Sidebar

Thứ Hai
29.04.2024

Ưu Tiên Phục Vụ Người Nghèo - Tháng 06 năm 2007

CHỦ ĐỀ: ƯU TIÊN PHỤC VỤ NGƯỜI NGHÈO

I. THƯ MỤC VỤ 2006, số 6.

Đời sống bác ái có thể thực hành bằng nhiều cách, nhưng Thư Mục Vụ năm nay nhấn mạnh đặc biệt đến việc dấn thân phục vụ. Vì thế, chúng tôi mời gọi anh chị em hãy phát huy tinh thần liên đới và yêu thương phục vụ Tin Mừng Chúa Giêsu, phục vụ sự sống và phẩm giá con người, đặc biệt những người nghèo khổ: nghèo kiến thức, nghèo vật chất, nghèo tình thương, nghèo niềm hy vọng, nghèo hạnh phúc...

Khi dấn thân phục vụ những người này, Kitô hữu làm chứng một cách hùng hồn về tính khả thi của lời mời gọi Phúc Âm và hiệu quả của ơn cứu chuộc trong Chúa Giêsu Kitô: con người được cứu chuộc đã bước ra khỏi cái tôi của chính mình để phục vụ Chúa nơi những anh chị em bé nhỏ.

II. DẪN GIẢI

1. Thư Mục Vụ bảo bác ái là ưu tiên dấn thân phục vụ người nghèo.
2.
Dấn thân phục vụ có nghĩa dùng đời mình cho công trình giúp ích.
3.
Kêu gọi tín hữu liên kết thương nhau để phục vụ Tin mừng phục vụ sự sống và phẩm giá con người, đặc biệt người nghèo (Nota: liệt kê các hạng nghèo, hiểu được cả nhân loại đều nghèo … Không hợp với nghèo về thể lý).
4.
Thực thi phục vụ thì làm cho người ta thấy được lời Phúc Âm con người có thể giữ được và giúp cho lời Phúc Âm được có hiệu qủa, lại giúp cho chính người phục vụ được quên đi cái tôi của mình, và có được vẻ đẹp: phục vụ Chúa nơi anh chị em bé nhỏ.

III. CHUYỆN MINH HOẠ

GIẢI NOBEL HOÀ BÌNH 2006

Giáo Sư Mohammad Yunus và Ngân Hàng Grameen - Grameen có nghĩa là làng quê - Ngân Hàng Grameen, nghĩa là "Ngân Hàng của Làng Quê", chuyên cho người nghèo vai vốn nhỏ - đã được chọn trúng giải thưởng Nobel Hoà Bình năm 2006.

Giáo Sư Mohammad Yunus, sinh năm 1940, tại Chittagong, miền Đông Bangladesh, tốt nghiệp ngành kinh tế tại Đại Học Bangladesh, sau đó sang Hoa Kỳ du học và đậu bằng Tiến Sĩ tại Đại Học Vanderbilt, bang Tennessee, Hoa Kỳ. Sau thời gian dạy môn Kinh Tế, từ năm 1969 đến năm 1972, tại Đại Học Nhà Nước của Bang Tennessee, Hoa Kỳ, Giáo Sư Mohammad Yunus được bổ nhiệm làm Giám Đốc Ban Kinh Tế Học tại Đại Học Chittagong, Bangladesh.

Năm 1983, Giáo Sư Mohammad Yunus thiết lập Ngân Hàng Grameen, có nghĩa là Ngân Hàng của Làng Quê, chuyên về việc cho người nghèo vay vốn nhỏ. Giáo Sư khám phá rằng sự nghèo đói thường do bởi nguyên nhân là những cơ cấu kinh tế của nhà nước thiếu hỗ trợ cho lớp người nghèo này. Ngân Hàng Grameen của Giáo Sư làm điều mà không ngân hàng nào dám làm; đó là cho người nghèo vay vốn nhỏ, mà không đòi điều kiện "thế chân", nhưng chỉ dựa trên lòng tin tưởng nhau mà thôi (tín chấp). Và điều kiện thứ hai là những người nghèo đến vay tiền, phải ở chung trong một nhóm 5 người cùng liên đới trách nhiệm trả góp cho số tiền vay đó. Những vốn nhỏ mà Ngân Hàng Grameen cho người nghèo vay, thường được dùng để mua các dụng cụ lao động, những hạt giống, những thú gia cầm, những vật dụng hay hàng hoá cần thiết, để bắt đầu công việc kinh doanh nhỏ.

Ngân hàng Grameen là ngân hàng đầu tiên trên thế giới thi hành việc cho vay vốn nhỏ, cho những người nghèo không có gì để "thế chân" cả. Được thành lập cách đây 30 năm, với vốn bắt đầu là 27 mỹ kim mà thôi. Năm 1983, Ngân Hàng Grameen được nhìn nhận có tư cách pháp lý của một Ngân Hàng như bao ngân hàng khác. Từ vốn đầu tiên 27 mỹ kim, hiện tại vốn cho vay của ngân hàng Grameen này lên đến 5 tỉ 700 triệu mỹ kim, và giúp cho khoảng 6 triệu 500 ngàn người nghèo vay vốn nhỏ.

