Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Sống Sứ Mạng Chứng Nhân - Tháng 03 năm 2007

CHỦ ĐỀ: SỐNG SỨ MẠNG CHỨNG NHÂN

I. THƯ MỤC VỤ số 4

Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã củng cố niềm tin của các tông đồ, mở trí cho các ngài hiểu Thánh Kinh và trao cho các ngài sứ mạng ra đi rao giảng cho muôn dân, kêu gọi thống hối để được ơn tha tội. Người khẳng định: "Chính anh em là chứng nhân về những điều này" (Lc 24,48).

Từ đó, sống chứng nhân là cách thế biểu thị sống động nhất về sức mạnh yêu thương cứu độ của Thiên Chúa. Cũng như Chúa Giêsu đã đến trần gian không để tìm vinh quang cho chính mình, nhưng là để làm vinh danh Thiên Chúa và cứu độ con người, Kitô hữu bước theo Chúa Giêsu để được Tin Mừng của Người biến đổi, và qua đó họ trở nên những người đem Tin Mừng cho thế giới này.

Nếu trong đời sống Kitô hữu, Chúa Giêsu thực sự là điểm quy chiếu và là chuẩn mực giúp nhận định giá trị các hành vi, thì sự hiện diện tích cực qua việc sống đạo của Kitô hữu trong xã hội sẽ trở thành lời chứng về những giá trị căn bản của Tin Mừng và trở nên dấu chỉ của niềm hạnh phúc Nước Trời.

II. DẪN GIẢI

1. Chúa soi sáng cho biết và trao sứ mạng chứng nhân.
2
. Sống biểu thị sức mạnh yêu thương của Chúa, đó là sống chứng nhân.
3.
Đón nhận Tin Mừng rồi đem Tin Mừng cho thế giới cũng là chứng nhân.
4.
Sống theo gương Chúa cũng là lời chứng cho Tin Mừng.

III. CHUYỆN MINH HỌA

CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI MÙ

Mọi cặp mắt trên xe buýt đổ dồn vào cô gái trẻ đẹp với cây gậy trên tay đang bước một cách cẩn thận lên xe. Trả tiền xong cô gái sờ tay tìm chỗ ngồi ở dãy giữa mà viên tài xế báo là còn chỗ trống. Đến được chỗ cô ngồi xuống, đặt cặp tài liệu vào lòng và dựa cây gậy sát vào chân.

Đã tròn một năm kể từ ngày Susan bị mù do bệnh. Từng là một phụ nữ có ý chí mạnh mẽ, giờ đây Susan cảm thấy như định mệnh trớ trêu đã biến cô trở thành một con người bất lực, vô tích sự và là gánh nặng cho mọi người xung quanh.Cô trở nên trầm cảm, dù trước đây cô luôn lạc quan, yêu đời. Chỗ dựa duy nhất của cô giờ đây chính là Mark - chồng cô.

Mark là sĩ quan không quân và là người rất mực yêu vợ. Kể từ khi Susan mất đi đôi mắt, nhận thấy vợ rơi vào nỗi tuyệt vọng khốn cùng anh quyết tâm giúp cô lấy lại sức mạnh và sự tự tin cần thiết.

Cuối cùng thì Susan cũng đã sẵn sàng trở lại nơi làm việc với công việc thích hợp với cô, nhưng cô sẽ đi làm bằng cách nào đây? Cô đã từng đi xe buýt nhưng giờ đây lại sợ hãi khi nghĩ đến việc phải tự lần mò lên xuống xe. Mark đưa đón vợ bằng xe hơi mỗi ngày dù nơi làm việc của hai người trái đường nhau. Ban đầu chuyện này khiến cho Susan cảm thấy an ủi và Mark cũng an lòng khi bảo về được vợ. Tuy nhiên chẳng bao lâu Mark nhận ra rằng việc này không đem lại hiệu quả và đáp ứng đúng mục tiêu anh đề ra. Trong thâm tâm anh nghĩ Susan cần thay đổi thì mới mong tìm về với con người ngày xưa của cô. Nhưng làm sao để mở miệng đề nghị khi cô vẫn còn dễ xúc động và hay giận dữ.

Việc gì đến cũng pải đến. Khi nghe Mark đề nghị, Susan cảm thấy tổn thương và cay đắng nói: “Em bị mù mà! Em không thể tưởng tượng được mình có thể tự thân đi mà không có anh giúp đỡ. Em cảm thấy anh đang bỏ rơi em”. Trái tim Mark đau nhói khi nghe cô nói nhưng anh vẫn giữ nguyên ý định của mình. Anh hứa với cô mỗi sáng và tối sẽ cùng đi xe buýt với cô cho đến khi nào cô có thể đi một mình được.

Hai tuần liên tục trôi qua, Mark trong bộ quân phục luôn đồng hành đi và về với Susan mỗi ngày. Anh dạy cô cách dựa vào các giác quan và khả năng phán đoán của mình, đặc biệt là khả năng thính giác để xác định nơi mình đi đến và hội nhập với môi trường mới. Anh giúp cô tạo mối giao hảo với các tài xế xe buýt để họ giúp cô tìm chỗ ngồi thích hợp. Thế rồi nụ cười cũng đã trở lại trên đôi môi của cô. Mỗi sáng hai vợ chồng cùng nhau đi suốt hành trình và Mark cũng đều đặn đón tàu điện ngầm để trở lại nơi làm việc của anh. Mặc dù việc làm này khó khăn và tốn kém hơn việc Mark lái xe đưa Susan đi làm nhưng anh biết cần phải có thời gian thì cô mới có thể tự đi làm một mình mà không cần có anh đi theo nữa.

