc thay người đặt tin tương nơi Chúa, chẳng vào hùa với bọn kiêu căng và những kẻ theo đường gian ác” (ThánhVịnh 40,2-5).

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt (Trích từ radiovaticana.org)

Một đứa con, dù thế nào đi nữa cũng là một con người và là con cái của cha mẹ. Do đó, vui mừng đón nhận con cái mà Chúa gửi đến trong gia đình với tất cả tình yêu thương chăm sóc, phần xác, phần hồn là chúng ta góp phần phục vụ cho sự sống, hồng ân cao cả mà Chúa ban cho con người.

IV. DIỄN GIẢI

Trước tiên, chúng ta phải biết ơn Chúa vì quà tặng lớn lao nhất mà Thiên Chúa, do lòng yêu thương khôn tả, đã ban tặng cho con người, đó là sự sống của mỗi người chúng ta. Bởi vì có sự sống thì mới có tất cả những thứ khác cho con người.

Trong việc tạo dựng con người, Thiên Chúa dựng nên loài người có nam, có nữ, tuy cùng một phẩm giá, giống hình ảnh Thiên Chúa, nhưng khác biệt nhau: đàn ông là đàn ông, đàn bà là đàn bà. Mỗi giới có nét đẹp riêng. Cũng giống như mọi ơn ban của Chúa đều tốt lành, nhưng không nhất thiết phải như nhau.

Và Chúa đã dựng nên mỗi người chúng ta nhằm một mục đích lớn lao hơn, đó là để chúng ta yêu thương và được yêu thương. Thế tại sao Chúa lại dựng nên người nầy là đàn ông, kẻ khác lại là đàn bà? Mẹ Têrêsa Calcutta trả lời: Bởi vì tình yêu của người nữ hay của người nam đều phản ảnh mặt nầy hay mặt khác của tình yêu Thiên Chúa. Loài người, cả nam lẫn nữ, đều được dựng nên để yêu thương, nhưng theo cách thế khác nhau. Cả hai bổ túc cho nhau và cùng biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa một cách mỹ mãn, hơn là chỉ có một phía.

Tình yêu nầy được thể hiện cách rõ nét, nhất là khi người phụ nữ trở thành mẹ. Chức năng làm mẹ và tình mẫu tử là một hồng ân mà Chúa ban tặng cho các bà mẹ. Và cả nhân loại, nam cũng như nữ, đều vui mừng trước ân ban nầy. Tuy nhiên, chức năng nầy có thể bị con người hủy hoại do nạn phá thai, hoặc do con người quá quan tâm đến những nhu cầu khác mà quên đi trách nhiệm yêu thương và phục vụ người khác như: nghề nghiệp hay việc mưu sinh khiến họ phải lìa xa gia đình. Không một công việc nào, không một nghề nghiệp nào có thể thay thế cho tình yêu và ai hủy hoại chức năng làm mẹ thì cũng đồng thời hủy diệt luôn hồng ân cao trọng mà Thiên Chúa dành riêng cho người phụ nữ, đó là tình mẫu tử.

Yêu thương chính là đón nhận nhau như anh chị em, con cùng một Cha trên trời. Gia đình chính là nơi mà con trẻ học yêu thương và cầu nguyện qua cha mẹ của chúng. Làm sao con trẻ có thể học được yêu thương khi chứng kiến cảnh tan vỡ của cha mẹ chúng? Thực tế cho thấy, thường trong các nước giàu có, khi gia đình đổ vỡ, trẻ con bị cha mẹ bỏ rơi thương tìm cách bù đắp tình yêu của cha mẹ mà chúng bị mất mát, bằng các chất gây nghiện.

Con cái là quà tặng quý giá nhất mà Chúa ban cho các gia đình. Con cái cần tình yêu của cả cha, lẫn mẹ để phát triển. Một gia đình biết cầu nguyện chung với nhau, sẽ sống gắn bó với nhau và sẽ mang lại hạnh phúc, bình an và niềm vui cho nhau, vì họ được tình yêu Thiên Chúa lấp đầy.

Nhưng Chúa không dựng nên một lần tất cả nhân loại. Người dựng nên chúng ta qua cha mẹ chúng ta. Cha mẹ chính là cánh tay sáng tạo nối dài của Thiên Chúa. Đồng thời với trách nhiệm và niềm vui vì được sinh con, thì các cha mẹ còn phải có trách nhiệm nuôi dưỡng con cái nên người.

Vì thế, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, trong dịp gặp gỡ các Đức Giám Mục Tây Ban Nha, nhân Ngày Quốc Tế về Gia đình tại Valencia với chủ đề “Gia đình là cung thánh của tình yêu, của sự sống và của niềm tin” đã mời gọi các gia đình hãy chiêm ngắm Thánh gia Nazarét như mẫu gương rạng ngời về tình yêu, sự sống và niềm tin vào Thiên Chúa.