Khi chọn Giáo Sư Mohammad Yunus và Ngân Hàng Grameen của giáo sư, đồng trúng giải Bobel Hoà Bình năm 2006, từ bản danh sách 191 ứng viên, Ông OLE Danbolt Mjoes, chủ tịch của Ủy Ban Giải Thưởng Nobel, giải thích rằng: "Nền Hoà Bình vững bền không thể nào có được, nếu phần lớn dân chúng không có được phương tiện để thoát ra khỏi cảnh nghèo. Việc cho vay vốn nhỏ (micro-crédit) là một trong những phương thế này." Ngân Hàng Grameen đang được phổ biến tại khoảng 55 quốc gia trên thế giới, kể cả tại các quốc gia giàu có như: Pháp, Nauy và Hoa Kỳ.

Tại Á Châu, Ngân hàng Grameen cũng có mặt tại 16 quốc gia như: Việt Nam, Trung Quốc, Afghanistan, Bhutan, Cambodia, Fiji, India, Indonesia, Nepal, Pakistan, Kyrgyzsthan, Philippines, Lebanon, Malaysia, Sri Lanka, v.v... Ngân Hàng Grameen đã giúp cho hàng triệu người nghèo có phương tiện tự lập, để thoát ra khỏi cảnh nghèo.

(Đặng Thế Dũng, Radio Veritas Asia)

Người có mắt nhìn người nghèo thì ở đâu cũng thấy có người nghèo cần được giúp đỡ. Người có lòng thương người nghèo, thì trong hoàn cãnh nào cũng có trăm phương nghìn cách để giúp đỡ họ.

IV. DIỄN GIẢI

Vấn đề đặt ra là tại sao Chúa Giêsu trong Tin Mừng, cũng như các thánh suốt 20 thế kỷ qua luôn quan tâm đến người nghèo và Hội Thánh hôm nay bảo chúng ta phải ưu tiên giúp đỡ người nghèo?

Bắt nguồn từ Kinh Thánh, ngay từ lúc khởi đầu của nhân loại, một trong những lời đầu tiên mà Thiên Chúa phán bảo với con người là : “Ngươi đã làm gì em ngươi? ” (x. St 4, 10). Thiên Chúa đã tạo dựng con người với trách nhiệm và bổn phận giúp đỡ lẫn nhau. Chính vì thế mà việc quan tâm giúp đỡ lẫn nhau giữa người với người trong khi nguy khốn là việc làm tự nhiên của con người. Nhưng tội lỗi, ích kỷ, sợ hãi và nhẫn tâm đã ngăn cản việc con người ra tay cứu giúp anh em mình lúc nguy nan.

Chính tội lỗi đã đẩy con người đến xa cách và chống đối nhau. Khi chia cách con người với Thiên Chúa thì đồng thời, tội cũng làm cho con người đối nghịch nhau, thù ghét nhau.

Và Con Thiên Chúa đã làm người, chịu đau khổ và chịu chết để đưa con người về lại với Thiên Chúa. Con đường mà con Thiên Chúa đã chọn để đến với con người lầm lạc lại là con đường nghèo khó. “Quả thật, anh em biết Đức Giêsu Ki-tô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có. ” (2 Cor 8,9). Con Thiên Chúa chấp nhận rời bỏ vinh quang trời cao để mang kiếp nô lệ, giống như con người: “ Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. ” (Phil 2, 6-7). Và công việc của người tự nguyện làm nô lệ là phục vụ: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người." (Mc 10,45).

Sau cùng, chính việc Đức Giêsu tự đồng hoá mình với những kẻ hèn mọn và nghèo khó nhất, là một trong những lý do căn bản mà tất cả những ai tin vào Đức Kitô, môn đệ của Người, phải noi theo: đó là phục vụ người nghèo. Khi phục vụ họ là chúng ta phục vụ cho chính Chúa: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy. ” (Mt 25, 40).

Sau khi đã tìm hiểu nguyên do khiến chúng ta phải thương người nghèo, chúng ta nhìn Chúa Giêsu xem Người đối xử thế nào với người nghèo, để bắt chước sống như Người. Bởi vì, là môn đệ của Chúa, chúng ta phải sống theo ý Chúa: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy ” (Ga 14, 23). Mà Chúa Giêsu thì đặc biệt yêu thương người nghèo.

Trước hết, Chúa Giêsu trong Tin Mừng, luôn cảm thương mọi nỗi thống khổ của con người, mà nghèo khó chính là một dạng đau khổ, đôi khi làm mất phẩm giá con người. Ngày nay tình thương mà Chúa Giêsu dành cho người nghèo cũng vẫn nguyên vẹn như vậy, bởi vì Chúa đã phục sinh, Ngài vẫn sống bên cạnh chúng ta. “Người hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta” (Dth 7,25). Con tim Chúa vẫn không ngừng hướng về người nghèo khổ.

