Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Vai Trò Giáo Xứ - Tháng 08 năm 2008

CHỦ ĐỀ: VAI TRÒ GIÁO XỨ

TÒA GIÁM MỤC VĨNH LONG
103 Đường 3 tháng 2
P.1 Thị Xã Vĩnh Long - VIỆT NAM
Tel : (070) 824016
Email : tgmvinhlong@gmail.com

Vĩnh Long, ngày 25.07.2008

VAI TRÒ GIÁO DỤC CỦA GIÁO XỨ

 Kính gởi :Các Linh mục,
Các Tu sĩ
Toàn thể Giáo dân trong Giáo phận Vĩnh Long,

1. "Trong nền giáo dục Kitô giáo, gia đình không thể tách rời khỏi giáo xứ". Thư chung của HĐGM VN năm 2007, số 29, nói đến liên hệ mật thiết giữa Gia đình và Họ Đạo hay Giáo Xứ trong việc Giáo dục Đức Tin.

Công Đồng Vaticanô II dạy như sau: “Tự bản chất, chính định chế hôn nhân và tình yêu lứa đôi qui hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái như chóp đỉnh diễm phúc của hôn nhân” ( GS 48; 50). Họ Đạo được thiết lập tại địa phương dưới quyền lãnh đạo của một Mục tử thay mặt Đức Giám mục, phản ảnh Hội Thánh hữu hình đã được thiết lập trên toàn cõi trái đất (x.Vat. II, SC 42). Họ Đạo được gầy dựng nhờ việc rao giảng và rửa tội ‘Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con’ (Mt 28,19). Họ Đạo nuôi dưỡng và thánh hóa các Tín Hữu bằng Giáo lý Đức Tin, cử hành các Bí Tích, nhất là Thánh Lễ Như vậy Họ Đạo cũng sinh và dưỡng dục con cái Chúa.

2. Trước đây, Trường Họ là nơi con em của chúng ta vừa học chữ vừa học Đạo. Do đó việc rèn luyện các em về nhân bản cũng như về đạo đức được thực hiện trong Nhà Thờ và trong Trường Họ. Còn hiện nay, từ khi chúng ta mất đi các Trường Công Giáo, các gia đình không còn quyền chọn lựa Trường Học để gởi con em của mình và việc rèn luyện đạo đức gặp nhiều trở ngại, chẳng những việc học hành chiếm hết thời giờ của các em, mà lắm khi các em bị lôi cuốn theo những thứ giải trí khác hoặc bị cản trở đến Nhà Thờ. Mong sao cho Phụ Huynh ý thức được những nguy cơ của một nền giáo dục thiếu sót hoặc sai lầm, và nhận thấy cần thiết phải giáo dục đức tin cho con em của họ, rồi phải quan tâm nhắc nhở và lo liệu cho chúng nó đến Nhà Thờ !

3. Gia Đình không sinh con, gia đình nào không còn người trẻ, thì là gia đình già nua, cằn cỗi, sẽ mai một. Giáo Hội không truyền giáo, không giáo dục đức tin, thì cũng vậy, sẽ không có tương lai. Hoàn cảnh có thể khó khăn hơn, nhưng vì tương lai của Hội Thánh, vì Sứ Mạng đã lãnh nhận, Hội Thánh phải tìm những phương thế mới, thích hợp hơn để chu toàn Sứ Mạng giáo dục đức tin .

Họ Đạo không phải là một cơ cấu, một lãnh địa, một tòa nhà, nhưng trước hết là gia đình của Thiên Chúa, là cộng đồng huynh đệ chỉ có một tâm hồn (Vaticanô II, LG 28), là mái ấm gia đình, huynh đệ và niềm nở đón tiếp (Gioan PhaolôII, Tông Huấn về việc Dạy Giáo lý 67), nghĩa là phải rộng mở đón nhận và phục vụ (TH Kitô hữu Giáo dân 27) là một cộng đoàn tín hữu (Giáo luật 515, 1F).

Đức Tin Kitô giáo là nền tảng của sự hợp nhất cộng đoàn Tín Hữu. Kế đến là Phép Thánh Thể. Hội Thánh cử hành Thánh Lễ và Thánh Lễ xây dựng Họ Đạo, làm mối dây hiệp thông Họ Đạo với toàn thể Hội Thánh. Họ Đạo là cộng đoàn có phẩm trật trong đó các Kitô hữu hợp nhất với các Thừa Tác Viên có chức thánh, với cha sở thay mặt Đức Giám Mục, luôn hiệp thông với Địa Phận ( x. Gioan Phaolô II, TH Kitô hữu Giáo dân. 26), với Hội Thánh hoàn vũ ‘là dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh , dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Ngài’ ( 1 Phêrô 2,9) .

4. Họ Đạo nào không có lớp giáo lý, không có Thánh Lễ, thì sẽ đi đến băng hoại. Làm sao để duy trì và làm cho tươi trẻ niềm tin trong con người ngày hôm nay? Làm sao cống hiến cho họ giáo lý cứu rỗi của Chúa Kitô? Đó là ơn gọi và trách nhiệm của chúng ta (TH Kitô hữu Giáo dân 26). Họ Đạo hăng say thực thi các việc bác ái xã hội vừa biểu lộ mà cũng vừa nuôi dưỡng đức tin (x. Thư của Thánh Giacôbê 2,17-18).

Nhưng trên hết cần có sự cộng tác của mọi thành phần trong Họ Đạo. Và nhất là lòng nhiệt thành tông đồ cũng như sự quan tâm lắng nghe và cởi mở, sẵn sàng đón nhận của vị Mục Tử. Các ngài như khối óc nhìn thấy các vấn đề, khéo léo điều khiển các chi thể và điều động với trái tim của người Chủ Chăn, như Chúa Kitô dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng (x. Mt 11,29). Mong lắm thay !

+ Tôma Nguyễn Văn Tân
Giám mục Giáo phận Vĩnh Long


CHỦ ĐỀ:
VAI TRÒ GIÁO DỤC CỦA GIÁO XỨ

I. THƯ MỤC VỤ SỐ 29-31

Trong nền giáo dục Kitô giáo, gia đình không thể tách rời khỏi giáo xứ. Nếu tại gia đình, đức tin được truyền thụ bằng phương pháp tiếp cận và thực hành, những bài học được giảng dạy ngay giữa thực tế. Tại giáo xứ, đức tin được thông truyền nhờ giảng giải và việc cử hành phụng vụ. Chính khi đối chiếu và đón nhận cảm tưởng của nhau, đoàn kết yêu thương nhau và cầu nguyện chung với nhau, đức tin của Kitô hữu được nuôi dưỡng và củng cố.

Với những lớp huấn giáo là những phương cách căn bản của giáo dục Kitô giáo, cha xứ cùng với các giảng viên sẽ chịu trách nhiệm khai tâm Kitô giáo và huấn giáo cho các học viên chuẩn bị lãnh các bí tích. Tại đây, giáo dân có môi trường thể hiện đức tin với các thành phần khác của cộng đoàn và được tham dự cách ý thức vào các giờ kinh lễ, phụng vụ, bí tích. Đó là những hình thức tham gia trực tiếp và hữu hiệu vào công trình giáo dục Kitô giáo (x. TN/GD 4).

Cùng với giáo xứ, các tổ chức, các đoàn thể Công Giáo và cộng đoàn Giáo Hội cơ bản cũng là những môi trường không thể thiếu để giáo dục Kitô giáo được triển nở toàn vẹn và quân bình.

II. DẪN GIẢI

Trong gia đình mỗi người đều có nhiệm vụ dạy (giúp) người khác sống đạo, thì dĩ nhiên trong Họ Đạo cũng có nhà thờ lo việc giảng dạy đức tin cho người tín hữu.

Vai trò của gia đình trong việc giáo dục đức tin, có thể nói là nhiệm vụ cá thể; còn xứ đạo là nhiệm vụ có tánh cách tập thể.

Nhiệm vụ của giáo xứ là công khai giảng dạy đức tin và giúp tín hữu chịu các Bí tích.

Tham gia các hội đoàn trong giáo xứ chính là tham gia vào công trình dạy đạo.

III. CHUYỆN MINH HOẠ

HẠNH PHÚC KHÔNG DO CỦA CẢI VẬT CHẤT

Trong một tạp bút của báo tuổi trẻ, tác giả Hải Anh từ Paris, Pháp Quốc có đóng góp đoạn văn với nội dung như sau:

Chị là một công dân Pháp mang nửa dòng máu Việt, sau nhiều năm thất lạc, cuối cùng chị cũng tìm được tung tích người mẹ ruột của mình và hai đứa em trai cùng mẹ khác cha và gia đình của họ.

Với niềm hân hoan đoàn tụ, chị bắt đầu chắt chiu những đồng tiền thu nhập, tuy không to lớn của mình để trở về thăm người thân. Căn nhà nơi mẹ chị trú ngụ nằm trong một khu phố nhỏ của Sài Gòn, 2 tầng, cũ kỹ và chật hẹp. Bà mẹ hơn 80 tuổi ở tầng trệt, bên trên là gia đình đông đúc của hai đứa em trai, mỗi gia đình chiếm cứ một phần. Kể cả người mẹ sống biệt lập về tài chánh, nhưng vẫn phải gắn chặt vào nhau bởi biết bao ràng buộc: Phòng vệ sinh chung, bếp chung…của căn nhà, vì thế luôn luôn chộn rộn tiếng người cãi cọ.