Khi nói gia đình là cung thánh, Đức Thánh Cha muốn nhấn mạnh đến phẩm giá cao trọng của gia đình hiểu theo nghĩa đó nơi linh thánh, nơi mà gia đình nhận được sự khởi đầu từ Thiên Chúa: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,24).

Sự sống mới phát xuất từ gia đình, là hồng ân Thiên Chúa ban tặng, nên sự sống ấy phải thuộc về Chúa, phải trở về với Thiên Chúa.

Bà Anna, Mẹ của ngôn sứ Samuen đã khẩn cầu với Thiên Chúa để có được ông và bà đã dâng đứa con trai của mình lại cho Chúa khi để cho Samuen phục vụ Chúa trong đền thờ ở Silô. Qua cử chỉ nầy, bà muốn nói đứa con mà bà có được là bởi Thiên Chúa và thuộc về Thiên Chúa. Bà chỉ là người giám hộ, chứ không phải là chủ sở hữu trên đứa con của mình. Các bậc cha mẹ đều cảm nghiệm vai trò giám hộ trên đời sống con cái của mình, khi một ngày nào đó, con cái sẽ rời bỏ cha mẹ để sống một cuộc sống mới khi chúng đi tu hoặc lập gia đình..

Đó cũng là trường hợp của Thánh Giuse và Mẹ Maria khi lạc mất con trong Đền Thờ, lo lắng tìm Con và cuối cùng khi gặp được Con thì lại không hiểu điều Chúa Giêsu nói: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà Cha con sao” (Lc 2,49). Điều gì của Thiên Chúa thì phải trở về với Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVII trong bài giảng Ngày Gia Đình đã nói về điều nầy: “Được cha mẹ sinh ra, chúng ta là con cái của cha mẹ; nhưng đồng thời chúng ta cũng được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, chúng ta là con cái của Người.”

Gia đình là nơi mà mọi người học sống yêu thương lẫn nhau. Tình yêu nầy xuất phát từ chính lời ưng thuận đón nhận nhau của đôi vợ chồng trong ngày cưới và được Chúa chúc lành. Tình yêu ấy còn được tiếp nối bằng việc chấp nhận đứa con được sinh ra và trách nhiệm giáo dục chúng. Sau cùng, cha mẹ Công giáo không chỉ sinh con rồi thôi, nhưng còn có sứ mạng giáo dục đức tin cho con cái nữa. Gia đình chính là trường học đầu tiên đào tạo đức tin cho con cái. “Vì được tham dự vào tình phụ tử của Thiên Chúa, cha mẹ là những người đầu tiên có trách nhiệm giào dục con cái và cũng là những người đầu tiên giào dục đức tin cho con cái…Đặc biệt, cha mẹ có sứ vụ giáo dục đức tin Kitô giáo cho con cái” (Bản Toát Yếu Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, n. 460)

(Theo esprit-et-vie.com/la famille, sanctuaire de l’amour, de la vie et de la foi và 1000 questions.net/Mère Thérèse de Calcutta ).

Xin Chúa cho chúng con biết đón nhận con cái Chúa ban qua đời sống gia đình của chúng con và biết cộng tác với Chúa trong việc giáo dục con cái nên người, nhất là trong đời sống đức tin.Amen

KIỂM ĐIỂM

1. Tôi có tôn trọng thương yêu không?
2. Tôi có nghĩ mình không là hòn đảo hay phải nghĩ mình co liên hệ, liên kết với mọi người không (tứ hải giai huynh đệ)?
3. Tôi có nghĩ sự sống nơi con người là phẩm giá cao quý nhất không?
4. Giúp cho sống và sống dồi dào là việc phục vụ kể là cao quý nhất, có nghĩ thế nào?
5. Tôi có thực hiện được những gì?

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Thiên Chúa là Đấng Hiện Hữu, Hằng Sống. Mọi sự sống đều được Thiên Chúa tạo thành, và ngoài Thiên Chúa, thì không một thần lực nào có thể tạo sinh sự sống. Chúng ta cảm tạ Chúa đã ban sự sống cho chúng ta, và chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:

1. ”Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người nhận biết sự sống mình đang có được, là hồng ân Chúa ban, đồng thời biết tôn trọng, bảo vệ và bồi dưỡng sự sống.

2. Chúa Giêsu phán: “Ta đến để cho chiên Ta được sống, và sống dồi dào”. Chúng ta cầu nguyện cho các Kitô-hữu, biết trân trọng và nuôi dưỡng sự sống dồi dào, là sự sống siêu nhiên, đã được Chúa ban qua bí tích Rửa tội.

3. Chúa phán: “Ai tin vào Chúa Con, thì được sống muôn đời, và Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người cùng tin vào Chúa Kitô là Con Thiên Chúa, để cùng trân trọng sự sống và được sống muôn đời.

