Sidebar

Thứ Sáu
04.10.2024

"Chúa nhật giải phóng người Dalit" ở Ấn Độ

"Chúa nhật giải phóng người Dalit" ở Ấn Độ

Hàng năm vào Chúa nhật thứ hai của tháng 11, người Công giáo và Tin lành ở Ấn Độ cử hành “Ngày giải phóng người Dalit”, “những người không có vị trí trong xã hội”. Sáng kiến được Hội đồng Giám mục Ấn Độ đứng ra tổ chức, với sự cộng tác của Hội đồng các Giáo hội Kitô Quốc gia.

 

Do hệ thống đẳng cấp cứng nhắc của Ấn Độ, người Dalit bị ở bên ngoài nấc thang xã hội, thường bị phân biệt đối xử, ngay cả trong công việc. Hiện nay, dân số Ấn Độ là 1,3 tỷ, người Dalit chiếm 1/6. Các Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo phải chịu nhiều thiệt thòi nhất.

 

Năm 1935, người Anh, khi đó đang cai trị Ấn Độ, đã thử chỉnh đốn tình trạng phân biệt đối xử trong xã hội, bằng cách cấp các đặc quyền cho những công dân thuộc tầng lớp thấp kém hoặc những người bị loại ra bên lề, như người Dalit. Những lợi ích này không phụ thuộc vào tôn giáo, chúng liên hệ đến cả người theo Ấn Độ giáo, các Kitô hữu, tín đồ Hồi giáo, Phật tử và người theo đạo Sikh.

 

Mọi thứ bắt đầu thay đổi vào năm 1950, khi tổng thống ra lệnh xem xét lại các quyền này và chỉ trao địa vị “Được nhìn nhận đẳng cấp” cho người Dalit theo Ấn Độ giáo. Ông còn tuyên bố rằng không có người nào ngoài Ấn Độ giáo được coi là “thành viên của một giai cấp được công nhận”. Sau đó, lệnh đã được thay đổi hai lần, nghĩa là người Dalit theo đạo Sikh và Phật giáo được nhìn nhận, nhưng các Kitô hữu và người Hồi giáo vẫn còn bị loại ra bên lề.

 

Sáng kiến “Ngày giải phóng người Dalit” do Văn phòng các giai cấp và bộ lạc thiệt thòi của Hội đồng Giám mục Ấn Độ đứng ra tổ chức, cùng với sự cộng tác của Hội đồng các Giáo hội Kitô ở Ấn Độ. Ngày dành riêng cho việc giải phóng người Dalit đã được cử hành từ năm 2007 và ngày này được xác định là Chúa nhật thứ hai trong tháng 11.

 

Bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, Ấn Độ hiện có 8,3 triệu ca nhiễm, và số ca nhiễm mới vẫn tiếp tục gia tăng mỗi ngày. Người Dalit là thành phần bị lây nhiễm nhiều nhất, do hoàn cảnh sống bấp bênh, nghèo khổ. Việc phòng ngừa cũng khó khăn hơn đối với họ, vì họ sống ở những khu vực đông dân cư và dịch vụ y tế khan hiếm.

 

Ngọc Yến

366    12-11-2020