Anh tin rằng Susan là người không sợ thách thức và không hề cam chịu. Cuối cùng thì cô đã tự mình đi xe buýt đến chỗ làm mà không cần có Mark bên cạnh. Một buổi sáng trước khi rời nhà, cô ôm lấy Mark mà nước mắt tuôn rơi và cảm ơn anh - một người chồng trung thành, kiên nhẫn, yêu thương vợ hết mực, đây là ngày đầu tiên hai người tự đi làm một mình mà không có người kia cùng đi.

Ngày lại ngày trôi đi, giờ đây Susan đã lấy lại sự tự tin và thanh thản đón chờ cuộc sống cho dù đôi mắt không còn nữa.

Một buổi sáng khi lên xe buýt và trả tiền xe như thường lệ người tài xế đã buột miệng nói: “Tôi thật ghen tị với cô, cô bạn”.

Không biết có phải ông ta đang nói tới mình không và cô nghĩ mấy ai đi ganh tị với một phụ nữ mù phải cố gắng can đảm sống hết quãng đời còn lại , tò mò Susan hỏi lại người tài xế : “Tại sao ông lại nói rằng ông ganh tị với tôi?”

Người tài xế trả lời: “Ai cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc khi được quan tâm, chăm sóc và bảo vệ như cô, cô bạn ạ”. Không hiểu người tài xế muốn nói gì , cô lại hỏi: “Ông muốn ám chỉ điều gì?”.

Người tài xế tiếp: “Cô biết không, mỗi buổi sáng đều có một anh chàng đẹp trai trong bộ quân phục đứng ở góc đường quan sát khi cô xuống xe buýt. Anh ta luôn muốn biết chắc rằng cô qua đường an toàn và anh ta nhìn theo cho đến khi cô bước hẳn vào văn phòng làm việc. Rồi anh ta gửi cho cô một nụ hôn gió trước khi đi khỏi. Cô thật là người may mắn!”.

Những giọt nước mắt hạnh phúc rơi xuống má Susan. Dù cô không thấy anh nhưng cô luôn cảm nhận được sự hiện diện của Mark. Cô thật sự hạnh phúc bởi anh đã cho cô món quà tinh thần mạnh hơn cả ánh nhìn, một món quà có thể cảm nhận rõ ràng “món quà của tình yêu có thể đem lại ánh sáng đến những nơi tối tăm nhất”..

Người ta nói tình yêu đi từ trái tim đến với trái tim. Người có lòng yêu thương thì ở đâu cũng thấy có nhu cầu cần được thương yêu. Người có lòng với người nghèo thì ở đâu cũng thấy có người cần được giúp đỡ. Người thật sự có lòng tin, cậy, yêu mến Chúa, thì ở đâu và trong bất cứ việc gì cũng thấy có bổn phận phục vụ Chúa, bằng tất cả tình thương yêu.

IV. DIỄN GIẢI

Trước khi về trời Chúa Giêsu đã trao lại cho các Tông đồ sứ mạng làm chứng cho tình yêu cứu độ của Chúa: "Chính anh em là chứng nhân về những điều này" (Lc 24,48). Như vậy, nhiệm vụ của chúng ta, các Kitô hữu là yêu thương như Chúa yêu, để tha nhân cảm nhận chính họ được Chúa yêu thương, vì “sống chứng nhân là cách thế biểu thị sống động nhất về sức mạnh yêu thương cứu độ của Thiên Chúa” (TMV số 4). Đức ái cũng chính là linh hồn của sứ mạng truyền giáo (Sứ Điệp Truyền Giáo 2006, ĐGH Bênêđictô XVI).

Theo Đức Thánh Cha Bênêđicto XVI, sứ mạng truyền giáo (làm chứng cho Chúa) nếu không được định hướng bởi đức ái, nếu không phát sinh từ chính tình yêu của Thiên Chúa, thì đó chỉ là công việc từ thiện, bác ái xã hội mà thôi.

Tình yêu mà Thiên Chúa dành cho nhân loại là ban sự sống cho chúng ta, sự sống mà nguyên tổ chúng ta đã đánh mất và tình yêu ấy được thể hiện qua Đức Giêsu Kitô Con Một Thiên Chúa. Sứ mạng cứu rỗi yêu thương của Thiên Chúa được đúc kết qua lời thánh Gioan: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống”. (1Ga 4,9). Và như vậy, các Tông đồ và Giáo Hội tiếp bước sau nầy, được mời gọi làm chứng cho Chúa tức là làm chứng cho Đấng đã chết và sống lại vì yêu thương chúng ta.

Thật vậy, khi nhìn lên Chúa Giêsu chịu treo trên thập giá, chúng ta cảm nhận tình yêu của Thiên Chúa đã dùng khổ giá để hoán cải, để giao hòa, cứu chuộc: “Chính trong mầu nhiệm Thập Giá mà Thiên Chúa Cha mặc khải một cách trọn vẹn sức mạnh bất khả kháng của lòng thương xót của Ngài. Để chinh phục lại tình yêu của thụ tạo, Ngài đã bằng lòng trả một giá rất lớn: đó là máu của Người Con Duy Nhất của Ngài. Sự chết đối với Ađam thứ nhất, là một biểu hiện của cô độc và bất lực, giờ đây đã được biến đổi trong hành vi tuyệt đối của tình yêu và tự do của Ađam mới”. (Thư Mục Vụ Mùa Chay 2007, GPVL).

