Một nhân viên cấp cứu dập tắt đám cháy sau vụ bắn tên lửa từ Dải Gaza ở thành phố Ashkelon (AMIR COHEN) |
Trong bài diễn văn khai mạc tại một hội nghị quốc tế tại Đại học Giáo hoàng Gregoriana về “Các tài liệu mới từ Triều đại Giáo hoàng của Đức Giáo hoàng Piô XII và ý nghĩa của chúng đối với các mối quan hệ Do Thái-Kitô giáo”, Đức Hồng Y Pietro Parolin đã lên án cuộc tấn công vào Israel hôm 7/10/2023 là một hành động “khủng khiếp và đáng khinh bỉ”.
Đức Hồng Y Parolin cũng bày tỏ sự đau buồn của Đức Thánh Cha trước sự bùng nổ chiến tranh ở Thánh Địa, với lời chia buồn đối với tất cả những người thiệt mạng và bị thương do làn sóng bạo lực mới nhất gây ra, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng lý trí sẽ chiến thắng bạo lực.
Ngài nói: “Hôm nay tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc phải bắt đầu bài phát biểu của mình với nghĩa vụ đầy trách nhiệm và đáng buồn là chia sẻ và chuyển tải nỗi đau buồn mà Đức Thánh Cha đã bày tỏ ngày hôm qua về những gì đang xảy ra ở Israel. Cách đây hai ngày, vào ngày Sa-bát, ngày lễ Simchat Torah, niềm vui của Kinh Torah, ở Israel, nhiều anh chị em Israel đã bị đánh thức bởi một cuộc tấn công khủng khiếp và hèn hạ. Chúng ta gần gũi với gia đình của các nạn nhân, với hàng ngàn người bị thương, với những người mất tích và bị bắt cóc và hiện đang ở trong tình trạng rất nguy hiểm”.
Sự quan tâm theo dõi của Tòa Thánh
Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh đảm bảo rằng “Tòa thánh đang theo dõi với mối quan ngại sâu sắc và nghiêm trọng về cuộc chiến đã bị kích động, trong đó nhiều người Palestine ở Gaza cũng đang thiệt mạng và nhiều người phải di dời và bị thương”. Sau đó, ngài nhắc lại “sự gần gũi và cầu nguyện” của Tòa Thánh đối với gia đình của họ và tất cả thường dân, những người “hoàn toàn vô tội”.
Nhắc lại những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền tin trưa Chúa Nhật 8/10/2023, Đức Hồng Y Parolin nói rằng “chiến tranh luôn là sự thất bại về phẩm giá và không mang lại bất kỳ giải pháp nào”.
Ngài nói thêm rằng, “Thật không may, chủ nghĩa khủng bố, bạo lực, man rợ và chủ nghĩa cực đoan làm xói mòn khát vọng chính đáng của người Palestine và người Israel. Tôi hy vọng rằng vũ khí sẽ bị im tiếng và lý trí sẽ chiếm ưu thế và được sử dụng để tạm dừng và suy ngẫm về con đường đúng đắn để đạt được hòa bình ở Israel và Palestine”.
“Đặt nền tảng” cho việc chung sống giữa người Palestine và người Israel
Ngay trước sự kiện, Đức Hồng Y Parolin đã nói chuyện với các nhà báo bên ngoài Đại học Giáo hoàng Gregoriana. Ngài kêu gọi một giải pháp tìm cách “đặt nền tảng” cho việc giải quyết thách đố chung sống giữa người Palestine và người Israel bằng cách thực hiện “các công cụ ngoại giao” mà cộng đồng quốc tế hiện có.
Ngài cảnh báo: “Bao lâu vấn đề đó chưa được giải quyết, bao lâu chưa tìm được lộ trình hòa bình, thì những điều này (giao tranh) sẽ luôn có nguy cơ lặp lại và luôn ở mức độ tàn khốc hơn”.
Chúng ta đã không học được từ lịch sử điều gì
Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh chia sẻ với các nhà báo mối quan tâm của ngài trước những biến động đang diễn ra trên thế giới vào “thời điểm bi thảm” này, thậm chí còn hơn thế nữa với sự bùng nổ của “cuộc chiến thực sự” này ở Thánh Địa. Ngài bày tỏ nỗi đau buồn trước cách thế mà lịch sử dường như lặp lại. “Chúng ta cứ tưởng những bi kịch xảy ra vào những năm 1900 đã là chuyện của quá khứ, sẽ không bao giờ lặp lại nữa. Thay vào đó, với nỗi buồn và sự hoang mang tột độ, chúng ta thấy rằng mình đang lặp lại tất cả những sai lầm trong quá khứ. Chúng ta đã không học được từ lịch sử điều gì ...”
Sử dụng các công cụ ngoại giao
Trong việc tìm cách thoát khỏi tình trạng hiện tại, Đức Hồng y Parolin lưu ý rằng “chắc chắn cần có sự dấn thân của mọi người để cố gắng trước tiên nhằm hạn chế cuộc xung đột đã bùng phát một cách hoàn toàn đáng ngạc nhiên này. Ít nhất về phía chúng ta, không ai biết được những gì đã xảy ra sẽ tiếp tục xảy ra. Do đó tất cả các công cụ ngoại giao cần phải được sử dụng”.
Sống với công lý
Cuối cùng, Đức Hồng Y Parolin đã kêu gọi rằng “chúng ta phải tìm ra những điều kiện cho phép chúng ta sống với công lý”, bởi vì như Đức Giáo Hoàng Piô XII đã nói trước đây “hòa bình là hoa quả của công lý”. Vì vậy, chúng ta cần “tìm cách giải quyết vấn đề bi thảm này trong mối quan hệ giữa người Palestine và người Israel trên cơ sở công lý. Chỉ điều này mới có thể bảo đảm một nền hòa bình ổn định và sự chung sống hòa bình và hiệu quả giữa hai dân tộc”.
Theo Vatican News (10/10/2023)
245 11-10-2023