Từ hôm chị mua cho mẹ chiếc tivi be bé thì không khí gia đình càng trở nên ấm áp ít ra có vẻ là như thế. Sau một ngày tất bật với những mưu sinh riêng lẻ, cả nhà đổ xuống tầng dưới túm tụm bên chiếc máy truyền hình. Bọn trẻ con hò hét lăng xăng quanh bà nội như bầy chim vỡ tổ, đêm nào cũng vậy mãi đến tận khuya, họ vẫn còn ngồi lại với nhau, hào hứng bàn tán tranh cãi, dù chỉ là chuyện của cái tên Oshin hay Osha nào đó trong bộ phim. Bà lão quá già để hiểu biết lời lẽ, ý tứ của bầy con cháu, chỉ nhè nhẹ lắc lư nhịp võng thiếp dần đi trong những âm sắc thân quen. Chị kể lại cho bạn bè: "bất tiện và ồn ào kinh khủng nhưng bà lão rất vui".

Lần thứ hai về nước với số tiền chắt chiu kha khá trong tay. Chị đề nghị nới nhà thêm một tầng nữa cho rộng rãi. Mọi người lập tức tán đồng hoan hỉ, nhưng tiếc thay căn nhà không được phép xây lên vì thiếu bản vẽ nền móng cũ. Ý kiến chia thành ba phe, cậu em út đòi đập cả nhà xây lại, ông anh tuyên bố cứ lên càng cao khi nào sập hẳn hay, bà mẹ phủ bác mọi điều, sợ đủ thứ, sợ tốn tiền, sợ bất hợp pháp, sợ sập nhà. Phải chăng với bà cuộc sống hiện tại đã là ổn thoả. Cuối cùng, sau khi bàn thảo số tiền của chị được sử dụng như sau: Xây thêm hai góc bếp riêng và hai nhà tắm trên lầu, mua cho mỗi hộ một dàn ti vi mới. Chị ra đi mang theo niềm vui của người chị, người con, rằng, từ nay cuộc sống của căn nhà ấy sẽ đỡ phần chật vật.

Nhưng lần tiếp theo, sau khi về thăm mẹ và khi trở qua lại thì bạn bè bỗng cảm thấy chị dàu dàu tư lự, ai gạn hỏi chị, chị chỉ thở dài: "Bà lão rất buồn, căn nhà đã biến thành ba ốc đảo".

Qua câu chuyện trên, chúng ta thử nhìn lại chính mình và định hướng lại cuộc sống. Chúng ta không thể không suy nghĩ về giá trị của của cải vật chất bởi vì đó là mối bận tâm hằng ngày của chúng ta. Có đầy đủ tiện nghi vật chất để sống hợp với nếp sống văn minh, để sống cho ra người có văn hoá, để sống xứng với phẩm giá con người, điều đó xem ra không có gì ngược lại với Tin Mừng. Ước mơ có được một chiếc xe hơi đời mới, làm chủ một căn nhà, với những tiện nghi đầy đủ, ước mơ ấy xem ra cũng là một ước mơ chính đáng và bình thường. Tự nó, của cải vật chất không phải là một điều xấu xa, giàu tự nó cũng không phải là một cái tội. Tuy nhiên, như trong Tin Mừng, Chúa Giêsu thường cảnh cáo các môn đệ của Ngài, của cải vật chất dễ biến con người thành nô lệ, thay vì hưởng dụng của cải như một phương tiện thì con người lại biến của cải thành chủ nhân. Tội lỗi không nằm trong vật chất mà trong chính thái độ của con người. Tội lỗi đi vào trong thế giới bởi vì con người đã đảo lộn trật tự Thiên Chúa và quyết định.

Được tạo dựng để làm chủ của cải vật chất, con người lại biến thành nô lệ cho của cải, thay vì sử dụng của cải vật chất để tìm kiếm và xây dựng những giá trị vĩnh cửu là sự công bình, giây liên đới, tình yêu thương giữa người với người, thì con người lại làm nô lệ cho của cải và chối bỏ người khác. Thay vì sử dụng của cải vật chất để xây dựng Nước Trời thì con người lại biến của cải thành những hàng rào kiên cố để xây lên những ốc đảo và giam mình vào trong đó. Đó là nguy cơ của của cải vật chất mà Tin Mừng không ngừng kêu gọi các tín hữu đề cao cảnh giác.

Do đó, không những chỉ dạy cho con em chúng ta kỹ năng sinh tồn và nhưng còn là phát triển con người toàn vẹn, sống có tình, có lý, nhất là có niềm tin. Chính ở đây, vai trò giáo dục của gia đình cùng với sự hổ trợ của Giáo xứ sẽ giúp cho con em chúng ta phát triển về nhân cách nhất là về đức tin, góp phần hoàn thiện đời sống con người, theo hình ảnh Thiên Chúa.

IV. DIỄN GIẢI

Qua phần tìm hiểu về vai trò giáo dục của gia đình, chúng ta thấy cha mẹ chính là “những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu” (Gravissimum Educationis, số 3) trong việc huấn luyện nhân bản và đức tin cho con cái. Không ai có thể thay thế được cha mẹ trong nhiệm vụ nầy. Sinh sản và giáo dục con cái chính là cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, chỉ gia đình không thì chưa đủ, mà còn cần đến vai trò của Giáo xứ trong việc giáo dục đức tin cho con cái: “Trong nền giáo dục Kitô giáo, gia đình không thể tách rời khỏi giáo xứ. Nếu tại gia đình, đức tin được truyền thụ bằng phương pháp tiếp cận và thực hành, những bài học được giảng dạy ngay giữa thực tế. Tại giáo xứ, đức tin được thông truyền nhờ giảng giải và việc cử hành phụng vụ. Chính khi đối chiếu và đón nhận cảm tưởng của nhau, đoàn kết yêu thương nhau và cầu nguyện chung với nhau, đức tin của Kitô hữu được nuôi dưỡng và củng cố” (TMV số 29).

Như vậy, một cách khái quát, vai trò của Giáo xứ chính là dạy giáo lý, cử hành phụng vụ và tạo bầu khí yêu thương và cầu nguyện chung với nhau, để nuôi dưỡng và củng cố đức tin của người tín hữu. “Giáo xứ là cộng đồng Thánh Thể và là trung tâm đời sống phụng vụ của các gia đình Kitô giáo, nên là nơi tốt nhất để giáo dục đức tin cho trẻ em và cha mẹ chúng” (GLCG 2226).

Nếu như vai trò của gia đình như là Hội thánh tại gia và vai trò của Giáo xứ như là Hội Thánh địa phương thì cả hai đều cùng có chung mục đích là truyền giáo, đưa Chúa đến với các thành viên của mình.

Đức Tổng Giáo Mục Malcom Ranjith, thư ký Thánh Bộ Phụng Tự và Bí Tích trong hội nghị về “Giáo Xứ và Tân Phúc Âm Hóa” tại Rôma (Zenit.org, 30.01.2008) đã đưa ra Bốn bước để biến Giáo xứ thành Giáo xứ Truyền giáo và giải thích lý do mà Giáo xứ phải truyền giáo như như sau:

- Vì Chúa Giêsu đã để lại giới răn yêu thương (X. Ga 13,34) và chính nhờ yêu thương mà mọi người nhận biết chúng ta là môn đệ của Người (x.Ga 13,35). Thật vậy Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta cho đến độ hiến trọn thân mình để cứu chuộc chúng ta. Đó chính là nềân tảng của việc truyền giáo.

- Truyền giáo là dấu chỉ sự trưởng thành trong đức tin. Hội Thánh chỉ hiện hữu khi truyền giáo, điều này cũng đúng cho giáo xứ. Nếu một giáo xứ không truyền giáo, nó chỉ là một lâu đài, dù đẹp đẽ, uy nghi, nhưng xơ cứng. Truyền giáo cũng không phải là việc tự do chọn lựa, mà là một đòi hỏi của đức tin, là cách diễn tả đức ái hoàn hảo nhất.

- Bí tích Thánh Thể phải là trọng tâm của việc truyền giáo. Nhờ việc Chầu Thánh Thể mà đức tin được phát triển và ơn gọi gia tăng. Chính Chúa Giêsu Thánh Thể lôi kéo người ta đến với Chúa.

- Với các linh mục coi xứ, Ngài khuyên các ngài phải hiểu vai trò của mình bằng cách tự nhủ: Tự mình thì tôi vô dụng, nhưng trong tay Người thì tôi hữu dụng. Các ngài không phải chỉ chú tâm đến cộng đồng của mình mà thôi nhưng còn phải quan tâm đến những chiên lạc nữa.

Ngài cũng đề nghị bốn bước cụ thể để biến Giáo xứ thành Giáo xứ Truyền giáo:

- Bước thứ nhất, ngài khuyến khích Giáo xứ phải chuyển từ kiểu bảo trì sang kiểu truyền giáo, bởi vì nếu chúng ta chỉ làm mỗi một việc là sửa chữa nhà cửa thì điều đó sẽ giết chết chúng ta về mặt tâm linh.

- Bước thứ hai là các Giáo xứ cần tránh xa tinh thần bi quan, để chuyển sang tinh thần lạc quan. Khi chúng ta chỉ là một cộng đồng bé nhỏ, giữa những người không cùng tôn giáo, khi gặp khó khăn trong việc rao giảng, thiếu các phương tiện cần thiết…hơn lúc nào hết hãy tín thác mạnh mẽ vào Thiên Chúa và cùng cầu nguyện, Chúa sẽ giúp chúng ta thành công. Đối với Chúa, không việc gì là không thể được. Điều đáng buồn là buông xuôi!

