Sidebar

Thứ Bảy
07.09.2024

Bàn tay Thiên Chúa trong đời chúng ta

 

Theo Jim Wallis, vấn đề luôn mãi trong thế giới và trong các giáo hội là: phía bảo thủ hiểu sai và phía tự do (phản ứng thái quá với phía bảo thủ) chẳng hiểu được gì. Tôi tin rằng, không ở đâu câu này đúng cho bằng trong cách chúng ta nhận ra bàn tay Chúa trong những sự kiện trong đời.

Chúa Giêsu bảo chúng ta nhận ra bàn tay Chúa trong đời mình bằng cách đọc dấu chỉ của thời đại. Thế nghĩa là sao? Điều này không hẳn là chúng ta nhìn vào mọi phân tích về tôn giáo, chính trị, xã hội để cố hiểu xem thế giới đang có chuyện gì, nhưng đúng hơn, là chúng ta nhìn vào mọi sự kiện trong đời mình, cả cá nhân lẫn toàn cầu, và tự hỏi: Chúa nói gì với tôi qua sự kiện này? Chúa nói gì với chúng ta qua sự kiện này?

Thế hệ cao tuổi hơn hiểu điều này là cố hòa hợp bản thân với những hành động “quan phòng”. Đường lối này có từ thời xưa trong Kinh Thánh. Khi đọc Kinh Thánh, chúng ta thấy dân Chúa không xác định những chuyện diễn ra bằng lăng kính thuần thế tục hoặc trung lập về tôn giáo. Đúng hơn, trong mọi sự kiện, dù là rất ngẫu nhiên và thế tục, họ đều thấy bàn tay Thiên Chúa. Ví dụ như, họ tin rằng nếu thua trận, thì đó không phải do đối phương có quân lính thiện chiến hơn, nhưng là do Thiên Chúa đã dạy cho họ một bài học. Hoặc nếu gặp tai ương, thì đó là do Thiên Chúa đã chủ động ngăn mưa rơi xuống đất, và một lần nữa dạy cho họ một bài học.

Chuyện này dễ bị hiểu lầm, vì khi viết ra như thế, các tác giả sách thánh đã gây ấn tượng rằng Thiên Chúa chủ động tạo ra sự kiện đó. Đó là lời của họ, chứ không phải ý định hay ý nghĩa. Kinh Thánh không định dạy chúng ta rằng Thiên Chúa tạo ra chiến tranh hay đóng cửa trời không cho mưa xuống, Kinh Thánh chấp nhận rằng chúng là kết quả của ngẫu nhiên trong tự nhiên. Bài học cần rút ra ở đây là, Thiên Chúa nói qua những sự kiện đó.

Và đây là điều mà người theo chủ nghĩa bảo thủ thường hiểu sai và người theo chủ nghĩa tự do thường nhầm lẫn. Một ví dụ mới đây cho chuyện này, là phản ứng của một vài giới tôn giáo nhất định, cả bảo thủ lẫn tự do, về sự bùng phát của bệnh sida. Khi bệnh sida bùng phát, nhiều người bảo thủ mạnh mẽ đã lên tiếng rằng sida là do Chúa trừng phạt chúng ta, vì sự bừa bãi tình dục, nhất là tình dục đồng giới. Còn phía tự do, nổi giận vì những lời này, đã đáp lại rằng: Chúa chẳng liên quan gì đến chuyện này cả!

Cả hai đều cần một bài học về hành động quan phòng. Những người bảo thủ tôn giáo đã sai khi diễn giải như thế. Chúa không gây ra sida để trừng phạt sự bừa bãi tình dục của chúng ta. Ngược lại, phía tự do cũng sai khi nói rằng chuyện này chẳng liên quan gì đến Chúa cả. Chúa không tạo ra sida hay bất kỳ một bệnh dịch nào, nhưng Chúa nói qua sida và mọi chứng bệnh khác. Nhiệm vụ sống đạo của chúng ta là nhận ra thông điệp đó. Chúa nói gì với chúng ta qua chuyện này?

James Mackey nói rằng sự quan phòng là một kế hoạch của những chuyện tình cờ, qua đó Thiên Chúa lên tiếng. Frederick Buechner nói rõ hơn nữa: “Điều này không có nghĩa là Thiên Chúa cho những sự kiện xảy đến với chúng ta để đẩy chúng ta theo những hướng nhất định, như những quân cờ. Thay vào đó, những sự kiện tự nó xảy ra ngẫu nhiên, nghĩa là Thiên Chúa hiện diện trong các sự kiện đó, không phải như người tạo ra nó nhưng như là người dù buồn đau vì chúng, vẫn cho chúng ta khả thể của sự sống mới và sự chữa lành mà tôi tin chính là ơn cứu độ.”

Thiên Chúa luôn nói với chúng ta qua mọi sự kiện trong đời chúng ta. Với một kitô hữu, không có điều gì là trải nghiệm thuần túy thế tục. Sự kiện này có thể là kết quả của những lực ngẫu nhiên và thuần túy thế tục, nhưng nó chứa đựng một thông điệp tôn giáo cho chúng ta, luôn là thế. Nhiệm vụ của chúng ta là đọc ra thông điệp đó.

Và nói xa hơn nữa: hầu như chúng ta chỉ nghe tiếng Chúa trong những trải nghiệm cực kỳ đau đớn với chúng ta hơn là trong những sự kiện đem lại hân hoan và vui thú. Nhưng chúng ta không nên hiểu lầm chuyện này. Không phải Thiên Chúa chỉ nói với chúng ta qua đau đớn, và làm thinh khi chuyện tốt đẹp. Đúng hơn, theo lời của C.S. Lewis, đau đớn là máy vi âm của Chúa với một thế giới điếc đặc. Thiên Chúa luôn nói, nhưng hầu như chúng ta chẳng nghe. Chỉ khi lòng chúng ta bắt đầu tan nát, chúng ta mới bắt đầu hòa hợp với tiếng của Chúa.

Sự quan phòng là một kế hoạch của những chuyện ngẫu nhiên, qua đó Thiên Chúa lên tiếng, và chúng ta phải cẩn thận để hiểu đúng theo cả hai phía. Thiên Chúa không gây nên sida, khí hậu toàn cầu nóng lên, tình trạng người di dân, bệnh ung thư, nạn đói, bão lụt, hay bất kỳ điều gì khác nhằm dạy cho chúng ta một bài học, nhưng trong tất cả những chuyện này có gì đó mời gọi chúng ta cố gắng nhận ra điều Chúa muốn nói qua chúng. Cũng như thế, Thiên Chúa không cho đội bóng bạn yêu thích vô địch, đó cũng chỉ là kết quả của kế hoạch của những chuyện ngẫu nhiên. Nhưng Thiên Chúa nói qua tất cả những chuyện đó, kể cả việc đội bóng của bạn vô địch đấy!

J.B. Thái Hòa dịch

738    28-08-2019