Sidebar

Thứ Hai
29.04.2024

Thiên Chúa Ngỏ Lời Với Con Người - Tháng 01 năm 2006

CHỦ ĐỀ: THIÊN CHÚA NGỎ LỜI VỚI CON NGƯỜI

I. THƯ CỦA HĐGMVN SỐ 2

Vì yêu thương, Thiên Chúa đã ngỏ lời với chúng ta để chúng ta được thông phần hạnh phúc viên mãn của Ngài. Ngài cũng mạc khải chính mầu nhiệm sự sống Ba Ngôi là đích điểm của đời sống Kitô hữu.

Thiên Chúa còn ngỏ lời với con người qua lịch sử Israel, dân riêng của Ngài, đồng thời cũng là lịch sử cứu độ.

Qua Thánh Kinh, Thiên Chúa nhờ loài người và dùng cách nói của loài người mà phán dạy. Ngài đã hạ mình, mang lấy những bất toàn và giới hạn của ngôn ngữ nhân loại, để nói với chúng ta. Nhờ đó, “chúng ta học biết lượng nhân từ khôn tả của Thiên Chúa và biết, do quan phòng săn sóc đến bản tính chúng ta, Ngài đã thích ứng lời nói của Ngài đến mức nào” (MK 13).

II. DẪN GIẢI

Mặc Khải, nói được là Chúa tâm sự với chúng ta. Chúa tỏ cho ta biết chính bản tính của Người.
Chúa dùng những phương thế thích hợp, vừa với khả năng của con người với mục đích làm cho chúng ta được thông phần hạnh phúc với Chúa.

III. CHUYỆN MINH HOẠ

MỘT BỨC TÂM THƯ

Ba yêu quý của con,
Từ trước đến nay thỉnh thoảng con cũng có viết thư cho Ba, nhưng hôm nay, nhân ngày Lễ Của Cha (Father’s Day), con muốn mượn trang giấy này, viết lên tất cả những gì con suy nghĩ về Ba, về tình cha con của Ba và con. Con không biết bắt nguồn từ đâu mà người Hoa Kỳ có ngày dành cho các bậc làm cha, nhưng con thấy đây là một điều hay, vì ít nhất mỗi năm có một ngày con cái được nhắc nhở để suy nghĩ đến tình thương của người cha, đến bổn phận của mình đối với cha và làm một điều gì đó để bày tỏ lòng biết ơn người đã sinh thành ra mình.

Cũng vì có ngày lễ này mà hôm nay con được nhắc nhở để hướng tâm hồn con đến Ba. Ba biết không, con thương Ba nhiều lắm, và con biết Ba cũng thương con nữa, nhưng cha con mình không bao giờ nói lên với nhau điều đó, dù trực tiếp hay gián tiếp. Con nhớ hồi còn nhỏ, thỉnh thoảng ngồi gần Ba, nhìn những đường gân trên tay Ba, trên trán Ba, con thấy thương làm sao. Con biết vì lo làm lụng để nuôi anh em chúng con mà bàn tay Ba trở nên chai cứng, da mặt Ba sạm lại, trán Ba nhăn nheo. Con thương bàn tay đó, cái trán nhăn nheo đó, nhưng không bao giờ con dám đến gần đụng đến Ba, hay nói cho Ba biết là con thương Ba.

Không hiểu tại sao giữa Ba và anh em chúng con lúc nào cũng có một sự ngăn cách mà không ai giải thích được, cũng không ai biết làm gì để xóa bỏ ngăn cách đó. Ba lúc nào cũng nghiêm nghị, cứng rắn, có khi lạnh lùng và dữ dằn nữa. Có lẽ vì thế mà ít khi nào con dám đến gần hay nói chuyện với Ba. Nhiều khi có những điều ở trường con thắc mắc không hiểu mà không biết hỏi ai. Con nghĩ Ba có câu trả lời nhưng con không dám hỏi, vì Ba chẳng bao giờ nói chuyện với con. Những khi có chuyện buồn vui, con cũng chỉ nói với mẹ hay với bạn chứ không dám nói với Ba. Con không đủ can đảm để nói mà có nói chắc Ba cũng không có thì giờ nghe. Con nhớ hồi còn nhỏ, mỗi khi đang chơi ngoài sân mà thấy Ba đi làm về là con ngừng ngay và tránh đi nơi khác. Vì ở gần bên Ba thế nào cũng bị la chuyện này, chuyện kia hoặc bị sai làm việc kia việc nọ. Mỗi lần Ba gọi đến tên con là con giật bắn người lên, vì biết mình sắp bị la hay bị đòn vì một lỗi lầm nào đó.

Mỗi lần con bị đòn, những trận đòn chí tử, thì các cô các chú an ủi: Ba mày thương mới đánh như vậy cho mày nên người. Trong tâm trí đơn sơ và non nớt của con lúc đó, con không hiểu mà cũng không chấp nhận những lời an ủi đó. Con nghĩ nếu ba thương mình, sao không tha thứ lỗi lầm của mình mà cứ la mắng và đánh đòn mình một cách giận dữ như vậy. Nhiều khi có những điều Ba không dặn bảo hay cảnh cáo trước mà đến khi con phạm phải những điều đó thì con cũng không được phép bào chữa để khỏi bị đòn. Biết bao nhiêu lần con muốn bỏ nhà đi, để khỏi phải ở dưới sự kiểm soát gắt gao của Ba, nhưng không dám vì không biết đi đâu. Tuy nhiên, nghĩ lại con cảm tạ Chúa, vì nếu con thoát ly gia đình như điều mong muốn thì chắc chắn cuộc đời con không được như ngày hôm nay.

