Sidebar

Thứ Hai
20.05.2024

Chúa Sống lại, chứng thực cho lòng trung thành của con người và sự im lặng của Chúa

 

 

Đôi khi các nhà thần học cố gắng đơn giản hóa ý nghĩa việc Chúa sống lại bằng cách gói gọn cốt tủy của việc đó vào trong một câu: Trong việc Chúa sống lại, Chúa Cha đã chứng thực cho Chúa Giê-su, cuộc đời, thông điệp, và lòng trung thành của Người. Điều đó có nghĩa là gì?

Chúa Giê-su đi vào thế giới chúng ta qua việc rao giảng đức tin, yêu thương và tha thứ, nhưng thế giới này đã không chấp nhận điều đó. Thay vào đó, họ đóng đinh Người trên thập giá, qua việc đóng đinh, họ như bôi bác thông điệp của Người. Chúng ta thấy điều này rõ ràng nhất khi trên thập giá Chúa Giê-su bị sỉ nhục, chế nhạo, và thách thức: nếu ngươi là con Thiên Chúa thì hãy đi xuống thập giá! Nếu thông điệp của ngươi đúng, thì cứ để Chúa xác minh điều đó ngay bây giờ đi! Nếu lòng trung thành của ngươi không đơn thuần chỉ là sự ngoan cố và ngu si của con người thì tại sao ngươi lại chết trong sỉ nhục?

Và Chúa đáp lại như thế nào trước những lời nhiếc móc đó? Không gì cả, không bình luận, không bào chữa, không biện giải, không trả lời thách thức, chỉ lặng im. Giê-su chết trong im lặng. Cả người lẫn vị Chúa mà Người tin đều không cố gắng lấp khoảng trống đau đớn đó bằng bất kỳ ngôn từ an ủi hay lời giải thích nào thách thức người ta nhìn vào đại cục hay nhìn vào khía cạnh tươi sáng hơn của sự việc. Không gì cả. Chỉ lặng im.

Chúa Giê-su chết trong im lặng, bên trong sự lặng im của Thiên Chúa và bên trong sự vô tri của thế gian. Và chính chúng ta thấy sốc và bé nhỏ trước sự im lặng đó, cũng như chúng ta luôn luôn thấy sốc trước việc dường như quỷ dữ và đau thương đã chiến thắng trên thế giới này. Sự im lặng của Chúa luôn luôn làm chúng ta sốc: trước các lò thiêu người Do Thái, trước các vụ diệt chủng, trước các cuộc chiến tranh dã man và vô nghĩa, trước nạn động đất và sóng thần cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người và làm tan hoang cả đất nước, trước cái chết của vô số con người phải rời bỏ cõi đời này vì ung thư và vì bạo lực, trước việc đôi khi cuộc đời có thể bất công đến thế, và trước sự buông tuồng của những người vô lương tâm có thể cướp đi mạng sống của cả nhiều vùng mà dường như không phải chịu hậu quả gì. Chúa ở đâu trong tất cả tình cảnh này? Câu trả lời của Chúa là gì?

Câu trả lời của Chúa nằm trong sự phục sinh, trong sự sống lại của Chúa Giê-su và trong sự sống lại mãi mãi của điều thiện trong chính cuộc đời. Nhưng sự phục sinh không nhất thiết là cứu nạn. Chúa không nhất thiết cứu chúng ta khỏi tác động của quỷ dữ và kể cả cái chết. Quỷ dữ làm điều mà nó làm, thiên tai xảy ra như vốn vậy, và những kẻ vô lương tâm có thể cướp bóc thậm chí còn lấy đi ngọn lửa thiêng của cuộc sống. Chúa không can thiệp. Biển Đỏ rẽ đôi không phải là chuyện xảy ra hàng tuần. Chúa để những người thương yêu chịu đựng và chết, cũng như để bạn thân La-da-rô chết, và Chúa Cha để Chúa Giê-su chết. Bù đắp lại, sau đó Chúa nâng chúng ta lên, trong chứng thực sâu sắc và bền vững hơn. Mà sự thật của điều này thậm chí có thể được minh chứng bằng trải nghiệm.

