Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Sứ Mạng Giáo Dục - Tháng 04 năm 2008

CHỦ ĐỀ: SỨ MẠNG GIÁO DỤC

THƠ MỤC TỬ THÁNG 4/2008
Tòa Giám Mục Vĩnh Long
103 đường 3 tháng 2
Vĩnh Long

V/v Hội Thánh và Sứ Mạng Giáo Dục

Giáo dục có một vai trò quan trọng trong đời sống con người (Vatican II, GD, Mở đầu). Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa làm NGƯỜI, sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, được gọi là con của Giuse, con của Abraham, con của Adong, để con người được làm con của Thiên Chúa. Đó là nền tảng của Giáo Dục Kitô giáo.

Con Thiên Chúa làm Người thật để liên đới với gia đình của Thánh Giuse và Mẹ Maria tại Nadarét, với dân tộc Do Thái, với hết mọi người. Như thế, theo gương Chúa Giêsu, con người học sống hiệp thông với mọi người, trước tiên với cha mẹ, anh chị em, với ông bà, với họ hàng, với hết mọi người.

Hơn nữa, Con Thiên Chúa làm Người, để làm cho nhân loại được trở thành Gia Đình của Thiên Chúa, trong Hội Thánh và nhờ Hội Thánh. Chính vì thế mà Thánh Phaolô đã nói: ‘Người đã liên kết đôi bên, dân Do Thái và dân ngoại, thành một…Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất’ ( Eph 2, 14.16). Và trước khi về trời, Chúa Giêsu, Đấng Phục Sinh, đã cho các Tông đồ, cho Hội Thánh vinh dự thông phần vào sứ mạng của Người: ‘Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được trao cho Thầy, Vậy các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy họ giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế’ (Mt 28,18-20).

Một nền giáo dục bình thường không thể loại bỏ gia đình, vì gia đình là tổ chức nguyên thủy tự nhiên do Thiên Chúa thiết lập để lưu truyền sự sống và để con người học sống hiệp thông, bởi con người được tạo dựng theo hình ảnh của Một Thiên Chúa Ba Ngôi sống hiệp thông với nhau.

Trong mỗi gia đình, để đáng gọi là Hội Thánh tại gia, cha mẹ không những đón nhận con cái như hồng ân của Chúa ban, rồi ân cần chăm sóc dạy dỗ con cái biết hiếu thảo, hòa thuận với nhau, nhất là lo cho con cái biết Chúa, nêu gương sống làm con hiếu thảo của Chúa. Trong Thư gởi cho các Tín hữu thành Roma, ngày 21.1.2008, Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI nhắn nhủ như sau: ‘Nền giáo dục chân chính cần đến sự thân thiện và lòng tin tưởng phát xuất từ tình yêu; cha (ĐTC) nghĩ đến kinh nghiệm đầu tiên và căn bản của tình yêu mà con trẻ thể hiện, hay ít ra cần phải thể hiện đối với cha mẹ chúng. Nhưng mọi nhà giáo dục đích thực đều biết rằng, để giáo dục tốt, chính mình phải trao ban điều gì đó, và chỉ có như thế họ mới có thể giúp học sinh của mình lướt thắng được tính ích kỷ, để đến lượt chúng trở nên những người có khả năng yêu thương đích thực’.

Vĩnh Long 23.3.2008

+ Tôma Nguyễn Văn Tân
Giám Mục Giáo Phận Vĩnh long

THƠ MỤC TỬ VỀ NGÀY THIẾU NHI GIÁO PHẬN

TÒA GIÁM MỤC VĨNH LONG
103 đường 3 tháng 2
Vĩnh Long

V/v Ngày Thiếu Nhi của Giáo Phận

Kính gởi : Quí Cha,
Quí Tu Sĩ Nam Nữ,
Anh Chị Em Giáo Dân trong Giáo Phận Vĩnh Long

‘Hỡi người Galilê, sao cứ đứng nhìn lên trời ?’ (Act.1,11)

Ngày 3.7.2008 là Ngày Thiếu Nhi của Giáo Phận hành hương về Đình Khao. Nhân dịp nầy, chúng ta muốn đề ra cho Thiếu Nhi một đường hướng Sống Đạo: Trở nên bạn hữu của Chúa Giêsu và làm nhân chứng Nước Trời theo gương Thánh Philipphê Phan Văn Minh.

1. Hơn hai ngàn năm trước đây, Con Thiên Chúa đã làm người: sinh tại Bêlem, xứ Giuđa, quê quán của Đavid, lưu lạc tại Ai cập, rồi trở về Nadarét, xứ Galilê (x.Mt 2,1-23) . Chúa Giêsu đã chọn cho mình một gia đình, một Quê Hương là Đất Nước Do Thái, Dân Tộc Israel (Israel là tên gọi mà Thiên Chúa đã ban cho Giacob, tổ phụ của dân Do Thái gồm 12 chi tộc), có một ngôn ngữ riêng. Thế nhưng Người vẫn là Thiên Chúa, là Con Yêu Dấu của Chúa Cha. Ta có thể nói Người có một Quê Hương khác là Thiên Quốc, là Nhà của Cha trên trời. ‘Nhờ việc nhập thể, ConThiên Chúa làm Người , một cách nào đó, đã kết hợp với mọi người’ (Gioan Phaolô II, Đấng Cứu Chuộc con người, số 8), Người đến trần gian nầy để mạc khải Nước Trời cho chúng ta, để kêu gọi và làm cho chúng ta trở thành những công dân của Nước Trời, làm con của Cha trên trời và làm anh chị em của nhau trong Đại Gia Đình Thiên Chúa (Lumen Gentium 51). Người đã đoái thương làm con của Đức Maria, để ta được làm con của Thiên Chúa (x. GLHTCG , 460 ).

2. Lúc 30 tuổi, Chúa Giêsu bắt đầu đi rao giảng trong các thành thị và các làng mạc của người Do Thái. Chúa gặp gỡ, kêu gọi các môn đồ, rồi tuyển chọn và thiết lập Nhóm 12 Người để ở với Chúa. Sau cùng Chúa trao cho họ sứ mạng đi khắp nơi dưới quyền lãnh đạo của Phêrô, rao giảng Nước Trời và thu nhận các tín hữu, hợp thành Đoàn Dân Mới của Người. Đó là công trình xây dựng Hội Thánh, được tiếp tục không ngừng, trước tiên do Thánh Phêrô và các Tông Đồ, sau đó do những người kế vị các Ngài là Đức Giáo Hoàng và hàng Giám Mục với sự cộng tác của các Linh Mục, các vị Thừa Sai, các Dòng Tu và mọi thành phần dân Chúa, tất cả chung sức loan báo Tin Mừng và làm nhân chứng Nước Trời.

3. Chúa Giêsu đã nhờ Mẹ Maria, một thiếu nữ Do Thái, cưu mang và sinh hạ, để gia nhập dòng tộc Do Thái; nhờ Thánh Giuse bảo bộc mà được gọi là con vua David, con của Abraham (x. Mt 1,1-16); con của Adong (x. Lc 3,38). Còn đối với chúng ta, nhờ ơn Chúa quan phòng tạo dựng, cha mẹ chúng ta đã cho chúng ta được may mắn làm người Việt Nam, có ông bà tổ tiên, có anh chị em, có họ hàng có quê hương! Và hơn nữa, chúng ta còn được làm người Công Giáo. Hội Thánh trong đó có cha mẹ chúng ta, có Họ Đạo, có các Tu Sĩ và các Linh Mục, đã lo cho chúng ta được gia nhập Đoàn Dân Mới của Thiên Chúa (1 Phêrô, 2,9), và được gọi là con cái của Thiên Chúa, trở thành anh chị em với nhau (1 Gioan 3,1), là người đồng hương với các Thánh và là người nhà của Thiên Chúa (Eph 2,19) với niềm hy vọng được sự sống đời đời (Titô 1,2; 3,7) .