Con cảm ơn Ba đã hy sinh làm lụng vất vả để mấy anh em con được ăn học đến nơi đến chốn. Cảm ơn Ba đã răn bảo sửa dạy để anh em chúng con nên người trưởng thành. Con thương Ba nhiều lắm, nhưng có một điều con xin thành thật thưa với Ba là con không muốn trở nên một người cha giống như Ba, vì con không muốn con của con sau này lúc nào cũng khiếp sợ và cách xa người cha của nó.

Con nhắc lại những điều này không phải để làm cho Ba buồn, Ba yêu dấu của con, nhưng chỉ để chia xẻ với Ba rằng những điều đó có lẽ Ba đã quên hết rồi nhưng nó còn in rõ trong trí con và còn ảnh hưởng trên con cho đến ngày nay. Ngày xưa nhiều lúc mấy anh em con nói với nhau: hình như mình chẳng bao giờ làm vừa lòng Ba được. Dù cố gắng đến đâu cũng không khỏi bị la bị đòn. Con tin Ba thương anh em con vì có người cha nào mà không thương con mình; nhưng con phải tự nhủ, tự nhắc về tình thương đó, vì nó không bao giờ được biểu lộ ra. Và nếu có biểu lộ thì tình thương đó hình như là tình thương có điều kiện. Nếu con và các em ngoan ngoãn, học giỏi, đừng làm sai làm hỏng điều gì, nghĩa là đạt đến những điều Ba mong muốn thì Ba thương, nhưng nếu không đạt đến tiêu cuẩn của Ba thì sẽ bị la mắng đòn vọt……

Ba yêu quý của con, nhân ngày của các bậc từ phụ, con muốn thưa với Ba rằng con thương Ba rất nhiều. Cảm ơn Ba đã hy sinh cả cuộc đời cho vợ cho con. Đã nuôi dạy và dẫn dắt chúng con cho đến ngày hôm nay. Con cũng cảm tạ Chúa là Ba của con không giống nhiều người cha khác, bỏ vợ con để chạy theo niềm vui riêng, tội lỗi và ích kỷ, gieo đau khổ cho vợ con. Con cũng cảm ơn Chúa cho con cómột người cha cương trực, ngay thẳng và trong sạch. Ba đã để một gương sáng cho chúng con noi theo. Con chỉ tiếc một điều là vì Ba quá cứng rắn và quá bận rộn mà cha con mình đã không có nhiều kỷ niệm đẹp với nhau. Con ước mong tâm tình này Ba sẽ đọc, chấp nhận và thông cảm, để ngày nào gặp lại nhau, cha con mình sẽ thấy gần gũi với nhau hơn. Lúc đó con có thể ôm Ba và nói con thương Ba nhiều.

(Minh Nguyên)

Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4, 8 ). Qua Lời nói và hành động, Ngài tỏ cho chúng ta thấy hình ảnh của một người cha nhân từ hằng yêu thương những kẻ kính sợ Ngài khác nào người cha yêu thương con mình. Ngài có lòng thương xót, hay làm ơn, chậm nóng giận và đầy nhân từ. Ngài không bắt tội luôn luôn, cũng chẳng giữ lòng giận đến đời đời. Lòng nhân từ của Ngài hằng có đời đời cho những người kính sợ Ngài.

Theo tiếng Hy bá Lai, lòng nhân từ chỉ lòng người mẹ, nó nằm trong lòng dạ hơn là trong trái tim. Chỉ có tình thương nồng nhiệt của người mẹ mới cho chúng ta hiểu nổi tình thương vô biên của Thiên Chúa đối với chúng ta, nhất là đối với kẻ tội lỗi, người nghèo khó bé mọn. Tấm lòng của Thiên Chúa vượt hơn mọi lòng cha và lòng mẹ. Ngài vừa “khả úy”, một vị Thiên Chúa uy linh, tối thượng; nhưng đồng thời cũng rất “khả ái”, chăm sóc dân Ngài như gà mẹ ấp ủ con mình.

Xin cho chúng con luôn biết trông cậy vào tình thương của Chúa và không bao giờ thất vọng về mình.

IV. DẪN Ý

Vì yêu thương Thiên Chúa muốn đến gặp gỡ và tỏ mình cho con người.

Chúng ta không thể hiểu và cảm thông với một người, nếu người đó không bày tỏ những tình cảm, những lời nói, cũng như bằng cử chỉ, thái độ. Đối với Thiên Chúa cũng tương tự như thếá. Ngài vốn là Đấng “ngự trong ánh sáng siêu phàm” (1 Tm 6, 16), làm sao chúng ta có thể nhận biết Ngài, nếu chính Ngài không đoái thương tự tỏ mình ra và ban mình cho chúng ta?

Vì yêu thương, Thiên Chúa tự ý đến với con người, gần gủi họ và ngỏ lời với họ, để họ có thể gặp gỡ, nhận biết và yêu mến Người, trở nên con cái Thiên Chúa mà được sống đời đời. “Sự sống đời đời đó là nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô” (Ga 17, 3).

Như vậy, mặc khải là hành động yêu thương của Thiên Chúa tỏ mình ra cho con người, để con người tự ý đón nhận và hiệp thông với Thiên Chúa, mà được cứu độ.