Chính tình yêu của Chúa Cha qua Chúa Giêsu Kitô có khả năng chuộc lại mọi người khỏi sự dữ và cái chết. Trong Chúa Kitô, sự sống đời đời là chính sự sống của Chúa Ba Ngôi được trao ban cho chúng ta. Và Thập giá chính là hình thức biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa một cách triệt để nhất, hành vi tột đỉnh của yêu thương: “Chúa Giêsu tự hiến chính mình, để nâng con người lên và cứu rỗi họ” (Thông Điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, n. 12) . Từ tình yêu trên Thánh giá, Thiên Chúa mời gọi chúng ta cũng hãy yêu thương giống như Người. Yêu thương vô vị lợi. Yêu thương cho đến cùng. Và yêu thương vì Chúa. Yêu bằng tình yêu của Chúa thông ban.

Hơn nữa, nơi Phòng Tiệc Ly Chúa Giêsu đã truyền cho các Tông đồ “một lệnh truyền mới là hãy yêu thương nhau” (X. Ga 15, 17). Như vậy, tình yêu thương của các môn đệ Chúa bắt nguồn từ tình phụ tử của Thiên Chúa. Thánh Gioan viết: “Bất cứ ai yêu thương đều được sinh ra bởi Thiên Chúa và biết Thiên Chúa”. (1Ga 4, 7). Do đó, việc truyền giáo hay làm chứng cho Chúa phải được xuất phát từ tình thương của Chúa, theo mẫu gương của Chúa, nghĩa là phải sống trong Chúa và nhờ Chúa để yêu thương anh em mình một cách đích thực.

Như vậy, để có thể hoàn toàn tự do dấn thân làm chứng cho Chúa chúng ta cần phải yêu như Chúa yêu và yêu trong Chúa. Đây chính là đều căn bản và trọng tâm của việc truyền giáo: “Linh hồn của mọi hoạt động truyền giáo là tình thương; chính tình thương nầy luôn là động lực thúc đẩy cho việc truyền giáo và la tiêu chuẩn duy nhất cho tất cả những gì cần được làm hay không được làm…” (Thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế, n. 60).

Là nhà truyền giáo, có nghĩa là yêu mến Thiên Chúa với trọn cả con người mình, cho đến mức độ hy sinh, nếu cần, chính mạng sống mình vì Chúa. Biết bao linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân, cả trong thời đại chúng ta hôm nay, đã hiến dâng cho Chúa chứng tá tột cùng của tình yêu qua cuộc tử đạo!”

”Là nhà truyền giáo, là cúi mình xuống, như người Samaritanô nhân lành, chăm sóc cho những nhu cầu của tất cả mọi người, nhất là của những kẻ nghèo cùng nhất, và cần được giúp đỡ nhất, bởi vì ai yêu thương bằng con tim của Chúa Kitô, thì không mưu tìm ích riêng, nhưng chỉ tìm vinh danh Thiên Chúa Cha và điều thiện hảo cho nguời lân cận. Chính đây là bí quyết cho sự phong phú tông đồ của hoạt động truyền giáo, một hoạt động vượt qua những ranh giới và những nền văn hoá, một hoạt động đến với các dân tộc và được phổ biến cho đến tận cùng thế giới”. (Sứ Điệp Truyền Giáo 2006, ĐGH Bênêđictô XVI).

Cuối cùng việc phục vụ cho Tin Mừng, chính là làm chứng cho tình yêu của Chúa “linh hồn của việc truyền giáo” là bổn phận của tất cả mọi tín hữu, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Mọi người: già trẻ, bé, lớn, đều “góp phần vào việc mở mang Nước Chúa trên trần gian, bằng lời cầu nguyện và bằng sự cộng tác của họ trong nhiều cách thế khác nhau”. (Sứ Điệp Truyền Giáo 2006, ĐGH Bênêđictô XVI).

Chúng ta đang sống trong những ngày Mùa Chay. ĐGH Bênêđictô XVI trong Sứ Điệp Mùa Chay 2007, cũng như Thư Mục Vụ của Đức Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long mời gọi chúng ta đáp lại tình yêu của Chúa bằng cách đón nhận tình yêu của Chúa va thông truyền tình yêu ấy cho anh em mình: “Lời phúc đáp mà Chúa rất khát khao chờ đợi từ chúng ta, trước tiên là đón nhận tình yêu của Người và để Người lôi kéo chúng ta. Thế nhưng, đón nhận tình yêu của Người vẫn chưa đủ. Còn phải đáp ứng tình yêu ấy bằng cách dấn thân thông truyền tình yêu nầy cho những người khác: Chúa Kitô thu hút tôi đến với Chúa để kết hợp với tôi, để tôi học biết yêu thương anh chị em của tôi bằng cũng một tình yêu ấy” (Sứ Điệp Mùa Chay 2007).

Tình yêu đích thực hay đức bác ái xuất phát từ chính Thiên Chúa. Chúng ta đón nhận tình yêu của Thiên Chúa để có thể yêu thương anh em mình với tâm tình mà Chúa yêu thương chúng ta.