4. Chúng ta có phúc vì được làm người, có cha mẹ, anh chị em, họ hàng, và lại có phúc hơn nữa vì được làm con của Thiên Chúa, làm thành viên của Hội Thánh Công Giáo. Mỗi dân tộc có ngôn ngữ riêng để giao tiếp và thông truyền cho nhau những ý nghĩ và những tâm tình của riêng mình. Chúng ta có tiếng Việt Nam của chúng ta, phong phú trong cách xưng hô đặc biệt: anh chị em, chú bác, cô dì… . Còn Dân Công Giáo thì dùng ngôn ngữ nào để thông truyền cho nhau? Chúa Giêsu đã dạy các Tông Đồ: ‘Cứ dấu nầy mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là các con thương mến nhau’ (Gioan 13,34-35). Vậy ngôn ngữ của người Công Giáo là thương mến, không những gọi nhau là anh chị em, mà còn diễn tả tình bác ái huynh đệ bằng sự quan tâm chăm sóc, giúp đỡ nhau, quí trọng nhau, hợp nhất và hy sinh cho nhau.

Một trong những nét đặc biệt trong cuộc sống của mỗi dân tộc là thức ăn. Cơm là thức ăn chính, thức ăn thường ngày của người Việt Nam. Còn lương thực chính của người Công Giáo là gì? Không phải là Lời Chúa và Bánh Thánh Thể sao. Chúa Giêsu quả quyết:’Ta là Bánh hăng sống từ trời xuống. Ai ăn Bánh nầy, sẽ sống đời đời; và Bánh Ta sẽ ban, chính là Thịt Ta để cho thế gian được sống’ (Gioan 6,51-52). Phêrô thưa với Chúa Giêsu: ‘Lạy Thầy, chúng con sẽ đi đến ai, Thầy có những lời ban sự sống đời đời’ (Gioan 6,69). Thế nên không nên ngạc nhiên, khi thấy Hội Thánh là người mẹ hiền luôn luôn lấy Lời Chúa và Mình Thánh Chúa để nuôi sống con cái mình. Người Bỏ Nhà Thờ, bỏ Lễ là dấu chỉ của niềm tin sút giảm, cũng giống như người bỏ cơm tức là hết muốn sống.

5. Ngày 3.7.2008, cũng là Ngày Giáo Phận Vĩnh Long mừng Thánh Philipphê Phan Văn Minh Linh mục tử đạo năm 1853. Thánh Philipphê Minh đã nêu gương đời sống tốt đẹp, đời sống hy sinh vì đức tin. Sinh năm 1815 trong một gia đình đông con (tất cả 14 người con, Philipphê Minh là người con thứ 12), gia đình đạo đức (cha làm ông câu trong Họ). Cha mẹ qua đời khi người còn nhỏ, nhưng nhờ người chị cả là Anna Phan Thị Viên, khéo léo và tận tuỵ lo lắng mà Philipphê Minh và các anh chị được nuôi dưỡng và học hành chu đáo. Nhân dịp Đức Cha Taberd Từ đến ban Bí tích Thêm sức, Philipphê Minh xin được đi theo Người. Sau đó Philipphê Minh được nhập Chủng Viện Lái Thiêu rồi được gởi sang Chủng Viện Pinang. Thấy Thầy Philipphê có khả năng, Đức Cha lại gọi sang Calcutta giúp Đức Cha soạn hai bộ Tự Điển Latinh-Việt Nam và Việt Nam-Latinh. Năm 1840, Đức Cha Từ qua đời, Thầy Philipphê trở lại Pinang học Thần Học, được các cha giáo sư và các bạn quí mến. Về Việt Nam năm 1844, Thầy được ở bên cạnh Đức Cha Thể (tử đạo năm 1861) để học tập cử hành các Bí Tích và làm mục vụ. Thầy được Đức Cha Thể truyền chức linh mục vào cuối năm 1846 , lúc 31 tuổi.

Tình hình ngày càng khó khăn hơn vì vua quan tìm cách bắt các giáo sĩ, tiêu diệt Đạo, cha Philipphê Minh vẫn đi khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long : Đầu Nước (Cù lao giêng), Xoài Mút, Chợ Bưng, Ba Giồng, Cái Nhum, Cái Mơn, Bãi Xan, Giồng rùm (Phước Hảo), Thâu Râu (Cầu Ngang), Rạch Lọp, Chà Và (Vĩnh Kim), Rạch Ụ, Cái Đôi, Mặc Bắc. Đi dến đâu , cha lo giảng Đạo và chăm sóc các Cộng Đoàn Tín Hữu: dạy giáo lý, ban các Bí Tích, lo cho trẻ con được rước lễ, Thêm Sức, thăm viếng và an ủi bệnh nhân, khuyên bảo những người bê trễ.

Thời gian bị giam giữ trong tù, từ tháng 3 đến tháng 7 năm 1853, khi thì bị dụ dỗ, lúc bị doạ nạt , nhưng cha Philipphê Minh vẫn một lòng cương quyết trung thành với Chúa Kitô và Hội Thánh; cha còn khuyên nhủ những người cùng bị giam giữ vì Đạo Thánh Chúa hãy bền lòng chịu khó, và cầu nguyện cho những người tố cáo làm cho cha bị bắt, lao tù.

Cuối cùng cha Philipphê đã đón nhận án tử hình như thế nào? Ngài quỳ gối tạ ơn Chúa, rồi an ủi các bạn tù và thống thiết khuyên bảo họ: ‘Từ nầy về sau, dầu anh em phải khốn khó thể nào, anh em cũng hãy ở vững vàng trong đức tin, cùng hết lòng cậy trông vào Chúa, Ngài chẳng bỏ anh em đâu’. Thật là một lời tuyên xưng niềm tin vào sự sống đời đời, một lời rao giảng Quê Hương Vĩnh Cửu trên trời.

Trên đường ra pháp trường, cha Philipphê vừa đi vừa lần chuỗi, nét mặt thanh thản an bình. Cha tiến ra pháp trường với Mẹ Maria, cũng như Chúa Giêsu vác Thánh Giá lên Núi Sọ, có Mẹ Maria cùng đi, để cùng tế lễ với Con Yêu Quí của Mẹ. Cuộc đời của cha Philipphê Minh luôn có Mẹ bên cạnh, trong mọi hoàn cảnh. Cha không bao giờ cô độc lẻ loi.

Hôm đó, trưa ngày 3.7.1853, lưỡi gươm ác nghiệt của lý hình đã kết liễu cuộc đời cha Philipphê Minh. Đầu cha rơi rụng, máu cha tuôn đổ, lưỡi cha không còn nói được nữa, nhưng hương thơm đời sống của cha, sự hy sinh của cha vẫn luôn luôn là lời rao giảng hùng hồn nhất, và máu của vị Tử Đạo đã trở thành hạt giống trổ sinh nhiều Kitô hữu. Cha Philipphê Minh đã sống trọn vẹn 38 năm, theo đuổi ơn gọi nhờ tác động của gia đình, của thân nhân và các vị Giám Mục và Linh Mục, nói tóm lại của Hội Thánh.

Đời sống và sự Hy sinh của cha thánh Philipphê Minh là một lời mời gọi chúng ta hãy biết sống vì Quê Hương Chân Thật trên trời. Cha Thánh Philipphê Minh yêu mến Quê Hương Việt Nam, đồng bào Việt Nam. Cha hy sinh mạng sống mình là để tuyên xưng đức tin và bảo đảm cho mọi người : Chúa là hạnh phúc thật ‘Ai ghét mạng sống mình ở đời nầy, thì sẽ giữ được nó ở đời sau’ (Gioan 12,25).

Cuộc đời của mỗi người là một hành trình. Để khởi hành và đi đến nơi, mà không bị lạc hướng, cần có người dẫn đường. Thiên Chúa an bài cho chúng ta có Gia đình, Họ Đạo, Hội Thánh để cùng đồng hành với chúng ta. ‘Mỗi người là con đường của Hội Thánh’ (Gioan Phaolô II, Đấng Cứu Chuộc con người, số 14).