- Bước thứ ba liên quan đến vai trò cộng tác của giáo dân. Họ chính là những nhà truyền giáo tiềm năng, nếu chúng ta để cho họ cộng tác. Các linh mục quản xứ không nên nghĩ rằng việc truyền giáo chỉ là nhiệm vụ của giáo sĩ và tự mình phải quyết định mọi sự, cần biết chia sẻ với giáo dân, như Tông Huấn Kitô Hữu Giáo Dân mà ĐTC Gioan-Phaolô II đã đưa ra.

- Bước thứ tư liên hệ đến bước thứ ba: càng nhiều người tham gia vào việc truyền giáo thì càng tốt, như các hội đoàn, các nhóm, đàn ông, phụ nữ, giới trẻ và ngay cả trẻ em… Hãy can đảm đi vào những lãnh vực chưa ai đến, tìm những phương pháp mới để rao giảng Tin Mừng và phép lạ sẽ xảy ra!

Kết thúc bài thuyết trình, ĐTGM Malcom Ranjith nói: Điều quan trọng nhất chính là lòng nhiệt thành và tình yêucủa các linh mục quản xứ, như Gioan Maria Vianney, Quan Thầy của các linh mục là một ví dụ. Thật vậy, với lòng tận tuỵ, đầy yêu thương, một mục tử “như lòng Ta hằng mong ước” (x. Giêrêmia 3,15), các linh mục quản xứ, sẽ có đủ thời giờ để chăm sóc cho đàn chiên của mình phát triển. Bên cạnh đó, cùng với việc đào tạo và sự trợ lực của Ban Quới Chức, các hội đoàn, các giới, sẽ giúp Họ Đạo ngày càng sinh động hơn trong đời sống đức tin, vươn tới hết mọi thành phần, nhất là những người nghèo và những chiên còn lạc lối

Trong việc mục vụ Giáo xứ, điều kiện tiên quyết giúp Giáo xứ phát triển là yêu mến, cầu nguyện và sống với Chúa Giêsu Thánh Thể. Thánh Thể chính là Chúa Giêsu Kitô. ĐTC Gioan Phaolô II nói: “Thánh Thể chính là nguồn mạch và là chóp đỉnh của việc Truyền giáo. Là nguồn mạch bởi vì bất cứ ai đã gặp được Chúa Kitô nơi Phép Thánh Thể, thì không thể không loan báo bằng chính đời sống của mình, tình yêu cứu chuộc của Chúa Cứu Thế. Là chóp đỉnh bởi vì mọi công cuộc Truyền giáo đều dẫn đến Chúa Giêsu Thánh Thể” (Sứ Điệp về Ngày Truyền Giáo 2004, ngày 29.04.2004). Như vậy, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục rao giảng Tin Mừng qua sự hiện diện của Người nơi Phép Thánh Thể!

Xin Chúa Giêsu là Mục Tử nhân lành biến các linh mục của Chúa thành những mục tử như lòng Cha hằng mong ước. Amen

KIỂM ĐIỂM

Mỗi người chỉ lo giữ đạo cho riêng mình, không quan tâm đến người xung quanh?
Anh em xấu, anh em tội, “mặc kệ họ” ?

Họ đạo nhiều gương xấu, “ăn thua gì đến tôi”?

Không thấy mình có trách nhiệm gì với anh em, với Họ đạo, với Hội Thánh. Không ý thức trách nhiệm của mình đối với tập thể!

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Kêu mời: Anh chị em thân mến,

Nếu cộng đoàn gia đình, được hình thành theo hình ảnh Chúa Ba Ngôi, có trách nhiệm giáo dục không thể thay thế, thì cộng đoàn giáo xứ cũng vậy. Vai trò giáo dục của giáo xứ thật sự cần thiết và có tính liên tục. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các giáo xứ:

  1. Chúa phán: “Hãy đi trình diện với các tư tế rằng con đã khỏi bệnh”. Chúng ta cầu nguyện cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh, biết quan tâm săn sóc từng thành phần Hội Thánh, áp dụng đường lối giáo dục Kitô-giáo cho mọi người.
  2. Chúa phán: “Điều các con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà”. Chúng ta cầu nguyện cho những người có trách nhiệm trong giáo xứ, biết nêu gương tốt, biết dùng lời nói và đời sống mà giáo dục cho nhiều người tin Chúa.
  3. Chúa phán: “Các con cứ làm theo những điều các trưởng tế dạy, nhưng đừng bắt chước đời sống của họ, vì họ nói mà không làm”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong giáo xứ, biết vâng theo lời dạy của các mục tử tốt lành.
  4. Chúa phán: “Ta thương đám đông này, vì họ như chiên không người chăn giữ”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, biết cộng tác với nhau để giáo dục đức tin và nhân bản cho các giới, nhất là giới trẻ.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa dựng nên loài người giống hình ảnh Chúa Ba Ngôi. Xin cho các giáo xứ ý thức trách nhiệm giáo dục, và theo ơn Chúa Thánh Thần linh hứng, mà uốn nắn con người sống theo phẩm giá mình. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

GIÁO XỨ DƯỠNG NUÔI NGƯỜI KITÔ HỮU NÊN THÁNH

Như chúng ta vẫn thường nói và xác tín rằng “Bản chất của Giáo hội là truyền giáo”. Nhưng ở đây ta phải hiểu truyền giáo là thế nào? Có phải là ra đi rao giảng Tin mừng Nước Thiên Chúa, là Rửa tội thật nhiều người, là nói cho lương dân biết rằng có Chúa … Chắc chắn truyền giáo không chỉ là như thế. Sẽ thật thiếu xót nếu như ta không quay trở lại với chính lệnh truyền của Chúa Giêsu.

Trước khi Chúa Giêsu về trời, Người đã lệnh truyền cho các môn đệ: “Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28, 19). Như thế rõ ràng Chúa Giêsu đã sai các môn đệ đi – rao giảng – làm phép rửa. Nhưng lệnh truyền của Chúa Giêsu còn có thêm phần sau nữa mà ta thường ít để ý tới “dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,20). Vậy lệnh truyền của Chúa Giêsu đối với các môn đệ phải là đi – rao giảng – làm phép rửa - dạy họ giữ Lời Chúa.

Vì ý thức sứ mạng truyền giáo, các môn đệ của Chúa Giêsu qua nhiều thế hệ đã hăng hái ra đi rao giảng Tin mừng nước Thiên Chúa, lập những cộng đoàn, làm chứng tá cho lương dân nhận biết Thiên Chúa… Tuy nhiên, vì quá đặt nặng trọng tâm là truyền giáo theo nghĩa là làm cho người ta biết Chúa càng nhiều càng tốt mà có lẽ như đã xem nhẹ hơn nhiệm vụ giáo dục đức tin cho những Kitô hữu. Như vậy, vấn đề truyền giáo cho các Kitô hữu cũng phải được đặt làm trọng tâm và được quan tâm đẩy mạnh trong việc thực hiện như việc truyền giáo cho lương dân.

Việc truyền giáo cho các Kitô hữu được thực hiện trong cộng đoàn các giáo xứ, nơi đó người tín hữu được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và các Bí tích của Chúa Giêsu. Bởi giáo xứ được định nghĩa là nơi cộng đoàn Kitô giáo tụ họp nhau, đón tiếp mọi Kitô hữu đến quanh Thánh Thể, quanh Chúa Kitô, qua thừa tác vụ của Cha quản xứ, Giáo xứ còn là nơi mà mọi Kitô hữu, mọi kẻ đã lãnh nhận phép rửa đều có thể hoà nhập với đời sống Giáo hội. Vì vậy, nơi các giáo xứ, cha quản xứ cùng với các cộng sự của ngài cần phải thấy được nhiệm vụ của giáo xứ là giáo dục và dưỡng nuôi đức tin cho con cái mình, mà tổ chức cho giáo xứ có một sức sống chẳng những trên những hình thức bên ngoài bằng việc dâng thánh lễ, các giờ kinh nguyện, dạy giáo lý, sinh hoạt giáo lý, lần chuỗi, đi đàng thánh giá…. mà còn phải làm sao cho những công việc ấy có chiều sâu nội tâm, múc lấy nguồn sống từ nơi Chúa để dưỡng nuôi và làm cho giáo xứ ngày một phát triển và vững mạnh trong niềm tin.

Một khía cạnh khác cũng không kém phần quan trọng trong việc giáo dục của giáo xứ là đời sống chứng nhân của mọi thành phần trong giáo xứ: cha xứ có một đời sống đức tin vững mạnh để hướng dẫn giáo xứ đi trong đức tin, những người cộng sự với cha xứ có một lòng quảng đại yêu thương, biết cộng tác nhiệt thành cho công tác của giáo xứ, mọi thành phần trong giáo xứ biết làm tròn bổn phận của mình… thì đó cũng chính là phương cách hữu hiệu để giáo dục đức tin cho mọi người trong giáo xứ.