Dù đôi khi bề ngoài có sao đi nữa, cuối cùng, tình thương yêu thật sự chiến thắng lòng thù hận. Hòa bình thật sự chiến thắng rối ren. Tha thứ thật sự chiến thắng cay đắng. Hy vọng thật sự chiến thắng nhạo báng chua cay. Lòng trung thành thật sự chiến thắng sự ngã lòng. Đức hạnh thật sự chiến thắng tội lỗi. Lương tâm thật sự chiến thắng chai sạn. Sự sống thật sự chiến thắng cái chết. Và điều thiện thật sự chiến thắng điều ác, luôn như vậy. Mohandas K. Gandhi từng viết: “Khi ngã lòng, tôi nhớ rằng suốt chiều dài lịch sử, con đường của sự thật và tình thương luôn luôn thắng. Đã có những kẻ sát nhân và bạo chúa, trong một thời gian họ dường như bất khả chiến bại. Nhưng cuối cùng bao giờ họ cũng sụp đổ. Hãy luôn luôn nghĩ đến điều đó.”

Chúa sống lại, một cách thuyết phục nhất, đã nêu bật điều này. Chúa là người nói lời cuối cùng. Sự sống lại của Chúa Giê-su chính là lời cuối cùng đó. Từ đống tro tàn của ô nhục, của cái dường như là thua cuộc, thất bại, và cái chết, một sự sống mới, sâu sắc hơn và vĩnh cửu đã mãi mãi tuôn trào. Lòng tin của chúng ta bắt đầu ở chính thời điểm tưởng chừng như lòng tin có thể tắt hẳn, trong cái dường như là im lặng của Chúa trước cái chết của Giê-su.

Và điều này đòi hỏi chúng ta những gì?

Trước hết, đơn giản là chúng ta tin tưởng điều đó là sự thật. Việc Chúa Giê-su sống lại đòi hỏi chúng ta tin điều mà Gandhi đã quả quyết, đó là, rốt cuộc cái ác sẽ không nói lời cuối cùng. Nó sẽ sụp đổ. Điều thiện cuối cùng sẽ chiến thắng.

Sâu sắc hơn, điều đó đòi hỏi chúng ta tung con xúc xắc cuộc đời vào lòng tin và sự thật đó: Điều Giê-su dạy là sự thật: Đức hạnh không khờ khạo, kể cả khi nó bị lăng nhục. Tội lỗi và nhạo báng chua cay mới khờ khạo, kể cả khi chúng dường như đang chiến thắng. Ai quỳ gối trước Chúa và trước người khác, trong lương tâm, họ sẽ tìm thấy ý nghĩa và niềm vui, kể cả khi họ bị tước đi các vui thú trần gian. Người nào uống lấy và thao túng năng lượng thiêng liêng mà không có lương tâm sẽ không tìm thấy ý nghĩa và sự sống, dù họ đang hưởng vui thú. Người nào sống trong ngay thẳng, dù thiệt thòi ra sao, sẽ tìm thấy tự do. Người nào gian dối và ngụy tín sẽ thấy mình bị giam hãm trong sự tự thù ghét. Người nào sống trong sự tin tưởng sẽ tìm thấy tình yêu. Sự im lặng của Chúa có thể được tin tưởng, kể cả khi chúng ta chết trong sự im lặng đó.

Chúng ta có thể sống trong đức tin, lương tâm, tình thương yêu, lòng tha thứ và lòng trung thành dù cho mọi thứ như muốn nói các điều trên không có thực. Những điều đó sẽ đưa chúng ta đến những gì sâu thẳm nhất của sự sống và tình thương yêu bởi vì Chúa chứng thực cho đức hạnh. Chúa chứng thực cho tình thương yêu. Chúa chứng thực cho lương tâm. Chúa chứng thực cho lòng tha thứ. Chúa chứng thực cho lòng trung thành. Chúa chứng thực Chúa Giê-su và sẽ chứng thực cho chúng ta nếu chúng ta giữ lòng trung tín như Chúa Giê-su đã làm.

J.B. Thái Hòa dịch

715    02-12-2017