Sidebar

Thứ Bảy
18.05.2024

Đức Hồng y Tauran, nhà ngoại giao của các đối thoại không thể được

 

Linh mục, nhà ngoại giao cao cấp, hồng y người Pháp Jean-Louis Tauran từ trần ngày 5 tháng 7 tại Mỹ. Ngài phục vụ ba triều giáo hoàng, ngài luôn mong muốn xây dựng đối thoại nhưng không phủ nhận căn tính của mình.

Ai cũng biết, nhưng không ai nhắc đến, và ngài lại càng không bao giờ nhắc, không bao giờ nhắc: Hồng y người Pháp Jean-Louis Tauran, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại và Liên tôn bị bệnh Parkinson từ nhiều năm nay. Ngài từ trần ngày 5 tháng 7 – 2018 ở Méridien (bang Connecticut, nước Mỹ) nơi ngài được săn sóc.

Từ ban-công của dinh Tông tòa Thánh Phêrô ở Rôma, thế giới biết đến ngài chiều 13 tháng 3 – 2013 khi ngài tuyên bố câu truyền thống: “Habemus papam”, chúng ta có giáo hoàng. Như thử bị ngạc nhiên vì chọn lựa táo bạo của các hồng y, với giọng nghẹn ngào, ngài tuyên bố câu trên. Dù vậy, trước đó ngài đã nói với báo Thập giá về việc ngài không sợ khi nói trước đám đông: “Từ trên ban-công cao này, người ta chỉ thấy trời”.

Kín đáo và nhiệt thành với thế giới

Kín đáo, suốt cuộc đời của nhà ngoại giao cao cấp này chính xác đi ngược với “mười lăm căn bệnh của giáo triều” mà Đức Phanxicô đã chẩn bệnh ngày 21 tháng 12 năm 2014 khi đọc lời chúc Giáng Sinh giáo triều.

Nhiệt thành với thế giới, từ định mệnh, từ các xác tín của mình, từ rất trẻ ngài đã chọn con đường ngoại giao, có thể do thời ngài hợp tác ở Liban năm 1965. Một đất nước mà sau này nhà ngoại giao trẻ tìm lại và đối với ngài, đây là “cánh cửa mở vào Trung Đông” của ngài. Và cũng là lò nung của một tình thương cho tín hữu kitô ở Trung Đông mà ngài ấp ủ suốt đời, ngài xin họ ở lại miền đất ngàn năm này, làm “nhịp cầu đối thoại” giữa các rạn nứt, “tin ở đó Chúa đã gieo họ”, và không bao giờ lờ đi các bách hại khủng khiếp đã giáng lên họ. 

Các lãnh vực cao của nền ngoại giao Tòa Thánh

Ngài chịu chức ngày 20 tháng 9 năm 1969 ở Bordeaux, nước Pháp, sau đó nhanh chóng ngài đến Rôma, vào học viện danh tiếng Giáo hoàng Học viện giáo sĩ, được mênh danh là “trường sứ thần”, rồi lên cao trong ngành ngoại giao. Ngài thường hay nói: “Tôi càng cảm thấy mình là người Rôma thì tôi càng mở ra với toàn thế giới”.

Ngày 1 tháng 12 năm 1990, khi ngài mới 47 tuổi, Đức Gioan-Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Thứ trưởng Ngoại giao, ngài chưa bao giờ làm sứ thần, Đức Gioan-Phaolô II nói đùa: “Cha còn trẻ, nhưng bệnh trẻ này chóng qua…”.

Luôn trung tín và chân thành, Đức Hồng y Jean-Louis Tauran làm việc dưới ba triều giáo hoàng qua hai thế kỷ, từ bức tường Bá Linh sụp đổ đến hiệp ước Helsinki (mà ngài là một trong các nhân vật chính), cho đến khi nhóm Hồi giáo cực đoan nổi lên mà ngài luôn chỉ trích khắc khe, xem đây là “kẻ thù chung của tín hữu kitô và tín hữu hồi giáo”.

Các chiến tranh Vùng Vịnh, Irak, chiến tranh ở cựu Yougoslavia, nạn diệt chủng ở Rwanda đã làm cho ngài gặp tất cả các nhân vật lớn trên thế giới, ngược xuôi trên 180 tòa sứ thần trên thế giới, ghi nhận “nơi con người có một nhu cầu vô biên được nhận biết và được yêu thương”. Một cái nhìn khác biệt nơi con người của quyền lực, cái nhìn vun xới cho hạnh phúc lớn nhất nơi những người đối thoại với ngài, từ những người khiêm tốn nhất đến những người quyền lực nhất. Phải thấy trong lời của ngài đã làm sáng lên, làm kinh ngạc cho cái nhìn của những nhà ngoại giao chuyên nghiệp mà với họ, dĩ nhiên không phải lúc nào ngài cũng chỉ nói với họ về ngoại giao… 

“Thổi bùng lên lương tâm con người”

Với các sứ thần tương lai ngài nói: “Nếu anh em chơi trò ngoại giao, anh em sẽ bị khinh thường. Nếu anh em cư xử như một linh mục, anh em sẽ được kính trọng”. Không mệt mỏi, ngài luôn xây dựng “gia đình các quốc gia” trong công chính và hòa bình, trong tự do tôn giáo và quyền của con người được can dự, tạo các điều kiện để đối thoại, ngài luôn trích câu của triết gia Pascal: “Đặc thù của sức mạnh là bảo vệ”. Ngày 20 tháng 11 – 2003, sau khi không còn đứng đầu ngành ngoại giao của Tòa Thánh, ngài xác nhận, “đặt mục tiêu cho con đường của con người, thổi bùng lên lương tâm con người, nhắc lại cho họ nhớ quyền và các dấn thân đã đồng ý, để dùng chữ mới nói lại sứ điệp phúc thật của phúc âm: ‘Phúc cho ai là nghệ nhân của hòa bình’”.

