Sidebar

Thứ Hai
29.04.2024

Xây Dựng Nền Văn Minh Tình Thương - Tháng 12 năm 2007

CHỦ ĐỀ: XÂY DỰNG NỀN VĂN MINH TÌNH THƯƠNG

THƯ MỤC VỤ số 10b:

Khi trung thành cầu nguyện chung với nhau, thánh hoá ngày Chúa nhật, duy trì bầu khí trên thuận dưới hoà, nhường nhịn lẫn nhau giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái, gia đình anh chị em sẽ trở nên chứng từ hùng hồn cho đạo thánh Chúa. Khi vợ chồng vượt lên mọi thử thách, sống trung tín và chung thuỷ sắt son như lời cam kết ngày cử hành hôn lễ, gia đình anh chị em đã góp phần kiến tạo nền "văn minh tình thương" và "văn hoá sự sống" cho đất nước của mình.

Trong tư cách Kitô hữu sống đạo, anh chị em hãy cương quyết không để cho "văn hoá sự chết" lôi cuốn mình, không chấp nhận mọi hình thức xúc phạm đến sự sống và phẩm giá con người, nhất là can đảm nói "không" với tệ nạn phá thai và ly dị vốn là những tệ nạn luôn luôn để lại hậu quả bi thảm cho gia đình cũng như cho xã hội và Giáo Hội.

DẪN GIẢI

Hiệu quả tốt của gia đình:
Gia đình sống cầu nguyện và sống tốt nhiệm vụ là chứng tá hào hùng cho đạo Chúa.
Gia đình vượt khó khăn, sống chung thuỷ … góp phần kiến tạo Văn minh tình thương và Văn hoá sự sống.
Gia đình thánh thiện thì loại trừ được Văn minh sự chết (phá thai, ly dị … )
Văn minh sự chết là hậu quả bi thảm cho gia đình và xã hội.

CHUYỆN MINH HOẠ : ĐỂ QUÁ KHỨ LẠI PHÍA SAU

Sự tha thứ không thay đổi được quá khứ, nhưng có thể mở rộng tương lai (Paul Boese).

Bạn có thấy khó tha thứ cho ai đó không? Hãy để cho quá khứ trôi qua ư? Tôi luôn suy nghĩ về câu hỏi này. Thỉnh thoảng có những chuyện tôi cảm thấy khó có thể nguôi quên. Nhiều khi tôi thấy mình giống như Bà lão ở Richmond thuộc nước Mỹ. Sống trong cảnh quê nhà bị quân đội Liên bang chiếm giữ sau cuộc nội chiến. Một hôm, khi đang đi trên đường, bà bị trượt chân và té ngã. Một anh lính trong quân đội Liên Bang thấy vậy liền lịch sự chạy đến đỡ bà đứng dậy.

- “Con trai thật tốt bụng quá, bà hy vọng con sẽ kiếm được một chỗ mát mẻ dưới địa ngục”. Bà lão nói với anh lính bằng một giọng chua chát.

Có thể còn hơi sớm để bà ấy nguôi ngoai nỗi oán giận vì quê hương bị xâm chiếm. Nhưng sống mà cứ mang trong lòng sự thù hận và cay đắng thì sẽ chẳng bao giờ có thể sống vui vẻ được.

Có một truyền thuyết đẹp kể về một bộ tộc ở Châu Phi có một nghi lễ rất đặc biệt dành cho lòng khoan dung. Khi một thành viên trong bộ tộc hành động vô trách nhiệm hoặc bất chính, người này sẽ bị đưa ra giữa làng . Tất cả mọi người từ đàn ông cho đến phụ nữ và trẻ con sẽ dừng tất cả những việc đang làm, tập trung thành một vòng tròn lớn xung quanh người phạm lỗi. Và rồi cả bộ tộc “dội bom” vào người bị tẩy chay đó bằng những lời thẳng thắn và quyết liệt. Bạn bè và gia đình sẽ kể lại tất cả những điều tốt mà con người lầm lạc kia đã làm được. Mỗi sự kiện, mỗi kinh nghiệm theo trí nhớ được kể lại rất tỉ mỉ và chính xác. Tất cả những điểm tích cực, những ưu điểm và lòng tốt của người kia được nhắc lại chi tiết và cụ thể. Cuối cùng, vòng tròn tan ra, một buổi lễ vui vẻ được tổ chức và người bị ruồng bỏ kia được dân làng đón nhận trở lại.

Đây đúng là một nghi lễ “Phục hồi nhân phẩm” rất đẹp! Họ đã biến đổi chuyện buồn thành chuyện vui; nỗi đau thành sự bình yên. Một lần nữa mọi người lại trở thành người một nhà. Kẻ lầm lạc được mọi người tha thứ và đón nhận trở lại vào cộng đồng vì những điều tốt đẹp họ đã làm với cuộc đời trước đây. Bộ tộc lại trở thành một khối thống nhất, đoàn kết và mạnh mẽ hơn.