Lạy Chúa xin cho chúng con thật sự cảm nghiệm tình yêu thương của Chúa, để chúng con có thể yêu thương anh em bằng sức mạnh tình yêu của Chúa. Amen.

KIỂM ĐIỂM.

1. Có nhận định mình đã lãnh nhận sứ mạng làm chứng nhân không ?
2.
Có biết mình có phận sự đối với anh em không ?
3.
Tôi có phần nào phải trả lẽ về đời sống anh em không ?
4
. Tôi có làm gì, có sống thế nào, ít ra có thể giúp anh em thấy được Chúa và tìm đến Chúa ?

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Là một Kitô-hữu, tự bản chất, chúng ta có sứ mạng làm chứng cho sự hiện diện của Chúa Kitô và ơn cứu độ của Ngài. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:

Chúa Giêsu phán: “Chính các con là chứng nhân cho những điều ấy”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, tuỳ địa vị riêng mình, luôn làm chứng cho ơn cứu độ của Chúa, hằng sẵn sàng ban phát cho mọi người.

Chúa Giêsu phán: “Các con là muối cho đời”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu luôn làm chứng cho tình yêu của Chúa Kitô, làm cho trần gian thêm tươi đẹp, và xa lánh mọi sự dữ cùng mọi thói hư tật xấu.

Chúa Giêsu phán: “Các con là ánh sáng cho trần gian”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu, dùng cuộc sống mình mà làm cho khắp nơi trên trần thế, toả sáng niềm tin Chúa Kitô phục sinh ban ơn cứu độ,

Chúa Giêsu phán: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, năng tham dự thánh lễ, lãnh nhận các bí tích, đọc kinh sáng tối, và thực hành lời Chúa.

Kết thúc:Lạy Chúa, chúng con có sứ mạng làm cho danh Chúa được cả sáng. Xin Thánh Thần Chúa liên kết chúng con nên một trong Chúa Kitô, để mọi việc làm và lời nói chúng con, đều làm cho muôn dân nhận biết Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

NÊN THÁNH BẰNG TỰ HIẾN TỪNG PHÚT GIÂY

Trong Thông Điệp Mysterium Fidei, 1965, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói : "Giáo Hội đã học hiến dâng chính mình trong hy lễ Giáo Hội dâng, như là hy lễ chung cho mọi người, áp dụng cho phần rỗi thế gian sức mạnh cứu chuộc, duy nhất và vô biên của hy lễ Thập giá".

Thư gửi tín hữu Do thái viết: "Đức Kitô đã hiến dâng chính mình làm lễ tế duy nhất để đền tội cho nhân loại" (Dt 10,10). Là thân thể của Đức Kitô, Giáo Hội cũng dâng hiến với Đức Kitô-Thủ Lãnh, nhờ Người, với Người và trong Người. Là Kitô hữu, chi thể của nhiệm thể Đức Kitô, mỗi người chúng ta đều được hiến dâng và dâng chính mình "như một lễ vật sống động trong Đức Kitô" (KNTT IV).

Bởi thế, lời chúc cuối lễ: "Lễ xong, chúc anh chị em về bình an" của linh mục nhắc nhủ chúng ta rằng: nếu trong thánh lễ chúng ta đã thật sự kết hiệp với Đức Kitô, để dâng lên Chúa Cha những hy sinh của chúng ta, thì khi trở về với đời thường, chúng ta cũng hãy mang lấy tâm tình dâng hiến ấy.

Hãy cố gắng chu toàn mọi công việc dù nhỏ bé tầm thường nhất vì lòng yêu mến Chúa. Chính lòng yêu mến này sẽ biến những công việc tầm thường nhỏ bé ấy thành những sợi chỉ vàng dệt nên tấm vải cuộc đời, làm cho đời sống chúng ta có một giá trị thiêng liêng to lớn trước mặt Thiên Chúa. Đó là nổ lực nên thánh của mỗi Kitô hữu, cũng là “điểm căn bản trong việc xây dựng con người mới, là làm sao để bản thân mỗi người ý thức và sống đúng phẩm giá của mình”. (TMV / 2006, 5ab).

Những hy sinh, những vất vả, và cực nhọc, những khổ đau buồn phiền, chúng ta chấp nhận vì lòng yêu mến Chúa sẽ là những lễ vật nhỏ bé xuất phát từ lòng cuộc đời, để rồi kết hiệp với hy tế của Đức Kitô mà dâng lên Chúa Cha mỗi khi ta tham dự thánh lễ. Do đó, sống từng phút giây của đời thường nhờ Đức Kitô, với Đức Kitô và trong Đức Kitô là tình yêu tự hiến, là của lễ cao quí dâng tiến Chúa Cha, có giá trị cứu rỗi.

"Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn" (Lc 16,10). Trong một đời sống thánh thiện, không có chi tiết dù nhỏ nhặt đến đâu lại không in dấu ân sủng. Mọi hành động dù to hay nhỏ trong đời ta, cũng đều bắt nguồn từ một trạng thái tâm hồn đáng thưởng hay đáng phạt. Chính vì thế , cùng một hành động mà có thể đáng thưởng ở người này, và đáng phạt ở người kia.