Thiên Chúa ngỏ lời với con người qua lịch sử Israel.

“Bằng các hành động và lời nói liên kết mật thiết với nhau và soi sáng cho nhau” (MK 2) trong suốt dòng lịch sử cứu độ, Thiên Chúa tự tỏ mình ra cho chúng ta qua các công trình Người tạo thành, đặc biệt là qua con người vốn là hình ảnh của Người.

“Thiên Chúa, Đấng sáng tạo và bảo tồn mọi sự nhờ Ngôi Lời, không ngừng làm chứng về Mình trước mặt loài người qua các thụ tạo. Và vì muốn mở đường cứu độ cao trọng nên từ đầu Người đã tỏ Mình ra cho tổ tông chúng ta” (GLCG 54). Người đã sống thân mật với ông bà nguyên tổ, và sau khi ông bà phạm tội, Người vẫn tìm đến và hứa ban ơn cứu độ.

Lời hứa cứu độ được Thiên Chúa nhắc lại và củng cố, qua các giao ước với ông Noe, với tổ phụ Abraham, với Dân Israel được tuyển chọn bằng Giao ước Sinai và nhờ các ngôn sứ. Thiên Chúa đã chuẫn bị họ đón nhận Đấng Cứu Thế được hứa cho toàn thể nhân loại.

Bằng đường lối sư phạm tuyệt hão, Thiên Chúa đã tự tỏ minh dần dần theo thời gian, để con người có thể sẳn sàng đó nhận Đức Giêsu Kitô, là Lời của Thiên Chúa Cha và với Ngài mặc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi đã trọn vẹn.

Thiên Chúa tỏ mình ra qua Thánh Kinh.

“Để con người hiểu biết, đón nhận và đáp trả lời mời gọi của Ngài, Thiên Chúa đã ngỏ lời với họ bằng chính ngôn ngữ của nhân loại” (MK 13). Kinh Thánh chứa đựng lời ngỏ của Thiên Chúa, trải dài suốt chiều dài lịch sử của một dân tộc và được viết dưới nhiều hình thức khác nhau do nhiều tác giả nhân loại.

Thiên Chúa đã hạ mình mang lấy những bất toàn và giới hạn của ngôn ngữ nhân loại, để nói với chúng ta. Nhờ đó, “chúng ta học biết lượng nhân từ khôn tả của Thiên Chúa và biết, do quan phòng săn sóc đến bản tính chúng ta, Ngài đã thích ứng lời nói của Ngài đến mức nào” (MK 13)

Đón nhận mặc khải của Thiên Chúa.

Qua mọi thời đại, Lời của Thiên Chúa sẽ còn vang lên mãi cho những ai biết chân thành lắng nghe và khao khát đón nhận. Vậy người tín hữu phải làm gì để có thể đón nhận lời mặc khải của Thiên Chúa?

Cần có một tâm hồn khiêm tốn để đón nhận Thiên Chúa như Đức Maria: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới” (Lc 1, 48).

Năng đọc Thánh Kinh và suy gẫm Lời Chúa: “Thực thế, trong Sách Thánh, Chúa Cha trên trời, bằng tất cả lòng trìu mến, đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ” (MK 21).

Biết đọc và nhận ra ý Chúa qua các dấu chỉ thời đại: qua thiên nhiên – qua những người gặp gỡ trong cuộc đời – qua các tôn giáo bạn – qua những biến cố lịch sử đã và dang diễn ra….”Dân Thiên Chúa…cố gắng nhận định đâu là những dấu chỉ thực về sự hiện diện hoặc ý định của Thiên Chúa trong mọi biến cố, mọi yêu sách và ước vọng mà họ dự phần với những người đương thời” (MV 11).

(Giáo lý Công Giáo, Biên soạn cho giáo dân, 1996)

Lạy Chúa xin dạy chúng con biêt yêu mến việc đọc và tìm ý Chúa qua Thánh Kinh. Amen

Kiểm điểm:

Tôi có tâm tình thế nào đối với Kinh Thánh: có yêu mến Lời Chúa không? Có tìm ý Chúa nơi Kinh Thánh không?

Tôi có lãnh đạm với Kinh Thánh không?

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Thiên Chúa ban cho con người có khả năng đón nhận Thiên Chúa. Hơn nữa, với nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa hằng ngỏ lời với con người, nhằm cho con người dự phần sống thần linh. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện cho mọi người:

  1. Chúa phán: “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta”. Chúng ta cầu nguyện cho thành phần Hội Thánh, tuỳ khả năng và phần vụ của mình, mà luôn biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa.
  2. “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu: thiết tha yêu mến Lời Chúa, chăm chỉ lắng nghe, siêng năng đọc, và suy gẫm Lời Chúa trong các sách Kinh Thánh.
  3. “Vào thời sau này, Thiên Chúa phán dạy chúng ta qua Chúa Con”. Chúng ta cầu nguyện cho các Kitô-hữu: nhận thấy Lời Thiên Chúa phán với loài người, qua cuộc đời, tâm tình, lời nói và hành động của Chúa Giêsu.
  4. “Ngôi Lời đã làm người, và ở cùng chúng ta”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta ý thức rằng: Lời Chúa không quá khó hiểu, không quá cao vời, nhưng rất thích hợp với khả năng của lý trí và đức tin, mà Chúa đã ban cho loài người.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa muốn loài người được thông phần vinh quang của Chúa, Chúa đã nhiều lần nhiều cách mà ngỏ Lời với loài người. Xin lại ban Thần Trí Chúa cho chúng con, để chúng con biết đón nhận và thực thi ý Chúa. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

THÁI ĐỘ ĐÁP TRẢ: TIN

Thiên Chúa ngỏ lời với con người bằng nhiều cách: Kê cổ tiên hiền truyền chủ dụ,Nhi kim Thánh Tử đối dân đàm.

“Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các tiên tri, nhưng vào thời sau hết, Thiên Chúa phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1.1).

Thiên Chúa (TC) ngỏ lời với con người, như một người có trách nhiệm. TC biểu lộ ý định của Người để có thể mời gọi con người đáp trả. Lời Chúa không những có năng lực sáng tạo, mà còn là soi sáng nhằm tiếp tục sáng tạo với sự ưng thuận của con người có tự do, nghĩa là Lời Chúa không phải chỉ truyền đạt một giáo lý, mà còn là một sứ điệp, một cái gì đó tạo nên tương quan giữa người với người: một thái độ đáp trả trong đức tin.

Cha Prat (SJ) nói rằng : “Tin TC không nguyên là tin Người hiện hữu, mà còn nương tựa vào Người như ý điểm không thể lay chuyển, là ẩn náo ở trong Người như nơi trú ẩn chắc chắn, là hướng về Người như cùng đích trên hết”. Do đó truyền thống Công giáo diễn tả đức tin bằng ba kiểu nói: tin có Chúa, tin vào Chúa, tin nơi Chúa.

  • Tin có Chúa.

Tin là đặt mình trước sự hiện diện của TC, là sống trong sự hiện diện đó. Lời Chúa ngỏ với ta, đối thoại với ta. Đặt ta trước sự hiện diện của TC, một sự hiện diện hiện thời, cá biệt, thường xuyên và trực tiếp. Cả quyển Kinh Thánh nói với ta về TC đang có đó. TC là nhân vật chính của Kinh Thánh, một nhân vật luôn hoạt động. Và mỗi hành vi Phụng vụ đều hiện tại hóa Lời Chúa và đặt ta trước sự hiện diện của Người.

Sự hiện diện của TC là một sự hiện diện lu mờ, mầu nhiệm TC thì ẩn khuất sau những chứng nhân, vì ta chỉ biết sự hiện diện đó qua ngôn từ và ý niệm: như khi đứng trước một người, ta chỉ biết được họ qua những dấu hiệu, lúc đó ta cũng đã có cảm giác về một sự hiện diện lu mờ rồi, huống hồ là khi đứng trước con người của Chúa Kitô. Việc đi sâu vào con người qua đối thoại, tình thương cũng không xóa được hết bóng mờ của sự hiện diện đó. Do đó, càng nghe Lời Chúa, ta càng khao khát muốn biết Chúa rõ hơn, và sự khao khát đó không những làm cho ta khiêm tốn, mà còn gây khổ tâm , bởi vì bóng mờ đó, sự khao khát đó nhằm kích động lòng yêu thương.

Sự hiện diện lu mờ đó vẫn đang hoạt động. Qua Chúa Kitô, qua những nhân vật, những biến cố, TC đang nói, đang ngỏ lời với ta, đang đối chất ta, mời gọi và phân xử ta. Càng nghe Lời Chúa, ý thức về việc TC phân xử ta, đánh giá ta càng gia tăng. Đây là việc phân xử, đánh giá theo tình thương, như TC đã xét xử con người trên thập giá của Chúa Kitô.

  • Tin vào Chúa.

Tin là tin tưởng vào Chúa, phó thác, tin cậy Chúa, vâng theo thần trí của Chúa: qua những dấu hiệu, cử chỉ của TC, ta nhận thấy quyền năng của TC, và ta tin tưởng vào quyền năng đó. Qua trung gian những dấu hiệu (Chúa Kitô, Giáo Hội), TC nói với tâm trí ta. Qua những dấu hiệu đức tin, hai người đàm thoại với nhau: một cuộc đối thoại bên trong, nơi đó tâm trí ta nhận ra thần trí của TC, và tin nơi thần lực của thần trí đó.

Có tôn trọng hoạt động bên trong của đức tin, Thánh Thần TC mới ban cho ta sự vững tin và sự bình an, không vì công đức của ta, nhưng trái lại, lỗi lầm của ta có thể làm tổn thương nó. Lòng nhân hậu của TC là sự vững tin cho ta, và chiến thắng thế gian là niềm tin của ta.

Đức tin còn là sự dễ nghe theo Thánh Thần. Do đó, ta cần đào sâu ý nghĩa của Lời Chúa, lời khuyến giục ta và đưa ta đến Chúa Cha. Lời đó giúp ta đọc hiểu những dấu hiệu của đức tin nơi Chúa Kitô và Giáo Hội, cũng như những dấu chỉ thời đại, và giúp ta tìm gặp nơi đó hướng đi cho đời mình.

Đức tin là một hoạt động tự do. Trong đức tin, tinh thần con người đạt đến đỉnh cao của nó, nơi đó nó tham dự vào tư tưởng và tự do của Thánh Thần TC. Trong một cuộc đối thoại, tinh thần yếu hèn của ta được sức mạnh Thánh Thần tăng sức. Nhận ra quyền lực Thánh Thần trên ta, là một sự giải phóng đưa ta đến tự do của con cái TC.