Lo cho tuổi thơ được hạnh phúc là xây dựng tương lai tốt đẹp, tương lai tươi sáng của gia đình, của Xã Hội và của Hội Thánh. Vì vậy chúng ta hãy góp phần với Hội Thánh lo cho các Thiếu Nhi biết yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, Người là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Gioan 14,6;x.11,25) và noi theo gương Chúa Giêsu, trở thành những người con ngoan trong gia đình, những người bạn tốt của nhau (x.Luca 2,51-52), những tông đồ nhiệt thành làm chứng Nước Trời, theo gương Thánh Philipphê Minh: Lòng vẫn luôn hướng về Trời, vì đó là Quê Hương chân thật của chúng ta; nhưng đồng thời cũng thiết tha loan báo Nước Trời cho người chung quanh sao cho mọi người được trở thành công dân Nước Trời, trở thành những người đồng hương với các Thánh.

Vĩnh Long, ngày 21.3.2008

+ Tôma Nguyễn Văn Tân
Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long

 

CHỦ ĐỀ:
GIÁO HỘI VÀ SỨ MẠNG GIÁO DỤC

I. THƯ CHUNG số 7

Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã trao cho Giáo Hội sứ mạng lên đường dạy dỗ muôn dân. Từ đó, giáo dục trở thành sứ mạng gắn liền với sự hiện diện của Giáo Hội giữa lòng thế giới. Giáo Hội chính là người Mẹ “săn sóc toàn diện đời sống con người, kể cả đời sống trần thế, trong mức độ liên hệ với lời mời gọi của Thiên Chúa. Vì thế Giáo Hội thông phần vào việc mở mang và phát huy nền giáo dục” (TN/GD, lời mở đầu). Sứ mạng của Giáo Hội là tạo điều kiện để mọi người đều được hưởng một nền giáo dục Kitô giáo (x. TN/GD 2).

Sứ mạng đó được thể hiện thế nào trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, đó là vấn nạn cần phải đặt ra, nếu chúng ta muốn có những định hướng cụ thể cho sứ mạng giáo dục Kitô giáo của Giáo Hội Việt Nam .

II. DẪN GIẢI

Chúa truyền dạy các Tông đồ “euntes docete” nghĩa là hãy đi rao giảng: Chúa trao cho sứ mạng giáo dục.

Giáo dục toàn diện, mọi phương diện của con người.

Dù không chuyên nhiều môn, nhưng Giáo Hội có phận sự hướng dẫn theo đường lối Chúa.

III. CHUYỆN MINH HOẠ

NGUỒN GỐC SA MẠC

Người Ả Rập kể về nguồn gốc sa mạc như sau: Khi dựng nên tinh tú, trái đất, biển khơi sông ngòi, cùng muôn vật, Thiên Chúa bắt tay vào việc tạo dựng con người. Ngài nắn được những thân hình thật đẹp. Nhưng đó chỉ là những pho tượng vì chưa có linh hồn.

Bấy giờ, một Tổng lãnh Thiên thần đề nghị với Chúa là phải tạo dựng linh hồn cho mọi người. Thế là Thiên Chúa miệt mài giam mình trong phòng thí nghiệm đểtạo ra linh hồn. Các linh hồn mới ra lò còn rất mảnh khảnh yếu ớt.

Thiên Chúa mang các linh hồn ấy xuốâng trần gian và phân phát cho loài người. Nhưng rủi thay, hôm đó trời đổ mưa. Một số linh hồn chưa đủ cứng cáp đã biến dạng méo mó.

Ngày nọ, một trong những người đã nhận được linh hồn méo mó buột miệng nói một lời dối trá. Tuy chỉ là một lời không đáng kể, nhưng đó là lời dối trá đầu tiên xuất hiện trong lịch sử loài người.

Thiên Chúa hết sức ân hận vì đã không ngăn ngừa được sự dối trá này.Ngài bèn tập trung loài người lại và tuyên bố: - Từ nay đừng người nào phạm thêm một điều dối trá nữa. Nếu không, cứ mỗi lần có một lời dối trá, Ta sẽ cho rơi xuống mặt đất một hạt cát.

Nhiều người nghe lời Thiên Chúa đe doạ liền cười thầm trong lòng và nghĩ: “Một hạt cát có đáng là bao sánh với mầm xanh tươi trùng trùng điệp điệp của cây cỏ”. Thế là loài người chẳng đếm xỉa gì đến lời cảnh cáo của Thiên Chúa. Người thứ hai thêm một lời nói dối trá mà vẫn đinh ninh đó là điều không đáng kể, cũng như thêm một hạt cát trên trái đất thì có thay đổi được bộ mặt của nó đâu. Cứ thế, người thứ ba, rồi người thứ tư, và người ta nói dối tới độ Thiên Chúa không còn đủ sức làm cho cát rơi xuống mặt đất nữa. Ngài bèn phải dùng đến bàn tay các thiên thần mà làm mưa cát xuống.

Không mấy chốc, những đồng cỏ xanh tươi, những cây um tùm biến thành những bãi cát mênh mông. Thỉnh thoảng một vài ốc đảo mọc lên, đó là dấu hiệu sự hiện diện của một vài người còn biết tôn trọng sự thật. Nhưng dần dà ôn dịch dối trá lan tràn khắp nơi, trái đất chỉ còn lại một bãi sa mạc khô cằn.

Tất cả những ai sống trong xã hội xây dựng trên dối trá, lừa đảo, đố kỵ, đều có thể hiểu được thế nào là sa mạc. Mà sa mạc nào cũng là biểu hiện của sự chết, cái chết của sự thật, chết của lòng tin tưởng lẫn nhau, chết của tinh thần hy sinh, quảng đại, tóm lại dối trá cũng là tên gọi của ích kỷ.

Người dối trá là người chỉ biết đến tư lợi, chỉ biết sống cho mình. Nếu ơn gọi của con người là sống yêu thương, sống cho kẻ khác, thì người dối tá là người tự chối bỏ chính mình.

Chúa Giêsu đã lên án gắt gao thái độ dối trá. Ngài bảo: “Có thì nói có, không thì nói không. Thêm điều đặt chuyện là do ma quỉ mà ra”.

Vì vậy, một trong những phẩn tính đầu tiên cần phải giáo dục là dạy cho người trẻï biết tôn trọng sự thật.

IV. DIỄN GIẢI

Lệnh truyền của Chúa Kitô trước khi về trời: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ…dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em…” (Mt 28,20-21) đã, đang và vẫn vang vọng mãi trong Hội Thánh. Và Giáo Hội có đến 2000 năm kinh nghiệm trong sự nghiệp giáo dục các giá trị và các nhân đức nhằm để phục vụ con người. Chính vì vậy mà mới đây, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong thư gửi cho Giáo Phận Rôma về nhiệm vụ cấp bách trong việc giáo dục các thế hệ mới (Lettre du Pape Benoit XVI au Diocèse de Rome sur le Devoir Urgent de la Formation des Nouvelles Générations, vatican.va) đã đưa ra những chỉ dẫn cho việc giáo dục ngày nay.

Theo Đức Thánh Cha, trước những khó khăn và thách đố trong việc giáo dục thế hệ trẻ mà các cha mẹ, các nhà giáo dục, các linh mục và tu sĩ gặp phải ngày nay, điều quan trọng là cộng đoàn tín hữu phải đưa ra những kinh nghiệm sống đức tin, giúp thế hệ trẻ gặp Chúa Kitô để hình thành trong họ một tương quan bền vững với Ngài. Chính nhờ sống đức tin một cách sống động mà mỗi người xác tín về mục đích đời người, biết cách sống cho phù hợp với mục đích ấy là yêu thương, chia sẻ và có trách nhiệm với chính mình và với xã hội. Bởi vì truyền giáo (làm cho muôn dân thành môn đệ Chúa) là làm cho người ta tin, thấy và chạm đến chính Chúa.

Chúng ta không đơn độc trong việc giáo dục thế hệ trẻ hôm nay, với niềm tín thác vào tình thương không lay chuyễn của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta; đồng thời đây cũng là trách nhiệm chung của mỗi người, mà mục đích là hướng con cái chúng ta đến điều thiện: “Cả trong thời đại chúng ta ngày nay, giáo dục về sự thiện là điều có thể thực hiện được; đó là sự say mê mà chúng ta ta phải mang trong tim, và là công trình chung mà mỗi người chúng ta đều được mời gọi góp phần”.