Paul Boese đã nói: “Sự tha thứ không thể thay đổi được quá khứ, nhưng có thể mở rộng tương lai”. Khi mọi người trên hành tinh này sống như anh em một nhà thì bạn có nghĩ rằng giải pháp tốt nhất là nên để cho mọi oán hờn, thù hận tiêu tan và lùi sâu vào bóng tối sau lưng? Cuộc sống sẽ nên tươi sáng hơn và bạn sẽ sống thanh thản hơn khi quăng đi gánh nặng của sự thù hận trong lòng. Vậy bạn đã sẵn sàng mở rộng lòng khoan dung để tha thứ cho ai đó ngay hôm nay hay không?

DIỄN GIẢI

XÂY DỰNG NỀN VĂN MINH TÌNH THƯƠNG

Đức Thánh Cha Piô 12 trong một bài diễn văn quan trọng, ngài đã vạch ra một đường hướng hoạt động bằng một câu nói rõ ràng và đầy ý nghĩa: “Xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”. Câu nói ấy đã được ngài giải thích: “Làm cho con người lạc hậu trở thành con người văn minh, làm cho con người văn minh trở thành con người của Chúa”.

Có thể nói rằng, nhiệm vụ xây dựng thế giới này là nhiệm vụ của tất cả chúng ta. Không ai được quyền ngồi yên để hưởng thụ hay phá huỷ những giá trị tốt đẹp trong thế giới này. “Xây dựng nền văn minh tình thương” là câu nói rất hay và nổi tiếng của ĐGH Gioan Phaolô II. Phải, ta cần phải xây dựng một nền văn minh tình thương tươi sáng, đem lại ấm no hạnh phúc thật sự hay chưa được sống đúng với phẩm giá của một con người đích thực.

Thế giới đang có chiều hướng biến đổi, những tiến bộ khoa học kỹ thuật vượt bậc. Có thể nói, con người ngày nay rất văn minh, đang sống trong một xã hội rất văn minh. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đấy thôi thì chưa đủ. Vì xã hội càng văn minh, khoa học kỷ thật càng tiến bộ, mà con người không có trái tim, lương tri bị lu mờ thì tác hại thật là khủng khiếp biết là ngằn nào. Khi đó, xã hội sẽ sống trong một nền văn minh sự chết, và rướm mùi chết chóc. Không có tình thương, con người sẽ dùng những thành tựu khoa học kỹ thuật để loại trừ nhau, giết chết nhau, ngay cả kẻ mình thương mến là thân nhân, là con cái của mình nữa. Cần thiết lắm để xây dựng một nền văn minh tình thương. Dẫu cho Dân tộc, xã hội còn nghèo những thành tựu khoa học kỹ thuật, nhưng nếu con người trong đó biết yêu thương nhau, quan tâm, chia sẻ với nhau, thì kết quả là hạnh phúc vẫn ngàn lần hơn Xã hội phát triển, mà sống trong hận thù và chia rẽ.

Đức thánh Cha Gioan Phaolô II đã từng nhấn mạnh rằng: chúng ta chỉ có thể tiến bước về tương lai với một nền văn minh tình thương, biết đón nhận sự sống Chúa Giêsu Kitô đã Phục sinh, mà Phục sinh có nghĩa là chiến thắng của sự sống trên sự chết. Chúng ta không thể tiến bước về tương lai với một chương trình sự chết được hệ thống hoá.

Mọi cố gắng, mọi nỗ lực làm thay đổi bộ mặt thế giới của bất cứ một cá nhân hay một tập thể nào, cũng phải qui hướng về sự thăng tiến con người, vì hạnh phúc của con người và vì sự sống của các giá trị thực dụng. Con người hầu như bị cuốn hút vào một thế giới hưởng thụ và bị kích cầu. Chính vì thế mà không ít người xem thường các giá trị luân lý, nền tảng đời đời gia đình bị lung lay... làm cho thế giới nhuốm một màu đen tối của sự chết chóc, loại trừ, ghen ghét, hận thù nhau . . . một thế giới bất ổn và hỗn tạp vô cùng. Đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói lên lập trường vững chắc của Giáo hội là luôn coi yếu tố con người là trung tâm của mọi công tác phát triển. Và do đó, các chương trình và dự án thuộc bất cứ lãnh vực nào cũng đều phải tôn trọng tính chất thánh thiêng của con người, tức là sự sống của con người.

Đức ông Martins cũng nhấn mạnh rằng: Tạo ra các quyền căn bản mới mà không có nền tảng luân lý đạo đức, là một điều nguy hiểm cho con người. Nguy hiểm lớn nhất của nhân loại là chỉ lo làm giàu, bất chấp mọi kỷ cương và đạo lý. Nền kinh tế thị trường đã làm cho khoảng cách giàu nghèo ngày càng quá xa nhau. Căng thẳng giữa các nước giàu và nghèo đang diễn ra khắp nơi trên thế giới. Những người nghèo không được giáo dục thích hợp, không được săn sóc sức khoẻ đúng mức, không có đủ lương thực, nhà cửa, hay những dịch vụ cần thiết để có thể sống xứng với nhân phẩm của mình. Điều đáng nói là có khoảng 5% những người giàu trên thế giới đã nắm giữ hơn một phần ba tài sản của thế giới. Làm sao để con người biết quan tâm đối với nhau hơn, và biết chia sẻ cho nhau, là vấn đề đang được kêu gọi cách khẩn thiết.