Để có thể thi hành lệnh truyền của Chúa trong hoàn cảnh ngày nay, đặc biệt nơi các giáo xứ đòi hỏi các cha xứ và những cộng sự viên của ngài hãy quan tâm cùng lúc rao giảng Tin mừng cho lương dân và nuôi dưỡng cho con cái mình là những Kitô hữu. Vì bởi lẽ giáo xứ có vững mạnh, giáo xứ có sức sống, … thì giáo xứ đó mới thể thực hiện công việc truyền giáo một cách hữu hiệu. Giáo hội công giáo không có mục đích là đưa nhiều người vào Giáo hội theo nghĩa rửa tội thật nhiều nhưng có sứ mạng là làm cho nhiều người được biết Chúa, được giữ lời Chúa, được sự sống từ nơi Thiên Chúa … và sứ mạng đó được thực hiện nơi các giáo xứ, nơi mà mọi người đã được rửa tội được nuôi dưỡng đức tin, được nuôi dưỡng bằng đời sống chứng tá, được dưỡng nuôi để trở nên những con người thánh thiện.

VII. HỌC KINH THÁNH  

BÀI 32
SỰ LY KHAI CỦA VƯƠNG QUỐC ISRAEL
(1V, 12)

1/ Bối cảnh lịch sử Rôbôam lên ngôi như thế nào?

Rôbôam con Salômon lên kế vị ngai vàng lúc còn trẻ tuổi nên có rất ít kinh nghiệm và sự khôn ngoan lẫy lừng như vua cha.

2/ Đâu là nguyên nhân của sự ly khai Nam, Bắc?

Do sự ganh tỵ lâu đời giữa Nam và Bắc, đồng thời do Rôbôam không chịu giảm thuế cho dân nên miền Bắc đã nổi dậy chống lại miền Nam.

3/ Sự ly khai đã xảy ra thế nào và hậu quả của nó ra sao?

- Dưới sự lãnh đạo của Giêrôbôam, mười chi tộc miền Bắc đã ly khai lập nên vương quốc Israel, lấy Samaria làm thủ đô. Rôbôam chỉ kiểm soát chi tộc Giuđa ở Giêrusalem, một phần chi tộc Bengiamin và Simêon.

- Hậu quả chính trị là công trình xây dựng của Saolê, Đavit, Salômon bị phân chia, mười hai chi tộc không còn thống nhất với nhau nữa.

- Hậu quả tôn giáo là Giêrôbôam ngăn cản dân không cho về Giêrusalem dâng của lễ. Ông sợ dân sẽ “quay về với tôn ch? của họ” (1V, 26tt). Hơn nữa ông cũng sợ tiền bạc của miền Bắc sẽ đổ về miền Nam qua việc dân chúng dâng cúng cho Đền thờ ở Giêrusalem. Cho nên ơng cho dựng đền thờ ở Bêthel và Đan là những đền thờ có bò vàng.

- Theo cái nhìn của người miền Nam, Giêrôbôam đã gieo mầm móng sự phản bội là chia cắt tôn giáo với những người miền Nam.

Lời Chúa: “Hãy lắng tai nghe hỡi Israel, Chúa Thiên Chúa chúng ta là Chúa độc nhất, và ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi, hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi, hết trí khôn ngươi và hết cả trí lực ngươi”. (Đnl 6, 4).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thánh hoá con, giúp con tránh xa những quyến rũ bất chính. Xin giúp con bớt tích góp cho mình, biết san sẻ cho đời, không chỉ tiền bạc mà còn chính tấm lòng yêu thương. Amen.

VIII. SỐNG ĐẠO

CÓ ÔNG TRỜI KHÔNG?

Câu hỏi nầy đối với người có đạo Thiên Chúa thì vô lý! Còn đối với người ngoại thì vấn nạn như thế vẫn có lý! Và chúng ta phải trả lời thế nào cho đúng?

Không riêng gì cho dân Việt mà cả nhân loại ít nhiều đều tin có Ông Trời. Mỗi dân tộc đều có một danh từ chỉ Đấng Tối Cao: Yàng , Dieu, Alla…

Phần dân Việt thì gần như mọi người đều nhìn nhận có Ông Trời: “Có Trời Sinh, Trời dưỡng, sống thác nhờ Trời”. Gặp hoàn cảnh hiểm nguy, xin Trời phù hộ; thới lai cảnh phúc, thường cũng biết cảm ơn Trời! Tâm trạng như thế, ai quả quyết được là không tin có Ông Trời?

Có hạng người, dầu không xác tín hoàn toàn vẫn tiến mạnh trong việc thờ phượng như đặt một Bàn Thiên trước nhà (bàn vuông nhỏ) để thờ trời hoặc dùng vật thiên nhiên như nước, hoa… để cúng; không cúng những vật con người chế tạo như chè, cháo…

Hơn nữa có người mỗi ngày ra trước bàn Thiên: vái tứ phương để xin Trời phù hộ….. Chúng ta tự hỏi do đâu mà có những tư tưởng, có những cảm nghĩ về Ông Trời như thế ?

Thiển nghĩ, phải có Đấng Tối Cao, theo bình dân gọi là Ông Trời, đã gieo tư tưởng này vào tâm hồn nhân loại.

Cũng có người nói dân Việt tin mạnh là nhờ ảnh hưởng Trung Hoa. Cũng có thể đúng! Nhưng tư tưởng phổ biến cả nhân loại mà kể xã hội là nguyên nhân thì không túc lý! Vả lại Nho giáo thờ trời, xem ra hợp lý, nhưng đến việc tôn thờ thì đưa vào sai lạc.

Sai lạc vì kể ông trời là quá cao cả, không ai xứng tôn thờ, chỉ có vua đại diện cho nhân loại thì mới đáng thể hiện việc tôn thờ. Thường dân không thờ trời mà thờ Thiên tử (Con Trời) nên khi vào chầu phải tam hô, ngũ bái! Còn tại sao quan quyền phải thờ Thiên tử, thì không nói tiếp nữa. Trong khi đó, quan quyền đối với dân chúng phải sống như phụ mẫu…làm cho nhân loại phần nào quên thờ trời, lại quan tâm đến chữ hiếu thuận, dành cha mẹ quyền hành rất lớn, rất rộng, khiến con cái phải tuỳ thuộc như tuỳ thuộc Thiên Chúa.

Chúng ta có thể kết luận: tự nhiên Chúa cũng ban cho con người biết có Chúa. Phần chúng ta, người Kitô hữu, qua phép Rửa Tội, Chúa ban cho chúng ta biết bằng lối biết siêu nhiên, biết như Chúa biết, thương như Chúa thương và được kết hợp với Chúa.

Vậy việc sống đạo của chúng ta không phải chỉ là biết Chúa thôi, nhưng phải biết Chúa như Chúa biết, thương Chúa như Chúa thương Chúa và tuyệt đỉnh là kết hợp với Chúa.

MỘT VÀI Ý NGHĨ VỀ LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI

Một phần không ít nhân loại cho đời là khổ. Theo Phật giáo thì cuộc đời con người gồm có: sinh, lão, bệnh, tử, như vậy, đời là khổ! Hoặc cho rằng đời người như “bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê”. Hay như trong đạo chúng ta cũng nói: “sống trong sủng khóc lóc”!

Những tư tưởng trên đây có đúng hẳn không? Nếu vậy, Chúa dựng nên con người để bắt con người chịu khổ ? Tư tưởng này vô lý quá!

Chúng ta nhìn về lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên trời để thấy Chúa thưởng hồn đã đành, mà Chúa cũng thưởng xác nữa, có thể hiểu, xác cộng tác chặt chẽ với hồn.

Do đó, chúng ta có thể quả quyết, việc làm của con người, những công trình, những khổ nhọc vẫn có giá trị mua chuộc phần rỗi.

Khó nhọc trong việc làm, trong bệnh hoạn… không hẳn là đòi hỏi con người phải mang ách, mà là một phương tiện cho con người thể hiện những điều có giá trị trước mặt Chúa. Vì ngoài việc làm và khổ nhọc, thử hỏi con người còn có gì để dâng lên Chúa?

Thật ra, Chúa dựng nên con người – chúa của vũ trụ - để thay thế cho vũ trụ đưa, hướng vũ trụ về cùng Chúa. Việc của con người là hướng vạn vật về Chúa. Phải sống, phải làm như thế mới đúng ý Chúa.

Vì vậy, đâu cần những việc lạ thường ngoạn mục như xây nhà chọc trời, khám phá vũ trụ… Lời thưa “Xin Vâng” của Mẹ trong Ngày Truyền Tin có giá trị trước mặt Chúa muôn ngàn lần hơn. Đời của Mẹ Maria không có việc nào ngoài Thánh ý Chúa.

Trong việc làm thường có những khổ nhọc, nhất là trong lúc bệnh hoạn, Chúa để cho con người mang bệnh hoạn để nhớ: cuộc đời tạm qua - đời sau mới vững chắc.

Lại nhờ khổ nhọc trong bệnh hoạn để nên giống Chúa nhiều hơn, đồng thời lại là một lối tỏ tình đặc biệt yêu mến Chúa! Chịu khó để tỏ mình yêu, yêu Chúa nhiều.

Đời của Mẹ Maria, không việc nào ngoài Ý Chúa và cùng đau khổ với Chúa: đời thánh giá và tử đạo. Do đó, Chúa thưởng cả thân xác Mẹ khỏi bị hư mất mà cùng được sống lại vinh hiển với Chúa Kitô.