Để đạt được điều đó, việc quan trọng trước tiên mà các bậc phụ huynh cần quan tâm là sống yêu thương. Chính cha mẹ phải tạo bầu khí yêu thương trong gia đình, qua đó con cái được lớn lên trong niềm tin vào cuộc sống, đồng thời biết cách ra khỏi cái tôi của mình, có khả năng yêu thương một cách chân thành và quảng đại đối với người khác. Yêu thương thực sự còn có nghĩa là dám chấp nhận đau khổ, hy sinh vì người. Việc cùng chung vai gánh lấy trách nhiệm khổ nhọc là cách thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng. Tránh cho người trẻ khỏi mọi khó khăn và kinh nghiệm đau thương có nguy cơ làm cho chúng trở nên yếu ớt và thiếu quảng đại.

Con trẻ thì ham hiểu biết, do đó giáo dục không chỉ là giải thích cho trẻ những khái niệm về sự vật hay chỉ cung cấp cho chúng những kiến thức mà nhất là phải dạy cho chúng nhận ra chân lý của vạn vật, của đời người: vạn vật, con người, từ đâu đến và sẽ đi về đâu; làm thế nào để đạt đến sự thiện hảo. Điều đó sẽ giúp định hướng cho trẻ nhận thức và sống đúng với phẩm giá con người, được Chúa yêu thương dựng nên giống hình ảnh Ngài.

Cần dạy cho trẻ biết xử dụng tự do một cách có kỷ luật. Tự do để khỏi bị ràng buộc bởi những đam mê bất chính và tội lỗi; có kỷ luật để cuộc sống được quân bình, không quá đà, khi phải đương đầu với những thử thách trong tương lai.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha mời gọi các cha mẹ đừng viện cớ cho sự tiến bộ mà hỗ trợ, hay tệ hại hơn là nuông chiều con cái trong những sai lầm của chúng.

Đối với chúng ta hiện nay, khi không thể góp phần vào việc giáo dục trực tiếp nơi các trường học, thì việc giáo dục nhằm giúp cho người trẻ được trưởng thành như những con người tự do, có tinh thần trách nhiệm, biết sống tình huynh đệ, biết tìm kiếm sự thật và xây đắp cho công lý và hoà bình, thiết tưởng nên được thể hiện qua gương sáng của mỗi người, trong trọng trách của mình, giữa xã hội đang sống.

Gương sáng qua nếp nghĩ: sống vì mọi người. Mọi người đều cần đến nhau. Gương sáng qua lời nói nhã nhặn, hàm chứa sự trung thực, giản dị và nồng chứa yêu thương. Gương sáng qua các việc bác ái xã hội, biểu lộ một con tim biết san xẻ. Gương sáng qua cung cách sống: quảng đại, bao dung, nhịn nhục.

Gương sáng ấy nói lên một tâm hồn trong sáng, tôn trọng sự thật biết sống thật lòng với mình, với Chúa và với người khác. Đó là sống có trách nhiệm với chính mình, với cha mẹ với anh em, với bề trên và với Chúa.

Cần biết bao gương sáng của những người biết sống bằng con tim chân chính, vô vị lợi, biết tìm hạnh phúc trong việc cho đi, nhất là cho đi chính mình. Bởi vì chính nơi trái tim con người xuất phát tình yêu, lòng tôn trọng sự thật, trách nhiệm và hạnh phúc. Chính trái tim làm cho chúng ta sống nhân bản hơn, có khả năng yêu thương và thực thi bác ái.

Là Kitô hữu chúng ta được mời gọi làm chứng cho niềm tin mà chúng ta đã lãnh nhận và cảm nghiệm trong đời sống của mình. Đó chính là cảm nghiệm về sự gặp gỡ thực sự với Đức Kitô và Đức Kitô trở nên tất cả đối với đời sống của chúng ta. Và việc giáo dục chính là trao ban cho thế hệ kế thừa niềm tin vào Đức Kitô đã bén rể sâu trong lối sống của chúng ta trước mọi cảnh huống của cuộc sống hằng ngày.

Xin Chúa giúp chúng con biết quan tâm chăm sóc những người trẻ theo tinh thần của Chúa và Hội Thánh. Amen

KIỂM ĐIỂM

Có nhìn nhận mình có phận sự giáo dục không?

Gặp người đi lạc, ít nhiều mình có phận sự phải chỉ đường!

Anh em phải giúp nhau biết đường và giúp nhau tiến bước để về quê.

Nghe hay không nghe, mình vẫn có phận sự nói. Có nhớ đó là phận sự của mình không?

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Chúa Giêsu là bậc thầy duy nhất, Ngài trao cho các tông đồ sứ mạng rao giảng. Ngài còn trao ban Thánh Thần của Ngài cho Hội Thánh. Ý thức trách nhiệm giáo dục, làm ánh sáng của trần gian, Hội Thánh trung thành với giáo lý các tông đồ. Chúng ta cùng cầu nguyện:

- Chúa phán: “Các con hãy đi giảng dạy cho muôn dân, ai tin thì làm phép Rửa cho họ”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, ý thức sứ mạng rao giảng Tin Mừng, cũng là giáo dục Kitô-giáo cho thế gian, bằng khả năng của mình.

- Chúa phán: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu, ý thức sứ mạng giáo dục Kitô-giáo mà mình đã lãnh nhận từ Chúa Kitô, phải được mỗi người thực hành ngay trong đời sống mình.

- Chúa phán: “Các con hãy dạy cho muôn dân trở nên môn đệ của Thầy”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu, biết dùng lời nói, đời sống công bằng, và nghĩa cử bác ái của chính mình, mà dạy cho mọi người trở nên môn đệ Chúa Kitô.

- Chúa phán: “Điều các con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, biết siêng năng học hỏi giáo lý của Lời Chúa, để sống đạo, và để rao giảng chân lý Kitô-giáo, mưu ích chung cho xã hội.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa sai Ngôi Lời Chúa đến cứu chuộc trần gian. Xin Chúa lại ban Thánh Thần Chúa, giúp chúng con chu toàn sứ mạng của Con Chúa, nên ánh sáng cho trần gian, hầu cho mọi dân tộc thấm nhuần đạo lý Kitô-giáo. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG

Trước khi về trời, Chúa Giê su đã truyền cho các môn đệ “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28, 19). Đây là một lệnh truyền của Chúa, một lệnh truyền để tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu ở trần gian. Từ đây, Chúa Giêsu không còn trực tiếp thực hiện sứ mạng cứu rỗi muôn dân, nhưng Ngài thực hiện sứ mạng ấy qua các môn đệ, qua Giáo hội của Ngài.

Đáp lại lệnh truyền của Đấng Cứu Thế, Giáo hội thực hiện sứ mạng dạy dỗ muôn dân và làm cho họ trở nên những người môn đệ của Chúa. Hình ảnh tiêu biểu cho sứ mạng này là mô hình của các Kitô hữu tiên khởi “họ chuyên cần lắng nghe các tông đồ giảng dạy, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2, 42). Một kiểu nói đơn giản hơn của sứ mạng dạy dỗ muôn dân và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Chúa đó là làm cho muôn dân nhận được sự sống phát xuất từ Chúa Cha được biểu lộ qua Chúa Con dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Muốn thực hiện được sứ mạng này đòi hỏi Giáo hội phải thực hiện dưới sự thúc đẩy của Lời Chúa. Lời Chúa phải là trung tâm cho mọi công cuộc rao giảng. Lời Chúa được ghi lại trong các sách Tin Mừng không phải là những lời chết nhưng là Lời hắng sống của một Thiên Chúa hằng sống.

Để có thể lãnh nhận sứ mạng dạy dỗ muôn dân Giáo hội cần phải lãnh hội sự sống dồi dào tự nơi Thiên Chúa và sống sự sống ấy “vì không ai cho cái mình không có”. Chính nhờ sự sống này mà tự nơi Giáo hội lan toả sự sống dồi dào từ nơi Thiên Chúa.