  • Tin nơi Chúa.

Tin nơi Chúa là tận hiến cho Chúa, là đi đến với Chúa, là kết hợp với Chúa. Lời Chúa lôi cuốn con người bước theo Chúa Kitô đi vào nước Chúa.

Sự tìm kiếm về TC là một sự tìm kiếm cá biệt và tự do. Do đó, cần thiết mỗi người phải có ước muốn hoán cải, nếu như ta cảm thấy mình tội lỗi bất xứng, thì ước muốn về đức ái nơi TC, tin vào tình thương nơi TC sẽ là nguồn khích lệ và thúc đẩy ta đến với TC. Chính ý thức và lòng tin đó cho ta cảm nhận được sự tự do của con cái TC, tâm tình hiếu thảo, chiến thắng của tình thương trên sợ hãi.

KẾT : Trong thực tế, mỗi khi có tác dụng của TIN đúng nghĩa thì:

Một đàng, TC (Đấng mạc khải mình là chân lý tuyệt đối cho kẻ tin) là TC Ba Ngôi tỏ mình ra nơi Chúa Kitô là Ngôi Lời nhập thể; một đàng, người tin là một nhân vị có xương thịt hoạt động với trí khôn, ý muốn, tình cảm, khối óc, bắp thịt.

Một đàng, TC khởi xướng, tìm đến con người, tỏ cho họ biết ý định cứu chuộc của Người; một đàng, con người phản ứng, vươn lên tới TC, chấp nhận ý định yêu thương của Người.

Như thế là có cuộc tiếp xúc sống động giữa hai ngôi vị: TC và con người. Đây là tính cách căn bản sống động của đức tin.

VII. TRANG KINH THÁNH

1/ Kinh thánh là gì?

Kinh thánh là Lời Chúa được ghi chép lại dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Thần và được Hội thánh công nhận.

Kinh thánh gồm hai phần: Cựu ước và Tân ước.

- CƯ: là giao ước cũ được ký kết giữa Thiên Chúa với dân Israel, Môisen đại diện cho dân. Giao ước được ký bằng máu bò.

-TƯ: là giao ước mới được ký kết giữa Thiên Chúa với nhân loại, Chúa Giêsu đại diện cho con người. Giao ước được ký kết bằng chính Máu Chúa Giêsu.

2/ Số lượng của bộ Kinh thánh.

Trọn bộ Kinh thánh gồm 73 quyển, chia ra như sau:
* CƯ: 46 quyển
* TƯ: 27 quyển, bao gồm:
( 4 Phúc âm: Matthêuô (Mt). Marcô (Mc), Luca (Lc) và Gioan (Ga).
( Tông đồ Công vụ của Thánh Luca (Tđcv)
( 13 thư của Thánh Phaolô.
( Thư gửi tín hữu Do thái.
( 7 thư chung: 2 thư Phêrô; 3 thư Gioan; thư Giacôbê và thư Giuđa.
( Sách Khải huyền của Thánh Gioan (Kh).

Lời Chúa: “Nhờ Ngôi Lời vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ờ nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại”. (Ga 1,3-4).

Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa không ngừng nói với con người chúng con bằng chính ngôn ngữ của loài người, xin cho con biết lắng nghe và đáp lại tiếng Chúa mời gọi bằng đời sống đức tin của con.

VIII. MỘT CÁI NHÌN VỀ CÁC TÔN GIÁO TẠI VIỆT NAM (tt)

TÌM BIẾT VỀ LÃO GIÁO

Đối thoại là một việc bác ái, nhờ đó nhân loại biết nhau, hiểu nhau, tôn trọng nhau, thương yêu và cũng nhờ đó biết sống với nhau và có thể cùng nhau cộng tác, để nhân loại cũng đạt cuộc sống hoà bình, hạnh phúc.

Biết người, biết ta thì đối thoại mới chân thành được.

LÃO GIÁO

Trước tiên, Lão giáo không phải là một tôn giáo, vì không thờ Đấng tuyệt đối, cũng không thờ một Đấng cao siêu, để xin cho được phước, khỏi hoạ.

Mặc dù về sau xưng tụng là Thái Thượng Lão quân, nhưng vẫn không thờ hoặc thờ cùng nhiều vị khác, thờ như những vị thông truyền cho kiếp sống lâu (trường sinh), cho có quyền năng cao siêu, thần thông quảng đại, trừ tà, tróc quỉ, hô phong, hoán vũ làm phát sinh nhóm pháp sư, dùng bùa, chú, trù ếm, bói toán…

Lão giáo cũng không hẳn là một hệ thống luân lý, mặc dù có đề xướng ra một lề lối sống. Lối sống đó có thể là một kỷ thuật để trị quốc bình thiên hạ. Lối sống đặc biệt Lão Tữ hướng dẫn là để con người, để xã hội an vui, hạnh phúc. Kỷ thuật đó là: VÔ VI, VÔ BẤT VI.

Lão Tử đặt thuyết Vô vi, Vô Bất Vi trên nền tảng Đạo Đức. Đạo trong tình trạng tịnh nên tạm gọi là Vô Vi. Còn Đức có thể là tình trạng động của Đạo nên gọi là Vô Bất Vi. Vô danh (Đạo) thiên đại chi thỉ; Hữu danh (Đức) vạn vật chi mẫu.

Đạo = tịnh = vô vi.
Đức = động = vô bất vi.