Một tâm hồn quảng đại, không quảng đại nhờ kích thước to lớn của các việc họ gặp, nhưng nhờ tâm hồn của họ có một cái gì làm cho mọi sự nên to lớn nơi họ. Cũng vậy, các vị thánh nhìn thấy trong mọi sự, một phản ảnh của Thiên Chúa; các vị thánh nhìn thấy trong mọi việc, một thánh ý của Thiên Chúa; các vị thánh nhìn thấy trong mọi bổn phận, một lời mời gọi của Thiên Chúa.

Từ khi Con Thiên Chúa xuống thế làm người, mọi sự ở trần gian này đều có một kích thước đời đời, nhận biết điều ấy là điều cao quý, nhưng sống theo nhận biết đó mới làm cho ta đáng được thưởng. Con người sang hèn không ở tại sự vật, mà ở tại lòng người. Việc tốt mà làm với ý xấu thì cũng không nên tốt được.

Mọi việc điều có thời của nó. Đừng chờ đợi các việc lớn mà bỏ các việc nhỏ. Làm tốt các việc nhỏ sẽ sửa soạn cho ta làm tốt các việc lớn sắp xảy đến. Thánh nữ Têrêsa Giêsu Hài Đồng là một mẫu gương: con đường nhỏ, tự hiến từng phút giây. Nên nhớ là giây phút hiện tại chỉ đến với tôi có một lần và không bao giờ trở lại. Trong giây phút hiện tại, Thiên Chúa đã trao cho tôi hoàn thành một trọng trách, Người không trao cho người khác. Vì thế, nếu tôi không hoàn thành, thì đời đời sẽ có một lỗ trống trong chương trình của Người.

Trong đời người, không có gì là dửng dưng, việc gì cũng được hoàn thành trong tinh thần nào đó và hướng về mục đích gì đó. Trong vấn đề tội - phúc cũng vậy, đừng nói rằng có những việc chẳng hề chi, việc gì cũng có một giá trị vĩnh cửu, bởi ai thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, sẽ gặp Người ở khắp mọi nơi, nhưng ai lẫn tránh Thiên Chúa, cũng sẽ gặp Người ở khắp mọi nơi.

Thiên Chúa đã đặt con người làm chủ vũ trụ, để vũ trụ làm theo mục đích của con người, nhưng con người phải làm theo mục đích của Thiên Chúa ấn định cho họ. Vì thế, khi ta hy sinh mục đích của Thiên Chúa cho mục đích loài người, và mục đích loài người cho mục đích của thiên nhiên, thì ta đã gây một xáo trộn rất lớn.

Mọi giây phút đều như nhau ở chỗ giây phút nào cũng mang lại cho ta một giá trị đời đời. Giây phút nào cũng được đánh giá theo sự phong phú của Thiên Chúa và sự phong phú của bản thân ta. Mỗi giây phút đều đem lại cho ta cái điều mà ta đợi chờ, nếu ta lơ là với hiện tại mà chỉ nghĩ đến tương lai, thì giây phút đó sẽ trôi qua với những gì nó có, để cống hiến cho ta. Mọi giây phút đều trôi qua, nhưng giá trị đời đời sẽ ở lại, nếu ta biết giữ lấy nó.

Sự sống thật mà Thiên Chúa dành cho tôi ở trong tầm tay của tôi, tôi chỉ cần phải tin và yêu là tôi có thể đương đầu với sự chết. Cũng như muốn đạt đến linh hồn thì phải nhờ đến thể xác, muốn đạt đến sự sống đời đời cũng phải nhờ đến thời gian. Người anh hùng dù có chết yểu cũng sống hiên ngang, tích cực. Kẻ tiểu nhân dù tồn tại lâu dài cũng chỉ là sống thoi thóp. Như vậy, phải có cái gì thuộc thời giờ mà không bị đo lường bởi thời giờ. Cái đó mới quan trọng cho ta: Mọi giây phút đều trôi qua, nhưng giá trị đời đời sẽ ở lại, nếu ta biết tự hiến từng phút giây.

Đời ta chỉ có một lát, nhưng phải có nó thì trí tuệ và lòng muốn của tôi mới có thể ngụp lặn trong sự thiện hảo bất diệt. Do đó, đừng đánh mất thời giờ, kẻo mất luôn cả đời đời.

Thời giờ đã qua thì không bao giờ trở lại, nuối tiếc chẳng ích gì. Phải lo chuộc lại những gì đã mất trong hiện tại, vì lúc nào Thiên Chúa cũng vẫn chờ đợi và gõ cửa để ban cho ta sự sống đời đời. Còn thời giờ thì còn hy vọng. Chỉ tuyệt vọng với những ai không còn thời giờ để mà chuộc lại lỗi lầm.

VII. HOC KINH THÁNH

Bài 15: CHÚA CỨU DÂN NGÀI
(Xh 13-15)

1/ Cuộc giải phóng và cuộc vượt qua Biển Đỏ xảy ra như thế nào?

Dân Israel trốn vào sa mạc để tiến về miền đất Canaan . Môisê dẫn dân đi về phía Biển Đỏ, nhưng quân Pharaon đuổi theo dân Israel và đã đuổi kịp họ. Tuy nhiên quân Ai cập đã bị tiêu diệt do việc nước Biển Đỏ ập lại nhanh chóng. Đây là một hiện tượng thiên nhiên lạ lùng gây nên bởi quyền phép Thiên Chúa. Chính Ngài đã can thiệp để dân Israel đi qua Biển Đỏ an toàn.