Trong bối cảnh của thế giới hôm nay, đặc biệt là đất nước Việt Nam chúng ta hôm nay, một xã hội đang phát triển, có nhiều cơ hội giao lưu với thế giới bên ngoài và cũng mang lại nhiều thách đố cho niềm tin. Giáo hội phải có một cách giáo dục đức tin mới phù hợp với bối cảnh của xã hội. Thiết nghĩ Giáo hội nên được trở lại với Lời Chúa. Sống và cử hành Lời Chúa thật sự sống động và mang lại nhiều ơn ích thiêng liêng là gắn bó ngày một hơn trong sự kết hợp mật thiết với Chúa.

Là những linh mục, tu sĩ, giáo lý viên… những người có trách nhiệm rao giảng Lời Chúa bằng sự học hỏi và sự hiểu biết của mình. Họ cần phải được đào tạo một cách hợp lý hơn, bài bản hơn, chất lượng hơn…và hơn hết những người này cần phải tự soi mình trong Lời Chúa, đọc và suy niệm Lời Chúa dưới sự hướng dẫn của Hội thánh và sự trợ giúp của ơn thánh. Khi làm được những điều này, có lẽ Lời Chúa sẽ không còn là những lời khô cứng của một con người sống cách đây hơn 2000 năm, mà là Lời hằng sống đem lại sự sống cho con người.

Là những Kitô hữu, mỗi người chúng ta được mời gọi trở nên nhân chứng cho tình yêu của Đức Ki tô cho nhân loại, chúng ta cần phải làm cho ánh sáng đức tin mà chúng ta lãnh nhận ngày chịu phép rửa bừng cháy lên trong chúng ta bằng một đời sống tin cậy, phó thác, biết sống yêu thương và nâng đỡ những người xung quanh. Một người Kitô hữu không thể là một người sống bi quan mà phải là một con người luôn sống lạc quan vì sự sống của chúng ta đã được đảm bảo trong sự sống của Đức Kitô.

Nhìn vào cách sống của chúng ta, những người chung quanh sẽ biết rằng chúng ta tin tưởng vào ai và Đấng ta tôn thờ là Đấng nào. Chính cách sống của chúng ta là một cách thực hiện sứ mạng làm cho muôn dân trở thành môn đệ Chúa một cách hùng hồn trong bậc sống của chúng ta.

Với sứ mạng Chúa Giêsu truyền lại cho Giáo hội, mọi thành phần trong Giáo hội cần phải luôn ý thức thực hiện sứ mạng này không những như là một bổn phận, một nhiệm vụ cần phải chu toàn mà còn là một công việc thể hiện lòng bác ái yêu thương khi chia sẻ cho nhau sự sống của Thiên Chúa mà mình đã lãnh nhận cho những người chưa nhận biết Chúa.

Với một niềm cậy trông vào Chúa phục sinh, chúng ta tin tưởng rằng lệnh truyền của Chúa Giêsu sẽ được hoàn t?t bằng sự cộng tác của mỗi người chúng ta vào sức mạnh hướng dẫn của Thiên Chúa. Giáo hội không thực hiện sứ mạng ấy cách đơn lẻ nhưng được thực hiện trong sự quan phòng và trợ giúp của Chúa Giê su như lời Ngài đã hứa “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

VII. HỌC KINH THÁNH

BÀI 28: VUA ĐAVIT

(1 Sam 16-31.khoảng 1010-970 TCN)

1/ Đavit là ai?
Đavit là con trai út (có bảy anh trai) của Isai (Giêsê), ở làng Bêlem, xứ Giuđêa. Cậu có “mái tóc hoe hoe, đôi mắt xinh xắn, dáng vẻ khôi ngô” (1Sam 16, 12). Cậu có tài chơi đàn (1Sam 17,23), và bắn ná chính xác (1sam 17, 49). Đavit lên ngôi lúc 30 tuổi, ông trị vì được 40 năm (1010-970) trước Chúa Giáng Sinh.

2/ Mối liên hệ giữa Đavit và Saulê như thế nào?
Sau khi ông giết được Goliat, ông được Saulê tin dùng và du?c vào trong cung dình. Ơng cịn đánh thắng nhiều trận được dân chúng hoan hô và nhất là các cô gái khen ngợi. Điều nầy khiến cho Saulê ghen tức và tìm cách hãm hại ông. Tuy nhiên, Đavit vẫn luôn kính trọng Saulê vì xem ông là người đã được Thiên Chúa xức dầu. (1Sam 24, 7).Ngoài ra Đavit còn là bạn thân của Gionathan (1Sam 19, 1tt). Và là chồng của Mi-Khan (1Sam 18, 27), tức con rể của vua Saulê.

3/ Đavit lên ngôi trong hoàn cảnh nào?
Sau khi Saulê qua đời Đavit về cư ngụ” trong các thành của Hêbron” (2Sam 2,3). “Bấy giờ người Giuđa đến đó xức dầu tấn phong Đavit làm vua trên nhà Giuđa” (2Sam 2, 4). Trong khi đó, Isbaal con vua Saulê, làm vua Israel được hai năm (2 Sam 2, 811). Một thời gian sau Isbaal bị Rêkab và Baanah làm phản chặt đầu ông giao nộp cho Đavit, nhưng Đavit đã giết hai kẻ làm phản nầy. (x. 2Sam 4, 1tt). Sau đó toàn dân Israel đến Hêbron xin Đavit lên làm vua của ho. Họ nêu lên những lý do như sau:

Vì họ cùng cốt nhục với ông. (Đavit)
Hồi Saulê còn cai trị Israel Đavit đã điều khiển Israel rồi.
Chính Chúa đã chọn ngài “chăn dắt dân Israel” (x. 2Sam 5, ).

Nghe như thế, Đavit đã chấp thuận làm vua cai trị cả Israel nữa. Đavit cùng với thuộc hạ tiến đánh Giêrusalem vùng đất có người Giơbusi đang sinh sống. Sau khi chiến thắng ông chọn nơi nầy làm thủ đô cho nước Israel. Giêrusalem, nghĩa là “nơi hòa bình ngự trị”. Đavit lên ngôi lúc ông 33 tuổi. Ông cai trị Israel được 40 năm (2Sam 5,4).

Lời Chúa : “Ta sai ngươi đến gặp Giêsê người Bêlem, vì Ta đã thấy trong các con trai nó một người Ta muốn đặt làm vua”. (1Sam 16, 1).

Cầu nguyện : Lạy Cha, xin dạy con mau mắn tìm biết ý Chúa. Và một khi biết được ý Chúa rồi, xin ban sức cho con thực hiện theo cách Chúa muốn. Amen

VIII. GIÁO DỤC KYTÔ GIÁO

VÀI PHÚT SUY TƯ VỀ ĐỜI TU

Người tu là người thuộc về Chúa, người của Chúa mà cũng là người của mọi người. Do đó không riêng thuộc về ai cả.

Của Chúa, vì Chúa đã kêu gọi, con người đáp lại ơn gọi: hiến toàn thân cho Chúa. Mặc dầu cả con người là của Chúa, nhưng Chúa vẫn ban cho có tự do, cũng có thể nói tự chủ nữa. Theo ơn thiên triệu thì phải tự do, tự chủ theo ý Chúa: trọn thuộc.

Còn nói người của mọi người, là vì người tu là của lễ (của cúng, của dâng) của gia đình, gia tộc dâng lên Chúa. Chúa nhận rồi thì người tu không là sở hữu riêng của gia đình.

Người tu là người của mọi người, vì Chúa gọi để trao một sứ mạng nhằm lợi ích cho mọi người, nên nói được người tu là người của mọi người.

Do đó, có thể có những kết luận:

Người tu không được quyền chỉ sống cho mình, mình sướng, mình giàu sang… Ngay cả điều tu để chỉ một mình nên thánh cũng không đúng. Phải thánh cho mọi người.

