Sidebar

Thứ Năm
02.05.2024

Vì Một Điều Rất Đơn Giản

Strunz là thầy thuốc đang nổi tiếng ở nước Đức. Thẳng thắn mà nói, Strunz không có điểm nào nổi bật về thành tích điều trị. Strunz trước đó cũng không nổi tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Nhưng Strunz đang được hàng triệu độc giả, thính giả... yêu mến, chỉ vì ông mạnh dạn, hay nói đúng hơn, dám liều lĩnh đương đầu với thế lực và quyền lực của giới y sĩ bảo thủ bên Đức, khi mượn trang sách, trang báo để thay lời người bệnh. Strunz đã không vô cớ mà một sớm một chiều bỗng trở thành tác giả thuộc nhóm có sách bán chạy nhất ở CHLB Đức. Thế thì ông đã viết gì mà hấp dẫn thế?

Trái với nhiều tác giả khác trong lĩnh vực y học, sách của Strunz tuy trải rộng nhiều đề tài thuộc loại ăn khách, khi bàn về bệnh tim mạch, lúc luận về tình trạng lão hóa trước tuổi. Tuy thế, nhìn chung Strunz bao giờ cũng dựa vào hai điểm mấu chốt. Đó là phương án phòng bệnh và nỗi lo của người bệnh. Với phương pháp đó, Strunz đã chiếm được lòng ưu ái của người bệnh, của độc giả. Còn gì ghê gớm hơn nỗi sợ khi phải đối diện với bệnh tật, chấp nhận sự thật về giới hạn của con người trước cơn bệnh phũ phàng không chừa một ai?!

Không chỉ riêng Strunz mà nhiều thầy thuốc khác từ lâu đã nhận ra điều mâu thuẫn trầm trọng trong nghề của họ. Đúng là các nhà điều trị, từ góc nhìn của người làm khoa học, đang có thể tự hào với tiến bộ không thể chối cãi trong ngành y, những bước nhảy vọt từng ngày, thậm chí từng giờ, thay đổi bộ mặt của nghề làm thuốc. Thầy thuốc ở thế kỷ 21 đang có trong tay phương tiện để đẩy lùi nhiều căn bệnh hiểm nghèo, những bệnh chứng mà không đầy một thập niên trước vẫn còn khó chữa. Nhưng mâu thuẫn và khó hiểu làm sao khi hàng loạt bệnh chứng mới lại cùng lúc xuất hiện! Đồng ý là môi trường càng lúc càng ô nhiễm trầm trọng. Đồng ý là sức đề kháng không ngừng bị xói mòn trước áp lực của cuộc sống căng thẳng. Nhưng không thể vì vậy mà bệnh tật chiếm phần ưu thế. Ngược lại, không còn chê vào đâu với kỹ thuật laser, giải phẫu nội soi, chụp hình cắt lát, siêu âm ba chiều... Cũng không thể có thái độ nào khác hơn là xuýt xoa thán phục khi thầy thuốc đời nay đã xác định được bệnh nguyên ngay cả ở mức độ chi li trên di thể của tế bào! Nhưng lạ làm sao, không chỉ ở nước mình, mà ngay cả bên trời Âu, Mỹ cũng thế, phòng đợi vẫn đông nghẹt bệnh nhân, bệnh viện vẫn còn chịu cảnh quá tải! Tệ hơn nữa, đâu đâu cũng vẫn còn đó ánh mắt thất thần lo sợ trong khu ngoại chẩn, trước phòng xét nghiệm... Đáng buồn hơn nữa là gương mặt bi quan thất vọng của những người rảo bước rời bệnh viện, phòng khám, nơi mà trong ngôn ngữ bình dân của người mình còn có tên là "nhà thương". Tại sao người bệnh đã đau lại còn phải khổ đến thế? Không lẽ chỉ để tròn hai tiếng đau khổ?

Strunz chắc chắn không phải là người đầu tiên đặt vấn đề khi thực trạng đó từ lâu đã là nỗi trăn trở của nhiều thầy thuốc. Người bệnh sở dĩ phải tiếp tục cắn răng sống chung với nỗi lo sợ là do tác dụng con dao hai lưỡi của tiến bộ trong y khoa. Chính vì mức độ quá chính xác của y học mà không ít thầy thuốc đã bỏ quên sự khác biệt giữa tế bào và con người, giữa đơn vị của sự sống và một tổng thể hài hòa nhưng đồng thời cũng vô cùng phức tạp về tâm và sinh lý. Chính vì bị lôi cuốn trong giá trị hấp dẫn của khoa học phân tích và thực nghiệm mà nhiều thầy thuốc cứ tưởng càng lột trần căn bệnh dưới lăng kính khoa học thì càng giúp ích người bệnh. Đúng nhưng chưa khéo, vì chỉ đúng khi người bệnh đã được trang bị trước đó đầy đủ kiến thức y học cơ bản, đủ để hiểu đúng về căn bệnh, đủ để đừng sợ căn bệnh, đủ để cùng thầy thuốc "tay trong tay" ung dung bước vào cuộc chơi. Tiếc làm sao, chỉ vì không được chuẩn bị kỹ lưỡng mà đa số người bệnh chưa kịp thở ra với căn bệnh nguyên thủy lại phải nín hơi vì nỗi lo, vì cái sợ khi đứng trước thầy thuốc.

Strunz đã không vô cớ trở thành tiếng nói của người bệnh khi đồng nghiệp này lớn tiếng đả kích nền y học mà ông đã đặt tên là "Drohmedizin, ngành y khoa đe dọa". Strunz tất nhiên phải dành được sự đồng tình của vô số độc giả khi anh ta hết lòng cổ động cho một thể dạng y khoa mới mang tên "Frohmedizin, nền y học lạc quan", qua đó người bệnh tuy biết rõ tính chất nghiêm trọng của bệnh tật, nhưng không còn quá sợ hãi căn bệnh; qua đó bệnh nhân không cúi đầu phó mặc định mệnh may rủi trong tay thầy thuốc, mà chủ động cùng với thầy thuốc quyết định cho vận mệnh của chính mình. Còn gì tuyệt vời hơn hình ảnh người bệnh rời phòng khám với một nụ cười trên môi!

Thầy thuốc chắc chắn sẽ còn phải bó tay trong nhiều trường hợp và vì không thể thay đổi quy luật sinh lão bệnh tử. Nhưng thầy thuốc chắc chắn có thể làm được một điều rất đơn giản, đó là mang lại niềm hy vọng cho người bệnh. Công việc đó không chỉ là bổn phận hay trách nhiệm của thầy thuốc. Đó là điều công bằng trong mối tương quan giữa bệnh nhân và thầy thuốc. Người bệnh có quyền đòi hỏi như thế vì một điều rất đơn giản. Vì họ đã tin tưởng thầy thuốc.

Chỉ cần ít tia nắng ấm đã đủ để bắt đầu một ngày mới.

1136    10-01-2011 06:14:09