Sidebar

Thứ Sáu
17.05.2024

Đức Giáo Hoàng Phanxicô trả lời phỏng vấn báo Tây Ban Nha El Paris

ĐỨC GIÁO HOÀNG

ĐỨC PHANXICÔ TRẢ LỜI PHỎNG VẤN

BÁO TÂY BAN NHA EL PARIS


 

Trang đầu nhật báo El Pais ngày 22 tháng 1-2017
 

Ngày 22 tháng 1-2017, nhật báo Tây Ban Nha El Pais đăng bài phỏng vấn Đức Phanxicô. Ngài đề cập đến nhiều vấn đề, từ sự Thánh thiện của Giáo hội đến các chỉ trích Giáo triều La Mã, từ Donald Trump đến vai trò của phụ nữ trong Giáo hội. Sau đây là bản tóm tắt các chủ đề:

 

Một Giáo hội gần với giáo dân
 

Đức Phanxicô khẳng định từ khi là giáo hoàng, ngài không thay đổi: “Thay đổi ở tuổi 76 là hóa trang”. Chắc chắn, ngài không thể làm tất cả những gì mình muốn, nhưng ngài vẫn giữ khía cạnh linh mục ngoài đường phố, luôn muốn gần với giáo dân. Điều ngài sợ nhất cho Giáo hội là Giáo hội xa giáo dân. Theo ngài, nạn giáo quyền là “tệ nạn xấu nhất đập vào Giáo hội ngày nay”. Một mục tử đánh thuốc mê làm họ xa thực tế thì họ trở thành công chức. “Một Giáo hội không mang ý nghĩa gần gũi thì không phải là một Giáo hội, đó là một cơ quan Phi Chính Phủ làm việc tốt. Sự gần gũi là có thể chạm vào người anh em trong thịt da của Chúa Kitô”.
 

Các Thánh làm cách mạng
 

Đức Phanxicô chỉ trích về việc người ta “dễ dàng nói về nạn tham nhũng của Giáo triều La Mã”. Ngài thừa nhận “có những người tham nhũng nhưng cũng có rất nhiều Thánh. Những người hy sinh đời mình để phục vụ người khác. Chính họ là những nhân vật chính làm nên lịch sử Giáo hội. Đức Phanxicô giải thích: “Đó là những người đã đốt cháy đời mình để rao giảng Phúc Âm. Các nhân vật thánh này là những người cứu chúng ta. Đó là cách mạng của các thánh. Các Thánh này cũng là người cha, người mẹ, người ông, người bà làm việc mỗi ngày trong nhân phẩm và chính bằng đời sống của mình, họ đã làm cho Giáo hội đi tới”. Và theo Đức Phanxicô “tầng lớp trung bình thánh thiện này và sự thánh thiện của những người này là vô biên”.
 

Sẵn sàng với chỉ trích trong tình anh em và cởi mở
 

Trả lời câu hỏi về các phản ứng của trào lưu truyền thống hiện nay, cho rằng mọi thay đổi là đi ngược với Giáo điều, Đức Phanxicô giải thích: “Tôi không làm một cuộc cách mạng nào. Tôi chỉ cố gắng làm cho Tin Mừng đi tới”. Nhưng “Cái mới của Tin Mừng luôn tạo sững sờ vì chủ yếu nó là chướng tai”. Ngài giải thích, ngài không cảm thấy mình không được hiểu, nhưng luôn được “đủ mọi người từ người trẻ đến người già tháp tùng…”. Ngài đề nghị, “nếu có ai không đồng ý thì ngài luôn sẵn sàng đối thoại, miễn là người đó đừng ném đá giấu tay”. Phản ứng như vậy là phạm tội. Mọi người đều có quyền thảo luận. Bàn thảo làm chúng ta gần nhau, chứ không phải vu khống làm chúng ta gần nhau.
 

Thần học giải phóng
 

Theo Đức Phanxicô, Thần học giải phóng là “tích cực ở Châu Mỹ La Tinh. Vatican đã lên án thành phần đã chọn cách phân tích thực tế theo chủ nghĩa mác xít. Đức Hồng y Cardinal Ratzinger đã viết hai chỉ dẫn. Một rất rõ ràng về phân tích chủ nghĩa mác xít và một phân tích khác về các khía cạnh tích cực. “Thần học giải phóng có những khía cạnh tích cực và những khía cạnh trệch hướng”.
 

Một nền kinh tế giết người
 

Đức Thánh Cha lặp lại lời mình đã nói: “Chúng ta sống trong chiến tranh thế giới thứ ba từng mảnh”. Và bây giờ người ta nói đến khả năng có chiến tranh nguyên tử, xem chiến tranh như trò “chơi bài”. Ngài lo lắng trước sự bất bình đẳng về mặt kinh tế của một “nhóm nhỏ chiếm 80% tài sản thế giới”. Điều đó có nghĩa “trọng tâm hệ thống kinh tế là Thần Tài, chứ không phải con người”. Chúng ta ở trong “nền kinh tế giết người”, nền kinh tế phát sinh “loại văn hóa phế bỏ”.
 