Không quyền sống riêng cho gia đình. Tu vì cha mẹ ép, tu cho cha mẹ lên mặt với đời; dùng đời tu giúp giàu hơn, sang hơn… mặc dầu tình cha mẹ, công ơn cha mẹ có thể có chỗ ưu tiên, nhưng nếu đi quá đà thì không đúng, không tốt. Chúa không bao giờ đi quá.

Tu phải sống cho Chúa, vì Chúa, cho người và vì người thì đúng là sống cho mình, vì mình.

THẾ NÀO LÀ THÁNH ?

Thường chúng ta hiểu thế nào là thánh? Một con người chu chu, chấm chấm, lộ vẻ đoan trang làm cho chúng ta nghĩ trong người đó có căn bản sống cao siêu! Hoặc thấy người thực hiện nhiều công tác từ thiện, hay thường hơn nữa, khi thấy ai đó sống khắc khổ, hãm mình, ăn chay nhiệm nhặt… đọc kinh dường như cả ngày… Ít nhiều chúng ta cảm nghĩ đó là những hạng người thánh.

Nhưng thật sự, cách chung, chúng ta chưa nhận thức “thánh là gì?” Qua những lời mạc khải của Kinh Thánh, chúng ta có thể hiểu: Thánh là tình trạng thiện hảo tuyệt vời, dưới đời không thể có được.

Khổng phu tử đã nói: “thánh ngã bất cảm” (làm thánh thì tôi không dám); còn đạo chúng ta thì bảo: “các con hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời. Hoàn thiện như thì không thể được, nhưng mê, ham thì vẫn được. Cần mến, ham để cố gắng tiến và tiến mãi.

Ngoài Chúa, không có thánh. Trong kinh tiền tụng chúng ta ca tụng Chúa: Thánh! Thánh! Thánh! Chúa ba lần Thánh, nghĩa là thánh tuyệt đối. Chúng ta cũng tôn xưng Chúa: Lạy Chúa, Chúa thật là Đấng Thánh, là nguồn mọi sự thánh thiện. Có sự thánh nào ở trần gian thì phải bắt nguồn từ Thiên Chúa. Qua mầu nhiệm nhập thể, nhập thể Chúa đã biểu lộ sự thánh, đường lối nên thánh nơi Chúa Kitô.

Do đó, những cử chỉ, những tác động dẫu là tác động anh dũng mà ngoài Chúa Kitô, không hẳn là người thánh.

Có một tu sĩ tự phụ mình là người thánh vì thường nhịn đói và chịu khó làm việc. Một chú quỷ tinh ranh nhận định: nhịn đói làm việc, nhọc mệt hãm mình ăn thua gì. Tôi không bao giờ ăn, lại bị lửa đốt thường xuyên, mà không được gì hết. Chúng ta thấy rõ, những tác động của chúng ta tự nó không có giá trị gì trước mặt Chúa.

Thánh đúng hiệu là kết hợp với Chúa, càng kết hợp sâu xa thì mức độ thánh thiện càng cao siêu . Chúng ta không thể trở thành Thiên Chúa hoàn toàn, nhưng vẫn có thể muốn giống Chúa và kết hợp với Chúa. Càng kết hợp với Chúa thì càng đạt được mức độ Thánh của chúng ta.

CẢM NGHĨ VỀ LỄ PHỤC SINH.

Lễ Phục Sinh là Lễ trọng nhất. Không lễ nào có hình thề long trọng hơn. Lễ Giáng Sinh đượm vẻ vui tươi, chỉ có mùa Vọng, một tháng nhắc nhớ và mong đợi Chúa đến.

Lễ Phục Sinh có cả Mùa Chay, lại thêm tuần thương khó, và thêm tám ngày sau Lễ Phục sinh. Lễ Phục Sinh lại là trung tâm điểm quy tụ tất cả các mầu nhiệm trong đạo: Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, Mầu nhiệm Giáng Sinh Nhập Thể, mầu nhiệm tạo sinh, tái sinh, mầu nhiệm ban cho cuộc sống lại, sống trường sinh…

Lễ Phục Sinh còn là trung tâm điểm cho việc sống đạo: từ việc đền tội, xin tha tội, đến việc sống tốt, sống thánh và sau cùng là sống kết hợp với Chúa.

Lễ Phục Sinh cũng có lúc gọi là Lễ Vượt Qua. Có thể hiểu: Chúa thể hiện công trình vượt qua, như thời xưa cứu dân Do thái khỏi nô lệ nhờ vết máu bôi trên mi cửa (dân Aicập phải chết) mà Do thái khỏi chết. Cuộc tử nạn có thể nói lên con đường có phần khổ nhọc, đường dân Do thái về Đất hứa.

Qua vài ý nghĩ vừa nêu lên, chúng ta có ra sức tìm hiểu xem Hội Thánh muốn dạy và thúc giục chúng ta sống xứng đáng với Lễ Phục sinh thế nào?

Có cố gắng làm việc đền tội, xin Chúa tha thứ những lầm lỗi của chúng ta. Chính nguyên tội đã kéo Chúa xuống trần gian chịu khổ nạn thay thế cho loài người, vì loài người không có khả năng đền tội.

Có nhìn Chúa, để biết Chúa, nhất là bắt chước, sống như Chúa. Tuần Thánh nhắc lại cuộc tử nạn của Chúa, con đường Thánh giá. Điều nầy không quá khổ nhọc, quá sức hèn kém của chúng ta vì Chúa ở lại với chúng ta đến tận thế.

Có mong mỏi, ước vọng sống kết hợp với Chúa, và tham gia sự sống lại vinh quang của Chúa.

Chúng ta đã trải qua nhiều Lễ Phục sinh, đã thu hoạch được những lợi ích nào? Chúa phục sinh, nhiều người phục sinh… còn tôi? Lễ lạc linh đình, nghi thức gợi ý sâu rộng, tôi vẫn phớt lờ, đã không để ý mà còn chạy theo dục vọng, tiền bạc… Chúng ta không sống tạm mãi đâu. Phải mơ ước và tìm đạt được sống vĩnh cửu. Sống vinh quang của Chúa Kitô.

SỐNG PHỤC SINH

Sống là cái chi thường xuyên trong con người. Khi nói phục sinh thì có thể hiểu: trong chúng ta có sự sống cao siêu, siêu nhiên. Nguyên tổ đã phạm tội đã làm mất sống siêu nhiên. Sống siêu nhiên là sống tham gia vào sự sống của Chúa, sống vĩnh cửu, sống kết hợp, sống vinh phúc… Vì tội, Nguyên tổ chỉ còn lại sự sống tự nhiên. Sống tự nhiên là sống hay chết, sống có phần khổ nhọc, dù cũng có thể có chút vui sướng. Vì là sống tạm, cho nên hạnh phúc không đầy đủ hoàn toàn, bởi không thể nào vĩnh cửu. Có khi những vui phúc tạm qua nên khổ nhọc nữa. “ăn nhiều phát ách”; uống nhiều, say mửa; tiền nhiều,lo nhiều (giàm danh, khóa lợi); giao hợp nhiều, sinh chán và có thể sinh bệnh nữa!

Chúng ta không có quyền sống cho cuộc sống tạm mà phải sống cho phục sinh. Sống cho phục sinh là sống mùa chay, là sống chịu khó đền tội, xin Chúa tha tội.

Sống phục sinh là sống giống Chúa Giêsu, là hoàn toàn theo ý Chúa. Sống biết dùng cả sống tạm để đạt lại sống siêu nhiên (sống lại). Biết sống hiến thân cho Chúa, hoàn toàn thuộc về Chúa và nhờ đó được kết hợp với Chúa, phần nào được tham gia sự sống vinh phước, vĩnh cửu của chính Chúa.

THÁNH HOÁ NGÀY CHÚA NHẬT

CHỦ NHẬT
Ngày làm chủ, ngày dành cho cuộc sống con người có thời gian an nghỉ. Ai cho con người có thời gian an nghỉ đó? Theo cảm nghĩ đơn sơ bình dân, chúng ta có thể quả quyết “Trời ban”.