4. Chúa phán: “Ta ban cho chúng sự sống đời đời, không bao giờ chúng phải diệt vong”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, biết tôn trọng sự sống Chúa ban, mà luôn tôn thờ và kính mến Chúa trên hết mọi sự.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa ban sự sống cho trần gian. Xin cũng ban Thần Trí Chúa, giúp chúng con hiểu biết và đón nhận sự sống là hồng ân Chúa ban, nuôi dưỡng và tiến triển ơn thánh Chúa, cho tới sự sống muôn đời trên thiên đàng. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

TẠ ƠN VÌ ĐƯỢC SỐNG

Một người bị Đức Quốc xã xử tử hình, trước khi bị xử không lâu, anh viết bức thư cho vợ, hé mở cho chúng ta thấy một tâm hồn sáng lạng rực rỡ, đầy lòng biết ơn Chúa vì được sống trên trần gian, trong lòng Giáo Hội, trong Đức Kitô. Nội dung bức thư như sau:

Em yêu quí,

"Bình an của Chúa ở cùng em”, đó là tiếng ở trong trái tim và trên môi chúng ta lúc này, còn hơn ngày xưa nữa, em ạ. Đúng, anh biết điều đó, anh biết em đang có sự bình an qúy giá đó. Nó là ân huệ của Chúa Thánh Thần mà em đã biết chuyển thông cho anh một cách tuyệt vời, trong những năm hạnh phúc thật sự và đầy đủ chúng ta sống chung với nhau.

Em muốn hỏi, vào giờ phút tối hậu này, những cảm tình ưu tiên nào đang sôi động nơi anh ? Không lẽ anh lừa gạt em khi anh nói rằng tâm tình đầu tiên của anh là lòng tri ân rộng rãi:

Không, em hiểu anh hơn hết, trong hoàn cảnh này, và anh nghĩ rằng hai linh hồn chúng ta cùng tan biến trong cùng một lời tạ ơn, lời tạ ơn này anh sẽ hoàn tất trước ngai Thiên Chúa trong khoảnh khắc nữa thôi. Chúng ta vừa hiệp lễ lần sau hết trên trần gian này, và lần hiệp lễ sau cùng này “trong đức tin” sắp kết liễu trong sự hiệp lễ đầy đủ và vĩnh cửu trên nước Chúa. Em yêu dấu của lòng anh, chính trong Thánh Thể - Tạ Ơn mà chúng ta sẽ gặp lại nhau, em và các con ở dưới đất, anh ở trên kia, và mỗi lúc trong ngày.

Tạ ơn vì ân huệ cao cả nhất của cuộc đời trần gian, của cuộc sống trong lòng Giáo Hội, và của cuộc sống trong Đức Kitô đang có trong chúng ta. Sống, trước hết là phó thác mình và phụng sự, điều này người ta đã dạy chúng ta ở nhà trường, và về đời sống ấy chúng ta có biết bao nhiêu gương mẫu của những người thân yêu, của các bậc cha mẹ yêu quí, của những kẻ trong gia đình biết dâng hiến mạng sống để phục vụ chính nghĩa, phục vụ Giáo Hội và các linh hồn.

Tâm tình thứ hai đang sống động trong linh hồn anh, là anh thấy cần phải hiến dâng mạng sống anh, hiến dâng trong sự tuân theo thánh ý Chúa cho trọn vẹn, hiến dâng sự sống trong sự kết hợp với linh hồn em, cả hai cùng dâng hiến hy sinh chung (hy sinh của em hơn là của anh, anh biết rõ điều đó), hy sinh chúng ta cùng dâng lên với lời của Chúa Kitô: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”. Bán mạng sống vì nguyên nhân cao thượng, vì các linh hồn ! Em nhớ lại đi, biết bao lần, nhất là trong mấy năm vừa qua, chúng ta đã tự hỏi: chúng ta cần phải làm gì để nổ lực của chúng ta có thể xây dựng lại các lương tâm, một việc quá cấp bách. Chính Thiên Chúa đã nhận phần biểu lộ ý muốn của Ngài, thế là trong ít phút nữa, em và anh sẽ được hạnh phúc và hân hạnh được phục vụ với sự phó thác tuyệt đối. Sự phó thác đó, chúng ta sẽ dâng cho đến cùng, như Chúa sự sống và Đấng sáng tạo sự sống đã tỏ ra cho chúng ta. “Cho đến cùng” nghĩa là phục vụ cho đến cùng kiệt khả năng, cùng kiệt phó thác . . . Vâng, chúng ta hiến dâng mạng sống cho những kẻ, vì để cho mình theo đuổi những bản năng hạ cấp, mà không biết việc họ làm.

Em yêu dấu,

Điều an ủi anh nhất trong giờ phút này, là biết rằng em cũng tha thứ, và biết rằng trong tâm hồn em cũng như trong tâm hồn anh không đọng lại một chút hận thù nào. Anh xin em luôn luôn duy trì được những cảm tình đó trong con cái chúng ta, nhất là sau này khi chúng biết đâu là sự thật, đó là nhiệm vụ của em, ở trên kia anh sẽ giúp đỡ em, bởi vì không thể có vấn đề chia rẽ giữa em và anh, không lúc nào bằng lúc này, chúng ta đã thành “một” trong Đấng liên kết tuyệt vời.