2/ Cuộc “vượt qua” thứ hai nầy có ý nghĩa gì đối với dân Israel ?

Dân Israel không bao giờ được quên vì Thiên chúa đã cứu họ khỏi một đế quốc mạnh nhất thời đó. Đồng thời qua những phép lạ ấy Thiên Chúa đã chứng tỏ quyền năng, lòng từ bi và sự hiện diện của Ngài bên cạnh họ.

Lời Chúa: “Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi. Người là Chúa tôi thờ, xin dâng lời vinh chúc, Người là Chúa tổ tiên, xin mừng câu tán tụng” (Xh 15, 2).

Cầu nguyện: Xin cho con biết sống Bí tích Rửa tội bằng việc tuyên xưng đức tin và từ bỏ ma quỷ. Amen.

VIII. THÁNG KÍNH THÁNH CẢ GIUSE

VÀI SUY NIỆM

Thánh Giuse về bên ngoài thì chỉ là con người đơn sơ, nghèo khó; nhưng nhìn sâu hơn, đó là con người siêu việt tuyệt vời, đó là công trình của Chúa dung hoà hai thái cực: Thánh tuyệt vời trong lối sống bình thường; những việc bình thường mà thực hành một cách phi thường, giáo hữu nào cũng có thể noi gương. Chính do đặc tính nầy mà thánh Giuse được nhiều người sùng mộ.

NHƯ THẾ NÀO ?

Mặc dầu thuộc dòng dõi Đavít, nhưng có thể không mấy ai biết đến. Hiện trạng lúc đó ngài chỉ là anh thợ mộc. Trong cả đời sống phúc âm không ghi lại một lời nào. Còn việc làm, cứ bên ngoài thì không có chi ngoạn mục. Quyền đời bắt đi khai lý lịch thì đi; bị người ta nghi hoặc tìm bắt thì chạy trốn; yên rồi trở về làng quê làm một người thợ bình dân thế thôi.

Thánh Giuse không làm phép lạ, không chay tịnh đặc biệt, không thấy có công trình từ thiện, không có chi có hơi hám cao siêu vĩ đại ở đời. Dầu vậy chúng ta không nói được dưới đời có người sống siêu việt hơn thánh Giuse.

Nhìn vào đời sống thánh Giuse, mình có thể phấn khởi. Kiếp sống xoàng xĩnh của mình có thể bừng sáng. Dĩ nhiên, đời Ngài không nhậu nhẹt, bê bối, biếng trễ… nhưng vẫn có giải trí vui chơi. Vui chơi, giải trí để mình được thoáng và cũng giúp cho đời vui trong khuôn khổ.

ĐÂU LÀ BÍ QUYẾT CHO VIỆC ĐƠN THƯỜNG NÊN CAO SIÊU ?

1. Vâng

Đó cũng chính là lời “Xin vâng” của mẹ Maria, và “này Con đây” của chính Chúa Giêsu. Tất cả mọi thời giờ mọi tác động đều theo ý Chúa. Tất cả đều là ơn Chúa cũng hiểu được tất cả là ý Chúa. Ăn, uống, nghỉ, ngủ, đều theo ý Chúa. Đó là thực hành triệt để việc tôn thờ; nhìn nhận Chúa tạo dựng là chủ tể, còn con người được tạo dựng thì hoàn toàn lệ thuộc, vâng triệt để.

2. Vâng bằng tình yêu, với tình yêu.

Xin vâng nhưng không như nô lệ, bị áp đặt bắt buộc; nhưng tự do muốn vâng, vui thú được vâng, ham vâng. Tình yêu càng sâu xa, nồng nàn thì việc vâng càng thêm giá trị. Vâng trọn hảo, yêu thâm thúy.

3. Vâng và yêu.

Ai trong chúng ta ngang nghịch cho đến đỗi nói mình không khả năng thực hiện. Mức độ tuyệt vời dĩ nhiên quá tầm sức của chúng ta “hãy nên trọn hảo như Cha trên trời”. Nhưng khởi điểm vâng và yêu chắc chúng ta có thể thực hiện.

Đời sống đạo, cách chung, chúng ta thường không nên ước vọng đời sống thánh anh dũng, mà nên nhớ công việc thường có thể thi hành cách phi thường.

Xin thánh Giuse thu hút lôi cuốn chúng con biết nhìn Ngài, noi gương Ngài biết sống cuộc sống đơn thường một cách cao siêu. Tuân phục và yêu mến !

Mùa Chay

Trong Phúc Âm Chúa Giêsu đã nói: khi hôn phu hiện diện thì có ai bắt phụ rể ăn chay đâu! Hiện giờ nói được Chúa là hôn phu hiện diện ở giữa chúng ta.

Hội thánh lập ra mùa chay 40 ngày, có đi ngược với lời Chúa không? Không, nhưng chay tịnh chính là để không những tiếp đón, mà để thông phần sống lại vinh hiển của Chúa.

Mùa vọng sám hối bằngviệc chừa bỏ tội: lấp hố , san đồi (nghĩa là bỏ tội) để gặp Chúa, đón Chúa.

Mùa chay cũng sám hối nhưng đã tiến ít nhiều, vì thế nên chú tâm đến chế ngự nết xấu. Giữ chay đó là bắt phần hạ: ham ăn, ham sướng, ham tiền, ham danh, phải tuân phục tâm, ý

cao thượng, chế ngự tính xấu, tập sống tự chủ.