Chúa Giêsu yêu mến người nghèo bởi vì, là Thiên Chúa, Người muốn dành ưu ái cho những kẻ bé mọn, đơn sơ, vì họ cô thế cô thân và qua sự trần trụi của sự nghèo hèn đơn sơ, Ngài yêu thương chính con người của họ.

Chúa Giêsu còn yêu mến người nghèo bằng cách hiến thân trọn vẹn, cho đi tất cả, trở nên nghèo khó để dễ gần gũi, dể cảm thông, chia xẻ với họ; bởi vì người nghèo thì thiếu thốn tất cả, kể cả những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như nhà cửa, quần áo, lương thực, công ăn việc làm, thời giờ nghỉ ngơi thư giãn, thiếu văn hoá …và họ không còn sự trợ giúp khác nào ngoài Chúa

Chúa thương người nghèo, do đó, nếu muốn nên giống Chúa, chúng ta cũng phải thương người nghèo! Những người càng cùng khốn thì càng đáng để chúng ta thương mến, ưu tiên giúp đỡ họ.

Tuy nhiên, Chúa cũng dạy chúng ta: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó ” (Mt 5,3). Nghĩa là phải thật sự sống siêu thoát với của cải vật chất và sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần. Nhưng cái nghèo tự nó, không phải là điều tốt mà chúng ta nhắm đến; còn người nghèo thì đáng thương.

Cần nhớ rằng mọi người đều nghèo khó, đáng thương trước mặt Thiên Chúa. Mọi sự chúng ta là, mọi cái chúng ta có, đều tuỳ thuộc vào Chúa. Ngươi nói: "Tôi giàu có, tôi đã làm giàu, tôi chẳng thiếu thốn chi; nhưng ngươi không biết rằng ngươi là kẻ khốn nạn, đáng thương, nghèo khổ, đui mù và trần truồng" (Kh 3,17).

Do đó, trong cung cách phục vụ người nghèo của chúng ta, để đẹp lòng Chúa, cần ý thức rằng, chúng ta luôn tuỳ thuộc vào Chúa, không có gì của chúng ta có mà không do Chúa ban và chúng ta chỉ là nhịp cầu để chuyễn trao sự trợ giúp của Chúa đến cho những anh em khốn khổ của mình. Càng ý thức mình lệ thuộc vào Chúa, chúng ta càng cảm nhận được tình thương Chúa dành cho chúng ta; đó chính là tình thương mà Thiên Chúa Cha đã dành cho Chúa Giêsu. Và chúng ta cũng học được tại sao Chúa Giêsu muốn trở nên nghèo khó, bởi vì Ngài muốn luôn tùy thuộc vào Chúa Cha, luôn ở trong tình yêu vĩnh cửu của Người.

(Theo Homélie de Monsegneur Albert-Marie de Monléon, OP, secours-catholique.org.fr)

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết quan tâm yêu thương người nghèo, vì Chúa muốn như thế và vì chúng con ý thức Chúa thương chúng con vô cùng. Amen

KIỂM ĐIỂM

1. Có nhận thấy phục vụ là một phần trách nhiệm không?
2.
Có nhớ phục vụ là theo gương Chúa Giêsu, là môn đệ thì phải theo Thầy không?
3.
Điều răn buộc phải thương yêu; thương yêu đòi phải phục vụ, chúng ta có biết không?
4.
Phục vụ ai, thì đòi ta phải tôn trọng người đó, chúng ta đã khinh dễ hay tôn trọng người nghèo?
5.
Khi phục vụ, bác ái, chúng ta có vì thương yêu, hay vì tư lợi, vì muốn tỏ mình giàu có, muốn được thiên hạ kính phục. Vì mình thì chưa phải là phục vụ.

IV. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Kêu mời: Anh chị em thân mến,

Trong đời sống công khai tại thế của Chúa Giêsu, qua các lời giảng dạy và các việc làm của Chúa, Chúa đã ưu tiên phục vụ người nghèo. Sống đạo, là theo lối sống của Chúa Giêsu tại trần gian. Vậy, chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:

- Chúa phán: “Phúc cho nh ững ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ ”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, sống tinh thần nghèo khó, và ưu tiên phục vụ giúp đỡ những người nghèo khó.

- Chúa phán: “Ai có hai áo, hãy cho người không có ”. Chúng ta cầu nguyện cho các Kitô-hữu, biết quan tâm đến những người nghèo, biết chia xẻ cơm áo gạo tiền cho tất cả những ai đang túng thiếu.

- Chúa phán: “Bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng tiền nhiều hơn ai hết ”. Chúng ta cầu nguyện cho những người nghèo khổ, biết nhận định về giá trị nhân phẩm của mình cao quý, để tự trọng, sống công chính và quảng đại.

- Phêrô nói với người què: “Tôi chỉ có điều này để cho anh là: “Nhân danh Chúa Kitô, anh hãy đứng thẳng dậy …”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, luôn yêu thương giúp đỡ nhau: tin Chúa Kitô và lãnh nhận ơn cứu độ.