Với những lý do nêu trên, lời mời gọi của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II “xây dựng nền văn minh tình thương” và xây dựng “nền văn hoá sự sống”, trở nên khẩn thiết hơn bao giờ hết. Muốn thế, những ai có trách nhiệm phải tích cực và hết lòng chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần cho những người thuộc quyền của mình.

Vấn đề trẻ em cần phải được chú trọng. Chúng ta biết rằng, trên thế giới có hơn 55 triệu trẻ em dưới 14 tuổi đang phải hằng ngày làm việc như người lớn. Hiện nay, hai tệ nạn nghiêm trọng nhất đối với trẻ em là việc khai thác sức lao động và lạm dụng tính dục trẻ em. Quyền của trẻ em đang bị xúc phạm mà chúng ta, những người có trách nhiệm không thể làm ngơ được. Vấn đề trẻ em đã được Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II coi là một trong những vấn đề cấp thiết nhất hiện nay.

Nạn kỳ thị chủng tộc tuy đã giảm thiểu rất nhiều nhưng vẫn còn những vấn đề bi thương xảy ra đây đó khắp nơi trên thế giới. Kể từ sau ngày Liên Hiệp Quốc thành lập ngày “Chống nạn kỳ thị màu da”, đã có hàng trăm ngàn người thiệt mạng, nghiêm trọng nhất là ở Nam Phi. Con đường dân chủ và sống chung hoà bình giữa các chủng tộc khác nhau tại Nam Phi và nhiều nước Tây Âu xem ra vẫn còn nhiều chông gai, vì có những lợi lộc chính trị và kinh tế chi phối các phe nhóm khác nhau. Theo một tài liệu do một Uỷ ban Xã hội ở Italia soạn thảo đã khẳng định: sự sáng tạo văn hoá và phát triển là kết quả của sự gặp gỡ, chứ không phải là sự phân rẽ chủng tộc. Thái độ khép kín trước tha nhân là một trong những lý do gây ra cảnh văn minh suy thoái. Hãy đến với nhau. Hãy dẹp bỏ những rào cản phi lý để chấp nhận nhau và tôn trọng nhau hơn. Làm như thế là chúng ta đã góp phần vào công việc “xây dựng nền văn minh tình thương” cách hữu hiệu nhất.
(Tổng hợp theo các tài liệu của Giáo hội Công Giáo)

Cầu nguyện:
Lạy Chúa, cuộc sống của con người chúng con chỉ có ý nghĩa khi chúng con biết yêu thương nhau. Xin cho chúng con hăng say và nỗ lực xây dựng “nền văn minh tình thương” theo tinh thần Tám mối phúc thật trong đời sống hằng ngày của chúng con, để mọi người nhận ra được Chúa là tình yêu và là Chúa Tể của mọi loài. Amen.

KIỂM ĐIỂM:

Có xác tín: Đức lớn của gia đình là truyền sinh không? (Thiên địa chi đại đức viết sinh…. Gia đình tham gia đức … )
Có thấy triều thiên vinh quang của cha mẹ là kiến tạo con cái nên người, nên con Chúa? Có nhận thấy không?
Có nhớ: Gia đình tốt, gia đình thánh, có ảnh hưởng đến xã hội, đến quốc gia … Có biết điều này không?
Hơn nữa gia đình tốt, gia đình thánh là phương tiện bảo vệ văn minh tình thương? Trái lại gia đình xấu có thể là nguyên nhân cho văn minh sự chết?
Chúng ta sống thế nào?
Tình trạng gia đình chúng ta ra sao?

LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Thiên Chúa là Tình yêu, Ngài dựng nên loài người giống hình ảnh Thiên Chúa. Con người ngày càng khám phá tình yêu Thiên Chúa, và nỗ lực xây dựng tình người trong tình Chúa. Chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho mọi người biết yêu thương nhau:

- “Hãy xem, Họ yêu thương nhau biết là dường nào!”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh đoàn kết yêu thương nhau, theo điều răn mới của Chúa, làm cho mọi người cũng nhận biết Thiên Chúa là Tình yêu.

- Chúa phán: “Các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con”. Chúng ta cầu nguyện cho các Kitô-hữu, biết cùng nhau xây dựng nền văn minh tình thương, theo mẫu gương yêu thương của Chúa.

- Chúa phán: “Các con sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và các con cũng sẽ sống”. Chúng ta cầu nguyện cho Kitô-hữu, biết cùng nhau xây dựng nền văn hoá sự sống: tôn trọng và phát triển sự sống trần gian, hầu đạt tới sự sống thiên đàng.

