Thiên Chúa không bao giờ muốn đau khổ, Ngài không muốn chúng ta đau khổ.
Chắc chắn có rất nhiều người đã tự hỏi mình câu hỏi này, và câu hỏi này dường như chứa đựng những mâu thuẫn. Đau khổ và sống hạnh phúc? Những thứ điên rồ.
Rõ ràng để có hạnh phúc không có nghĩa là chúng ta phải đau khổ, mà chúng ta phải học cách đau khổ để sống hạnh phúc, bởi vì đau khổ gắn liền với cuộc sống không thể thay đổi.
Đau khổ là hậu quả của tội lỗi, bởi vì Thiên Chúa, với lòng nhân từ và sáng tạo đầy yêu thương của mình, chưa bao giờ nghĩ đến điều gì tương tự vậy cho chúng ta.
Thiên Chúa không bao giờ muốn đau khổ, Ngài không muốn chúng ta đau khổ. Bởi vì, đối với tội lỗi, chúng ta không có lựa chọn nào khác, tuy nhiên, chúng ta phải đối mặt với cuộc sống cách chín chắn và đấu tranh cho hạnh phúc của mình.
Một số đau khổ là đáng giá, một số khác thì không ...
Đây là điều mà tôi muốn làm rõ. Một số đau khổ xuất hiện và gắn liền với cuộc sống – chúng ta không yêu cầu, không muốn nó, nhưng chúng là một phần của thực tại đầy phức tạp mà chúng ta đang sống.
Chẳng hạn, một người mẹ hy sinh giấc ngủ của mình vì phải cho con bú, chăm sóc con, ngay cả khi người mẹ đó đã trải qua một ngày dài làm việc vất vả. Có những bậc cha mẹ đã phải hy sinh bản thân để nuôi dạy con cái và cho chúng được học hành đến nơi đến chốn, điều mà họ không thể có được. Lại có người mà trong khoảnh khắc nào đó của cuộc đời phải học cách sống chung với một số bệnh tật mà họ không có trách nhiệm nào với nó ngoài một thực tế là do đã thừa hưởng sự di truyền từ tổ tiên.
Tuy nhiên có một loại đau khổ khác phát xuất từ những quyết định sai lầm, trong bối cảnh này thì cách giải thích đơn giản hơn, và chúng ta cũng có thể nói rằng người ta đã tìm đến nó.
Ví dụ, tôi đang nghĩ đến đau khổ của một gia đình có đứa con sống hư đốn do chứng nghiện ma túy; nghĩ đến những tổn thương của bao đứa trẻ đang vượt qua những thung lũng khô khan vì cha mẹ chúng ly dị; nghĩ đến những bạn trẻ, những người cảm thấy rất khó khăn khi phải sống trách nhiệm và bổn phận; nghĩ đến nhiều hình thức bạo lực gia đình, đến tình trạng tham nhũng mà chúng ta thấy khắp mọi nơi, gây ra nghèo đói và bất bình đẳng xã hội, tạo ra ngày càng nhiều rạn nứt xã hội. Và danh sách cứ tiếp tục dài.
Cuộc sống chỉ có ý nghĩa nhờ tình yêu
Ai trong chúng ta không muốn được yêu thương, ôm ấp và che chở? Cũng như muốn yêu thương, vun đắp tình thân, giúp đỡ và chăm sóc những người đang cần giúp đỡ.
Khi hoàn cảnh cho phép và động cơ hợp lý, tôi phải nói rằng điều đó không khiến cho chúng ta phải trả giá đắt. Chẳng hạn, nếu đó là một việc cần phải hy sinh bản thân vì lợi ích của một đứa trẻ, thì không quá khó để tìm thấy sức mạnh để làm việc đó. Cuối cùng, cha mẹ nào lại không muốn điều tốt cho con cái của họ chứ?
Nhưng đâu là phản ứng của chúng ta, chống lại chính Thiên Chúa, khi cái chết của người thân trong gia đình gõ cửa chúng ta? Đâu là mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa khi có đứa con đang trải qua căn bệnh nan y?
Chúng ta không có những suy nghĩ báo thù nào, cũng như chống lại Thiên Chúa, khi chúng ta phải chịu bất công mà không có bất cứ tội lỗi nào? Biết bao lần chúng ta lao vào chống lại Thiên Chúa?
Tình yêu và lòng nhân hậu của Thiên Chúa ở đâu khi chúng ta chịu đau khổ mà không hề có lý do? Chúa ở đâu khi chúng ta cảm thấy cô đơn trong đau khổ?
Chính trong những giây phút này, chúng ta cần phải vượt thắng những cảm xúc như vậy và yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Cũng như khi chúng ta đau khổ, Ngài không phải là thủ phạm.
Tuy nhiên, bằng mọi giá chúng ta cứ phải tìm cho ra thủ phạm, bởi vì chúng ta không thể chấp nhận cuộc sống đối xử với chúng ta như vậy được. Ngay cả khi chúng ta đau khổ, Thiên Chúa cũng không phải là thủ phạm.
Chúng ta nỗ lực hết sức và nhận ra “vị thần” nào chúng ta đang hướng đến. Một vị thần không hề quan tâm đến chúng ta và bỏ rơi chúng ta? Vị thần đó không phải Thiên Chúa của chúng ta.