Lão Tử cố nhìn sâu vào Tịnh để thấy được cái nguồn, cái lực của Động; cố gắng bắt chước để đạt hiệu quả của Động, Vô Bất Vi.

Cái nhìn như thế là rất sâu, đến đổi các nhà nghiên cứu (René Bertrand) đã nói : quyển Đạo Đức Kinh rất ngắn, nhưng chứa được tất cả khôn ngoan của cỏi đời nầy!

Một tác giả khác lại nói: Lão Tử không sống cho Trung Hoa, cũng không sống riêng cho thế hệ của ông. Ông đúng là bậc thầy tinh tuyền (les plus purs) và sâu sắc nhất của nhân loại.

Chúng ta có thể nghĩ những lời nói trên có vẻ cường điệu, nói mạnh quá. Tuy nhiên cũng có nhà trí thức Công giáo ước ao: Đã có người viết về Noi Gương Chúa Giêsu thì cũng mong cho có người viết về Noi Gương Đạo. Lão Tử ít nhiều đã thực hiện được phần nào.

Tất cả các đoạn trong Đạo Đức Kinh đều có liên hệ đến Vô Vi, giải thích điểm sâu thẳm của Vô Vi, chỉ tỏ cái lợi, cái dụng, nói lên những hiệu quả của Vô Vi và khuyến khích nhất là nhà cầm quyền sử dụng lối cai trị Vô Vi để đạt mục đích Bình Thiên Hạ.

I. Đặc điểm của Lão Giáo là suy tư về Đạo.

Có lẽ trước ông không ai dùng danh từ Đạo, để chỉ một nguyên lý tuyệt đối. Nguyên lý tuyệt đối cao siêu vượt trên tầm hiểu biết của con người.

Không có danh từ nào thích đáng hoàn toàn nên tạm dùng danh từ ‘Đạo’ để biết, để nhận định. (Kinh Thánh: Ego sum qui sum = Ta là Ta. Không danh xưng nào thích hợp hoàn toàn!)

a. Có lẽ trước ông không mấy ai nghĩ đến bản thể của Đạo.

Cái nguyên lý là vô mà là hữu. Vô nghĩa là thiêng liêng. Theo ông giải thích: mình không nghe, không thấy, không nắm bắt được. Đón Đạo thì không thấy Đạo, mà đi theo Đạo cũng không gặp được Đạo.

Tuy nhiên Đạo không phải hư vô hoàn toàn: Vô trạng chi trạng (không hình mà có). Vô vật chi tượng (không vật mà có hình). Nghĩa là có một thứ trạng (hình) trong cái vô trạng (vô hình); một thứ tượng trong vật. Cái “có” đó thế nào, đúng ra không ai biết.

b. Nhưng nhận thấy: Đạo sinh nên trời đất muôn vật. Vô danh (Đạo) thiên địa chi thỉ. Hữu Danh vạn vật chi mẫu. Có thể hiểu: tình trạng tịnh nghĩa là vô, là căn nguyên vạn vật; tình trạng động là vi, sinh nên vạn vật (Mẫu, Đức).

Tịnh = vô = tình trạng vô vi.
Động (biểu lộ bên ngoài) = Mẫu = vô bất vi.

Primum movens non movetur. Tịnh là vô vi và động là vô bất vi. Tịnh và động là một. Chúng ta không thể hiểu, nên kể là điều huyền nhiệm.

c. Bởi Đạo Đức sinh nên vạn vật cho nên Đạo Đức là cái chi lớn hơn hết, tuyệt đại; không những lớn mà còn bao quát tất cả, vì không vật nào gọi là có mà không nhờ Đạo Đức.

d. Đạo Đức tuy lớn, tuy lan rộng nhưng bất biến, không bao giờ thay đổi (trong bản thể không có tương đối; chỉ nơi bản thể mới có tuyệt hão).

Để kết luận về Đạo Đức thì hình như Lão Tử đưa ra hai điểm căn bản: Phản phục và bảo nhất.

Phản phục: Phải về với Đạo, dầu các vật được sinh ra tách biệt với Đạo. Vật thụ sinh có được tự do, tuy nhiên phải tuỳ Đạo. Vì được sinh ra nên bên trong chứa đựng phần lệ thuộc.

Bảo nhất: Có về với Đạo mới được phần bảo nhất. Không bị lệ thuộc vào tình trạng tương đối, mới được ở trong nguồn tuyệt thiện, tuyệt hảo.

Chính vì phải phản phục, bảo nhất mà Lão Tử đã đề ra đường lối chánh trị: Vô Vi Nhi Vô Bất Vi. Chúng ta sẽ tìm hiểu sau.

Nota: Đạo Đức Kinh có 81 chương, lối trình bày có phần bí ẩn. Mỗi người có thể hiểu một cách.

Những ý nghĩ trên đây là ý nghĩ cá nhân, tuỳ độc giả nhận định.