Theo Kinh Thánh, Chúa mạc khải: Chúa thể hiện công trình (làm việc) trong 6 ngày, thứ 7 Chúa nghỉ (hiểu đúng với ý nghĩa mạc khải). Đối với con người, Chúa cũng muốn cho làm việc 6 ngày, dành cho nghỉ một ngày để con người không bám vào công việc lo cho sống tạm, cho thể xác… để có giờ dùng cho việc tôn thờ Chúa, cho việc lành phúc đức, để đúng là người thiện hảo, là con Chúa, đáng được hạnh phúc muôn đời.

CHÚA NHẬT
Có ba điều quan trọng tín hữu phải thực hiện:

  • Tham dự Thánh lễ.
  • Kiêng việc xác.
  • Làm việc lành.

1. Tham dự Thánh lễ: Tín hữu không ai là không biết Thánh lễ. Biết nhưng không mấy người hiểu rõ và thích dụng. Lễ là nghi thức tỏ ra tâm trạng tôn thờ, người ngoài Đạo Chúa thường dùng danh từ “cúng”. Còn tiếng thờ thường hiểu không đúng như: thờ ma, thờ quan chi phụ mẫu, thờ cha mẹ, thờ thần,thờ linh vật…v.v…! Thờ có nghĩa là nhìn nhận, tôn xưng một Đấng Tuyệt Đối. Người Việt chúng ta chịu ảnh hưởng Nho giáo: thờ ông Trời là Chủ tể. Ngoài tiếng thờ tỏ ra kính tôn tuyệt đối, tiếng thờ có thể hiểu tôn kính đặc biệt hoặc hiểu: Kính để được phù hộ, hay để tránh những tai hại.

Còn vấn đề “cúng” chúng ta hiểu thế nào? Thật ra, bất cứ vật nào dùng để dâng cúng cũng được miễn là tỏ lòng tôn thờ, kính mến chớ không phải thực vật để bề trên về hưởng hay một thứ hối lộ. Thời xưa có tế sống: giết trẻ nam, trẻ nữ… để tỏ lòng tôn thờ.

Thánh lễ của chúng ta hiểu thể nào? Thánh lễ chúng ta không phải chỉ dùng hoa, đèn, trái trăng, mà là cử hành chính Mình Thánh Chúa Giêsu. Nói được là một cuộc tế sống thường xuyên. Đúng ra chúng ta phải tuyên xưng mỗi ngày: Chúa Con (Chúa Giêsu) dâng Mình nghĩa là dâng chính sự sống cho Chúa (Chúa Cha).

Có điều mầu nhiệm này là con người, loài người kết hợp với Mình Chúa để cùng nên Lễ thượng Tiến. Không kết hợp với Chúa Giêsu thì con người không có chi xứng đáng để thượng tiến. Đáng lý phải thờ, dâng lễ thường xuyên vì không giây phút nào chúng ta không nhờ ơn Chúa. Nhưng vì con người ở trong thời gian hạn hẹp gồm nhiều giai đoạn, nên Chúa chỉ đòi giữ ngày Chúa Nhật.

2. Để giữ Chúa Nhật, Chúa bảo chúng ta phải kiêng việc xác. Việc xác có xấu xa tội lỗi gì mà phải kiêng? Ham việc xác,đúng ra là ham lợi. Không muốn cho người ta ham lợi quá, nên Hội Thánh đòi trong tuần phải có một ngày nghỉ để xác thể bớt khổ nhọc, được chút thảnh thơi, để không còn bi quan kể đời là bể khổ, và cũng không cho là thiên đàng. Tuy không ghét, không bám vào đời, nhưng biết dùng cái sống tạm.

Dùng sống tạm để nghỉ để chơi, để ăn nhậu thì tai hại. Dùng thời giờ rãnh để thể hiện bác ái với anh em. Thăm viếng anh em để tỏ tình liên kết, tâm sự với nhau, tỏ ra thương yêu nhau, an ủi người buồn, giúp đỡ người nghèo…

Chúng ta giữ ngày Chúa nhật tế nào?

Giữ theo lề thói. Hồi nhỏ giữ bây giờ cũng vậy thôi.

Không đi lễ thì nghe ngại ngại, sợ tội, sợ Chúa phạt.

Đi lễ rồi thì phủi tay, không còn nhớ chi nữa.

Ở không cả ngày, kiếm chuyện giải khoây. Giải khoây tốt, giải khoây không đẹp, giải khoây tội lỗi… Thứ nào?

Giải khoây thánh thiện, có nghĩ và có tìm thực hiện?

IX. QUỚI CHỨC TÌM HIỂU

SẮC LỆNH TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN

Chương III: Các Môi Trường Hoạt Động Tông Đồ
9. Nhập đề.

Giáo dân thi hành việc tông đồ muôn mặt của mình trong Giáo Hội cũng như giữa đời. Trong cả hai lãnh vực này, nhiều môi trường hoạt động tông đồ khác nhau được khai mở. Ở đây chúng tôi muốn nhắc tới những môi trường chính yếu hơn cả là: các cộng đoàn Giáo Hội, gia đình, giới trẻ, môi trường xã hội, các lãnh vực quốc gia và quốc tế. Ngày nay phụ nữ càng ngày càng góp phần tích cực vào tất cả đời sống xã hội, cho nên điều quan tọng là làm sao cho họ tham gia nhiều hơn vào cả những lãnh vực tông đồ của Giáo Hội (Trích SLTĐ Giáo Dân, số 9).

Chú thích:
- Hoạt động Tông Đồ trong 2 lãnh vực: Giáo Hội và xã hội.
- Những môi trường chính: Họ đạo, gia đình, giới trẻ, xã hội, quốc gia, quốc tế.
- Phụ nữ cũng được mời tham gia hoạt động Tông Đồ.

Gợi ý thực hành:
- Mỗi Quới Chức trong họ mình đang hoạt động trong những môi trường nào?
- Có bao nhiêu phần trăm Quới Chức là giới nữ? Hiệu quả thế nào so với nam giới?

X. TẢN MẠN

TRUNG THỰC VÀ GIAN TRÁ

Dân gian thường nói : “lời thật mất lòng”. Quả thật, có những chuyện rất khó nói dù nó là sự thật. Hiện nay, rất nhiều người cảm thấy băn khoăn trước thực trạng là sự thiếu trung thực đang xảy ra ở rất nhiều nơi, biểu hiện dưới những hình thức khác nhau. Chẳng hạn nạn bằng cấp giả theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bằng cấp giả theo nghĩa bóng mới thật ghê gớm, người được nhận tấm bằng một cách chính thức, hợp pháp nhưng trình độ thực tế còn xa với ngang tầm trình độ của tấm bằng thể hiện. Chuyện sinh viên quay bài của nhau được xem như chuyện bình thường và rất phổ biến nơi các trường Đại học, Cao đẳng. Chuyện học sinh phải nhồi nhét kiến thức hay học vẹt là một thực tế không chối cãi được.

Thật đáng sợ khi thiếu trung thực đã và đang dần dần được người ta coi là chuyện bình thừng. Điều đáng lo lắng cho những ai có trách nhiệm trong việc hướng dẫõn và đào tạo con người (cả kiến thức lẫn tinh thần) là cái xấu đang hiện diện và lớn mạnh, e rằng đến một lúc nào đó con người sẽ không còn bị lương tâm cắn rứt khi họ hành động cách gian dối. Đức Thánh Cha Piô 12 đã nói: “tội lớn nhất của thời đại này là con người mất cảm thức về tội”.

Phải chăng, chúng ta quá chú tâm đến hình thức bề ngoài, quá chạy theo chỉ tiêu, muốn được người khác nhìn nhận và muốn tự khẳng định mình bằng mọi giáù . . . nên đã xảy ra tệ nạn mang tính xã hội này? Ta cần phải làm gì đây? Muốn thay đổi não trạng mang nặng tính hình thức này, muốn thoát khỏi bóng tối của sự gian trá, chúng ta cần chỉ ra và hướng dẫn cho mọi người hãy biết chấp nhận mình, hãy biết mình; phải có lòng tự trọng và tôn trọng sự thật. Đối với những ai có trách nhiệm đào tạo con người, cần đánh giá con người qua năng lực thật sự chứ đừng chỉ dựa vào bằng cấp?