Thiên Chúa của niềm tin Kitô giáo là một người Cha, đã ban người Con duy nhất của mình, chịu chết trên thập giá và hiến dâng mạng sống mình vì yêu thương chúng ta. Là Người Con, Ngài đã mang trên thân thể mình các vết thương và đau đớn, đã tự hiến để đem lại cho cuộc sống này một ý nghĩa mới, vốn đã bị tội lỗi và các hậu quả của nó làm hư hỏng.
Thiên Chúa của chúng ta đã tạo dựng chúng ta vì tình yêu, và vì một hành động nhân từ đáng kính nể, đó là đã yêu cầu Con của mình một sự hy sinh không thể nghĩ tưởng được.
Chỉ có như vậy thì việc mang lấy những đau khổ của chúng ta và đưa chúng ta đến gần thập giá của Chúa Kitô mới có nghĩa, bởi vì theo cách đó, mọi thập giá của chúng ta mới trở thành cơ hội để yêu thương.
Sự đau khổ của tôi, không có ý nghĩa gì, thông phần vào công trình cứu chuộc của Chúa Kitô và hoàn tất nó. Và nếu tôi chia sẻ với Ngài trong sự hy sinh của Ngài, tôi cũng chia sẻ niềm vui Phục sinh của Ngài (1Pr 4,13).
Thái độ này rõ ràng đòi hỏi từ nơi tôi một thực tế là yêu mến Chúa Giêsu, dâng cho Ngài gánh nặng của đời tôi và không bỏ mặc Ngài vì hận thù hoặc cay đắng.
Đau khổ có thể là một cách để yêu thương
Nhiều lần Chúa Kitô đã nói với chúng ta rằng những ai muốn theo Ngài thì phải vác thập giá mình để trở thành môn đệ của Ngài? (Mt 16, 24). Điều này liên quan đến việc chấp nhận cuộc sống như nó là, bằng cách mang lấy những điều tốt hoặc xấu, vui hay buồn. Chúa Kitô yêu thương chúng ta cách trọn vẹn, không phải nửa vời. Dù chúng ta có đang ở với Ngài hay không, thì Thiên Chúa cũng không có một nửa điều khoản nào.
Bạn đang lạnh hay nóng (Kh 3, 14). Phong ngôn của chúng ta phải là “có thì nói có, không thì nói không” (Mt 5, 37). Khi chọn lối đi của đời sống Kitô giáo, chúng ta biết rất rõ đâu là chân trời của mình: là thập giá. Tuy nhiên, cây thập giá sau ba ngày sẽ biến thành Cây Sự Sống.
Chúa Giêsu dạy chúng ta bằng mẫu gương trao ban cuộc sống vì bạn hữu của mình. Và không chỉ vậy, Ngài còn dạy chúng ta biết quan tâm lo lắng cho những người xa lạ bị ngược đãi trên đường (Lc 10, 25-37). Hơn thế nữa, Ngài dạy chúng ta phải yêu thương kẻ thù của mình (Mt 5, 38-48). Không bao giờ báo ác khi ai đó làm hại chúng ta (Rm 12, 17-21) nhưng luôn yêu thương và làm việc thiện.
Ngay cả khi nói đến việc yêu thương người thân của mình, bổn phận thực sự đối với người khác bao hàm lòng quảng đại, từ bỏ tư quyền, hy sinh, cống hiến... và tất cả những điều trên, nếu chúng ta muốn sống điều đó như Chúa Kitô đã sống, không cân đo đong đếm, nghĩa là chia sẻ sự đau khổ. Tuy nhiên, chúng ta cần từ bỏ tính thất thường, thị hiếu, sở thích cá nhân, không gian và tiện nghi của mình, là điều không phải lúc nào cũng tiêu cực.
Tình yêu mà chúng ta học được từ nơi Chúa Kitô luôn đặt người khác trên bản thân, và đòi hỏi chúng ta từ bỏ bản thân vì ích lợi của người khác. Điều này liên quan một phần đến việc hãm mình. Trong nền văn hóa hiện nay, càng ngày chúng ta càng ít quen sống với những hành động quảng đại như vậy.
Đau khổ của tôi có thể là cách để hiện thực hóa
Sau khi kể ra hết tất cả những điều trên, chúng ta có thể hiểu thêm được một chút và tốt hơn cách trải nghiệm đau khổ với Chúa Kitô như một cách hiện thực hóa cá nhân. Nhờ đó chúng ta được lớn lên trong tình yêu và làm cho cuộc sống của chúng ta trở thành một hành vi vinh danh Thiên Chúa, bằng cách tìm kiếm thiện ích chung, hiển nhiên là ơn cứu rỗi của chúng ta.
Với Chúa Kitô chúng ta học được rằng chúng ta phải trở thành những nhân vật chính đối với đau khổ của mình, bằng cách làm cho nó trở thành một phương tiện để đến gần Chúa và trở nên giống như Chúa nhiều hơn.
Giống như tình yêu, đau khổ cũng là một cách để có được mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Bởi vì đó là cách mà chúng ta thể hiện lòng thương xót đối với tha nhân theo cách độc đáo. Bằng cách này chúng ta có thể hiểu được lời xác quyết của thánh Augustinô, vào lễ Vượt Qua, ngài nói:
“Ôi tội hồng phúc, ngươi xứng đáng với Đấng cứu chuộc rất cao sang như vậy!”. Tội Ađam thật cần thiết vì nó đã được tẩy xóa nhờ cái chết của Chúa Kitô.
Tác giả: Pablo Perazzo - Nguồn: it.aleteia.org (05/11/2021)
Chuyển ngữ: G. Võ Tá Hoàng - Nguồn: Giáo Phận Qui Nhơn (09/11/2021)