- Chúa phán: “Ta ban cho chúng sự sống đời đời, không bao giờ chúng phải diệt vong”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, biết kiến tạo văn hoá sự sống, và xa lánh văn hoá sự chết, xa lánh mọi tội lỗi.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa ban tình thương và sự sống Chúa cho trần gian. Xin cũng ban Thần Trí Chúa, giúp chúng con biết yêu thương nhau, và nâng đỡ nhau tiến triển tới sự sống muôn đời trên thiên đàng. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

HỌC KINH THÁNH:

Bài 24: Sách Thủ lãnh (Tl)

Đây là quyển thứ bảy trong bộ Kinh thánh Cựu Ước. Sách gồm 21 chương, nội dung kể về 12 vị anh hùng dân tộc Do thái. Nhờ sự phù trợ của Chúa, họ lãnh đạo dân để chiến đấu với những dân tộc chung quanh.

Mười hai vị đó là:
Otniel; Êhud; Shamgar; Đêbôra và Baraq; Ghêđêon và Abimêlek; Tôla; Giair; Giéptê; Ibxan; Eylôn; Abđôn; Samson. (x. Tl 3-13).

1/ Sam-Son là ai?

Sam-Son là người được Chúa chọn, ông có sức mạnh phi thường nhiều lần đánh bại quân Philitinh. Nhưng ông yếu mềm thú nhận bí mật về sức mạnh của ông cho một cô gái Philitinh tên là Đalila. Cô đã cắt tóc ông khiến ông không còn sức mạnh như trước đây. Họ đã bắt ông làm tù binh. Ông bị khoét mắt và kéo cối đá để xay lúa.

Trước khi chết ông đã xin Chúa cho ông báo thù bằng cách giật sập cột ngôi đền đè chết nhiều quân Philitinh, trong đó có cả ông nữa. (Tl 13-16).

2/ Bài học rút ra từ sách Thủ lãnh.

Khi đọc sách Thủ lãnh, cũng như các sách Kinh thánh khác, ta không nên chỉ dừng lại ở những chi tiết ly kỳ hấp dẫn, nhưng cần tìm ra những bài học chứa đựng trong đó. Ví dụ như:

1/ Khi dân Chúa trung thành Chúa bảo vệ họ. Khi họ bất trung Chúa để họ rơi vào tay các dân ngoại chung quanh.

2/ Thiên Chúa vẫn yêu thương, trung thành và kiên nhẫn. Loài người đã phạm tội không thể tự cứu nỗi mình nên Thiên Chúa đã can thiệp.

3/ Các thủ lãnh là những con người hèn kém yếu đuối, nhưng khi được sức của thần khí Chúa, các ông có thể làm được những việc phi thường. Các ngài giống như những dụng cụ bất toàn nhưng để Thiên Chúa sử dụng thì sẽ thực hiện được những điều phi thường.

Lời Chúa: “Hài nhi lớn lên và Chúa chúc phúc cho nó, và thần trí Chúa bắt đầu ở với nó”. ( Tl 13, 24-25).

Cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa”. Amen.

VĂN MINH

SỰ CHẾT - SỰ SỐNG, TÌNH THƯƠNG

Về mặt tư tưởng, có lẽ chúng ta đã biết, còn về danh từ, phải kể là mới lạ, chúng ta thử tìm nhận định.

Văn minh, có ý nghĩa là nghe thấy tia sáng, cảnh đẹp, đời sống được bớt khó nhọc, sống có nhiều tiện nghi, xác thể được ít nhiều thoả mãn, cũng đạt được một phần nào hạnh phúc.

Nhưng tại sao lại nói Văn minh sự chết?

Cái sống là cốt yếu của đời người, cái sống lại có hai bộ mặt: Sống bên ngoài, nghĩa là sống để lớn lên, được có những khoái cảm, tạm qua, không đầy đủ; và cái sống trọn vẹn, đầy đủ, vĩnh cửu.

Lo cho cái sống tạm qua, vì nó không vĩnh cửu, cho nên kể được nó là Văn Minh Sự Chết.

Tửu Sắc Tài Khí tứ đổ tường = Tửu Sắc Lợi Danh là 4 bức tường kềm hãm - dàm danh khoá lợi. - Say sưa giống như chó điên giữa chợ, - Còn Sắc, dầu không phải sóng lớn, nhưng có sức nhận chìm.

Những tư tưởng Nho Giáo trên đây nói cho chúng ta nhận thấy những văn minh cho sống tạm, đúng ra không đem hạnh phúc cho con người, mà lại đẩy con người vào tình trạng không những sống bị rút ngắn, mau tiến vào cõi chết. Vả lại, sống hữu hạn, dĩ nhiên phải tiến vào giai đoạn hết hạn, … là chết, nhất là vì lo cho sống hiện tại, mà quên sống tương lai vĩnh cửu.

Do đó chúng ta đủ lý để nói: có thứ Văn minh Sự Chết.