Kết thúc:Lạy Chúa, Con Chúa đã cứu giúp người nghèo, và đồng hoá mình với họ. Xin Chúa lại ban Thánh Thần, dạy chúng con sống khiêm tốn, và yêu thương giúp đỡ mọi người, hầu đạt tới ơn cứu độ đời đời. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

V. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

THƯƠNG NGƯỜI NGHÈO

Kinh “Thương người có 14 mối, thương xác 7 mối, thương linh hồn 7 mối” là lời kinh rất hay, gần như được đọc mỗi ngày Chúa Nhật trong các nhà thờ Công Giáo. Tuy nhiên, có lẽ có một số người đọc vì thói quen chẳng hiểu gì, có một số người hiểu, nhưng vì thói quen lâp lại lời kinh quen thuộc xa xưa, nên không còn âm hưởng nơi tâm thức bao nhiêu. Thực ra, đó là giáo huấn ngàn đời của Giáo Hội về “Tình thương đặc biệt dành cho người nghèo ”.

Trước đây, tình thương ấy được nhắc tới như một bổn phận bác ái, ngày nay được hiểu như vừa của bác ái, vừa của công bình. Nhưng cho dù chỉ là bổn phận của bác ái mà thôi, thì đó cũng là bổn phận bắt buộc chớ không phải tùy nghi.

Ngày nay có một xu hướng hiện đại khác nữa là, trước nay bổn phận ấy thường được xem là bổn phận cá nhân, mỗi người tùy hoàn cảnh mà thực hành; bây giờ, Giáo Hội dạy: nó phải được áp dụng phổ quát hơn trên toàn thể quốc gia, và luôn cả quốc tế. Nó phải được áp dụng triệt để hơn, không như một hành động tùy nghi, tùy thích, tùy người; nhưng phải là một bổn phận ấn định do luật lệ, phải đi vào cơ chế quốc gia và quốc tế. Nó không chỉ là một bổn phận tôn giáo, mà phải trở thành những nhân quyền mà người ta có bổn phận phải tôn trọng.

Ai là người nghèo ?

Nghèo, không chỉ là nghèo về phương diện đói ăn thiếu mặc mà thôi. Thư mục vụ ngày 08. 09. 2006, số 6 xác định: “những người nghèo khổ: nghèo kiến thức, nghèo vật chất, nghèo tình thương, nghèo niềm hy vọng, nghèo hạnh phúc . . . ”. Huấn dụ Libertas Christiana, ngày 22. 03. 1986, số 68 của Bộ giáo lý Đức Tin đã nói rằng: “Dưới những hình thức nghèo nàn là thiếu vật chất, áp bức, bất công, bệnh tật thể xác và tâm lý, cuối cùng là cái chết. Sự khốn cùng của con người là dấu chỉ rõ ràng của tình trạng yếu đuối tự nhiên mà con người phải gánh chịu từ khi con người phạm tội, song cũng là dấu chỉ rằng con người cần được cứu rỗi . . . Do đó, những người bị áp chế vì nghèo đói được Giáo Hội dành cho tình thương đặc biệt ưu đãi . . . ”.

“Khi yêu thương người nghèo, Giáo Hội muốn chứng tỏ phẩm giá con người. Giáo Hội xác tín rõ ràng rằng con người có giá trị nhờ ở bản thể và nhân cách của mình hơn là nhờ ở tài vật mình có. Giáo Hội chứng tỏ rằng giá trị của con người không thể bị tiêu diệt, dù cho họ phải sống trong hoàn cảnh cùng khổ, bị khinh miệt, hay bất lưc đến mức nào đi nữa. Giáo Hội muốn tỏ ra liên đới với những người mà xã hội không màng đếm xỉa đến, những người mà xã hội đã ruồng bỏ về phương diện tinh thần, có khi cả về phương diện vật chất ”. (L C 68).

Bởi đó, Giáo Hội muốn mọi tín hữu thực thi tình thương đặc biệt dành cho người nghèo trong đời sống hằng ngày của mình, trong những quyết định của mình liên hệ đến việc chiếm hữu và sử dụng tài sản. Chính trong lãnh vực này mà mình tôn trọng thực thi hay vi phạm nguyên tắc bác ái.

ĐGH Gioan Phaolô II đã nói trong thông điệp Sollicitudo Rei Socialis ngày 30. 12. 1987 rằng: “Tôi muốn chỉ rõ ở đây một trong các điểm: ưu tiên chọn người nghèo hay thương yêu người nghèo. Đó là chọn lưa hay là một hình thức ưu tiên đặc biệt trong việc thưc thi bác ái Kitô giáo mà tất cả truyền thống Giáo Hội đã chứng minh. Nó liên hệ đến đời sống của mỗi Kitô hữu vì họ tìm sống noi gương Đức Kitô. Song nó cũng phải được áp dụng vào các trách nhiệm xã hội của chúng ta, và cho nếp sống của chúng ta, cho các quyết định mà chúng ta phải đưa ra cách hợp lý trong vấn đề chiếm hữu và sử dụng tài sản ”. (S R S 42)