Xin Chúa cho chúng con không sợ, không nghĩ đó là những khổ nhọc, nhưng biết dùng việc làm và vui nhận những khổ nhọc để vui lòng Chúa và được thông phần vinh hiển của Chúa.

IX. MỤC VỤ GIA ĐÌNH

CHÚA THÁNH THẦN BIẾN GIA ĐÌNH
THÀNH TỔ ẤM YÊU THƯƠNG

Trong số 6 thư Mục Vụ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 2007 đã đề cập: Chúa Giêsu trực tiếp kêu gọi, qui tụ, dạy dỗ các tông đồ ba năm, nhưng nhờ Chúa Thánh Thần mà “Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói vơí anh em” (Ga 14,16). “Khi nào Thánh Thần sự thật đến, Người sẽ hướng anh em đến sự toàn vẹn” (Ga 16,13a). Chính Chúa Thánh Thần tác động mà Lời Chúa mới trở thành sức mạnh biến đổi tâm hồn người rao giảng lẫn người nghe. Thật vậy, Chúa Thánh Thần làm cho những kẻ nghe Lời Chúa với lòng tin, sau khi lãnh nhận phép rửa tẩy xoá tội lỗi, trở nên nghĩa tử “được kêu lên: Abba, Cha ơi” (Rm 8,17). Mọi thành viên trong gia đình công giáo sống theo sự soi sáng, hướng dẫn, chăm sóc của Chúa Thánh Thần, sẽ biến gia đình mình nên đầm ấm!

Chúa Thánh Thần luôn hiện diện, tác động trong mọi sinh hoạt và đời sống mọi kẻ sống theo đức tin để họ lắng nghe, thực hành Lời Chúa, sống theo ý Chúa, sống đẹp lòng Chúa.

*Là vợ chồng: họ sẽ để Thánh Thần thánh hoá đời sống hôn nhân qua bí tích hôn phối, giúp họ hoà thuận yêu thương, gắn bó, hợp nhất, trung thành với nhau cho đến chết. Họ luôn cảm thông, nâng đỡ, bổ túc cho nhau. Họ luôn cần nhau, gần nhau, chia vui sẻ buồn với nhau. Họ thánh hoá nhau trong đời sống đôi bạn.

*Là Cha Mẹ: họ sẽ yêu thương sinh sản, nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện và gương sáng đời sốngï, họ giáo dục con cái trở thành người tốt, thành con cái đạo đức và các thánh nhân của Chúa.

*Là con cái: họ luôn cần sự yêu thương, chăm sóc, giáo dục của cha mẹ, sống gần cha mẹ, yêu mến vâng lời, đào luyện mình dưới sự hướng dẫn và chăm sóc của cha mẹ thành những người đức độ, giỏi giang, thánh thiện. Chính họ cũng tạo mọi điều kiện trong nếp sống gia đình, cộng tác giúp cha mẹ trung thành phụng sự gắn bó với Chúa, hăng say phục vụ mọi người nên thánh.

*Là anh chị em, bà con cô bác: họ yêu thương giúp đỡ lẫn nhau nên những người tốt, nên những người con Chúa, quảng đại phụng thờ Chúa và phục vụ anh em, sống theo ý Chúa, sống đẹp lòng Chúa trong mọi sự.

Trước mắt chúng ta gương gia đình Thánh Nazareth, nơi Chúa Thánh Thần hiện diện, hoạt động tích cực, có hiệu quả, tràn đầy sự thánh thiện, khiến mọi thành viên đều là Đấng Thánh và người Thánh của Thiên Chúa. Mọi thành viên “không còn sống cho chính mình nữa nhưng sống cho Chúa Cha và cho Đấng đã chết và sống lại vì họ”.

Ở bầu thì tròn…

Một hôm, cùng với một anh bạn đi chợ tết, tôi cảm thấy choáng vô cùng ngợp bởi không khí nhộn nhịp tưng bừng của những ngày chuẩn bị đón tết. Anh bạn rũ tôi đi xem hoa kiểng. Dọc hai bên vĩa hè, hoa kiểng bày la liệt, chen chúc nhau, muôn màu muôn vẻ, những chậu kiểng được người ta uốn nắn, cắt tỉa muôn hình muôn dạng, chậu nào cũng đẹp, đẹp đến nỗi không biết lựa mua chậu nào. Bổng nhiên, tôi cảm thấy lạ:
- Vì sao bên cạnh chậu mai vàng hoa nụ đầy cành, dáng vóc vô cùng tao nhã lại là một cây mai cành lá um tùm dáng vóc thô kệch, một sự đối xứng hoàn toàn với cây mai trong chậu được đặt ngay bên cạnh nó vậy?

Anh bạn tôi nhìn tôi, ngạc nhiên đến nỗi không trả lời ngay câu hỏi của tôi.
-Sao họ không tỉa lá, sửa cành, tạo dáng như những cây kia rồi hãy bán, như thế sẽ bán có giá hơn.
- Anh bạn tôi lại nhìn tôi ôm bụng cười.
- Sao thế ?
- Anh nhìn kỷ lại coi !
- Ôi trời !...Tôi nhìn kỷ lại thì hóa ra cây mai này vẫn còn chôn chân dưới đất. Nó không phải là mai kiểng của những người bày bán !

Tôi nhìn những cây mai trong chậu rồi lại nhìn cây mai nọ mà thấy tội nghiệp nó. Đồng thời cũng là mai, cũng có những tiềm năng trở thành cây kiểng mà những cây kia thật xinh còn nó thì không. Phải chi nó thuộc về các nghệ nhân thì chắc chắn nó còn xinh đẹp hơn những cây mai trong chậu kia nữa. Thế nhưng vì chủ của nó không phải là nghệ nhân nên nó không được cắt tỉa tạo hình và có lẽ chủ của nó còn lo bôn ba các việc khác nên đến giờ này cành lá vẫn còn um tùm. Thật là “ Ở bầu thì tròn ở ống thì dài !”

Trong cảm giác xót xa cho cây mai, tôi chợt nhớ đến những em nhỏ trong họ đạo của mình, sao cũng giống nhau quá vậy? Trong số những em thường đến chơi với tôi, có nhiều em nhỏ rất dễ thương nhưng rất ít đi lễ. Hỏi ra mới biết, ở nhà cha mẹ cũng bê bối, ít đến nhà thờ,có em cha mẹ bắt ở nhà trông em, nấu cơm…. không được đi lễ, không được đi học giáo lý, có những em mang những tật xấu mà lẽ ra nếu được chăm sóc, giáo dục đàng hoàng thì em sẽ không đến nỗi như thế.

Đành rằng ở bầu thì tròn, ở ống thì dài nhưng tròn hay dài đâu phải là một sự tiền định mà do môi trường tạo nên nó! Mà ai tạo nên môi trường ? chính chúng ta: xã hội, cộng đoàn họ đạo góp phần tạo nên môi trường đó. Vì thế, chúng ta sẽ chịu trách nhiệm về việc nó “tròn” hay nó “dài”!

X. MỤC VỤ THIẾU NHI  

GIÁO XỨ GIÚP THIẾU NHI SỐNG ĐẠO

Mỗi Kitô hữu, ngoài gia đình và trường học còn tiếp xúc với một môi trường khác cũng không kém phần quan trọng. Đó là môi trường họ đạo. Họ đạo là nơi mà các Kitô hữu sinh ra và lớn lên trong đời sống đức tin. Vì thế, họ đạo đóng vai trò không thể thiếu đối với từng Kitô hữu.

Đời sống đức tin của có được vững mạnh hay không là tùy thuộc rất nhiều vào họ đạo. Họ đạo nào thường xuyên có các lớp giáo lý cho từng hạng tuổi cũng như có những giờ cử hành phụng vụ sống động, trang nghiêm sốt sắng thì đời sống đức tin của các Kitô hữu nơi đó sẽ ngày càng được nâng cao.

Ngoài ra, họ đạo cũng nơi thuận tiện để tổ chức những việc đạo đức bình dân như các cuộc rước kiệu, múa dâng hoa cho Đức Mẹ, đi chặng đàng thánh giá, lần chuỗi kính lòng thương xót Chúa hay lần chuỗi kính Đức Mẹ… Những việc đạo đức này tuy không phải là việc cử hành chính thức phụng vụ của Giáo hội nhưng cũng góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ cho đời sống đức tin của từng kitô hữu.

Chính vì thế làm sao trong mỗi họ đạo thành phần thiếu nhi và giới trẻ nên được quan tâm đồng đều hơn trong việc trang bị các kiến thức đạo lẫn đời. Kiến thức đạo được trang bị tốt qua các lớp giáo lý.

Bởi lẽ, một thực tế đáng buồn là các bạn trẻ Công giáo ngày nay dường như coi trọng kiến thức đời nhiều hơn là kiến thức đạo. Kiến thức đạo mà không nắm chắc thì đời sống đức tin sẽ rất hẩm hiu. Ước mong với năm sống chủ đề “Giáo dục kitô giáo” này mọi người nhất là các bạn trẻ biết lưu ý trau dồi cho mình kiến thức giáo lý và Kinh thánh nhiều hơn.