Khi nào hoa trái cuối cùng, kết quả của tình yêu chung của chúng ta xuất hiện, trong nôi của nó, và sẽ nhắc nhở cho em nghị lực tình yêu chúng ta, anh sẽ ở bên em, và sau khi đưa nó từ giếng Rửa Tội về, em hôn nó thì em hôn cả kẻ đang sống trong nó. Phần em, nhiệm vụ êm dịu được nuôi năm đứa con trong niềm tin sâu xa, đó là triều thiên của chúng ta sau này trên cõi đời đời.

Anh muốn ngừng lại để chiêm ngắm cảnh tượng các thiên thần giữ mình của những con trẻ yêu dấu và của em, các ngài sẽ luôn đến gặp anh và cho biết mùa gặt đã làm xong tại gia đình chúng ta, và các ngài trao trách nhiệm cho anh dâng mùa gặt ấy lên Cha, Đấng thương yêu chúng ta vô cùng.

Trong bức thư trước, anh đã ngỏ ý về cha mẹ yêu dấu của chúng ta, anh biết em sẽ yêu mến các ngài với tình con thảo như hồi xưa, và còn hơn thế nữa. Cám ơn em vì đã yêu mến các ngài thay cho cả hai.

Vài phút nữa chúng ta sẽ lên “Bàn Thờ” cao cả, những tư tưởng cuối cùng của anh sẽ đến em và năm con thơ, và trong niềm phó thác bao la, anh dồn tất cả vào Trái Tim Chúa , và đặt tất cả dưới sự bảo trợ của Mẹ Trinh Nữ.

Ước chi sức mạnh của Chúa ở cùng em. Em yêu quí, anh cám ơn em vì mọi cái em đã làm cho anh, cám ơn vì những năm em đã cho anh vì đã sống hòa hợp trọn vẹn trong tinh thần và tâm hồn. Hòa hợp càng ngày càng bền chặt để được kết thúc ngày kia trong sự hợp nhất vĩnh cữu.

Cha xứ đã cho anh biết, ngài sẽ dâng thánh lễ vào giờ anh bị xử, và ngài sẽ cho em rước lễ trong thánh lễ đó. Thật là sức mạnh lớn lao cho em và cho anh, thế là cho đến cùng, Chúa đối xử với chúng ta như những con chiên trong đàn chiên của ngài.

Chào em yêu quí, kết hợp hơn khi nào hết, trog sự hòa hợp vô tận. Hôn em với tình yêu mến và tôn trọng”. Anh của em.

VII. HỌC KINH THÁNH

BÀI 19: HÒM BIA VÀ NHÀ TẠM
(XH 25-26)

Những yếu tố khác đáng lưu ý của giao ước là Hòm bia và Nhà Tạm.

1. Hòm bia Giao ước là gì?

Đây là một cái hòm bằng gỗ keo dài 1m20; rộng 0m75; cao 0m75 ( Xh 25, 10-11). Bên trong có hai tấm bia Thập giới ghi Lời Chúa, Man-na và chiếc gậy của Aharon là những vật kỷ niệm (chứng tri).

Quan trọng nhất chính là cái Bàn bằng vàng rồng đặt trên nắp hòm. Hai đầu có trang trí Thiên thần Kêrubim, Bàn nầy được gọi là Bàn xá tội (Xh 25, 17-22). (Bàn nầy tượng trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa Giavê, vì người Do thái không được tạc hình tượng của Chúa, nên Bàn để trống). Máu các vật hy tế sẽ được các thượng tế rảy lên trên Bàn trong ngày xá tội (Máu chỉ cùng một huyết thống, mà chỉ có cha con mới cùng một huyết thống, nên ý nghĩa việc rảy máu để chỉ sự giao hoà giữa cha với con).

2. Nhà Tạm là gì?

Nhà tạm là chiếc lều bao bọc Hòm bia với mười tấm thảm bằng sợi gai mịn se, vải đỏ tía. Chiều dài tấm màn 14 m; rộng 2m. (x. Xh 26, 1tt).

Lời Chúa : “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại. Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ”. (Kh 21, 3).

Cầu nguyện:Xin cho con biết siêng năng chạy đến với Chúa trong Bí tích Thánh thể nơi nhà thờ. Amen.

VIII. QUỚI CHỨC TÌM HIỂU

SẮC LỆNH TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN

1. Thánh Công Ðồng muốn phát động mạnh mẽ hơn việc tông đồ của dân Thiên Chúa, nên chú tâm hướng về các Kitô hữu giáo dân, những người có phần riêng biệt và cần thiết trong sứ mệnh của Giáo Hội, như đã được nhắc đến trong những văn kiện khác. Bởi vì, vốn phát sinh từ ơn gọi làm kitô hữu, việc tông đồ giáo dân không bao giờ có thể khiếm khuyết trong Giáo Hội. Trong những buổi đầu Giáo Hội, việc tông đồ này thật là hăng say và kết qủa biết bao! Chính Thánh Kinh chứng minh cách phong phú điều đó (x. CvTđ 11,19-21; 18,26; Rm 16,1-16; Ph 4,3).