Thay lời kết, tôi muốn chăm chỉ lắng nghe bài giảng của ĐGH Gioan Phaolô II, ngày 15. 05. 1988, tại Santa Cruz ở Boliria , Nam Mỹ:

“Trước bao nhiêu đau khổ, Giáo Hội luôn tỏ ra chăm chỉ lắng nghe tiếng khóc than của người nghèo và cương quyết nâng đỡ ủng hộ những người bị bóc lột, đói rách và cùng khốn. Như tôi đã nói trong thông điệp “Laborem exercens” của tôi: Giáo Hội cương quyết dấn thân trong chính nghĩa này, vì Giáo Hội nhận thấy đó chính là sứ mệnh, là công tác phục vụ, là bằng chứng về sự trung thành của mình với Chúa Kitô, có như vậy Giáo Hội mới thực sự là “Giáo Hội của người nghèo ” (L E 8).

VI. HỌC KINH THÁNH

BÀI 18: CHÚA BAN THẬP GIỚI
(Xh 20, 1-17)

1. Ý muốn của Thiên Chúa đối với dân Israel được bộc lộ rõ ràng nhất ở đâu?

Ý muốn của Thiên Chúa được bộc lộ rõ ràng nhất trong Thập giới, đó là giới luật căn bản Chúa đã ban cho dân.

2. Ta có nhận xét gì về Thập giới?

Đây là những giới luật sơ đẳng, một thứ luân lý vừa tầm với một dân tộc vừa mới thoát khỏi ách nô lệ ở một nước ngoại giáo. Mỗi giới răn đều đặt nền tảng trên sự công bằng hay sự tôn kính những quyền lợi của tha nhân.

- Ba giới răn đầu liên quan đến bổn phận đối với Thiên Chúa.

- Bảy giới răn sau liên quan đến quyền lợi của tha nhân.

Lời Chúa: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta ”. (Xh 20, 1-2).

Cầu nguyện: Mười điều răn ấy tóm về hai nầy mà chớ: trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy. Xin cho con dược tuân giữ trọn vẹn hai giới răn nầy. Amen.

VII. SỐNG ĐẠO

THẾ NÀO LÀ NGHÈO? LÀ PHỤC VỤ?

Thư Mục Vụ bảo ưu tiên phục vụ người nghèo. Nhưng người nghèo là hạng nào? Có thể hiểu: hạng người thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhà ở. Cũng có thể hiểu: hạng người chưa được hưởng những tiện nghi của cuộc sống hiện tại.

Thơ mục vụ cũng nhắc chúng ta nhớ đến những hạng nghèo tinh thần, nghèo thế lực, nghèo đức hạnh, nghèo sức khỏe,nghèo vì nghề nghiệp.v.v . (cũng có hạng nghèo mà giàu vì theo Lão Tử : “Tri túc giả phu”, biết cái mình đang có là đủ là giàu). Đúng ra Thơ Mục Vụ muốn chúng ta cách riêng lưu tâm đến những hạng nghèo vật chất.

Tại sao phải ưu tiên?

a. Vì những hạng nghèo này cần phải được phục vụ nhiều hơn. Hạng thường bị nhân loại bỏ quên, không mấy nghĩ đến! Gần họ, tiếp xúc với họ, có thể mình bị ô nhiễm ít nhiều, họ nên cớ cho mình bị dính vào hèn kém của họ! Giúp họ không được ích lợi gì.

Thiên hạ càng bỏ quên, càng khinh thường thì càng đòi chúng ta phục vụ nhiều hơn. Họ cần giúp, và cần bảo vệ phẩm giá. Có nhóm khinh thường, thì đòi nhóm khác phải tôn trọng phẩm giá, trả lại phẩm giá đáng được tôn trọng. Bởi vì con người dầu trong tình trạng nào, cũng là hình ảnh Chúa, và là nghĩa tử của Chúa (sau Nguyên Tội).

Vì thế, phục vụ có thể nói được là cần thiết. Phục vụ là tôn trọng và giúp ích, do đó đòi hỏi khiêm tốn, và thương yêu: ném bánh cho chó, thì không phải là phục vụ. Phân phát phần dư thừa, chưa phải thương yêu. Chia xẻ mới nói lên được chút tình, mới tỏ được công trình phục vụ.

Hơn nữa, phục vụ là vâng nghe lời Chúa, noi gương Chúa. Người đến để phục vụ, và cả đời sống của Chúa là phục vụ. Ta cũng không nên quên phục vụ người nghèo vì đó là phục vụ Chúa Kitô trong những người kể là bé mọn trong xã hội. (x.Mt 25, 31-46).

Phục vụ cũng là việc rất cao siêu vì là việc của chính Chúa mà mình vinh hạnh được tham gia.

Tham gia vào việc của Chúa đó là biểu lộ công trình mẫu gương của chính Chúa, nên lời dạy sáng (Dei Verbum) cho chúng ta làm những gì, và có thể làm những việc bình thường kể là vượt trên khả năng của chúng ta.

