Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

ĐTC Phanxicô tiếp kiến Hội nghị quốc tế “Centesimus Annus”

centesimusannus
Ảnh: Vatican Media


Sáng hôm 23/10/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến 200 tham dự viên Hội nghị quốc tế về đề tài: “Liên đới, cộng tác và trách nhiệm: thuốc giải chống bất công, bất bình đẳng và loại trừ”. Ngài đề cao giá trị của đạo lý xã hội Công giáo và đánh giá cao sự dấn thân của Hội “Centesimus Annus phò Đức Giáo hoàng” đã tổ chức hội nghị này trong hai ngày 21 và 22/10 vừa qua.

Hội “Centesimus Annus” được một số doanh nhân và chuyên gia tài chánh Công giáo thành lập, lấy hứng từ Thông điệp “Centesimus Annus”, do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành năm 1991, nhân kỷ niệm 100 năm Thông điệp xã hội “Rerum Novarum”, Tân Sự, của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII. Hội nhắm phổ biến các nguyên tắc cơ bản của đạo lý xã hội Công giáo, đồng thời Hội cũng tìm những nguồn tài chánh mới để hỗ trợ chi phí hoạt động của Tòa Thánh. Chủ tịch Hội hiện nay là bà giáo sư Anna Maria Tarantola.

Hội nghị vừa qua diễn ra tại Hội trường mới của Thượng Hội đồng Giám mục ở nội thành Vatican. Trong số các diễn giả tại Hội nghị, có ông Gérard Albert Mourou, giải Nobel vật lý năm 2021, và các vị lãnh đạo tại Tòa Thánh, như Đức Hồng y Pietro Parolin Quốc vụ khanh và Đức Tổng giám mục Paul Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nói đến những thách đố và bất công trong xã hội ngày nay, và nhận xét rằng “câu trả lời cho các bất công và bóc lột không phải chỉ là tố giác, nhưng nhất là tích cực thăng tiến điều thiện. Vì thế, tôi đánh giá cao anh chị em: vì những hoạt động anh chị em đang thi hành, đặc biệt trong lãnh vực giáo dục và đào tạo, nhất là dấn thân tài trợ các ngành học và nghiên cứu cho giới trẻ về những kiểu mẫu mới về phát triển kinh tế và xã hội, được đạo lý xã hội của Hội Thánh soi sáng. Đó là điều quan trọng và chúng ta đang cần điều đó; trong một lãnh vực bị ô nhiễm vì sự thống trị của tài chánh, chúng ta đang cần bao nhiêu những hạt giống làm nẩy mầm một nền kinh tế công bằng và mưu ích lợi, hợp với tầm mức và xứng đáng với con người. Điều này có nghĩa là đưa vào thực hành đạo lý xã hội của Hội Thánh”.

Đức Thánh Cha cũng nói rằng: “Đạo lý xã hội Công giáo ăn rễ sâu nơi Lời Chúa, để hướng dẫn những tiến trình thăng tiến con người, đi từ niềm tin nơi Thiên Chúa làm người. Vì thế, đạo lý này cần được thực hành, yêu mến và phát triển: chúng ta hãy tái say mê đạo lý xã hội của Hội Thánh và phổ biến đạo lý này: đó là một kho tàng của truyền thống Giáo Hội! Chính khi học hỏi nghiên cứu đạo lý này, mà anh chị em cũng được cảm thấy kêu gọi dấn thân chống lại những bất công, làm thương tổn đặc biệt những người yếu thế, và làm việc cho một tình huynh đệ đích thực và hữu hiệu”.

Theo G. Trần Đức Anh, O.P. - RVA (24/10/2021)

262    24-10-2021