Thời đại chúng ta đòi hỏi người giáo dân phải nhiệt thành không kém, nhất là những hoàn cảnh hiện tại càng đòi hỏi việc tông đồ của họ phải hoàn toàn mạnh mẽ và sâu rộng hơn. Quả vậy, càng ngày dân số càng gia tăng, khoa học và kỹ thuật càng tiến triển, những mối tương quan mật thiết hơn giữa con người không những mở rộng môi trường hoạt động tông đồ giáo dân đến vô hạn, môi trường mà phần lớn chỉ dành riêng cho họ, mà còn tạo nên nhiều vấn đề mới đòi họ phải đặc biệt lưu tâm học hỏi. Việc tông đồ này lại càng trở nên khẩn trương hơn, vì sự biệt lập trên nhiều phương diện của cuộc sống con người như thường thấy, càng gia tăng, đôi khi gây nên một sự tách biệt với trật tự luân lý và tôn giáo, cũng như tạo ra một sự nguy hiểm trầm trọng cho đời sống Kitô giáo. Hơn nữa, trong những miền thiếu linh mục hay khi các ngài không được tự do thi hành chức vụ, thì Giáo Hội khó có thể hiện diện và hoạt động hữu hiệu nếu không nhờ giáo dân cộng tác.

Dấu hiệu cho thấy nhu cầu muôn mặt và khẩn trương ấy chính là hoạt động tỏ tường của Chúa Thánh Thần đang làm cho giáo dân hôm nay mỗi ngày một ý thức hơn phần trách nhiệm riêng của mình và thúc bách giáo dân mọi nơi phục vụ Chúa Kitô và Giáo Hội.

Trong Sắc Lệnh này, Công Ðồng nhằm làm sáng tỏ bản chất, đặc tính và những cách thế của việc tông đồ giáo dân, nêu lên những nguyên tắc căn bản và ban bố những giáo huấn mục vụ để thi hành việc tông đồ ấy cho hiệu qủa hơn. Mọi điều trong Sắc Lệnh này phải được coi như những tiêu chuẩn cho việc xét lại những khoản giáo luật có liên quan đến việc tông đồ giáo dân.

(Trích Sắc Lệnh Tông Đồ Giáo Dân, số 1)

Ý chính:
+ Những lý do Công Đồng đẩy mạnh phong trào Tông đồ giáo dân:
- Là Kitô-hữu, phải làm việc Tông Đồ, theo như nếp sống của Giáo Hội sơ khai.
- Hoàn cảnh hiện tại đòi hỏi việc Tông Đồ của người giáo dân.
- Tình trạng thiếu linh mục, tu sĩ.
+ Ban Quới Chức là một tổ chức nhân sự chính thức và trước tiên của Họ đạo, đảm nhận hoạt động Tông Đồ Giáo Dân.
+ Cần đọc Sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân để các hoạt động của mình theo đúng đường hướng của Hội Thánh, trong hoàn cảnh hiện tại của địa phương.

ĐIỀU LỆ QUỚI CHỨC

“Ta đến để cho chiên được sống, và sống dồi dào” (Ga 10,10).

HỌ ĐẠO là một cộng đoàn tín hữu cụ thể, được thiết lập một cách ổn định trong Hội Thánh địa phương; trách nhiệm mục vụ được trao cho Linh mục chánh sở với tư cách là chủ chăn của Họ đạo, dưới quyền của Đức Giám mục Giáo phận (Gl 521 $ 1).

CHA SỞ được uỷ quyền dẫn dắt Họ đạo. Vì ngài không thể chu toàn hết tất cả cộng việc mục vụ bao la và phức tạp, nên ngài cần có người cộng tác.

BAN QUỚI CHỨC là những người cộng tác với Cha Sở, họ là những tín hữu đã được tuyển chọn và được Giáo Quyền phê chuẩn, để giúp cho công trình mục vụ Họ đạo được kết quả tốt đẹp: lo cho đoàn chiên Chúa được sống dồi dào (Gl 536).

(Trích Điều Lệ Quới Chức, GPVL)

KINH NGUYỆN QUỚI CHỨC

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã kêu gọi chúng con đến thông công vinh dự là góp phần nhỏ mọn vào công việc Tông Đồ của hàng Giáo Phẩm. Chúa đã xin cùng Đức Chúa Cha đừng đem chúng con ra khỏi thế gian, nhưng gìn giữ chúng con khỏi sự dữ.

Xin cho chúng con dư đầy ánh sáng và ân sủng Chúa, để chúng con tiêu diệt trong mình chúng con tà thần tối tăm và tội lỗi. Xin cho chúng con nhận biết nhiệm vụ trung kiên trong điều lành và nhiệt thành chăm lo việc Chúa.