Việc phục vụ dầu là cao siêu, nhưng con người với ơn Chúa, thực hiện được, thực hiện giúp được cho đời. Nhứt là thực hiện được phần nào tánh cách quên mình, nhờ và phục vụ người khác, đã thực hiện tình yêu hiến thân, tình yêu kết hiệp. Kết hiệp với người! Kết hiệp với Chúa!

VIII. THÁNG 6, KÍNH TRÁI TIM CHÚA GIÊSU

THÁNG TRÁI TIM

Tháng Sáu Hội Thánh dùng để công bố nhắn nhủ, khuyến khích tín hữu tôn sùng Thánh Tâm. Đúng hơn, phải nói là tôn thờ. Vì Nhân tính hợp cùng Thiên tính, Chúa Giêsu Nhập Thể vẫn là Thiên Chúa.

Nói tôn sùng là muốn thúc đẩy chúng ta ham mộ tôn thờ Thánh Tâm. Mặc dầu như chúng ta biết không có việc tôn sùng nào kể được là khẩn thiết nghĩa là nếu không thực hiện việc tôn sùng đó thì không rỗi linh hồn.

Tuy thế có thể qủa quyết việc tôn sùng Thánh Tâm là :

1. Cao siêu nhất

Vì tôn thờ chính Chúa, thờ tình yêu của Chúa; mà tình yêu có thể nói là điểm đỉnh (điểm cao nhất) của Chúa Ba Ngôi. Không việc tôn sùng nào cao hơn được.

Thánh lễ là trung tâm điểm, là căn bản cốt yếu của đời sống Kitô hữu, là nghi thức để tín hữu nhìn nhận Chúa là chủ tể tuyệt đối, Chúa tạo dựng, và cùng trong việc dâng lễ, tín hữu cũng nhìn nhận mình là vật thọ tạo hoàn toàn tùy thuộc Chúa. Dầu vậy, Thánh lễ cũng là nghi thức biểu lộ tình yêu tuyệt đối của Chúa.

Do đó chúng ta nhận định: dâng lễ để tôn thờ, mà thiếu tình yêu là việc của nô lệ. Không đáng giá! Dâng lễ với tình yêu, mới thích đáng, mới đúng với ý Chúa.

Biết dùng tình yêu đáp lại tình yêu đó chính là tôn sùng Thánh Tâm trong Thánh lễ.

2. Thích hợp với loài người, lại dạy mẫu gương siêu vượt.

Yêu của Chúa là cho và Chúa cũng không cần con người đáp lại. Tuy nhiên, nếu con người nhận thấy và cố gắng đáp lại tình yêu của Chúa thì đó chính là con đường hạnh phúc của con người.

Còn tình yêu của con người, bởi biết mình thiếu cần bổ túc, nên mong mỏi gặp được những chi làm cho mình ít nhiều được đầy đủ. Đó là thứ tình yêu tìm chinh phục chiếm hữu … để kết hợp.

Chúng ta có thể mường tượng điểm khác nhau giữa tình Chúa và tình người.

Chúa muốn có tình yêu giống nhau (như tình người yêu nhau), nên đã nhập thế, để có một thứ tình yêu tìm chinh phục. Để chinh phục được tình yêu Chúa đã chỉ dạy thực hiện một lối tỏ tình triệt để: Chết để bộc lộ, chứng tỏ tình yêu! Đó là hiến thân cho tình yêu.

Tình yêu của Chúa vượt xa tình của con người: Không những tìm đối tượng bổ túc, mà biết cho và cho tuyệt đối, hiến cả đời mình.

Yêu cách Chúa yêu, vẫn thích hợp cho đường lối yêu của con người, mặc dầu đòi cố gắng và kiêu dũng.

3. Việc tôn sùng rất lợi ích.

Đặc điểm trong việc tôn sùng Thánh Tâm là tôn Trái Tim. Tôn Trái Tim là đem Chúa vào nhà để Chúa nên người thân, người điều khiển hướng dẫn, dạy dỗ … Gia đình là nhà th ờ ngánh, vì cũng có Chúa ngự ở đó. Bởi Chúa là người thân, cho nên có thể chia sớt tâm tình với Chúa, trước những khó khăn âu lo, nhờ vào Chúa, bàn hỏi Chúa. v.v.

Nhờ đó, giúp chúng ta thường nhớ Chúa … bớt phạm tội, thúc chúng ta làm việc lành, bỏ những ham muốn ở đời, hướng tâm hồn lên Chúa.

4. bảo đảm mục đích tối chung.

Tôn thờ Thánh Tâm cũng là phương cách bảo đảm đạt mục đích tối chung (đạt hạnh phúc chân thật muôn đời).

Trong những lời Chúa hứa: Tôn sùng Chúa theo ý Chúa, thì Chúa sẽ ban ơn sám hối (giả định người tội lỗi giờ sau hết được ơn sám hối).