Không nên xét đoán Donald Trump quá sớm
 

Về tân tổng thống Mỹ, Đức Phanxicô khẳng định: “Chúng ta sẽ xem cái gì xảy ra. Tôi không thích dự đoán trước, cũng không thích phê phán ai quá sớm… Chúng ta sẽ thấy ông làm gì và khi đó chúng ta mới lượng định. Luôn luôn trên sự việc cụ thể. Kitô giáo là cụ thể, hoặc đó không phải là kitô giáo”.
 

Trong giai đoạn khủng hoảng, chúng ta đi tìm người cứu: đó là mị dân
 

Đức Phanxicô lo lắng khi nói đến vấn đề mị dân, ngài dựa vào chế độ mị dân ở Âu châu hơn là ở Châu Mỹ La Tinh. Ngài nêu ra ví dụ của chế độ phát xít Đức: một đất nước bị phá hủy đi “tìm bản sắc của mình và bầu lên người lãnh đạo có thể tái tạo bản sắc này. Họ tìm được Hitler, người “được dân bầu và sau đó người này tiêu hủy đất nước. Đó là nguy hiểm. Thiếu phân định trong giai đoạn khủng hoảng. Chúng ta tìm một người cứu mình, người tái tạo lại bản sắc cho chúng ta, và chúng ta tự vệ chống lại các dân tộc khác đã làm chúng ta mất bản sắc bằng các bức tường, bằng hàng rào kẽm gai hoặc với bất cứ gì. Như thế là rất nghiêm trọng, tôi lặp lại không ngừng: Xin quý vị đối thoại với nhau”.
 

Cứu giúp, đón nhận và hội nhập người di dân
 

Về vấn đề người tị nạn, Đức Phanxicô cho biết: “Biển Địa Trung Hải trở thành nấm mồ, đó là điều phải suy nghĩ”. Ngài ca ngợi nước Ý, dù gặp nhiều vấn đề của các vụ động đất, nước Ý vẫn tiếp tục nhận người tị nạn. Đó là những người đàn ông, đàn bà, trẻ con trốn nạn đói, trốn chiến tranh. Ngài khẳng định: “ Trước tất cả mọi chuyện, đầu tiên hết là cứu họ, đón nhận họ và hội nhập họ”. Ngài nhấn mạnh: “ Mỗi nước có quyền kiểm soát biên giới của mình, nhưng không có nước nào có quyền không cho công dân của mình đối thoại với người láng giềng của mình”. Đức Phanxicô nhắc lại sự dấn thân của Giáo hội trong việc đón tiếp người di dân và thường là làm trong thinh lặng.
 

Xây các cây cầu, không xây tường
 

Đức Phanxicô giải thích, đường lối ngoại giao của Vatican là xây cầu chứ không xây tường. Là người hòa giải chứ không phải người trung gian. Có nghĩa là hành động vì lợi ích cho hòa bình và công chính, không bảo vệ cho quyền lợi của mình nhưng là quyền lợi của các dân tộc.
 

Vai trò phụ nữ
 

Đức Phanxicô lên án nạn nô lệ của phụ nữ, nạn khai thác tình dục. Ngài nêu lên sự cần thiết phải nêu cao vai trò của phụ nữ trong Giáo hội.
 

Sức khỏe của Đức Bênêđictô XVI
 

Về vấn đề sức khỏe của Đức Bênêđictô, ngài cho biết Đức Bênêđictô XVI bị đau chân, phải dùng gậy. Nhưng Đức Bênêđictô XVI có một trí nhớ phi thường, ngài nhớ từng chi tiết.
 

Truyền hình
 

Đức Phanxicô cho biết từ 25 năm nay ngài không xem truyền hình. Ngài nói: “Đơn giản vì đã có lúc tôi cảm thấy Chúa đòi hỏi tôi điều này. Tôi đã hứa với Chúa ngày 16 tháng 7 năm 1990 và tôi không nhớ truyền hình”.
 

“Đối thoại cật lực” với Trung quốc
 

Đức Giáo hoàng đã nhắc lại lời mong muốn đi Trung quốc nếu ngài được mời. Các bất đồng ý kiến giữa hai nước vẫn còn, đáng kể trong vụ phong chức các giám mục của Giáo hội chính thức Trung quốc mà không được Tòa Thánh chấp nhận. Rôma không công nhận Hội đồng Giám mục Trung quốc. Tín hữu công giáo bị nhà nước kiểm soát, họ không được tự do giữ đạo. Các quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Trung quốc bị cắt đứt từ năm 1951. Đối thoại giữa hai nước đang cải thiện, nhưng vẫn tiếp tục ngoài hành lang. Một hội đồng Vatican-Trung quốc họp mỗi ba tháng để thương thảo các vấn đề này, ngài cho biết có một “đối thoại cật lực”  với Trung quốc.
 

Chúa không cất đi tính hài hước của tôi
 

Trong phần kết luận của mình, ký giả báo El Pais cho biết, ông đã gặp một người hạnh phúc làm Giáo hoàng. Đức Phanxicô trả lời ông: “Chúa nhân lành đã không cất đi tính hài hước của tôi”.
 

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

609    26-01-2017 22:07:48