Chúng con sẽ dùng sức mạnh của gương sáng, việc làm và đời sống siêu nhiên, để mỗi ngày thêm xứng đáng với sứ mạng, thêm năng lực trong việc thiết lập và cổ võ giữa anh em đồng loại chúng con Nước Chúa là nước công chính, hoà bình và thân ái. Amen. (Do ĐGH Piô XII soạn).

IX. SỐNG ĐẠO

Sống Đạo theo Tình Cảm ?

Sống đạo do tình cảm, theo tình cảm chưa đủ, chưa tốt lắm!

Chúng ta biết giữ đạo bề ngoài thì không gọi được là sống đạo. Giữ đạo theo lệ thì cũng chưa nói được là giữ đạo. Còn giữ đạo do tình cảm, theo tình cảm thì chúng ta phải nhận định như thế nào? Như thế nào mà gọi được là do tình cảm, theo tình cảm?

Khi còn bé, mẹ dạy mình thuộc kinh, thuộc cả những câu thiệu nói về Chúa, thuộc mà cũng không biết và cũng không hiểu chi cả.

Đến tuổi Rước Lễ, Thêm Sức, nghe cha thầy dạy, mình cũng nghe, cũng thuộc, nói thì mình tin? Như thế cũng nói được phần nào là sống đạo; nhưng thực ra, phần lớn chúng ta chưa suy nghĩ tới: người lớn, người thông đã nói thì mình nhận, thế thôi!

Thấy ông bà, cha mẹ, hoặc những thần tượng (như Dì phước chẳng hạn) giữ đạo giữ đạo nhiệt thành, nên mình có chút cảm nhận: Giữ đạo là tốt, thấy người ta giữ đạo thì bắt chước; cũng có trường hợp bị bắt buộc, không giữ đạo thì đòn. Giữ đạo nhưng thiếu suy nghĩ!

Đến giai đọan trưởng thành, biết dùng lý trí nhiều rồi, đáng lý phải tự suy nghĩ tại sao tôi tin có Chúa, tại sao tôi giữ đạo, nhưng vì từ nhỏ đã bị uốn nắn, nằm trong khuôn khổ nên bây giờ cảm thấy tốt, là giữ thôi! Tóm tắt lại: giữ đạo vì nghe người ta dạy, thấy hay hay mình giữ, mình bắt chước (cũng có thể giữ để được lợi).

Cũng có người lầm tưởng: cảm động, cảm xúc, lúc suy nguyện về cuộc tử nạn, hay tình yêu Chúa, rồi rơi lệ và cho đó là sốt sắng, là giữ đạo nhiệt thành. Không đúng.

Qua cái nhìn trong thực tế cuộc sống đạo do tình cảm, theo tình cảm chúng ta có thể qủa quyết, giả như không có hại, thì ít nữa giữ đạo, sống đạo như thế là chưa đủ, chưa tốt hẳn.

Sao nói được như thế? Xin nêu lên một vài ý nghĩ:

Tình cảm chưa hẳn là tình yêu! Đạo chúng ta là thương yêu và kết hợp, mà tình cảm chưa hẳn là tình yêu. Nếu nghĩ về thú tính thì cảm xúc chỉ là một nhu cầu, còn con người thì nói được, có chút ít tình yêu. (le coeur a des raisons que la raison ne connait pas! Trái tim có những lý lẽ mà lý trí không biết).

Dầu sao tình cảm không thôi, thì không có nền: Vô tri bất mộ. Không biết đối tượng thì yêu thể gì! Không biết người ta thiện hảo, người ta cần cho mình thì làm sao yêu?

Kinh Thánh cũng bảo: Justus ex fide vivit: người công chính (có thể hiểu: người được Chúa yêu và yêu Chúa) sống bởi đức tin; đức hiểu biết). Cần có biết mới yêu.

Trường hợp đặc biệt như Thánh Phaolô trên đường Damát, có thể nói là đây là tiếng sét ái tình mà Chúa ban cho ngài: vừa biết, vừa yêu.

Tình cảm của dân chúng trong cuộc Chúa huy hòang tiến vào Giêrusalem, đã bị cải biến hòan tòan trong vài ngày sau đó.

Tình cảm của Maria Mađalêna ở Bêtania khá dồi dào, ngồi cạnh chân Chúa và đến khi Chúa sống lại, nghe tiếng Chúa, Maria rung động quá nên đã nhào đến ôm chân Chúa! Chúa phản ứng thế nào? Chúa bảo: đừng làm thế, Ta chưa về với Chúa Cha! Chúa không nói rõ, nhưng chúng ta cũng có thể hiểu, đừng để cảm xúc lôi cuốn, tình yêu phải cao, siêu linh thiêng hơn!

Vậy, việc sống đạo của chúng ta không nên chỉ dựa vào tình cảm, mà phải sống hiểu biết, ý thức, nhờ đức tin nâng đỡ soi sáng.

Xin Chúa thêm đức tin cho chúng con, để chúng con tin mến nhiệt thành, nhờ đó bảo đảm cho chúng con được mục đích tối chung là kết hợp với Chúa, sáng Danh Chúa và hạnh phúc đời con.

