Sidebar

Thứ Bảy
18.05.2024

Các biên giới xao động của đời sống chúng ta

 

Trong vòng năm năm qua, ít có quyển sách nào được nể trọng nhiều như quyển “Thời đại thế tục” (A Secular Age) của Charles Taylor.

Được nể trọng như vậy là xứng đáng. Xét trong lịch sử rối rắm của cuộc sống thế tục, không có một nghiên cứu thực chứng nào lần ra được quá trình tiến hóa của nó, mà nếu có, thì phân tích của Taylor có thể xứng tầm với tích cách nổi bật này. Diễn tả sâu sắc với ngôn từ lịch sử, triết học, văn chương, thần học và thiêng liêng. Taylor có một mạch nguồn sâu thẳm để thấm đẫm trong đó và đưa ra phân tích này. Theo chỗ tôi biết, hiếm có học giả nào đưa một kiến thức sâu rộng như vậy vào lĩnh vực lịch sử và đức tin. Taylor thú nhận rằng cá nhân ông là người của đức tin, nhưng cố gắng không để niềm tin của mình ảnh hưởng lên nghiên cứu, một điều mà bất kỳ ai, dù là người có đức tin hay không, đều có thể mắc phải. Rất ít nhà bình luận, kể cả những người phê phán quyển sách này, buộc tội ông về chuyện đó. Nhìn chung, ông khách quan như bản tin buổi tối, tường thuật những gì xảy ra mà không khen cũng không buồn trước những chuyện đó.

Và điều ông đã lần tìm ra là câu chuyện trọng đại, cách thế nào chúng ta, trong lịch sử, đã chuyển từ một nền văn hóa và một tâm thế mà trong đó hầu như không thể không tin vào Chúa sang một tình trạng như chúng ta ngày nay, tức là, một tình trạng trong đó đức tin vào Chúa đơn giản chỉ là một lựa chọn bên cạnh các lựa chọn khác và trên thực tế thường không phải là một lựa chọn có tính cách lấn lướt. Cho đến khi tính chất hiện đại triển nở trọn vẹn (và đối với nhiều người trong số chúng ta, điều này chỉ mới thật sự diễn ra trong vòng hai thế hệ qua), chúng ta vẫn sống trong cái mà Taylor gọi là một tâm thức “thẩm thấu” hơn là tâm thức “che chắn.” Một tâm thức thẩm thấu có tính cách thần bí tự nhiên hơn. Một tâm thức che chắn là cái mà Karl Rahner nghĩ tới khi ông nói, chúng ta rồi sẽ sớm tới một thời kỳ khi chúng ta sẽ là người thần bí hoặc là người không có đức tin.

Một tâm thức thẩm thấu chính là thẩm thấu đối với sự bất lực trong việc bảo vệ mình với các thần linh và thiên thần, quỷ dữ và mê tín, tôn giáo tốt và tôn giáo xấu. Chúng ta không cần phải nhìn ngược lại quá khứ xa xăm mới nhớ được cái lúc chúng ta thường làm dấu thánh giá và dùng nước thánh khi trời giông bão. Cái thế giới khác kia, dù được hiểu như thế nào đi nữa, thì đều có thể khiến chúng ta quỳ gối. Không phải lúc nào chúng ta cũng thích thú trước việc thế lực siêu nhiên có thể len lỏi xuyên qua các tường thành phòng thủ của chúng ta, nhưng chúng ta khá bất lực trong chuyện ngăn chặn nó.

Một tâm thức che chắn chính là một tâm thức được che chắn khỏi thiên thần và quỷ dữ, khỏi tôn giáo tốt cũng như xấu, khỏi bị len vào. Ngày nay, thay vì sợ sệt trước cơn giông tố, chúng ta thích thú coi đó như màn đốt pháo hoa, cảm thấy khá an toàn và vững tâm đằng sau cửa kính hiện đại. Chúng ta được che chắn hơn rất nhiều khỏi cái thế giới kia và không để nó xâm nhập vào tâm thức mình. Điều này khiến cho tâm thức thế tục (một nhận thức mà, phần lớn, không cảm thấy có nhu cầu có ý thức nào về việc kết nối sự tồn tại, duy trì, ý nghĩa và cố gắng hạnh phúc của mình với bất kỳ điều gì vượt lên trên chính nó và thế giới) là một lựa chọn thật sự của chúng ta và khiến cho đức tin trở thành điều chúng ta chọn lựa thay vì được ban cho.