Cùng với việc giữ chay Hội Thánh cũng muốn chúng ta rộng tay bố thí. Bố thí căn bản cũng nói được là việc khổ chế nhưng có phần tích cực là tạo cho mình lối sống thương yêu như chính Chúa thương, để không những là được gặp Chúa mà còn được thông phần sống lại vinh hiển của Chúa Phục Sinh.

Đúng ra khi chế ngự khuynh hướng xấu và thể hiện thiện hảo của tình yêu thì đáng phần nào Chúa ban cho được tham dự vào sự sống vinh hiển của Chúa.

Hội Thánh không chỉ định vài ngày mà thiết lập mùa có ý cho chúng ta thấy: sám hối, nên tốt, gặp Chúa, thông phần sống của Chúa, không phải là việc phải thực hiện trong vài ngày mà phải là việc thường xuyên. Mùa thì giúp chúng ta chú ý quan tâm hơn, nhưng Mùa cũng bảo chúng ta phải thường xuyên sám hối, canh tân, thánh hoá.

Nhớ cuộc đời mình là một cuộc chiến đấu không ngừng. Phần thượng phải hướng dẫn, điều khiển phần hạ. Vật thọ tạo phải luôn hướng về, phải lệ thuộc Đấng Tạo Dựng. Sống siêu nhiên phải siêu hoá tự nhiên.

Các mùa trong năm chúng ta không nên để thời gian trôi đi như nước chảy qua cầu, nhưng phải biết nhờ ơn Chúa, cố gắng sống đúng ý Chúa để xứng đáng là con Chúa và hưởng gia nghiệp là Chúa.

IX. SỐNG ĐẠO HÔM NAY

NHỮNG ẨN TÌNH CỦA THƠ MỤC VỤ.

Nhìn bao quát của thơ mục vụ chúng ta có thể nhận thấy ẩn tình, những mong mỏi thầm kín, tế nhị, có thể khám phá đôi chút.

I. SỐNG ĐẠO HÔM NAY

Có gì đặc biệt trong hai tiếng hôm nay? Có thể bức thơ “ngầm” bảo chúng ta phải nhìn rộng ra cả thế giới, phần nào quan sát tâm trạng đạo đức tâm tư của người thời nay.

Tổng quát chúng ta có thể nhận định thế giới hôm nay có những điểm tối nguy là: vô thần, vô luân và vô trật tự. Tình trạng này lan rộng cả thế giới, có thể nhiều nhất trong giới khoa học, trong giới chánh trị cũng không ít. Con người thấy rộng , thấy sâu, thấy xa, đâm ra tự phụ, khó nhận định hay không chịu chấp nhận có Thiên Chúa.

Không nhận có thiên Chúa thì nền tảng luân lý cũng không còn. Con người tự do, nếu bên trên không có quyền nào hướng dẫn chỉ bảo thì lấy gì giúp cho tự do biết sống đúng, sống tốt; ngược lại sẽ không còn nhân tâm, nhân cách, nhân phẩm. Một xã hội không còn nhân tâm, nhân phẩm thì không thể là một xã hội bình an, vui phúc. Ích kỷ, tiền tài, danh vọng, lạc thú làm chủ điều khiển một thứ xã hội hỗn loạn.

Ngay những giới gọi là đạo đức, họ chỉ sống đạo bề ngoài, sống đạo theo tình cảm, sống đạo để được Trời Phật, Thánh Thần ban phúc…Ngay những việc từ thiện bác ái chỉ nhằm thực hiện để biểu diễn, để được khen, để tạo quân bình cho kinh tế và có thể để đàn áp thuộc hạ nữa Trước tình trạng của thế giới hôm nay tín hữu phải thế nào ?

II. SỐNG ĐẠO HÔM NAY NHƯ THẾ NÀO ?

Những điểm trong thơ mục vụ thiết tưởng thời đại nào, hoàn cảnh nào, tín hữu, tu sĩ, linh mục cũng phải sống chính đáng là con Chúa.

Thơ Chung hàm ẩn tư tưởng gởi cho chúng ta phải sống trung thành hơn, nhiệt thành hơn, đạt mục tiêu sống thánh thiện cao trỗi hơn, không cần phải đợi tới hôm nay, vì Chúa đã bảo: phải nên hoàn thiện như Cha trên trời. Thư Chung thúc đẩy cho chúng ta nhớ mà sống đạo của chúng ta, phải là nhân chứng, là quang ánh, là muối là men. Cuộc sống tuy không lời nhưng vẫn vang động cho thế giới, làm cho thế giới hiện nay, qua cuộc sống của chúng ta thấy được Chúa, nhận thức về Chúa đúng đắn sâu xa hơn, nhờ đó thế giới bớt hỗn loạn, hư đốn, có được bộ mặt xinh đẹp hơn.

Thánh Gandhi đã nói: Đạo thì tôi thấy đẹp, thấy hay, đáng yêu, đang mến nhưng đời sống của tín đồ tôi thấy dễ ghét, nên tôi không theo đạo.

Đời chúng ta hôm nay, sống đạo thế nào có nên cớ cho người đời mai mỉa? Hãy cố gắng nhận định ân tình của bức thơ để không những trung thành với phận sự mà lại sống thông phần hiển dung của Chúa.