Đến Văn Minh Sự Sống?

Chúng ta biết Chúa dựng nên con người, Chúa muốn cho sống mãi, sống hạnh phúc. Sau nguyên tội, Chúa vẫn giữ ý định đó.

Văn minh lo cho sống tinh thần, sống theo ý Chúa, sống đúng nhân phẩm, sống tìm bảo vệ cho sống vĩnh cửu. Đó là Văn Minh Sự Sống.

Đời chúng ta kể được là một cuộc trường chinh, sống chết cùng nhau tỉ thí. Sau cùng, Chúa của Sự Sống, chết để sống thống trị.

Chúa không đem chúng ta ra khỏi trần gian, mà để chúng ta ở lại, để chúng ta chiến thắng và lôi cuốn anh em cùng chiến thắng.

Không để cho sống tạm quyến rủ, mà biết dùng sống tạm để tiến.

Chúng ta có bí thuật Văn Minh.

Văn Minh Tình Thương
Ai có tình thương (thích đáng) thì ở trong Thiên Chúa. Sống tình thương thì hoá giải được tất cả. Thương là liên kết được mọi người. Biết thương là dùng được mọi thứ Văn Minh, để mình được phúc lành và đem tốt đẹp thánh thiện cho thế giới.
Văn Minh Tình Yêu!

SUY NIỆM VỀ MẦU NHIỆM GIÁNG SINH

Trang trí máng cỏ … vui. Nhìn máng cỏ … khoái. Rồi dạ yến Noel … tưng bừng phở lở.

Có thể có khá nhiều người quên tuốt Chúa Giáng Sinh, mặc dầu chính Ngài là căn bản mọi vui phúc, và chính Người đem phúc lạc bình an cho trần thế.

Xin mời … ít ra chúng ta hãy cùng nhau suy niệm về Mầu nhiệm Giáng Sinh.

Tại sao Chúa Giáng Sinh?

Chúng ta biết nguyên tổ đã phạm tội, nói được là lật đổ chương trình của Chúa, phát sinh những điều thật là không tưởng tượng nổi.

Hội Thánh gọi tội nguyên tổ là (felix culpa) tội hồng phúc. Tội mà sao lại “hồng phúc”? Vì kéo được Chúa nhập thể nơi trần gian. Cần gì nhập thể! Có tội, Chúa tình yêu, chỉ tha đi là êm rồi. Chúa không rầy, không phạt tội ngay, mà lại thực hiện một chương trình cứu chuộc lạ lùng.

Chúa muốn bảo cho con người biết việc nguyên tổ ngổ nghịch, không là việc quan trọng, nhưng đúng là việc phạm đến Đấng vô cùng, cho nên mang hậu quả vô cùng. Con người vì là hữu hạn, dầu khổ nhọc và cả cái chết, cũng không dùng để chuộc đền tội được.

Cùng một lượt đó, Chúa cũng tỏ ra Chúa vô cùng cao cả, ngàn trùng xa cách!

Để thực hiện việc cứu chuộc thì Chúa kiến tạo nên những việc vừa là của người, vừa là của Chúa: Nhờ việc nhập thể, Chúa đã thực hiện những việc vừa là của Chúa, vừa là của con người.

Qua việc lạ lùng Chúa Giáng Sinh, chúng ta cũng thấy được nhiều cao siêu trong mầu nhiệm này.

Chúng ta hay nhận định: việc siêu tuyệt là dung hoà hai thái cực, mà trong Mầu nhiệm Giáng Sinh, Chúa đã dung hoà: vô cùng và hạn hữu (Chúa vô cùng với nhân tính hữu hạn). Đấng sang cả vô cùng hiệp được với trẻ bé hèn mạt (dân chúng xua đuổi! Không cho trú ngụ). Giàu nghèo chung hiệp nhau, Chúa giàu có vô cùng, vũ trụ là của Chúa, mà nơi máng cỏ là một con trẻ, không nhà, không giường chiếu!

Hơn tất cả, Giáng Sinh để tỏ tình yêu vô cùng của Chúa. Vì thương, Chúa tạo dựng; vì thương, Chúa cho con người làm đầu, làm chủ vạn vật; cũng vì thương, Chúa cho con người có lý trí và nhất là ban cho sống, cho có sự sống giống sự sống của Chúa, để có thể đáp lại tình yêu của Chúa. Cả đời chịu khó … , và sau cùng chết trên thánh giá vì yêu, Chúa hoàn toàn hiến thân để phần nào chinh phục tình yêu của loài người. Trên thánh giá, trước giờ chết, Chúa kêu than “Ta khát”, đó là người tình khát khao mong ước tình của người yêu!

Trước máng cỏ, trong Mùa Giáng Sinh, chúng ta có nhẫn tâm quên Chúa không?

Lạy Chúa, xin dạy cho chúng con biết tiếp đón Chúa, như nhà Bêtania.
Xin Chúa ở lại với con, vì không có Chúa trong con, thì đời con không còn lẽ sống.