XI. MỤC VỤ GIỚI TRẺ

TUỔI TRẺ ĐẦY HỨA HẸN

Có những khoảnh khắc tính bản thiện nơi con người được đổ đầy nơi mỗi người dù già hay trẻ. Xưa nay con người vẫn là tác phẩm tuyệt đỉnh của công trình Thiên Chúa tạo dựng. Tính thiện vốn sẵn hiện hữu nơi từng người. Tính thiện được hiển lộ rất cần đến nỗ lực không ngừng của bản thân. Nhưng muốn nó được phát huy tác dụng, cũng cần đến công trình khai quật của những con người thích khám phá. Khả năng tiềm tàng nơi mỗi bạn trẻ như một khu rừng chưa được khai phá. Do đó nó rất cần đến những con người khai hoang. Nơi khu rừng đó dù chưa có lối đi nhưng ẩn kín nhiều điều bí nhiệm: có khi đó là những dây leo chằng chịt, có khi là thú dữ đang rình rập con người nhưng cũng có khi hứa hẹn nhiều thứ quý giá mà ta chưa thể tìm ra.

Hướng dẫn thế hệ trẻ như là công việc khai hoang để tìm những thứ quý hiếm nơi khu rừng. Người đi khai hoang có lẽ phải vất vả rất nhiều mới phát hiện những điều quý giá nơi khu rừng chưa một lần biết đến.

Dây leo chằng chịt

Đã nhiều lúc ta cảm thấy mệt nhoài khi cất công gỡ những dây leo trong khu rừng vắng. Nhóm trẻ giáo xứ tôi phụ trách quả là còn nhiều ngỗn ngang. Mọi thứ như thể phải bắt đầu từ những điều còn rất khiêm tốn. Học chữ đã nhiều mà nhiều người vẫn còn ngọng nghịu, nói không đúng từ, đọc không đúng chữ. Hát hò thì không một dấu nhạc làm quen, giọng thì khô khan như đất cày trong ngày nắng hạn. Hát đúng đã là vất vả rồi nói gì đến hát tâm tình và hát hay. Những việc nhỏ nhoi tưởng chừng đã biết nhưng rồi cũng phải nhắc. Có đứa được nhắc nhỡ cứ trố mắt nhìn như mới nghe lần đầu vậy. Khổ nỗi, nói điều gì cũng dạ cũng vâng nhưng hỏi lại thì không hề biết. Tiếng “dạ” tiếng “vâng” của các em không phải để nói cho người ta rằng “tôi đã hiểu” nhưng dường như chỉ với ý nghĩ “thôi bỏ qua cho rồi!”. Vẫn còn những thứ dây leo luôn bao quanh chằng chịt, nên người có trách nhiệm phải kiên nhẫn để tháo gỡ từng dây.

Thú dữ rình chờ

Khai hoang nào cũng cần đến mạo hiểm, thành quả nào cũng phải trả giá bằng sự dấn thân, có khi là nguy hiểm đến chết người. Người khai hoang chấp nhận những trầy xướt do gai nhọn đâm thâu, do cây rừng mọc không đúng trật tự. Người hướng dẫn có khi cảm thấy đau buồn vì những điều không vừa ý. Nói mà người nghe không hiểu, hoặc hiểu mà họ chẳng muốn làm theo. Những vui buồn cứ luôn được tái diễn trên con đường tiến đến điều thiện hảo. Người hướng dẫn có khi cũng gặp thấy những chống đối ngấm ngầm nơi các bạn trẻ. Chúng không gầm la như thú dữ nhưng cũng tìm cách “trả thù” bằng những cử chỉ không hay. Những thù hằn nho nhỏ cứ được tạo ra, rồi được “giải quyết” cách mau liền mà không cần đợi đến mười năm. Đúng là những khu rừng hoang thì rất cần những con người khai phá kiên gan.

Hứa hẹn nhiều tiềm năng

Tuổi trẻ sôi nổi, sáng tạo, đầy nhiệt tâm. Với những đức tính ấy cũng đủ thôi thúc con người phải luôn dấn thân đào tạo thế hệ trẻ. Sự cộng tác của các bạn trẻ nơi họ đạo là điều rất quan trọng không ai chối cải. Nếu ta biết cách loại dần những dây leo, xóa đi những khó khăn rình rập, ta sẽ phát hiện nhiều giá trị quý hiếm nơi khu rừng tưởng chừng như hoang vắng này. Sự sôi nổi của các bạn sẽ làm cho họ đạo già cỗi trở thành trẻ trung. Tính sáng tạo của các bạn sẽ đem đến cho họ đạo nhiều điều mới mẻ, bớt đi sự nhàm chán. Sự nhiệt tâm của họ là cơ hội để xây dựng họ đạo ngày thêm tiến triển, ngày thêm đổi mới. Hãy kiên nhẫn, dừng lại ít phút, ta sẽ nhận ra nhiều khả năng diệu kỳ nơi các bạn trẻ.

Trong tinh thần khai phá để phát hiện những khả năng của các bạn, mục đích sau cùng vẫn là định hướng để các bạn biết dùng những điều tốt đẹp Chúa ban mà đổi mới bản thân và khát khao đi tìm Thiên Chúa. Như lời ĐTC Bênêdictô nhắc nhở các bạn trẻ tại Đại hội giới trẻ tại Úc châu vừa qua: “Cuộc đời không chỉ toàn là những sự tình cờ ngẫu nhiên. Sự hiện hữu của chính các con là do Thánh Ý Thiên Chúa, là đựơc chúc phúc và được trao ban một mục đích cụ thể (St1,28). Cuộc đời là một chuyến hành trình tìm kiếm Chân, Thiện, Mỹ. Chúng ta nên dựa vào tiêu chuẩn này mà chọn lựa phương hướng cuộc đời… Đức Kitô có thể mang đến cho các con những điều tốt đẹp. Ngài có thể ban cho các con tất cả. Chỉ có Ngài mới là Đường, là Sự thật và là Sự sống”.

XII. MỤC VỤ ƠN GỌI

HỌ ĐẠO VƯỜN ƯƠM ƠN GỌI

Trong một lần đi lễ tạ ơn của một cha bạn, tôi hỏi cha sở về ơn gọi của họ đạo. Cha cười rồi chỉ cho tôi một căn phòng nhỏ trên lầu và nói đó là“tiểu chủng viện” của tôi. Và tân Linh mục hôm nay là một trong những đứa con xuất thân từ trong “tiểu chủng viện” đó. Rồi Ngài kể lại những thao thức của Ngài về ơn gọi tu trì trong họ đạo, cách thức Ngài thực hiện thao thức của mình. Ngài ao ước làm sao để trong họ đạo của mình được có người đi tu. Và thế là Ngài âm thầm gieo mầm hạt giống ơn gọi từ những chú giúp lễ. Ngài tập hợp các em lại để dạy thêm tiếng Anh. Buối tối cho các em ngủ trong “tiểu chủng viện” để các em cùng học bài chung với nhau, sáng ngày cùng đi lễ, phụ giúp các việc phòng thánh,…

Từ trong môi trường này, Ngài dạy cho các em biết cách sống làm người, dạy cho các em về văn hoá, dạy cho các em biết sống chung với nhau và hướng cho các em về ơn gọi tu trì. Không chỉ được dạy bằng lời nói, các em còn học biết về đời sống ơn gọi qua chính cách sống của Ngài. Hết lớp này đến lớp khác, Ngài vẫn kiên nhẫn với dự định ban đầu của mình. Và rồi thao thức cùng với công lao của Ngài cũng được đền đáp, đó là có em xin đi tu làm dì phước, làm thầy dòng, làm linh mục. “Tiểu chủng viện” của Ngài cũng đã đóng góp cho Địa phận và Giáo Hội những thợ gặt lành nghề.

Các Tông Đồ lãnh nhận sứ mạng từ Thầy Chí Thánh Giêsu, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, thấy rằng mình có nhiệm vụ chọn những người “có khả năng để hướng dẫn đoàn chiên của chúa” (2 Tm 2, 2). Đó là điều mà Vị Chủ Chăn Tối Cao mong muốn khi Người “thấy đám đông dân chúng bơ vơ, vất vưởng như bầy chiên không có người chăn” thì Người chạnh lòng thương và mời gọi các Tông Đồ: “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, vậy các con hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”. Chúa Giêsu muốn các Kitô hữu phải luôn luôn có các Linh mục hướng dẫn cho đến ngày tận thế.

Các Linh mục chia sẻ thao thức của Thầy Chí Thánh và nỗi lo lắng của Giáo Hội để dân Chúa ở trần gian không thiếu người coi sóc. Mặc dù giáo dục ơn gọi là việc chung của toàn thể dân chúa, nhưng trước hết Linh mục phải hết sức để tâm giúp cho giáo dân biết sự cao quý và cần thiết của chức tư tế. Để từ đó mọi người Kitô hữu biết mình có nhiệm vụ phải cộng tác bằng nhiều cách khác nhau vào trong việc giáo dục ơn gọi: bằng lời cầu nguyện tha thiết, cũng như bằng những phương thế khác nhau mà họ sẵn có (Sắc lệnh về Chức Vụ và Đời Sống Linh mục, số11).

Trước hết và trên hết Linh mục phải cho giáo dân thấy tinh thần phục vụ và niềm vui trong đời sống thánh hiến qua chính đời sống của mình. Linh mục phải hết sức nêu cao lòng nhiệt thành tông đồ để khích lệ các ơn thiên triệu và lôi cuốn tâm hồn các thanh thiếu niên đến với ơn gọi (Sắc lệnh Đào Tạo Linh Mục, số 2). Rồi từ đó Ngài tìm mọi cách để có thể giúp cho các bạn trẻ nhận ra ơn gọi của mình.