Chúng ta sẽ làm được gì đây khi mình chỉ là những con người nhỏ bé mà đại đa số lại là những con người bình thường, không giữ những vị trí đặc biệt trong xã hội?

Tôi còn nhớ một câu chuyện kể về một cậu bé đi dạo trên bãi biển. Cậu nhặt những con sò bị phơi nắng trên bãi biển và đem chúng trở lại với biển. Những con sò này do thuỷ triều hôm trước đánh dạt lên. Một ông lão thấy vậy bèn bảo: “trên thế giới này có biết bao bãi biển, mỗi bãi biển có vô vàn con sò như vậy. Liệu cậu có đem lại sự công bằng được cho tất cả những con sò được không ?”. Cậu bé vẫn tự tin trả lời rằng: “tuy khôngđem lại được sự công bằng cho tất cả những con sò nhưng con chắn chắn rằng con sẽ giúp được những con sò hiện đang có trong tay con”. Và cậu bé lại tiếp tục làm công việc của mình cách nhiệt thành.

Báo Tuổi trẻ vừa qua có đăng tin một người nông dân đã dám bán đất của mình để đi tố cáo tham những và anh đã bị hành hung. Đó là tấm gương sáng mà mọi người đều nể phục và cảm kích. Cần nhân rộng rộng những kiểu mẫu ấy để xã hội bớt đi những bất công, bớt đi tệ nạn “mạnh được yếu thua”, trả lại công bằng co những người thấp cổ bé miệng và làm cho cuộc sống thêm niềm hy vọng và tươi sáng.

Đừng đừng đẩy trách nhiệm cho nhau, đừng khoanh tay chờ đợi khi mình vẫn có thể cộng tác hay làm được điều gì đó cho cuộc đời này, cho những anh em của chúng ta. Linh mục và tu sĩ được gọi là những con người làm chứng cho sự thật, là người thắp sáng hy vọng, là người của người nghèo . . . Hãy sống đúng với những gì mà Thiên Chúa muốn và con người đang kỳ vọng nơi chúng ta. Đời sống theo Chúa sẽ mất hết đi ý nghĩa nếu những chứng nhân của sự thật nhát đảm, e dè và làm ngơ trước những gian trá mà mình đã chứng kiến; hay tệ hại hơn là mình đã vô tình hay cố ý cộng tác vào những gian trá và làm sai lệch sự thật. Ai yêu mến sự thật sẽ được “sự thật giải thoát” cho và sẽ hiên ngang ngẩng đầu bước đi trong tự do như những người thắng trận trở về!

Có một người đã nói rất hay: “Trung thực và thật thà dù song song với nhau nhưng lại không đồng nhất với nhau. Bởi lẽ, thật thà là bản tính, còn trung thực là cách sống.” Người thật thà thường bị lợi dụng nhưng người trung thực được tôn trọng bởi họ hiểu biết và kiên quyết hành động theo niềm tin. Để thắp sáng và làm bừng lên niềm hy vọng về sự thật, trước hết, mỗi người chúng ta hãy tập sống trung thực với chính mình; với mọi người trong gia đình, với bạn bè. Hãy tìm và tận dụng mọi phương thế để góp phần đẩy lùi sự gian trá đang có chiều hướng gia tăng đáng sợ! Từng việc làm của chúng ta tuy rất nhỏ nhoi, nhưng nếu mọi người đồng lòng thì ta có quyền hy vọng là bóng tối sẽ bị đẩy lu để nhường chỗ cho ánh sáng.

Cuộc chiến nào cũng đầy những khó khăn, hy sinh và mất mát, nhưng chúng ta tin rằng với thời gian và lòng kiên nhẫn, dần dần xã hội và Giáo hội sẽ có những bước chuyển biến tích cực. Ta cũng có quyền hy vọng rằng đến một lúc nào đó sự trung thực sẽ chiến thắng.

XI. MỘT LỐI SỐNG

CHẤP NHẬN VÀ HÀI LÒNG VỀ MÌNH

Người chấp nhận mình: biết hài lòng về mình, thích hòa đồng với người khác. Nếu gặp phải những ai không yêu thương hay chỉ trích, họ không tức giận hay buồn phiền.

Người chấp nhận mình: thích đi đến với người khác , vì họ luôn nghĩ rằng người khác cũng yêu thương và chấp nhận họ. Họ tự tin khi ở giữa đám đông, sẵn sàng cởi mở và chấp nhận ý kiến của người khác. Họ không thấy cô đơn khi ở một mình.

Người chấp nhận mình: biết đón nhận tình yêu và lời khen ngợi của người khác với lòng biết ơn và thích thú. Họ nội tâm hóa lời khen và nhận xét tích cực. Họ không nghi ngờ về động lực của người khác.

Người chấp nhận mình: là người biết lành mạnh hóa và phong phú hóa con người mình. Họ thương yêu và thán phục người khác một cách cởi mở và ngay thẳng. Họ không bị dày vò bởi việc người khác có thể hiểu lầm và giải thích sai hành động của họ. Họ cũng không lo lắng về điều họ trao có được đền đáp lại không. Nói tóm lại, họ tự do làm những gì họ muốn và thấy là đúng.

Người chấp nhận mình: chấp nhận chính họ như họ “là” trong giây phút đó . Cái tôi ngày hôm qua đã thuộc về lịch sử. Cái tôi của ngày mai còn trong cõi hư vô. Họ chỉ chú ý đến giây phút hiện tại và nhữnggì xảy ra trong lúc này.

Người chấp nhận mình: có thể thường xuyên và dễ dàng cười chính họ . Coi mình quá quan trọng thường là dấu hiệu của người cảm thấy thiếu an toàn. An bình nội tâm thường là dấu hiệu của người biết chấp nhận mình. Họ thú nhận và cười vào chính sự yếu đuối, ngu ngốc của mình. Chỉ những người biết nhận chân giá trị của mình mới có can đảm thú nhận những giới hạn và thiếu sót của mình.

Người chấp nhận mình: có khả năng nhận thấy và đáp ứng những nhu cầu của mình : nhu cầu thể lý, cảm xúc, trí tuệ, xã hội và siêu nhiên. Đúng ra bác ái phải bắt nguồn từ chính mình trước. Nếu không yêu mình chắc chắn là tôi sẽ không thể yêu ai khác được. Cố gắng “lờ đi” những nhu cầu của mình là một kiểu “tự sát”. Phải biết yêu mình rồi mới biết yêu người khác một cách tự nhiên và hồn nhiên được. Loại người này thường sống quân bình. Họ dùng thời giờ để nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn, thể thao và bồi bổ cho cơ thể, cho tinh thần, cũng như cho đời sống tâm linh.

Người chấp nhận mình: là người cương quyết . Họ sống theo lời chỉ dẫn và hành động như thế nào là do chính bên trong nội tâm của ho thôi thúcï, chứ không phải do nơi người khác thôi thúc. Họ làm theo cái họ nghĩ là đúng và thích hợp, chứ không theo những gì kẻ khác nghĩ và nói. Họ không sợ phải lội ngược dòng, không bị tiêm nhiễm hay ảnh hưởng bởi tâm lý và tinh thần của tập thể hay của đám đông.

Người chấp nhận mình: sống hòa hợp với thực tại , đối diện với chính mình và người khác như sự thật mà người khác “đang là”. Họ không để mất thời giờ và sức lực để hối tiếc những điều tật sự không có. Họ thưởng thức và dấn thân vào cuộc sống.

Người chấp nhận mình: là người quả quyết tự tin . Họ chú trọng đến quyền lợi của họ một cách chính đáng, như là: quyền có những tư tưởng và lựa chọn. Họ tương giao với người khác một cách ngang hàng. Họ không chôn vùi sáng kiến. Họ tự trọng và diễn tả chính mình một cách cởi mở và ngay thẳng.

XII. SỐNG LỜI CHÚA: Gioan 20,29

“PHÚC THAY NHỮNG NGƯỜI KHÔNG THẤY MÀ TIN”

1340    23-04-2012 10:10:44