X. TẢN MẠN

SỐNG ĐẠO MÙA CHAY

Mùa Chay năm nay được khai mạc đúng vào ngày mùng 5 Tết, khi nhiều người còn ngon trớn chưa dừng lại được ! Ngày thứ tư Lễ Tro luật ăn chay và kiêng thịt được thi hành triệt để, nhưng tinh thần ăn chay như thế nào mới là điều quan trọng.

Chọn ngày mùng 5 Tết ăn chay đi một vòng thăm bà con thiên ha đúng là “nhứt cử đa tiện”. Khỏi làm phiền chủ nhà lo tiếp đãi ăn uống, không mất thời gian đến từng nhà, nhứt là đúng tinh thần ngày ăn chay làm việc bác ái thăm viếng. Mới mùng 5 Tết mà sao ngoài đường vắng vẻ thế này! À đúng rồi, một sự trùng hợp ngộ nghỉnh. Người bên lương cữ ra đường ngày mùng 5, còn người công giáo hôm nay ăn chay kiêng thịt, ra đường sợ bị cám dỗ “phạm mồi”. Đường vắng vẻ thênh thang, chạy xe khỏe re, khỏi lo cọ quẹt, bụi bặm lung tung. Vào nhà nào cũng có một bình trà ngồi tiếp chuyện vui vẻ, đi đến nhà thứ năm thì bụng cồn cào bào bọt, xuống sức thấy rõ. Từ 9 giờ trở đi, thiên hạ bắt đầu lờ đờ, nhiều người đi ngủ cho quên đói bụng. Lúc khác, miếng mứt miếng bánh không ý nghia gì, nhưng bây giờ sao thấy ngon làm sao. Đúng là Satan khéo thật, dùng hòn đá để cám dỗ Chúa Giêsu còn được huống chi là dân Do thái trong hoang địa nhớ nồi thịt thơm ngon ở Ai cập.

Phải nhanh chóng đổi chiến thuật, đi đến khu vực đông dân cư ở chợ để thăm viếng được nhiều gia đình hơn và sẽ quyết tâm không mặn mà với nước trà nữa. Khác với sự yên tỉnh miệt ruộng vườn, xóm chợ xem ra rôm rã ồn ào. Những tiếng đồng ca “vô vô vô” như thêm chất acid sát vào bao tử vốn cồn cào bào bọt của những người Công giáo ở đây. Bước vào nhà người công giáo gần đó, hình ảnh thật ấn tượng, người mẹ cầm quyển Tân Ước trên tay đọc và giải nghĩa cho mấy đức con nhỏ vây quanh. Rõ ràng, “người ta không chỉ sống bằng cơm bánh, nhưng còn bằng Lời Chúa” nữa. “Sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian” là như vậy. Trên đường về nhà, tôi gặp nhóm ca đoàn giới trẻ vừa đi thăm và giúp đỡ một thành viên ca đoàn gặp hoàn cảnh khó khăn do cơn bão số 9 vừa qua, Tết này đìu hiu tội nghiệp lắm. Sa mạc vẫn có những bông hoa xuân tươi đẹp phải không các bạn ?

“Sống đạo”“xao động” ! Không phải thụ động chờ cho ngày ăn chay nhanh chóng qua đi, nhưng phải làm một việc gì đó có tính sáng tạo phù hợp với tinh thần của ngày chay tịnh.

Cầu chúc các bạn Mùa Chay năng động trong Chúa Thánh Thần, vui bước theo Chúa Kitô và hạnh phúc trong tình yêu Chúa Cha.

XI. NGHỆ THUẬT SỐNG

HAI GIÀN DÂY LEO

Phía trước ngôi nhà nọ có một giàn dây leo, quanh năm xum xuê hoa lá làm râm mát khoảng sân rộng. Bên dưới treo vài lồng chim xinh xắn. Mỗi buổi sáng tiếng chim líu lo ca hát bắt đầu một ngày mới thật vui tươi, rộn rã.. Ngay bên cạnh giàn dây leo là những khóm hoa được chăm sóc kỹ càng, đẹp mắt và hoàn mỹ như chủ nhân của chúng.

Ngôi nhà bên cạnh cũng có một giàn dây leo. Nó hoàn toàn trái ngược, đứng trơ trọi, hoang tàn và vô dụng. Những thanh gỗ đứng phơi mình trong nắng gió, vài sợi day leo chết khô vàng úa nằm vắt vẻo trên giàn, chẳng buồn rơi xuống đất.

Cuộc đời của bạn cũng giống như giàn dây leo. Bạn có thể chọn: hoặc là phàn nà ca thán rằng giàn dây leo của mình quá nhỏ, lại cũ kỹ và đã phai màu, không đẹp bằng giàn hoa của người khác; hoặc là bạn bắt tay vào vun trồng để nó mãi xanh tốt.

Beethoven có quyền phàn nàn về tai của ông nghe không rõ và ông có thể chán nản vì điều đó. Nhưng ông đã chọn cách vun trồng cho chính mình, và trong quá trình đó ông đã làm nên những tác phẩm vĩ đại trong âm nhạc.

Giống như bất kỳ ai khác vào thời điểm này, giàn dây leo của bạn có thể có những chỗ chưa hoàn thiện. Và mọi thứ là tùy ở bạn: Ngồi than vãn hay khởi sự cải tạo gieo trồng.(Theo The Stories Of Life)

1001    21-04-2012 09:54:40