ĐẠO LÀ MỘT NHU CẦU KHẨN THIẾT

Trên đời, gần như cả nhân loại đều có đạo. Người thờ Thiên Chúa, người thờ Thần-Phật, thờ ông bà, có người lại thờ cầm thú, cây cối, vì thấy có một thứ thần lực nào đó. Chứng tỏ nhân loại đồng nhìn nhận: có giới thiêng liêng, cao siêu đòi phải tôn vinh, phụng thờ.

Tiếng thờ có nhiều nghĩa:

a) Thờ Thiên Chúa (có thể hiểu thờ Ông Trời) là nhìn nhận Chúa cao cả tuyệt đối, và là Đấng tác tạo vạn vật. Do đó, con người và các tạo vật đều hoàn toàn lệ thuộc Chúa.

b) Thờ Thần Phật hiểu được là tôn kính đặc biệt (= hơn các người, các vật khác) vì có quyền lực, có tài năng cao siêu, hay đã dạy đường lối hoặc nghề nghiệp cho đời.

c) Thờ linh thú hay linh vật, vì thấy những điềm linh thiêng lạ thường … cho nên sợ, … cúng kiến, để khỏi hại, để được may mắn.

d) Thờ cha mẹ … là biểu lộ lòng Kính Hiếu

Theo Công Giáo thì THỜ phải hiểu là nhìn nhận Đấng tuyệt đối tạo dựng, và do đó, con người và vạn vật đều phải hoàn toàn lệ thuộc Chúa.

Thờ Chúa là khẩn thiết. Cho được thờ Chúa đúng lối, thì phải biết thể cách, lề lối tôn thờ. Thể cách, lề lối đó, thường người ta hay gọi là Đạo.

Thờ là cần, là cốt yếu, thì Đạo là phương tiện để đạt cốt yếu, cho nên Đạo là cần, là nhu cầu khẩn thiết cho con người, cho xã hội.

Con người giữ đạo, sống đạo thì không những giữ được phẩm giá, tăng trưởng thiện hảo nơi mình, mà cũng góp phần cho xã hội được an ổn, vui sống!

Trái lại, đời vô đạo sẽ đưa cá nhân đến tự do không giới hạn, thì dễ đưa con người đến truỵ lạc, suy đồi, đến bạo ngược, gây hỗn loạn.

Đấng tạo dựng con người và cũng nói được xây dựng xã hội, đã muốn cho nhân loại, cho xã hội được tốt lành, được phước lạc.

Chúa đã mạc khải, chỉ đường, nhưng vì trọng tự do, nên Chúa không áp đặt như bắt nô lệ phải tuân giữ, nhưng đón nhận đường lối Chúa mạc khải (Đạo), là đón nhận Đạo, giữ Đạo.

Khẩn thiết vì nhờ Đạo, ta:
Được biết Chúa rõ hơn, sâu hơn.
Biết phẩm giá của mình.
Biết kỷ thuật thể hiện tương quan tốt với Chúa, với mình, với xã hội.
Giữ đạo làm cho mình được thiện hảo, và cộng tác với công trình xây dựng xã hội.
Giữ đạo là tạo phúc cho mình, cho xã hội: ngay nơi trần thế, và bảo đảm cho chân hạnh phúc vĩnh cửu.
Giữ đạo, sống đạo thế nào?
Có sợ vô đạo không? Hay sống đạo như trang trí, như lệ thói:

Phải nhớ: Đời người không đạo là không đáng sống. Đạo chính là nhiệm vụ khẩn thiết đối với Chúa, với mình và đối với cả vũ trụ.

QUỚI CHỨC TÌM HIỂU

CHƯƠNG II: Mục Tiêu Phải Đạt Tới

5. Nhập đề

Công trình cứu chuộc của Chúa Kitô cốt yếu nhằm việc cứu rỗi nhân loại, nhưng cũng bao hàm việc canh tân tất cả trật tự trần thế. Do đó sứ mệnh của Giáo Hội không những là đem Phúc Âm của Chúa Kitô và ân sủng của Người cho nhân loại, mà còn đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần và hoàn thiện những thực tại trần thế. Bởi vậy, trong khi thi hành sứ mệnh này của Giáo Hội, người giáo dân làm việc tông đồ trong Giáo Hội cũng như giữa đời, trong phạm vi thiêng liêng cũng như trong phạm vi trần thế. Hai phạm vi tuy khác biệt, nhưng trong ý định duy nhất của Thiên Chúa, chúng được liên kết với nhau đến nỗi chính Thiên Chúa muốn thâu tóm vũ trụ lại trong Chúa Kitô thành một tạo vật mới, khởi sự ở trần gian và hoàn tất trong ngày sau hết. Trong cả hai phạm vi, người giáo dân, vừa là tín hữu vừa là công dân, phải được hướng dẫn liên tục bằng một lương tâm Kitô giáo duy nhất.

(Sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân, số 5)

Ý chính:

* Công đồng nêu lên nguyên tắc hướng dẫn tổng quát cho việc tông đồ này: trật tự siêu nhiên và tự nhiên, tuy vẫn phân biệt nhau, nhưng cùng hợp nhất trong một ý định của Thiên Chúa, là Ngài muốn qui tụ toàn thế giới trong Chúa Kitô, và chính do ý định này mà hoạt động tông đồ giáo dân cần thiết có mặt trong lãnh vực trần tục.

Đức Phaolô VI, vào ngày 3 tháng Giêng năm 1964, đã nói với những người tốt nghiệp khóa "Công Giáo Tiến Hành": "Chúng con phải ý thức về hai xã hội khác biệt nhau này, chúng luôn đi đôi với nhau và liên hệ với nhau. Và chính khi chúng con nhìn nhận cả hai quyền hành này, quyền của Giáo Hội và quyền của trần gian, mà chức vụ của chúng con được phát triển... chúng con trở nên chứng nhân Kitô giáo trong lãnh vực nghề nghiệp của chúng con và là công dân gương mẫu trong đời sống công giáo".

* Quới Chức tiếp nối công trình của Chúa Kitô: cứu rỗi con người, và canh tân những sự vật trần thế.

* Để Quới Chức có sức làm việc Tông Đồ này, cần được hỗ trợ nhiều ơn thánh Chúa.

Hiểu biết về Phụ tích:

Làm phép nhà, làm phép ảnh tượng thờ. Như một diễn tả đức tin, kính mời Chúa vào ngụ lại trong nhà mình, nơi ảnh tượng thờ; có Chúa trong nhà, nơi ảnh tượng nhờ lòng tin, sẽ không còn sợ gì nguy khó, ma quỷ, tội lỗi. Vậy, phải tiếp tục đọc kinh, cầu nguyện trong nhà, trước ảnh tượng, sống hoà thuận yêu thương nhau, và liên hệ với Hội Thánh (cụ thể là nhà thờ, họ đạo)..., thì mới mong được sống với Chúa luôn.

 MẠN ĐÀM: HY VỌNG

Cuộc sống sẽ trở nên nhàm chán lắm nếu không có những hy vọng phía trước. Hy vọng là đợi chờ một điều gì đó tốt đẹp sẽ đến với chúng ta. Nhưng hy vọng phải có cơ sở, được xây trên nền của lòng tin đúng đắn, nếu không hy vọng sẽ chỉ là ảo tưởng mà thôi.

Có một biến cố quan trọng vừa xảy ra trong Giáo phận Vĩnh Long, đó là việc thuyên chuyển một số linh mục. Trước biến cố này, đa số các linh mục được thuyên chuyển nhìn vấn đề cách nhẹ nhàng và thanh thản qua câu nói thật dí dỏm: “Linh mục đổi nhiệm sở cũng như lính đổi đồn vậy thôi”. Nói lên được điều này là các ngài đang mang trong mình những mầm sống mạnh mẽ, một niềm hy vọng chắc chắn. Phải, Linh mục là những chứng nhân của niềm hy vọng. Các ngài cần mang trong mình niềm hy vọng, biểu lộ niềm hy vọng ấy ra bên ngoài, và sống niềm hy vọng ấy xuyên suốt cuộc đời linh mục của mình trong bất cứ hoàn cảnh nào hay môi trường nào ngài đến để phục vụ.

Dẫu biết rằng: khi linh mục rời khỏi nhiệm sở cũ của mình là phải dứt bỏ những gì mình đã và đang vun trồng cũng như gây dựng bấy lâu nay; phải chia tay với những con chiên mà mình đã quen hơi, quen tiếng và ngoan hiền. Nhưng cuộc đời của linh mục là THEO CHÚA chứ không theo những con chiên ngoan hiền, hay theo những công trình mình mộ mến. Mà theo Chúa là phải từ bỏ mọi sự. Đau lắm! Nhưng nếu không mạnh dạn cắt bỏ thì lý tưởng linh mục coi như chấm hết; hoặc có theo Chúa thì là đi theo một con đường khác mà Chúa không đi qua, hay là đi trên một con đường không có Chúa!

Đức cố Hồng Y PX Nguyễn Văn Thuận đã viết: “Hãy tiến lên trên con đường hy vọng, bất chấp những van nài “tan nát lòng” của tình thân thuộc cố tri, như Phaolô “xiềng xích với gian nan đang chờ tôi”, như Chúa Giêsu “này Thầy lên Giêrusalem để chịu nạn” (ĐHV 9).

