Sidebar

Thứ Sáu
17.05.2024

Sám Hối về việc Sám Hối

Sám hối vì chưa sống Bí tích Hòa giải

Nhiều trường hợp, hối nhân đến tòa giải tội vì thói quen, vì nhu cầu tâm lý, vì thể diện, vì chẳng lẽ, vì luật buộc, vì sợ bị phán xét, chứ không phải của hành vi thực sự muốn sám hối để biến đổi cuộc sống.

Nhiều người nghĩ rằng, Bí tích Hòa giải là lá bùa hộ mệnh, là chìa khóa vạn năng, vì thế, chỉ dành ra ít phút bên tòa giải tội, thì sau đó tức khắc trở thành tốt, đạo đức, thánh thiện. Mà họ quên rằng, Bí tích Hòa giải chỉ là khởi đầu cho một quá trình đổi mới, trong đó nguồn lực là Chúa Thánh Thần, nội lực là bản thân, trợ lực là cộng đoàn đức tin. Nhờ đó ơn trở về mới được phát huy mạnh mẽ.

"Con hãy đi và đừng phạm tội nữa" (Ga 8,11). Chúa Giêsu không nói là cứ đi mà thôi, mà là đi và đừng phạm tội nữa. Hành vi quyết từ bỏ tội lỗi mới làm cho nhân phẩm, sự sống, tình yêu được phục hồi. Và mối dây tình nghĩa với Chúa, với nhau mới được hàn gắn, xích lại, trở nên thiện thiện, thân thích và thân yêu.

Sám hối không chỉ là những nghi thức. Nhưng là hành vi trở về thực sự. Trở về từ tình trạng bùn lầy ô nhơ, để được dìm mình vào suối nguồn tha thứ của Chúa, được tẩy rửa bằng bí tích và thay bằng chiếc áo tình thương sáng chói. Nhờ đó, ta sẽ sống một đời sống mới thơm tho, dứt khoát không quay đầu trở lại với quá khứ hôi tanh tục lụy.

Sám hối là đổi mới cuộc sống, sống tốt, đây chính là bằng chứng xác thực cho việc trở về của mình là đúng.

Sám hối vì đã xúc phạm đến nhau

"Anh em là chi thể trong Nhiệm thể Chúa Kitô" (1Cr 13,27). Vậy mà nhiều người lại không nhận ra tầm mức quan trọng của từng chi thể trong một thân thể duy nhất, vì vậy, sẵn sàng coi thường, chà đạp, xúc phạm mà không cảm thấy đớn đau, tiếc nuối hay chua xót.

Mọi sự tốt lành đều bởi Chúa mà ra. Đó là vũ trụ thiên nhiên, đó là con người, là các thánh. Vậy mà nhiều người đã xúc phạm thô bạo đến công trình tạo dựng của Thiên Chúa, khi làm cho nó trở nên xấu đi, ô nhiễm,̀ tàn lụi và hủy diệt.

Con người là hình ảnh của Thiên Chúa, vậy mà chính hình ảnh này lại bị xúc phạm nặng nề, thô bạo. Hình ảnh đẹp này ngày càng trở nên xấu đi, khiến ta khó nhận, khó tin nhau hơn.

Ngày nay, người ta có thể xúc phạm đến người khác một cách dễ dàng, nhanh chóng không cần đắn đo hay do dự, mà chẳng thèm suy nghĩ về những ảnh hưởng xấu thế nào đến tâm lý, thể lý, đến cuộc sống của họ.

Mỗi người là chi thể, vì thế, phải có trách nhiệm làm cho toàn thân được sạch sẽ, khỏe mạnh, thơm mát. Đây không phải là chuyện thích hay không thích, nhưng là bổn phận phải làm để bảo tồn, phát triển và thăng tiến mà ta phải hoàn thành để làm đẹp cho công trình mà Thiên Chúa tạo dựng, qua hình ảnh con người.

Thực tế, vì tiền bạc vật chất, vì địa vị chức quyền, vì ghen tương ghen tị mà người ta sẵn sàng chà đạp, tẩy chay người khác để thu lợi về mình, bất luận người kia là gì, trong đó có người thân, vợ chồng, anh em, cha mẹ, đồng nghiệp, xóm làng, bạn bè...

Và rồi, khi cần phải sám hối, thì chỉ biết đến Chúa, xin lỗi Ngài, còn anh em vốn đang thê thảm, đau khổ, thất vọng do mình gây ra, thì lại quên, không xin lỗi, cũng chẳng bồi thường thiệt hại cho họ.

Sám hối không chỉ là hòa giải với Chúa qua Bí tích Hòa giải, mà còn phải làm hòa và trả lại công bằng cho anh em mình nữa.

Sám hối vì đã thiếu sót đối với cộng đoàn

Sám hối là một đòi hỏi bắt buộc và khẩn thiết cho từng người trong tiến trình nên thân và nên thánh. Vì ta được dựng nên, được đặt vào một cộng đoàn sống động để sống chung, sống với, sống trong họ.

Vì thế, mỗi người đều phải có trách nhiệm với cộng đoàn sống của mình, để duy trì sự hiệp nhất, cộng tác xây dựng, tạo bầu khi yêu thương, hòa hợp, hòa đồng. Nhờ đó, cộng đoàn luôn mạnh mẽ, đầy sức sống nhờ biết tin tưởng và gắn bó với nhau.

Muốn vậy, không phải là mọi người vì mình, nhưng là, mình vì mọi người. Mỗi người luôn phải liên đới với nhau, đồng trách nhiệm, cùng tham gia xây dựng và phát triển.