Vả lại chúng ta biết mục đích tối chung là được về cùng Cha, được kết hợp với Cha; mà việc tôn sùng chúng ta đã thể hiện thương yêu kết hợp, ngay khi còn sống, đó cũng là cách bảo đảm cho kết hiệp vinh phúc đời sau.

Chúng ta tôn sùng Thánh Tâm thế nào?

Tôn Trái Tim như nghi lễ bên ngoài thì không giá trị. Tôn sùng không tình yêu là tôn sùng giả hiệu.

Phải yêu, học yêu nhiều, sống bằng tình yêu … thì việc tôn sùng mới tốt, mới lợi ích … đúng ý Chúa!

SUY NIỆM VỀ TÌNH YÊU

Chúa là Tình Yêu. Chúa đã đem tình yêu vào trần thế, và Chúa muốn cho tình yêu lan rộng thâu thấm vào lòng người.

Là con người, thuộc nhân loại, ai lại không có tình yêu, có lòng nhân? Nhưng nếu hỏi tình yêu là gì? Chắc chúng ta lúng túng, không biết giải thích thế nào cho đúng.

Thánh Tôma đã nói: “Aimer, c’est vouloir de bien à quelqu’un”. Th ương ai là muốn điều tốt điều lành cho người đó. Lời định nghĩa nầy rất tốt, nhưng yêu đâu phải chỉ nơi tâm tính; cần phải tác động để đạt mục đích kết hợp thì mới đúng là thương yêu.

Chúa là tình yêu, là nguồn tình yêu, chúng ta hãy cố gắng nhìn tình yêu của Chúa. Ngắn gọn chúng ta có thể nói: Chúa thương là Chúa cho (vì thương Chúa tạo dựng, không có gì ép buộc thúc đẩy, chỉ vì thương mà dựng nên) Chúa ban cho con người hiện hữu (có vật) để có đối tượng cho tình yêu, lại trang điểm cho con người có hình ảnh Chúa và hơn nữa có sự sống giống sự sống của Chúa (thông phần) để phần nào đáng cho Chúa thương. Và Chúa cũng đặt để vào tâm trí của con người một hoài bảo hướng về Chúa và mong mỏi kết hợp với Chúa. Đó là mục đích của tình yêu. Chúa không cần (vì Chúa hoàn hảo), Chúa cũng không áp đặt, nhưng Chúa vẫn muốn con người tự do hướng về Chúa, kết hợp với Chúa.

Tình yêu của Chúa, Chúa cũng trao ban cho nhân loại. Chúng ta biết đức ái là một Thiên phú đức (nghĩa là Chúa ban mới có được); nhưng trong tình trạng tự nhiên, chúng ta cũng có một thứ tình yêu.

Tình yêu của chúng ta tìm đối tượng vì nhận thấy nới mình có nhiều khiếm khuyết: “dương ” một mình thì còn thiếu “âm”; cũng thế, cần “âm-dương ” bổ túc cho nhau, bổ túc sâu xa. Thực tế, thấy cái đẹp, cái thiện nơi người, mình không có được nên thích chiếm hữu để mình có được những cái đẹp cái thiện của người, và sâu hơn muốn chiếm cả con người nữa. Đó là muốn đạt được hiệp nhất của thương yêu.

Thật ra, con người dầu có được tình yêu, nhưng tình yêu đó còn kém lắm! Chúa muốn nâng cao tình yêu của con người nên sau Nguyên Tội, Chúa đã xếp đặt chương trình Nhập Thể Nhập Thế … Nếu chúng ta nhân cách hóa, thì có thể nói, Chúa khổ tâm đi tìm tình nhân, chịu nhiều khổ nhọc để chinh phục tình nhân, và triệt để hiến mình trên Thánh Giá để bày tỏ, để nói lên tình yêu cao siêu vô cùng.

Bài học về tình yêu tuyệt vời. Chúng ta phải cảm mến, và ham mộ và học đòi yêu.

- Yêu. Chúng ta không có quyền kể nó là nhu cầu của xác thể để truyền sinh.

- Yêu. Chúng ta cũng không nên dừng lại quan niệm bổ túc.

- Yêu. Chúng ta nên nhớ, dầu hèn kém vẫn cho được, có thể cho triệt để và cho cả những gì chúng ta có, như Chúa: Tình yêu hiến thân! Trong đời bạn, tình yêu hiến thân gặp được tình yêu hiến thân là hạnh phúc.

Có được tình yêu hiến thân mới phần nào đáp lại tình yêu của Chúa. Khoái lạc kết hiệp với Chúa!

IX. TẢN MẠN

Học Ngoại Ngữ

Ông năm hàng xóm là người chải chuốt lịch sự, hôm nay tóc tai rối bù, quần áo nhăn nhúm, từng bước mệt mỏi ông bước sang nhà tôi như có chuyện gì cần lắm.

- Chào ông năm, hôm nay có chuyện gì không vui mà trông ông có vẻ khác thường vậy?

- Cha ơi, làm ơn coi giùm con toa thuốc này của đứa cháu ở nước ngoài mới gởi về cho con đó.