IX. TẢN MẠN

Chậu Tắc Ngày Tết

Ngày Tết của dân tộc Việt Nam chúng ta sao mà linh thiêng khó tả! Cả trời đất cùng hoà trong giai điệu hương xuân sắc thắm của nắng đẹp hoa tươi. Nghệ nhân thêm hứng xuất thần tạo dáng cho những chậu kiểng tuyệt chiêu, trong đó phải kể đến những chậu tắc đặc sản Cái Mơn. Ngắm những chậu tắc đẹp mà nghỉ đến công sức lâu dài chăm chút của những nghệ nhân chân chất luôn yêu nghề của mình. Để có được những chậu tắc đẹp mắt chưng Tết vui xuân, đòi hỏi những công đoạn tỉ mỉ sau đây:

TRỒNG TẮC

Cây tắc (quất) ra trái suốt năm, muốn cho ra trái đúng vào dịp Tết thì chiết cành vào ngày 5 tháng 5 âm lịch. Nhánh ra rể, cắt ủ vài tuần lễ, sau đó trồng vào những giỏ tre, để trong trại vài tuần, tránh để rụng lá. Trồng bằng phân rơm trộn với ít phân chuồng. Để cho lá cây xanh mướt người ta tưới nước bánh dầu ( xác cơm dừa). Đễ sai trái, trái to, bóng láng , đúng ngày Tết, không sớm quá trái héo đi, trễ ngày trái còn xanh không chưng được, đó là chuyện thuộc về kỷ thuật của mỗi nhà vườn.

Tưới mỗi ngày, nhưng sau cơn mưa phải xả bằng nước sông, nếu không sẻ bị úa ( chạy).

KHÁCH HÀNG

Kỷ thuật trồng Tắc đã khó, thị hiếu của khách hàng càng rối hơn. Người Hoa ở Chợ Lớn đòi trái to, bóng láng, không cần sai trái, lá cây phải hơi ngã vàng, màu mở gà, không được xanh đen. Trong cây Tắc phải tìm cho được một quả gọi là trái “lộc”. Chủ vườn cả năm săm soi đã thấy rồi, nhưng không chỉ cho ai biết, ngay cả với người trong gia đình bởi sợ vô ý tiết lộ bí mật, kẻ xấu đến bẻ đi thì toi công , chỉ khi ra hàng gặp đúng đối tượng biết chơi mới chỉ cho thấy. Nếu là đại gia người Hoa thì chơi luôn, giá cả không thành vấn đề. Theo tôi thì đó chỉ là quả có thẹo mà ở loại cây khác thì phải bẻ bỏ. Với người Việt bình dân thì cần những cây tắc thật sai trái, xanh cũng được, đễ sau tết dùng thay chanh, có vị ngon hơn. Những ông trùm sò định bụng mua tắc để sau Tết đem trồng lại lấy giống, làm cây gia vị cho gia đình. Mua một lần xài lâu dài nên đâu có ngán. Ông tính sai rồi! Loại cây trồng trong chậu, trong giỏ dùng toàn phân quen rồi, ông trồng lại không sống nổi đâu, hoặc nếu ông tài lắm thì cũng phải mất rất nhiều thời gian cho cây làm quen với môi trường mới.

DÒ TẮC

Đễ có chậu kiểng Tết bằng cây tắc đầy trái, rực rở màu vàng óng ánh, không thể đem thẳng từ vườn ra chợ mà còn phải sữa sang lại cho bắt mắt. Càng sai trái, cây càng oằn xuống, trông chẳng nên thơ chút nào. Phải làm sao cho ra cây cảnh. Từ chuyên môn ở Cái Mơn gọi là "dò tắc".

Những năm trước đây người ta cấm những cây sậy chung quanh miệng giỏ, kéo nhánh tắc xòe ra chung quanh cho đều , buộc dây, thế là xong. Những năm gần đây nhà vườn lưu ý tạo ra nhiều dáng đẹp, như hình tháp hoặc hình thú, tùy theo năm. Người ta tranh nhau dò những chậu tắc thật cao, có khi đến ba thước hoặc hơn. Đễ làm xong chậu tắc như vậy phải mất rất nhiều thời gian, bởi phải làm giàn để đứng, liên kết nhiều chậu nhỏ lại với nhau. Đây là công việc đòi hỏi nhiều khiếu thẫm mỹ, sự nhẩn nại. Đa số người dò tắc là chị em phụ nữ, và là nghề truyền thống của gia đình. Gia đình siêng năng cũng kiếm được nhiều tiền xài tết.

KINH TẾ LÀM TẮC

Những chậu tắc to đùng như vậy chỉ dành cho các đại gia , khách sạn, nhà hàng biểu diển, tranh hùng với nhau. Kiếm mối được thì giàu to, ngược lai chở về hái trái bán làm mức thì ê mặt vừa phá sản. Tôi nói phá sản bởi làm tắc cũng đòi hỏi nhiều vốn: mua nhánh, phân, thuốc sâu, thuốc kích thích ra trái và trái đẹp, giỏ phải thay hai lần, thuê ghe tàu dịp Tết không phải đơn giản.. rồi còn phải biếu xén nơi nầy nơi khác, thuế thì khỏi phải nói..bởi cứ tưởng giá cao và dễ ăn lắm nên cứ nhìn mà đánh thuế, đấy là chưa nói đến phải giữ kẻ gian cướp lấy giửa ban ngày , giữa chợ, chắc ăn thì thuê bảo vệ ( băng nhóm bảo kê). Nếu tính công sức trong sáu tháng trực trời mưa, tưới vào ngày nắng, có người thối cả móng chân thì nghề nầy không hiệu quả kinh tế lắm. Người ta vẩn làm vì yêu nghề thế thôi.