SỐNG ĐẠO LÀ MỘT CUỘC LỮ HÀNH

Chúa tạo dựng con người có nhân vị riêng biệt, tách rời khỏi Chúa; nhưng Chúa muốn cho con người quy hướng về Chúa, kết hợp với Chúa; do đó, chúng ta quả quyết được sống đạo là một cuộc lữ hành và cũng quả quyết được là phận sự phải đi, đi mãi để về được nhà Cha (tử qui: chết thì về).

Đáng lý có một đường thôi, nhưng nhiều nhà tu đức thường nói có ba đường: thanh đạo, minh đạo, hiệpđạo. Có thể hiểu đó là đường sạch tội (thanh đạo), đường tiến đức (minh đạo) và sau cùng đến đích điểm là kết hợp (hiệp đạo).

Chúng ta có thể mượn hình ảnh của nhà Bêtania để nhận định rõ về ba lối sống đạo và dĩ nhiên, dầu có năm đường bảy lối sống đạo thì cũng qui về một mối là kết hiệp (hiệp đạo).

Chúng ta thử nhìn qua những tâm trạng, những cử chỉ của Martha, Maria và của Lazarô.

Martha linh động hoạt bát…đón Chúa tâm trạng rất vui, tìm mọi cách làm cho Chúa vui, dĩ nhiên, cố tránh những chi Chúa không hài lòng. Có thể đó là hình ảnh của những khởi sinh (bắt đầu sống đạo), thấy cần tiếp đón Chúa, ra sức tránh tội, làm vui lòng Chúa (thanh đạo). Dầu sao cũng còn khuyết đểm. Chúa nhắc nhở Martha: Con lo nhiều chuyện quá, hãy cố chú tâm đến điểm cao siêu hơn.

Đối với Maria, ngồi cạnh chơn Chúa, cả thế giới xem ra không còn chỗ cho Maria để tâm. Maria bám vào Chúa. Chúa là thần tượng…muốn nên giống Chúa, không rời Chúa. Đó là hình ảnh của minh đạo. Đạo phải có đức. Đức chính là Chúa, là nguyên nhân gương mẫu: nhìn Chúa, nên giống Chúa, bám vào Chúa mới có thể có đức. Đạo có đức thì mới là minh đạo.

Còn Lazarô? Phúc Âm không nói chi cả; làm sao chúng ta nhận định ngài là tấm gương hiệp đạo?

Những nhà tu chiêm niệm thường đề cao Lời Chúa: Maria chọn phần nhứt hảo! Thật ra, Maria đã đạt tình trạng đón tiếp Chúa với tình yêu liên kết, nhưng vẫn còn ít nhiều thứ tình yêu cảm xúc (ôm chân Chúa).

Lazarô đón tiếp Chúa vì Chúa là lẽ sống, là chính cái sống của Lazarô (Chúa đã cho Lazarô sống lại). Tiếp đón giao tình, sau đó thương yêu. Sau hai giai đoạn nầy (hai khoảng đường nầy) mới đến cuộc kết hợp. đến lúc kết hợp thì không còn lời nữa. Lazarô thinh lặng trong kết hợp!

Sống đạo là đường, là thời gian mà người tín hữu đón tiếp, giao thiệp rồi lần lượt thương yêu, sau cùng kết hợp. Đúng ra là một cuộc lữ hành tiến về quê. Chúng ta nhận định sống đạo thế nào? Chúng ta đã đến đoạn đường nào. Nếu chúng ta không tiến triển, thì có thể chúng ta chưa biết đạo, hay ít ra chưa sống đạo!

X. TẢN MẠN

KHOẢNH KHẮC

Tôi đi đến đâu, đám trẻ con cũng nhìn chăm chăm vào những cục u trên tay tôi. Tôi bị một căn bệnh di truyền tạo nên những khối u trên cơ thể. Chính thế, trên tay chân tôi thường có những chỗ sưng to lên. Nhưng khi tôi giải thích với những đứa trẻ, chúng chỉ tròn mắt lên như thể tôi đang nói tiếng nước ngoài và có đứa vần nói ra miệng: “Xấu xí khủng khiếp”.

Buổi sáng nay cũng vậy. Khi vào cửa hàng rau qủa, tôi cố đứng nép vào một góc. Nhưng ngay khi tôi bắt đầu chọn những thứ cần mua, tôi thấy một đôi mắt xanh đang nhìn về tôi vẻ hoảng sợ. Tôi ước cô bé mắt xanh đó sẽ bỏ đi. Nhưng cô bé không bỏ đi mà còn gào lên: “Mẹ! Mẹ! Nhìn tay chị kia xem!” Tôi ngẩn lên thấy một phụ nữ đang lau cửa sổ. Có lẽ đó là mẹ cô bé. Cô ấy nhìn con mình, quay sang nhìn tôi, đáp: “Mẹ biết rồi, mẹ biết rồi!” Rồi cô ấy tiếp tục lau cửa sổ. Trong khoảnh khắc, tôi cảm thấy được an toàn hơn, vì có vẻ như người phụ nữ đó coi tôi là một người hoàn toàn bình thường.