Vì là toa thuốc nên tôi hết sức cẩn thận, đọc từng chữ, nếu cần phải tra từ điển cho chắc.

- Thuốc này trị cao huyết áp, ông năm uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 1 viên trước bữa ăn.

- Trời đất ơi, thằng Hải nhà con nói mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 2 viên. Đúng là thằng ăn hại! Chưa chết là may lắm rồi.

Thấy ông năm giận dữ căng thẳng nguy hiểm cho người cao huyết áp, tôi phải tìm cách xoa dịu.

- Lần này nó còn sai sót, lần sau nó sẽ cẩn thận hơn.

- Cha coi, vợ chồng con đâu có giàu có gì, vậy mà phải tốn kém rất nhiều cho nó học thêm môn tiếng Anh, đến nay chưa thấy nó làm cái gì cho ra hồn.

- Tháng trước tôi thấy có người nước ngoài đến nhà ông và thằng Hải có dịp tiếp khách bằng tiếng Anh mà.

Gương mặt ông Năm hiện lên nụ cười chua chát lẫn thất vọng.

- Nhắc đến chuyện đó con cảm thấy không một chút tin tưởng khả năng ngoại ngữ của nó chút nào.

- Tại sao ông bi quan quá vậy?

- Con chỉ nghe nó nói được có 4 chữ : Yes - No - OK - Thank you. Mấy câu khác nó phụ họa bằng tay chân, con có cảm giác như giọng nó ngọng nghệu cà lăm, chán lắm cha ơi!

Nghe ông năm nói mà tôi không thể nín cười ...

- Tôi nghe nói thằng Hải nhà ông đang luyện Anh Văn cũng khá lắm, sao ông cứ chê dài dài ?

- Con nói với thằng Hải: học ngoại ngữ như cha sở mình thì nên học, lâu lâu cha viết đơn xin tiền, kết qủa rõ ràng là mấy ngàn đôla, làm được bao nhiêu công trình cho dân chúng hưởng nhờ.

- Ông nói quá đáng, đâu phải học ngoại ngữ chỉ để kiếm tiền mà thôi đâu. Học ngoại ngữ để có thêm kiến thức, nghiên cứu sách vở và phục vụ rộng rải hơn.

Ông năm gục gật đầu tỏ vẻ đồng tình.

- Cám ơn cha, nếu cha không hướng dẫn, và con cứ tiếp tục uống thuốc theo lời thằng Hải, chắc cha làm lễ an táng cho con một ngày gần đây! Thôi chào cha con về.

Ông năm về rồi, tôi nghiền ngẩm thấy việc học ngoại ngữ bây giờ mang tính cách phong trào, giống như giới trẻ bắt chước một lối ăn mặc theo thời trang. Muốn chứng tỏ ta đây cũng có học tiếng Anh, tiếng Pháp, nhưng thực chất ra sao, câu truyện trên đây là một bằng chứng rõ ràng. Đọc thì hiểu nghịch nghĩa! Viết thì lỗi chính tả! Nói thì như con nít bập bẹ đớt đát! Có lần tôi thử một em học sinh lớp 12 phát âm câu tiếng Anh rất đơn giản: What ’s your name ? Em đó phát âm thế này: Quát- sờ- dua- nem ! Không biết nói gì hơn, tôi bèn phán một câu tiếng “bồi lái ”: Quế-sá-tạ!

X. NGHỆ THUẬT SỐNG

Chân dung của bạn

Bạn sẽ trở nên mạnh mẽ

Khi bạn chịu đựng được nỗi đau của riêng mình và học cách mỉm cười trước những nghịch cảnh.

Bạn sẽ trở nên dũng cảm

Khi tự mình vượt qua những nỗi sợ hãi và giúp người khác cũng làm được như thế.

Bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc

Khi bạn biết cảm nhận để thấu hiểu nỗi vẻ đẹp của một bông hoa.

Bạn đã biết chia sẻ

Khi bạn dũng cảm quên đi nỗi đau của riêng mình để thấu hiểu nổi đau của người khác.

Bạn đã tiến lên một bước

Khi bạn nhận ra rằng sự hiểu biết của mình luôn có giới hạn.

Bạn biết thành thật

Khi thừa nhận rằng có những lúc bạn đã tự dối lòng.

Bạn vẫn còn hy vọng vào cuộc sống

Khi đối với bạn, ngày mai luôn có ý nghĩa hơn những lỗi lầm của ngày hôm qua.

Bạn trở nên chín chắn hơn

Khi bạn nhìn nhận người khác đúng với bản chất của họ và đối xử với họ theo đúng những gì bạn muốn được đối xử.

Bạn sẽ khoan dung hơn

Khi bạn biết tha thứ những lỗi lầm của mọi người xung quanh.

Bạn sẽ là người giàu có

Khi bạn biết cho đi mà không cần nhận lại.

(theo Internet)

XI. SỐNG LỜI CHÚA

- “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” (Mc 10,21).

- “Khi đãi khách hãy mời những người nghèo khó.” (Lc 14,11)

1157    21-04-2012 09:42:38