Nhưng, như câu văn nổi tiếng của Leonard Cohen: Mọi thứ đều có kẽ hở. Bởi thế ánh sáng mới lọt vào. Trong tâm thức che chắn, thế tục của chúng ta cũng có một kẽ hở. Taylor gọi đó là “những biên giới xao động của hiện đại.” Có những điều nhất định mà chúng ta không thể che chắn được cho mình, và đó không chỉ là mất mát, trầm cảm và nỗi sợ chết. Những điều đó đôi khi có thể, và thật sự làm rung động những nền tảng vững chắc của đời sống chúng ta và khiến chúng ta phải sụp xuống một cách bất lực. Nhưng chúng ta cũng có thể quỳ gối vì những lý do ngược lại: tình thương, vẻ đẹp, niềm hy vọng, và niềm vui cũng có thể xuyên qua lớp vỏ che chắn của chúng ta và khiến chúng ta vỡ toang ra đón nhận một ý nghĩa mới vượt lên trên những gì thế giới này có thể đem lại cho chúng ta. Có sự xáo động và mong manh ở cả hai tiền tuyến, ở cái tiền tuyến đe dọa và làm chúng ta sợ hãi và ở cái tiền tuyến vẫy gọi chúng ta tới những hy vọng sâu sắc hơn.

Đây là cách nói của Taylor: Ýnghĩa là ở chỗ có đôi điều thôi thúc hơn. Rất nhiều người cảm thấy điều đó: trong những lúc chiêm nghiệm về cuộc đời mình; trong những phút giây thư giãn với thiên nhiên; trong những lúc đau thương và mất mát; dữ dội và bất ngờ. Thời đại của chúng ta còn lâu mới an định vào trạng thái thoải mái của việc không tin. Mặc dù nhiều cá nhân thật sự an định được như vậy, và cũng có nhiều người có vẻ an định được nếu nhìn bề ngoài, sự bất an vẫn tiếp tục lộ ra. Liệu có thể khác đi chăng?

Thời đại thế tục có đặc nét như người bị tâm thần phân liệt, hay nếu đỡ hơn, thì cũng là căng thẳng rốt ráo. Con người có vẻ như giữ được một khoảng cách chắc nịch với tôn giáo, ấy vậy mà họ vẫn rất xúc động khi biết có những con người có đức tin tận hiến, như Mẹ Têrêxa. Cái thế giới không đức tin, vốn từng rất không thích đức giáo hoàng Pi-ô XII, lại hết sức kinh ngạc trước Gio-an XXIII. Một vị Giáo hoàng chỉ ăn nói như Ki-tô hữu, và các chống đối xa xưa bị tan biến. Điều đó chứng tỏ, dù nhiều người không muốn theo đức tin lại muốn nghe thông điệp của Giê-su, muốn thông điệp đó được tuyên bố rộng rãi. Nghịch lý này thể hiện rõ ràng trong phản ứng trước vị Giáo hoàng quá cố vừa qua. Bài giảng trước công chúng của đức giáo hoàng Gio-an Phao-lô về tình thương yêu, về hòa bình thế giới, về công lý kinh tế quốc tế đã làm nhiều người cảm phục. Họ chấn động trước việc những điều này được nói ra.

Có thể không phải Chúa bao giờ cũng hiện lộ rõ ràng trong thế giới chúng ta, nhưng trong những nỗi sợ hãi và niềm hy vọng sâu kín nhất của mình, chúng ta vẫn giữ danh thiếp của người.

J.B. Thái Hòa dịch

697    01-12-2017