Cuộc sống của mình có liên quan và ảnh hưởng đến những người xung quanh. Vì thế, mọi hành vi lời nói và việc làm của mình, nhất thiết phải được xem xét kỹ lưỡng, tránh để ảnh hưởng đến người khác, gây hậu quả xấu cho nhau.

Một cộng đoàn phát triển và thăng tiến được, thì mỗi người cần phải có tầm và có tâm. Tầm nhìn rộng và tâm phải cao. Thiếu tâm nên tầm thường bị hạn chế, co cụm, đóng khung, khép kín.

Như một số người, tầm nhìn rất hạn chế, phía trước thì tới cổng, tới bờ rào, đàng sau thì tới chuồng trại, ao đìa. Ngoài ra chẳng cần biết đến ai, họ ra sao và thế nào. Họ ra sao mặc kệ, còn tôi, tốt là được.

Sám hối là biết nghĩ, biết nhìn đến người xung quanh và chăm sóc cho cộng đoàn sống, giống như ta chăm sóc cho bản thân mình vậy. "Ngươi hãy yêu người thân cận như chính mình vậy" (Mt 22,39).

Sám hối là đổi mới cuộc đời

Những giá trị trừu tượng, bên trong, phải được biểu lộ ra bên ngoài, cụ thể. Như tha thứ, tình yêu, tình cảm, cảm xúc, lòng sám hối.

Vì thế, nếu nói là tôi thương, tôi yêu, tôi sám hối ở trong lòng là được, đây chỉ là cách biện minh cho sự giả tạo và dối trá của mình mà thôi. Thánh Giacôbê nói: "Đức tin không việc làm là đức tin chết. (Gc 2,15). "Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin" (Gc 2,18).

Giống như cha mẹ và con cái, việc cha mẹ tha thứ cho con cái không phải là vấn đề quá lớn, nhưng ưu tư hàng đầu vẫn là, chúng có hoán cải, có làm lại cuộc đời, có sống tốt hơn không.

Cũng vậy, việc lãnh Bí tích Hòa giải không là vấn đề lớn đối với Thiên Chúa và Giáo hội, nhưng quan tâm hàng đầu của Ngài vẫn là, người này có chịu thay đổi đời sống để trở nên tốt lành hơn không.

Câu truyện Thánh kinh. Có một người phụ nữ tội lỗi công khai trong thành đã theo chân Chúa Giêsu, khi Ngài đến nhà người Pharisêu để dùng bữa. Cô ta đã dùng tóc mà lau chân Chúa, lấy nước mắt mà tưới chân, rồi hôn chân Ngài. (x. Lc 7,36-50).

Hình ảnh người phụ nữ trên thật tuyệt vời về lòng sám hối thực sự từ bên trong, thể hiện ra bên ngoài qua việc thay đổi, chọn Chúa, dâng hiến trái tim, thân xác và tâm hồn cho Chúa.

Về mái tóc. Cái răng cái tóc là vóc con con người. Mái tóc tạo nên dáng vẻ đẹp đẽ yêu kiều, cùng với bước đi nhẹ nhàng, quần áo kín đáo sẽ tạo nên nét đẹp của người phụ nữ. Vậy mà cô dám dành trọn thân xác, qua mái tóc của mình, thay vì để cho người khác, giờ chỉ dành cho Chúa mà thôi.

Sám hối của cô là dâng trọn thân xác cho Chúa.

Đôi mắt: Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Qua đôi mắt người ta có thể đọc được phần nào tâm hồn của người đó. Cô đã dùng những giọt nước mắt chảy ra từ đáy lòng để rửa chân Chúa. Với lòng sám hối, những giọt nước mắt khi chảy ra cũng lôi kéo theo mọi thứ cặn bã, ô nhơ, hôi thối ra khỏi tâm hồn, để tâm hồn được trở nên sạch và trống rỗng, nhờ đó, Thiên Chúa mới đổ tràn đầy lòng cô ơn tha thứ, bình an và hoán cải.

Sám hối của cô là dâng trọn tâm hồn cho Chúa.

Đôi môi: Cha mẹ hôn con cái trên trán. Bạn bè, đồng nghiệp hay xã giao thì hôn nhau bằng má. Nhưng đôi môi thì chỉ dành cho tình nhân, tình yêu, vợ chồng.

Với trái tim tình yêu nồng nàn, thay vì dành cho người khác, cô dành để hôn chân Chúa. Cô không còn hôn lấy những thứ trần tục, bụi đời, xác thịt, nhưng là hôn lấy Đấng Thánh, kín múc tình yêu của Ngài, giúp tẩy rửa cuộc đời cho thêm trong trắng và tinh tuyền.

Sám hối của cô là dâng trọn trái tim cho Chúa.

Và cùng với thái độ khiêm tốn quỳ rạp xuống, khiến người ta phải cảm động, khiến Chúa phải giơ tay nắm lấy và lôi ra khỏi vũng bùn cuộc đời để sống lại bằng đời sống mới.

Ta hãy suy nghĩ về cách sám hối của mình. Sám hối thực sự chính là từ bỏ tội lỗi để trở đường công chính, thành người tốt, luôn chọn Chúa, sẵn sàng đi theo, sẵn lòng dâng trọn thân xác, vui lòng dâng hiến tâm hồn và luôn vui mừng hiến dâng trái tim cho Chúa.

Hãy quyết tâm theo Ngài, nhờ Ngài và trong Ngài, để được cùng Ngài hưởng vinh phúc vinh quang trong nước Hằng Sống.

Thanh Thanh (nguồn danchuausa)

883    18-03-2011 16:27:30