Tiếng Chúa gọi không đến với các bạn trẻ một cách lạ thường như người ta tưởng. Tiếng Chúa gọi được thể hiện rõ nhất qua đời sống của linh mục, và sự giúp đỡ của cộng đoàn họ đạo. Để Giáo Hội lúc nào cũng có những Linh mục cần thiết chu toàn sứ mạng Chúa trao phó, tất cả mọi người trong họ đạo cần cộng tác với Cha sở để chăm lo cho ơn gọi tu trì. Toàn thể cộng đồng dân Chúa có bổn phận cổ võ các ơn kêu gọi, mà trước hết phải tiến hành nghĩa vụ ấy bằng một đời sống Kitô hữu trọn vẹn. Tất cả mọi người trong họ đạo đều để tâm vào việc giáo dục thanh thiếu niên, và phải chú tâm vào việc giúp cho các thanh thiếu niên sẵn lòng quảng đại bước theo tiếng gọi của Chúa.

Cha sở trong câu chuyện trên sẽ không thực hiện được thao thức của mình, nếu không có sự cộng tác của mọi thành phần trong họ đạo. Hoa trái của ơn gọi là kết quả của một chuỗi dài sự chăm sóc của mọi thành phần dân Chúa trong họ đạo. Trước hết và trên hết là linh mục với một đời sống gương mẫu và lòng nhiệt thành hăng say. Sau là tất cả mọi người. Có như thế cách đồng truyền giáo của Giáo Hội mới có những thợ gặt như lòng Chúa mong ước.

XIII. MỤC VỤ QUỚI CHỨC  

SẮC LỆNH TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN.

Chương III: Các Môi Trường Hoạt Động Tông Đồ

13. Môi trường xã hội

Làm tông đồ trong môi trường xã hội là cố gắng đem tinh thần Kitô giáo thấm nhuần não trạng, phong tục, luật lệ và cơ cấu của cộng đoàn nơi họ sống: đó là bổn phận và trách nhiệm của người giáo dân mà không ai có thể làm thay họ cách đầy đủ. Trong lãnh vực này, người giáo dân có thể làm tông đồ cho người đồng cảnh ngộ với mình. Ở đó lấy lời nói bổ túc cho bằng chứng của đời sống. Cũng ở đó, họ dễ dàng giúp đỡ anh em trong môi trường làm việc hay nghề nghiệp, môi trường học vấn, cư ngụ, giải trí cũng như trong sinh hoạt địa phương.

Người giáo dân chu toàn sứ mệnh này của Giáo Hội nơi trần gian: trước tiên bằng đời sống hòa hợp với đức tin, để nhờ đó họ trở thành ánh sáng thế gian; bằng đời sống lương thiện trong bất cứ công ăn việc làm nào để làm cho mọi người yêu mến sự thật, sự thiện và cuối cùng đưa họ tới Chúa Kitô và Giáo Hội; bằng đời sống bác ái huynh đệ qua việc họ thực sự chia sẻ với anh em trong hoàn cảnh sống, trong đau khổ cũng như trong mọi ước vọng, và như thế họ âm thầm chuẩn bị cho ơn cứu rỗi hoạt động trong tâm hồn mọi người; bằng cuộc sống ý thức đầy đủ về vai trò của mình trong việc xây dựng xã hội, họ cố gắng chu toàn hoạt động nơi gia đình, ngoài xã hội, trong nghề nghiệp với lòng quảng đại của Kitô giáo; như thế phương thức hành động của họ dần dần thấm nhập vào môi trường sống và cả môi trường làm việc.

Việc tông đồ này phải nhắm tới hết mọi người trong môi trường hoạt động và không được loại bỏ bất cứ lợi ích thiêng liêng hay vật chất nào có thể làm cho họ. Nhưng người tông đồ đích thực không chỉ hài lòng với hoạt động này, họ còn phải quan tâm đến việc rao giảng Chúa Kitô cho anh em bằng cả lời nói nữa. Bởi vì nhiều người chỉ có thể nghe Phúc Âm và nhận biết Chúa Kitô nhờ những người giáo dân sống gần họ.

Gợi ý giải thích:

Làm “việc Tông Đồ” trong môi trường xã hội là làm gì?

Người giáo dân có thể có mặt ở tất cả các môi trường?

Bằng cách nào người giáo dân chu toàn sứ mạng “Tông Đồ”?

Việc Tông Đồ nhắm tới điều gì và tới những ai?

Gợi ý thực hành:

Mỗi Quới Chức đang sống trong môi trường xã hội nào?

Bằng cách nào Quới Chức chu toàn sứ mạng người Quới Chức?

Quới Chức làm việc Tông Đồ bằng lời nói hay đời sống?

Quới Chức làm việc với mục đích vinh dự cho cá nhân mình, phải không?

XIV. TẢN MẠN

GIÁO DỤC HỖ TƯƠNG

Trong đời sống thường ngày, khi nghe đến chữ giáo dục chúng ta thường nghĩ là công việc của người lớn tuổi dành cho những người nhỏ hơn, hay những người khôn ngoan truyền đạt lại cho những người kế thừa của mình. Tuy nhiên, giáo dục là chia sẻ, là xây dựng cho nhau ngày một trưởng thành hơn, phát triển hơn nên những người nhỏ tuổi hơn, ít khôn ngoan hơn cũng có thể là người thầy dạy giỏi trong cách sống cũng như trong lời nói của họ. Câu chuyện sau đây là một ví dụ:

Có một gia đình kia gồm: vợ, chồng và một đứa con trai nhỏ. Hằng ngày người chồng đi làm còn người vợ ở nhà chăm sóc nhà cửa và đưa con đi học. Điều lạ là đêm nào người mẹ cũng bảo con là “con hãy đi ngủ sớm đi, cha con đi làm về muộn lắm”. Nghe lời mẹ đứa con luôn đi ngủ sớm.

Lâu dần trở thành một thói quen, đứa con luôn đi ngủ trước khi cha nó về nhà. Trong một lần tình cờ đứa nhỏ nghe được chuyện của một bà hàng xóm nói về gia đình của nó. Bà ấy nói: “Gia đình của mày làm gì mà đêm nào cũng có tiếng đánh nhau, ba mày làm gì mà đêm nào cũng đánh mẹ mày hết vậy”?

Đứa bé nghe ngỡ ngàng quá đỗi. Lâu nay nó nghĩ cha mẹ nó thương yêu nhau lắm nhưng vì bận việc làm nên ba nó đi làm về muộn.

Một đêm kia, thay vì ngủ sớm như thường lệ, nó giả vờ ngủ nhưng vẫn thức cho đến khi cha nó đi làm về. Trong tình trạng say khước, cha nó đã đánh đập mẹ nó, làm cho mẹ nó phải khóc lóc, đau khổ.

Thì ra lâu nay mẹ nó bảo nó đi ngủ sớm là vì không muốn nó thấy cảnh cha nó đi làm về trong tình trạng say xỉn và đánh mẹ nó. Nó quyết tâm làm một cái gì đó để bênh vực mẹ nó.

Đêm nay không như những đêm khác, nó quyết tâm không đi ngủ sớm như thường lệ, nó đợi cho đến khi cha nó về. Vì thấy con mình còn thức, nên cha mẹ nó cố gắng giảng hoà. Và trong nhiều đêm sau nữa nó vẫn làm thế, vẫn đợi cha nó về, cho đến khi mọi người lên giường ngủ.

Cha nó thấy làm lạ nên hỏi nó “Sao con không đi ngủ đi, đợi cha về làm chi?”.

Nó trả lời: “Cha cho phép thì con xin nói: xin cha và mẹ đừng cãi vả nhau nữa, đừng đánh nhau nữa, con rất buồn khi cha mẹ không thương yêu nhau, hay cãi vả và đánh nhau…”. Lúc ấy cha nó nhớ lại, quả thật trong thời gian vừa qua gia đình của ông đã không còn là một mái ấm, đã có những mâu thuẫn mà họ chưa tháo gỡ được do mỗi người đều có những tự ái, những bướng bỉnh, chưa chịu hy sinh và chưa yêu thương tha thứ cho nhau.

Cha nó nói với nó “Cha hứa với con từ nay cha sẽ trở thành một người cha tốt, một người chồng tốt trong gia đình, biết yêu thương vợ con và xây dựng gia đình hạnh phúc”.

Trong cuộc sống, ai cũng có thể làm thầy dạy ta. Những lời dạy ta có khi là những cử chỉ, những hành động thoáng qua… như câu chuyện trên đây con cái cũng có thể là một người thầy “dạy” cho cha mẹ biết sống yêu thương nhau hơn.

Con Chúa xuống thế làm người, Người cũng đã dùng những lời nói, những cử chỉ của con người để uốn nắn, dạy dỗ cho những ai thành tâm thiện chí. Chỉ có những tâm hồn khiêm tốn mới có thể đón nhận, còn ai tự mãn là khôn ngoan thì họ đã bị chính sự khôn ngoan của họ chống lại họ.

Ai cũng có thể là thầy ta, việc gì cũng có thể dạy ta nếu ta biết khiêm tốn và thành tâm đón nhận.