Nhưng cô bé mắt xanh không ngừng lại: “Mẹ, nhìn xem đã! Nhìn chị ấy xem!” Tôi cố cúi mặt xuống. Im lặng. Tôi không nghe ai nói gì nữa. Đoán là họ đã bỏ đi, tôi mới ngẩng lên. Người phụ nữ đứng ngay cạnh tôi, tay dắt cô bé mắt xanh. Cả hai người đang nhìn tôi, nhưng ánh mắt người phụ nữ không biểu lộ sự tò mò, hiếu kỳ hay thậm chí ghê sợ như những người bình thường khác. “Có sao đâu con!”, người phụ nữ cúi xuống nhìn cô bé mắt xanh. “Đôi tay chị ấy còn lành lặn. Chị ấy vẫn làm việc giỏi như mẹ và cả con nữa đấy! Con không thấy là chị ấy có đôi mắt rất xinh đẹp hay sao?” Người phụ nữ mỉm cười với tôi, vẫy chào rồi dắt cô con gái vào trong nhà.

Có những người làm cho cuộc sống của bạn trở nên tốt đẹp hơn, qua một khoảnh khắc rất ngắn mà bạn vẫn không bao giờ quên được họ.

JAMIE BENJAMIN (Văn Ký dịch)

XI. NGHỆ THUẬT SỐNG

NHỮNG TIẾNG VANG TRONG CUỘC ĐỜI

Vài năm trước đã diễn ra một đợt nghiên cứu tính cách của 100 nhà tỷ phú ở độ tuổi từ 21 đến 70, là những người tự lập đã tạo dựng nên sự nghiệp của mình. Trong số họ, có những người có bằng tiến sĩ và cũng không thiếu những người chỉ học hết lớp 4 phổ thông. Những điểm khác cũng rất đa dạng.

70% trong số họ, xuất thân từ những địa danh nhỏ, có không quá 15.000 dân. Tất cả đều có một đặc tánh chung: họ đều là những “kẻ săn lùng cái tốt”, nói một cách khác, trong mọi hoàn cảnh, họ có biệt tài nhìn ra được những yếu tố tốt ở mỗi con người.

Chắc hẳn bạn đã nghe kể qua về câu chuyện của một cậu bé trong lúc giận dữ đã hét vào mặt mẹ mình: “Con căm thù mẹ”. Sau đó, vì sợ bị phạt, cậu bé đã chạy qua cánh đồng gần nhà, đứng trước cánh rừng và hét lên: “Tao căm thù mầy…” Cánh rừng trả lời cậu bé qua tiếng vang: “Tao căm thù mầyyy…” Quá ngạc nhiên, cậu bé chạy thật nhanh về nhà và kể với mẹ rằng ở trong rừng có một thằng bé rất đáng ghét dám hét về phía cậu ta rằng: “Tao căm thù mầy”. Người mẹ bế con mình lên âu yếm, rồi hai mẹ con rảo bộ qua cánh đồng. Đứng trước cánh rừng, người mẹ bảo con mình hãy hét rằng: “Tao yêu mầy, Tao yêu mầy”. Cậu bé làm theo không thắc mắc. Lần nầy thằng bé lạ trong cánh rừng cũng đáp lại qua tiếng vọng: “Tao yêu mầyyy…Tao yêu mầyyy…”

Trong cuộc sống cũng tương tự như vậy. Những gì bạn gửi đi sẽ sớm quay lại. Bạn sẽ thu hoặch được những gì mà trước đấy chính bạn đã vun trồng vào đất. Những gì bạn nhìn thấy ở người khác, cái đó cũng có trong bạn. Bạn nhìn nhận người khác như chính hình bóng của mình. Không cần biết bạn là ai, đang làm gì, nếu muốn gặt hái được những gì tốt đẹp nhất trong mọi lĩnh vực, điều trước tiên phải làm là trong mọi hoàn cảnh phải biết khai thác triệt để những gì tốt đẹp từ mỗi con người. Nên coi điều nầy là một quy luật vàng trong cách sống.

Quy Luật Chung nói rằng, cách đối xử với mọi người phụ thuộc vào cách nhìn nhận của bạn dành cho họ. Để tìm được cái tốt đẹp ở mỗi người, điều đơn giản duy nhất cần làm là…tìm. Ai mất công tìm, người đó sẽ tìm được, đó cũng là một Quy Luật Chung. Một khi đã tìm được điều hay, cái đẹp ở ai đó, bạn sẽ nhìn họ với ánh mắt hoàn toàn khác. Hãy chắc chắn một điều rằng không có đợt tìm kiếm nào làm bạn phải thất vọng.

HOÀI BẢO

XII. LỜI CHÚA

- “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành … .ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (Ga 1, 3-4).

- “Thật, tôi bảo thật các ông: ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống” (Ga 5, 24).

772    21-04-2012 09:39:54