CÂY TẮC NGÀY NAY

Cây tắc là loại kiểng đặc trưng của Cái mơn. Sắp đến Tết mà rảo quanh Cái mơn không thấy những vườn tắc vàng ối dọc bờ sông, nghe như thiếu gì đó của không khí Tết. Biết sao! Nhà vườn không thể đeo đuổi một nghề không đem lại kinh tế cao. Xưa ai có nghề làm tắc có thể tậu đất, xây nhà, mua sắm đủ thứ, thời vàng son của nhà vườn không còn nữa!

Có nhiều lý do giải thích sự kiện nầy. Trước hết có lẻ do khâu vận chuyển khó khăn. Tắc là loại làm lấy số nhiều, nặng nề, vận chuyển bằng đường sông thì tiện lợi hơn. Nay những con rạch được ngăn lại, ghe thuyền chỉ còn chịu chết. Phương tiện giao thông ở Cái Mơn, xứ sông rạch, đã chuyễn sang đường bộ, nhanh hơn nhưng không chuyên chở đựoc nhiều và tốn kém hơn đò giang. Những cây tắc cao vài mét thì sao chở bằng xe được!

Về phía thị trường cũng thay đỗi. Cây tắc cũng có tên là cây hạnh, nên đem chưng trong nhà dịp Tết đễ cầu hạnh phúc, đó là thói quen của đa số người Trung Hoa và cũng không ít người Việt Nam.

Tư duy của con người ngày càng thực dụng. Chưng chậu tắc không đẹp bằng những chậu hoa đủ màu, tràn ngập đường phố ngày Tết, giá cả lại bèo . Nhà sang và cơ quan xí nghiệp mướn những cây mai to để chưng . Mỗi gia đình một chậu mai nho nhỏ cũng đủ vui Tết. Những gốc mai to giá khá đắc, nhưng sau Tết gởi lại nhà vườn nuôi đễ dành cho sang năm, không tốn là bao.

Dẫu biết vậy, người trồng tắc vẫn tiếp tục vì yêu nghề nặng tính nghệ thuật hơn giá trị kinh tế !

(Trích lại của tác giả Đào Thật trong caimon.org)

X. NGHỆ THUẬT SỐNG

Chào Năm Mới 2006

Chỉ một cái nhích nhẹ của số 6 đuôi, tất cả lại bắt đầu mới. Có người lại thích so sánh 12 tháng săp tới như phải lên võ đài dấu 12 hiệp mới ! Chuẩn bị sao cho thật tốt để không bị Knock-out, mà còn giành thêm điểm ở từng hiệp.

Thời gian luôn mang tính khách quan, ở trạng thái tỉnh hay động là tuỳ mỗi người. Nếu cứ để thời gian lửng lờ trôi đi ngày này qua ngày khác mà không có mấy việc để làm, đó là thứ thời gian tỉnh, thời gian không sinh lợi cho mình mà cũng chẳng cho ai. Ngược lại, thời gian động là một chiều hướng tích cực, giúp phát huy sáng kiến, có dự án và lập trình, quyết tâm thực hiện.

Đầu năm mới, gởi đến các bạn trẻ một phương pháp để giúp dễ thành công hơn trong cuộc sống đầy hấp dẫn nhưng cũng khó chọn lựa.

Bạn hãy bắt đầu bằng cách tự đặt câu hỏi: “Đây là điều mình thực sự cần hay chỉ đơn thuần là điều mình muốn?” Có gì khác nhau giữa hai cái đó không? Có chứ, điều mình muốn cũng giống như ước mơ vậy, còn điều mình cần mới chính là điều phải thực hiện.

Muốn chỉ là một con bướm quyến rũ dễ khiến mình lạc đường. Lúc đầu mình theo đuổi nó, nhưng về sau lại cảm thấy không hài lòng. Thậm chí cho dù cuối cùng mình có đạt được điều mình muốn, nó vẫn để lại cho mình cảm giác chưa thỏa mãn và lại khiến mình có ý tiếp tục theo đuổi mà không biếtù điểm dừng. Trong khi đó, điều mình cần lại là điều thiết yếu và đáng được thực hiện. Khi giải quyết một vấn đề, chúng ta chỉ xác định điều gì mình cần là đủ.

Ví dụ, chúng ta ai chẳng muốn thưởng thức món bào ngư vi cá, nhưng những bửa cơm hằng ngày với những món ăn thông thường cần thiết cho chúng ta hơn.

Cũng vậy, trong cuộc sống, có thể chúng ta đều mong ước một ngôi biệt thự sang trọng, nhưng thật ra chỉ cần một tổ ấm là đủ để mình thấy hạnh phúc rồi. Khi chúng ta theo đuổi điều mình mong muốn, chúng ta thương để mất điều mình thật sự cần .

Nếu bạn muốn thành công, hãy làm những việc cần làm trước. Hãy tìm cho mình một tổ ấm trước đã, rồi sau đó mới nghỉ đến biệt thự.

Sau khi đã có được điều mình cần, bạn có thể làm những gì mình muốn, nhưng phải nhớ là “sau khi” nghen.

Chúc bạn tìm thấy niềm vui và gặt hái thành công trong Năm Mới với phương pháp này.

XI. LỜI HAY Ý ĐẸP

Khi bạn cho đi, nghĩa là bạn nhận về,Vừa tìm kiếm để tạo ra những điều kiện của may mắn, Vừa biết chia sẻ, giúp đỡ người khác,Sẽ khiến cho may mắn đến với bạn nhanh hơn

Alex Rovira & F. trias de Bes

4863    20-04-2012 15:29:50