Trên con đường hy vọng có rất nhiều những rào cản được nguỵ trang bằng những sợi chỉ hồng êm ái của tình thân, của lợi ích chung ngay cả những việc xem ra rất ư là thánh thiện. Nhưng đó là những rào cản chết người, bóp chết niềm hy vọng lớn lao của những con người đang mang trong mình một lý tưởng lớn lao: cứu độ thế giới. Những khi bị sợi chỉ hồng nguỵ trang ấy giăng lối, cần phải có một sức mạnh để vượt qua bằng một thái độ không nhượng bộ. “Không nhượng bộ, không phải là kiêu căng, tự ái hay ngoan cố. Không nhượng bộ là yêu thương quyết liệt lý tưởng của mình” (ĐHY. PX. Nguyễn Văn Thuận, ĐHV 15)

Đổi nhiệm sở giống như đổi đồn. Phải. Đồn nào cũng có những hy vọng như kho báu đang được chôn vùi ở đó. Có rất nhiều hạt ngọc quí đang nằm trong những đống đổ nát hay trong những vách ngăn ương ngạnh. Kiên trì khám phá và khai thác sẽ gặp được kho báu. Đó không phải là ảo tưởng mà chính là hy vọng chắc chắn dành cho các linh mục nơi những nhiệm sở mới. Gương của Cha sở Xứ Ars là một ví dụ điển hình.

Cầu chúc các cha là những người luôn mang niềm hy vọng, mang mầm sống mới đến cho những họ đạo mà các cha được sai đến. Xin Chúa ban cho các cha ơn sức mạnh và can đảm để trở thành những nhà khai phá thành công và lừng danh khắp thiên hạ, ngõ hầu niềm hy vọng từng ngày được sáng lên bất cứ nơi nào mà các cha hiện diện và hoạt động.

Chúa đang đến và mang phần thưởng chiến thắng cho những tâm hồn chan chứa niềm hy vọng và đang tiến lên trong niềm hy vọng. Hãy chia sẻ khát vọng của Chúa Giêsu “Thầy đến mang Lửa vào thế gian và Thầy ước mong sao cho Lửa ấy bừng lên”. Ôi đẹp quá những hy vọng thắp sáng cuộc đời!

NGHỆ THUẬT SỐNG: TRÁI TIM HOÀN HẢO

Có một chàng thanh niên đứng giữa thị trấn và tuyên bố mình có trái tim đẹp nhất vì chẳng hề có một tì vết hay rạn nứt nào. Đám đông đều đồng ý đó là trái tim đẹp nhất mà họ từng thấy. Bỗng một cụ già xuất hiện và nói: "Trái tim của anh không đẹp bằng tim tôi!". Chàng trai cùng đám đông ngắm nhìn trái tim của cụ. Nó đang đập mạnh mẽ nhưng đầy những vết sẹo. Có những phần của tim đã bị lấy ra và những mảnh tim khác được đắp vào nhưng không vừa khít nên tạo một bề ngoài sần sùi, lởm chởm; có cả những đường rãnh khuyết vào mà không hề có mảnh tim nào trám thay thế. Chàng trai cười nói:

- Chắc là cụ nói đùa! Trái tim của tôi hoàn hảo, còn của cụ chỉ là những mảnh chắp vá đầy sẹo và vết cắt.

- Mỗi vết sẹo trong trái tim tôi tượng trưng cho một người mà tôi yêu, không chỉ là những cô gái mà còn là cha mẹ, anh chị, bạn bè. . . Tôi xé một mẫu tim mình trao cho họ, thường thì họ cũng sẽ trao lại một mẫu tim của họ để tôi đắp vào nơi vừa xé ra. Thế nhưng những mẫu tim chẳng hoàn toàn giống nhau, mẫu tim của cha mẹ trao cho tôi lớn hơn mẫu tôi trao lại họ, ngược lại với mẫu tim của tôi và con cái tôi. Không bằng nhau nên chúng tạo ra những nếp sần sùi mà tôi luôn yêu mến vì chúng nhắc nhở đến tình yêu mà tôi đã chia sẻ. Thỉnh thoảng tôi trao mẫu tim của mình nhưng không hề được nhận lại gì, chúng tạo nên những vết khuyết. Tình yêu đôi lúc chẳng cần sự đền đáp qua lại. Dù những vết khuyết đó thật đau đớn nhưng tôi vẫn luôn hy vọng một ngày nào đó họ sẽ trao lại cho tôi mẫu tim của họ, lấp đầy khoảng trống mà tôi luôn chờ đợi.

Chàng trai đứng yên với giọt nước mắt lăn trên má. Anh bước tới, xé một mẫu từ trái tim hoàn hảo của mình và trao cho cụ già. Cụ già cũng xé một mẫu từ trái tim đầy vết tích của cụ trao cho chàng trai. Chúng vừa nhưng không hoàn toàn khớp nhau, tạo nên một đường lởm chởm trên trái tim chàng trai. Trái tim của anh không còn hoàn hảo nhưng lại đẹp hơn bao giờ hết vì tình yêu từ trái tim của cụ già đã chảy trong tim anh.

TRÍ QUYỀN.

LỜI CHÚA

“Thiên Chúa đã yêu mến thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để phàm ai tin vào Con của Người thì khỏi phải diệt vong, nhưng có sự sống đời đời”.
(Gioan 3,16)

CHÂM NGÔN

Tình thương hoá giải được tất cả

2804    21-04-2012 09:28:02