(Viết theo lời kể của Đức Cha Giacôbê)

Sáng Kiến

Trong cuộc sống, ai có nhiều sáng kiến hay và mới lạ thì được xem là người có tài, thông minh và năng động. Thực tế là có nhiều phát minh đã ra đời và giúp ích cho rất nhiều người. Những sáng kiến được trân trọng là những sáng kiến nhắm đến con người, vì con người và cho con người. Còn sáng kiến nào đi ngược lại với mục đích ấy thì cho dù nó có vĩ đại đến mức độ nào đi nữa thì cũng chỉ là sự lệch lạc, mang tính háo danh và kiêu căng, vô bổ mà thôi.

Điều đáng nói là có một số người có những sáng kiến rất lạ đời và dị hợm. Nguyên do chính là do tính kiêu căng, háo danh và độc tài của họ mà ra. Họ muốn mình nổi danh và được nhiều người biết đến hoặc muốn chứng minh “đẳng cấp” của mình. Cũng có người do kiêu căng, không muốn bước đi trên những con đường đã có người đi qua, nên họ cố tìm ra lối đi mới. Kết quả đôi khi rất tệ hại: tốn giờ, tốn tiền, mất sức . . . và nhất là khi đưa vào áp dụng thì gây đau khổ cho mọi người. Hiện tượng này xem ra ngày càng có chiều hướng phổ biến và lớn mạnh nơi những người có chút quyền hành, chút tiền trong tay.

Làm sao khỏi xót xa khi chứng kiến cảnh có nhiều nhà thờ, nhà xứ còn rất mới, rất kiên cố và đẹp mắt bị “hạ bệ” và “bình địa” để xây lên những ngôi nhà thờ, nhà xứ mới theo sáng kiến riêng của cha sở! Lý do tại sao cha lại bỏ đi những ngôi nhà thờ, nhà xứ còn tốt như vậy thì nhiều lắm, nhưng ẩn phía sau đó là gì? là sáng kiến! Những sáng kiến lạ đời làm cho giáo dân sững sờ và làm cho Chúa cũng ngạc nhiên luôn!

Khi còn trong ghế nhà trường, Chủng sinh cũng được khuyến khích có những sáng kiến trong học tập, trong mục vụ . . . Đấy cũng là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá sự trưởng thành ơn gọi của một Ứng sinh linh mục.

Trong thực tế, có những sáng kiến mục vụ rất tuyệt vời, đáng trân trọng và cần nhân rộng, làm nức lòng người giáo dân lẫn lương dân. Nhìn kỹ lại thì những sáng kiến mục vụ ấy nằm trong đường hướng mục vụ mà Giáo hội đã định hướng và vạch ra: hướng tới người nghèo, người bất hạnh. Nói chung là hướng tới con người, vì con người và cho con người. Giáo hội đã khẳng định đường hướng của mình là: con người là con đường của Giáo hội. Bởi đó, ai xưng mình là người của Giáo hội mà lại sống tách biệt con người, phân biệt đối xử, gây khó dễ và đau khổ cho con người thì tự họ đã đi trệt con đường của Giáo hội và ở ngoài Giáo hội tự trong bản chất của mình.

Thế nhưng, có những sáng kiến mục vụ không biết xuất phát từ đâu, đã gây đau khổ và phiền toái cho không biết bao nhiêu tín hữu, làm cho Đức Giám mục vốn đã nặng nề với biết bao công việc của Giáo phận lại phải đau đầu nhức óc ra thêm! Những sáng kiến ấy đại loại như sau:

Đi lễ thì: nữ giới phải mặc áo dài, dù ở đồng, ở ruộng mưa gió, lầy lội; nam giới thì phải mặc áo tay dài, cài khuy, bỏ vào quần, quần có hư dây kéo, thiếu dây nịt, cũng kệ nó. Đi lễ thì phải vậy “mới thành lễ” ?

Chuông nhì giật xong là khoá cổng Nhà thờ lại. Ai đi trễ thì dự lễ ở phía ngoài hay về nhà luôn.

Đi lễ mà ngồi ngoài nhà thờ, thì khi có lễ Hôn phối hay an táng, sẽ cử hành thánh lễ tại đúng tại chỗ đó luôn.

Cha mẹ nào mà để con mình phá làng phá xóm, đánh lộn, chửi thề, bị thưa gửi, thì cả nhà sẽ bị cấm Bí tích hết.

Và còn biết bao những sáng kiến giống như thế đã ra đời. Khách quan mà nói, thì những sáng kiến ấy có đôi chút nào đó cũng tốt, nhưng đa phần thì không thể chấp nhận được. Bởi lẽ, nhân tình thế thái thì muôn màu muôn vẻ, mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau, nên không thể áp đặt sáng kiến của một cá nhân nào đó lên trên tập thể được. Làm như thế là chất thêm gánh nặng lên vai người ta, làm lệch hướng tinh thần yêu thương Chúa dạy, là vô tình biến mình trở thành những Pharisêu của thời hiện đại.

Đã qua rồi cái thời linh mục được coi là “Đấng toàn năng”, chuyện gì cũng biết, từ chuyện trên trời đến chuyện trần gian, từ chuyện trong đến chuyện ngoài . . . Linh mục đích thực phải là một Alter Christus, một Chúa Kitô khác. Thế mà có một số linh mục sống quá khác Chúa Kitô vì có những sáng kiến lạ đời. Tấm lòng của linh mục trước hết là phải vì đoàn chiên mà mình được giao phó: lo cho chúng được bồi bổ tâm hồn và hướng họ đến Thiên Chúa là suối nguồn yêu thương của họ.

Đọc lại Tin mừng, ta thấy không ai có nhiều sáng kiến bằng Chúa Giêsu, mà sáng kiến nào cũng đều nhắm tới hạnh phúc của con người, là giải thoát con người khỏi những ràng buộc và đau khổ trong đời sống của họ và không ngừng hướng họ về với Chúa Cha. Bởi Chúa luôn mang trong lòng tâm tình “Ta thương đoàn dân này”. Bí tích Thánh Thể là sáng kiến tuyệt đỉnh của tình yêu của Đức Giêsu dành cho con người. Yêu thương thật sự là cúi mình xuống để nâng người khác lên ngang tầm với mình, chứ không phải là đứng trên cao nhìn xuống để ban ơn. Chính vì lẽ đó mà Đức Giêsu Kitô đã sinh xuống làm người và trở nên một con người hoàn toàn như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Đó là một sáng kiến tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Ước gì mỗi người chúng ta không ngừng có những sáng kiến mang đậm nét yêu thương và đầy tình người để góp phần mang lại tự do, hạnh phúc và sự thật cho nhân loại này.

XV. MỘT LỐI SỐNG

SỰ TÍCH LOÀI BƯỚM ĐÊM

Thưở nhỏ, khi nhìn thấy những con bướm đêm màu nâu đất, tôi vừa ghét vừa sợ vì chúng quá xấu xí, không như những chú bướm có màu sắc rực rỡ khác. Cho đến một ngày, tôi đã thay đổi suy nghĩ khi nghe câu chuyện sau:

“Xưa lắm rồi, khi đó những chú bướm đêm cũng có màu sắc rực rỡ như những loài bướm khác, thậm chí còn lộng lẫy hơn những chú bướm bây giờ. Một ngày nọ, những thiên thần thấy buồn bã vì mây đen che phủ bầu trời khiến họ không còn nhìn thấy loài người ở chốn trần gian. Họ khóc và nước mắt thiên thần rơi xuống tạo nên những giọt mưa trắng xoá. Những chú bướm đêm hào hiệp vốn ghét nhìn thấy mọi người buồn phiền. Vì thế, chúng rủ nhau làm một chiếc cầu vòng. Bướm đêm nghĩ rằng nếu nhờ những loài bướm khác giúp sức thì chúng chỉ cần cho đi một chút màu sắc của mình là có thể tạo ra một chiếc cầu vồng tuyệt đẹp. Thế là một chú bướm đêm tìm đến nữ hoàng của loài bướm khác để nhờ giúp đỡ. Nhưng những loài bướm khác quá ích kỷ và tự phụ nên không muốn cho đi màu sắc của mình, dù chỉ một chút.

Những chú bướm đêm quyết định làm việc đó. Chúng vỗ cánh thật mạnh làm bột phấn trên cánh rơi rắc trên không trung tạo nên những đám mây ngũ sắc lung linh như thuỷ tinh. Những đám mây dần dần giãn ra tạo thành một đường viền dài. Nhưng chiếc cầu vồng vẫn chưa đủ lớn. Vì thế, những chú bướm đêm cứ tiếp tục cho đi màu sắc của mình, cứ thêm vào từng chút một cho đến khi chiếc cầu vồng kéo dài đến tận chân trời. Những thiên thần trông thấy chiếc cầu vồng trở nên vui sướng. Họ mỉm cười, nụ cười ấm áp chiếu rọi xuống trần gian làm nên những tia nắng rạng rỡ. Và những chú bướm đêm ấy còn lại duy nhất một màu nâu thô mộc bởi chúng đã cho đi tất cả những màu sắc lộng lẫy nhất để dệt nên chiếc cầu vồng tuyệt diệu . . .”

Đừng chăm chăm nhìn vào diện mạo, hãy soi rọi để tìm thấy những điểm sáng bên trong một con người. Có ai đó đã nói: “Nhân cách là viên ngọc quý, nó có thể cắt rời những viên ngọc khác”.(Theo Intrenet).

XVI. SỐNG LỜI CHÚA: Mt 13, 43

 Người công chính sẽ chói lọi như mặt trời trong nước của Cha họ

939    23-04-2012 09:49:32