Sau mười ba năm đứng đầu ngành ngoại giao của Tòa Thánh, ngài đã mệt mỏi, ngày 24 tháng 11 năm 2003, Đức Gioan-Phaolô II biết ngài đam mê các triết gia Levinas và Descartes nên bổ nhiệm ngài làm quản thủ thư viện Tòa Thánh, nói một cách khác là Thư Viện Vatican, thư viện giữ một phần lớn ký ức thế giới.

Nhưng việc lui về với thế giới sách vở chỉ một thời gian ngắn. Ngày 25 tháng 6 năm 2006, bị điêu đứng do các hiểu lầm lặp đi lặp lại với thế giới hồi giáo, nhất là sau kết quả bi thảm của vụ “bài diễn văn Ratisbonne”, Đức Bênêđictô XVI đề cử hồng y Tauran đứng đầu Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn”, một đối thoại tế nhị và khó khăn. 

Bằng mọi giá, giữ đối thoại với người hồi giáo

Ở địa vị khó khăn và tế nhị này, hồng y Tauran cống hiến hết mình với các kinh nghiệm phong phú trong suốt cuộc đời ngoại giao của ngài. Đường hướng rõ ràng và được tiếp tục dưới triều giáo hoàng của Đức Phanxicô: bằng mọi giá, cả với giá của máu, phải giữ đối thoại với người hồi giáo. Bởi vì họ rất đông, từ Nam Dương đến Marốc, từ hàng giáo sĩ chiit đến Senegal, từ Thổ Nhĩ Kỳ ‘lương dân’ đến Ả rập sunnit, đến nước Nigeria khổng lồ…

Một con đường chông gai: hồng y mãnh liệt chống đối thuyết cho rằng, đây là do sốc của các nền văn minh, ngài thích khái niệm “sốc do vô minh”, nhận biết rõ các khó khăn của các đại diện, đưa đối thoại ở cấp ưu tú đến đối thoại với mọi người.

“Phục vụ, chăm sóc và giáo dục”

Bất di bất dịch về tự do chọn lựa tôn giáo, một chủ đề mà ngài biết là “cấm kỵ” đối với người hồi giáo, ngài chiến đấu suốt đời để “giáo dục cấp kỳ” cho các xác tín chung của tín hữu kitô và hồi giáo (đặc nét thiêng liêng của sự sống, phẩm chất gia đình, chống nạn nghèo khổ) tạo thành nền tảng cho các hành động chung để phục vụ xã hội: “Phục vụ, chăm sóc, giáo dục”.

Năm 2011, khi từ Nam Dương trở về, một nước có 90 % dân số là tín hữu hồi giáo, ngài nói với báo Thập giá niềm vui được phát triển mười lăm đại học công giáo và mười sáu đại chủng viện. Cuối năm 2011, ở Strasbourg, nước Pháp, ngài đưa ra ba thái độ mà theo ngài nên có khi đối thoại với các tôn giáo khác: “Bổn phận của căn tính (không che giấu mình là ai), can đảm của khác biệt và thẳng thắn trong chủ ý, tranh các quá độ của chủ nghĩa kéo bè kéo phái”.

Tháng 4 vừa qua, ngài còn ở Ả-rập Xê-út, ngài bảo vệ cho tự do tôn giáo và bình đẳng phẩm cách cho tất cả mọi tín hữu. Ngài nhấn mạnh đến lời phát biểu của Đức Phanxicô ở Đại học Ai Cập Al-Azhar tháng 4 năm 2017: “Tôn giáo chỉ có thể đề nghị, không bao giờ ép buộc và sau đó là chấp nhận hoặc từ chối”. 

“Với quả tim và trí tuệ, chúng ta có thể cứu thế giới”

Luôn đưa ra suy nghĩ của mình vượt lên sứ mạng của mình, ngay cả khi Đức Phanxicô hoàn toàn tin tưởng ở ngài, bổ nhiệm ngài làm hồng y nhiếp chính, ngài lo lắng: “Xã hội chúng ta không ý thức là cần phải được cứu”. Ghi nhận có sự “khủng hoảng ở tầng lớp ưu tú của các tín hữu kitô”, ngài báo động: “Biết suy nghĩ trở thành khó. Chúng ta quá thừa mứa thông tin, chúng ta có biết suy nghĩ không?” Trích lời của văn hào Dostọevsky, ngài nói: “Khi chúng ta làm Chúa biến mất khỏi chân trời của con người, thì con người ở trong tình trạng nguy hiểm và nó sẽ quỳ gối xuống trước bất cứ gì”. Theo ngài, “vấn đề lớn không phải là vô thần, nhưng là thờ ngẫu tượng”.

Dù vậy, cho đến cùng, ngài không bao giờ đánh mất hy vọng, ngài tin chắc, “với quả tim và trí tuệ, chúng ta có thể cứu thế giới”. Ngài chủ trương: “Rốt cùng, không có gì mang tính cách mạng hơn là kitô giáo”. Và câu hỏi tối hậu của ngài: “Khi nào kitô giáo sẽ bắt đầu tồn tại?”

 

Một tu sĩ Dòng Biển Đức rất thân với ngài đã nói với ngài: “Chính với lòng tốt mà chúng ta xây hạnh phúc chung quanh mình”. Suốt đời mình, Đức Hồng y Tauran đã thực hành câu châm ngôn này, một cách đơn sơ, ngài luôn từ chối không rơi vào cạm bẫy của thù hằn, ngài luôn nuôi dưỡng đối thoại dù và nhất là khi các đối thoại này xem như không thể được.

Marta An Nguyễn dịch

291    08-07-2018