Sidebar

Thứ Năm
02.05.2024

Trái Tim Người Xưa

Không cần phải nhờ đến hình ảnh khắc trên vách đá mới hiểu người tiền sử đã có cuộc sống sinh động như thế nào. Vào thời cả chục ngàn năm trước Công nguyên con người bó buộc phải trông cậy vào đôi chân khỏe mạnh để săn bắt con mồi cho có miếng ăn. Trái tim của người tiền sử, theo kết quả nghiên cứu của các nhà khảo cổ ở Đại học Colorado, Hoa Kỳ, có kích thước lớn hơn bình thường. Nếu chỉ dựa trên tiêu chuẩn cơ thể học thì trái tim của người xưa thuộc về trường hợp bệnh lý? Không, trái tim của người xưa phải to, phải dày như thế để bơm máu nhiều hơn, nhanh hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của cơ thể phải vận động không ngừng. Bằng chứng là kích thước trái tim của loài thú sống hoang dã bao giờ cũng lớn hơn của số đồng loại có nơi trú thân bất đắc dĩ trong thảo cầm viên. Rõ hơn nữa là dung tích của trái tim thú rừng giảm thiểu theo số ngày bị nhốt. Đã "ngậm mối căm hờn trong cũi sắt" thì cần gì trái tim cho lớn khi ngày nào cũng nằm dài đợi hai bữa cơm ân huệ với cõi lòng se thắt triền miên vì nỗi buồn thương rừng, nhớ núi!

Như thế tim lớn, tim dày không hẳn là tim bệnh. Vấn đề là dày như thế nào? lớn theo kiểu nào!? Chắc chắn như thế vì trái tim của vận động viên chuyên nghiệp cũng lớn, cũng dày hơn bình thường. Không thể kết luận chàng "cua rơ" đang bảo vệ chiếc áo vàng trên đường đua xuyên nước Pháp là người bị... bệnh tim! Tim của vận động viên đúng là có dung tích lớn hơn, thậm chí có thể đến gấp đôi trái tim bình thường. Thành tim đúng là dày hơn bình thường. Nhưng cơ tim của người quen vận động không mệt mỏi khi co thắt, như trái tim của người tuy cũng có kích thước lớn hơn bình thường, mà vì suy tim! Trái tim của vận động viên nhờ đó có thể cung ứng lượng dưỡng khí gấp ba lần bình thường.

Thêm vào đó, trái tim của lực sĩ nhờ có dung tích lớn hơn nên không cần đập nhanh như tim của người quen bình chân như vại mà vẫn đẩy được lượng máu thậm chí nhiều hơn bình thường. Tim của người thích vận động nhờ đó tiết kiệm được hàng chục triệu nhịp đập trong năm! Không lạ gì khi trái tim của người không chịu ngồi yên có tuổi thọ lâu hơn con tim của người chọn thái độ bất động vì tưởng vậy là nhàn thân.

Nhờ dung tích lớn, tâm thất của người thích vận động chứa nhiều máu hơn bình thường. Tim nhờ đó đẩy được nhiều máu, nghĩa là nhiều dưỡng khí và dưỡng chất đến mọi ngõ ngách của cơ thể khi có nhu cầu bất chợt, từ leo cầu thang vì thang máy cúp điện cho đến rượt theo xe buýt vì bác tài tăng tốc bỏ khách! Còn muốn gì hơn nữa khi cần là có!

Lợi không chỉ có thế. Trái tim có dung tích lớn tất nhiên hút được nhiều máu trở về tim hơn bình thường. Tim nhờ đó có thừa máu để nuôi luôn cả thành tim khi đẩy máu trả lại cho các cơ quan. Tim như thế khó bị thiếu máu trong mạng lưới mạch vành. Ngược lại là khác, hệ thống mạch vành được phân nhánh nhiều hơn trên trái tim có thành dày hơn bình thường. Nói chi đến tỷ lệ người bị nhồi máu cơ tim vì thiếu vận động bao giờ cũng cao hơn người "án binh bất động"! Ngay cả số người hồi phục nhanh sau cơn ngạnh tắc cơ tim nhờ biết cách áp dụng hình thức vận động nhẹ nhàng nhưng đều đặn cũng được cải thiện rõ rệt. Nhiều nhà điều trị đã không ngần ngại tán dương thói quen tập thể dục hay chơi thể thao mỗi ngày tối thiểu 30 phút như biện pháp phòng ngừa bệnh tim mạch. Họ có lý!

Biết vậy nhưng đâu phải lúc nào lực cũng tòng tâm. Từ khi bước vào thời đại biết canh tác, con người bắt đầu có khuynh hướng ít vận động. Đào củ khoai đương nhiên ít mệt hơn rượt con thỏ! Trái tim vì thế không còn cần phải lớn như xưa. Đến thế kỷ 21, trái tim càng thu nhỏ hơn nữa khi đa số cư dân chốn thị thành sống ngồi nhiều hơn đứng, thích đứng nhiều hơn đi, ưa đi... thang máy hơn là lội bộ! Trái tim ngày nay không còn phải lớn vì làm gì có nhu cầu. Tưởng thế là khỏe thì lầm. Ngược lại, không dùng thì tim nhỏ đi, thành tim càng lúc càng mỏng. Tim vì thế phải đập nhanh, phải cố sức mà chẳng bơm máu được bao nhiêu. Tim cuối cùng rồi cũng tăng kích thước, nhưng chỉ là phì đại do giãn cơ. Tim cuối cùng đập nhanh đến độ như run, nhưng vẫn không đủ sức đẩy máu đến não, gan, thận, đầu tứ chi... Triệu chứng suy tim bắt đầu!

Nói thế không có nghĩa là lại phải tìm cách chạy đua với thú rừng như thời đồ đá mới mong khỏe mạnh. Chỉ cần chọn môn thể thao nhẹ nhàng. Gài thêm chương trình vận động trong giờ làm việc. Biến thói quen tập thể dục, chơi thể thao thành một loại phản xạ có điều kiện. Chỉ cần vài tuần như thế thì cơ thể sau đó sẽ ghiền... vận động! Bằng chứng là biết bao người dù tập Thái cực quyền, hay chơi quần vợt, cứ đến giờ ra sân mà trời còn đổ mưa thì ruột gan rối bời, đứng ngồi không yên!

Tập cho trái tim đập nhanh khi cần vận động là điều nên làm. Hay hơn nhiều là làm sao tập cho quả tim đập mạnh khi gặp điều bất công, khi thấy chuyện bất bình. Con tim của tiền nhân quả có khác trái tim của người đương thời. Không chỉ vì khả năng đẩy máu. Trái tim người xưa có lẽ nhờ dung tích lớn hơn, lại thêm thành tim dày hơn nên ấm hơn nhiều con tim ở thế kỷ 21! Suy tim không dễ chữa nhưng vẫn còn hy vọng mong manh. Khó hơn ngàn lần là làm sao sưởi ấm được cõi lòng đã giá lạnh!

Từ khi bước vào thời đại biết canh tác, con người bắt đầu có khuynh hướng ít vận động. Đào củ khoai đương nhiên ít mệt hơn rượt con thỏ! Trái tim vì thế không còn cần phải lớn như xưa. Đến thế kỷ 21, trái tim càng thu nhỏ hơn nữa khi đa số cư dân chốn thị thành sống ngồi nhiều hơn đứng, thích đứng nhiều hơn đi, ưa đi... thang máy hơn là lội

891    11-01-2011 21:30:26