Sidebar

Thứ Bảy
18.05.2024

Đức Phanxicô nói với trẻ con

Đức Phanxicô nói với trẻ con

 

 

 

 

Trong buổi gặp gỡ với chín ngàn đại diện học sinh của các Dòng Tên ở Ý và Albanie, tổ chức vào sáng thứ sáu 7-6-2013 tại Hội trường Phaolô VI, Đức Phanxicô đã làm cử tọa ngạc nhiên: thay vì đọc diễn văn đã soạn sẵn, ngài nói chuyện tự nhiên với những người trẻ, các giáo sư, phụ huynh và trả lời mười câu hỏi của họ.

 

Các con, các người trẻ thân mến,

 

Cha đã soạn bài diễn văn này để nói chuyện với các con… nhưng nó dài năm trang! Cũng khá chán… Cha muốn đề nghị với các con chuyện này: cha tóm tắt lại, còn bản viết chính thì cha sẽ đưa lại cho Cha giám tỉnh, cha cũng đưa cho linh mục Lombardi để các con có bài diễn văn viết của cha. Như thế, nếu các con muốn đặt câu hỏi thì chúng ta có thì giờ để nói chuyện. Như vậy có tiện cho các con không? Dạ có. Vậy là tốt. Chúng ta sẽ làm như thế.

 

Điểm đầu tiên trong bài diễn văn này cha muốn nói đến cách giáo dục của các tu sĩ Dòng Tên, trọng tâm của nền giáo dục này là phát huy lòng đại lượng. Chúng ta phải là những người hào hiệp, có tâm hồn cao cả, không biết sợ. Luôn luôn thách thức với những ý tưởng lớn. Nhưng cũng hào hiệp với các chuyện nhỏ, các chuyện hàng ngày. Quả tim hào hiệp, quả tim cao thượng. Điều quan trọng là phải cùng với Chúa Giêsu để đi tìm lòng hào hiệp này. Chúa Giêsu là người mở cánh cửa các chân trời cho chúng ta. Hào hiệp có nghĩa là đi với Chúa Giêsu, tâm hồn chú tâm đến những gì Chúa Giêsu nói với chúng ta. Trên con đường này, cha muốn nói vài lời với cô thầy, các nhân viên nhà trường và với các phụ huynh. Giáo dục. Trong lãnh vực giáo dục có một cân bằng cần duy trì, phải thăng bằng đi từng bước: một bước chắc nịch trên con đường an toàn nhưng bước kia thì đi trong vùng có nhiều cơ nguy. Và khi cơ nguy này trở nên an toàn thì bước kia bước tiếp trong vùng có cơ nguy. Chúng ta không thể chỉ giáo dục trên bề mặt an toàn: không. Nó sẽ ngăn cản con người lớn lên. Nhưng cũng không thể chỉ giáo dục trên con đường có nhiều nguy cơ: quá nguy hiểm. Anh chị em nhớ sự thăng bằng của các bước chân này.

 

Về phần các anh chị em nhà giáo, tôi muốn khuyến khích anh chị em thám hiểm các hình thức giáo dục mới, không theo quy ước đòi hỏi của nơi chốn, thời gian, con người. Trong tinh thần I-Nhã của chúng ta, điều này rất quan trọng: luôn luôn vượt lên cao, không bằng lòng theo các quy ước cũ. Luôn luôn tìm những hình thức mới tùy theo nơi chốn, thời gian và con người. Tôi khuyến khích các anh chị em làm điều này.

 

Bây giờ tôi sẵn sàng trả lời các câu hỏi của các người trẻ hay của các nhà giáo đặt. Tôi sẵn sàng rồi đây. Tôi xin cha giám tỉnh giúp tôi. 

 

Một bé trai: Con tên là Francesco Bassani, con học ở Trường Lêô XIII. Con là đứa con trai, như con đã viết trong thư gởi Cha, con đang cố gắng để tin. Con cố gắng, dạ, con cố gắng để là người tín hữu. Nhưng con gặp khó khăn. Thỉnh thoảng con nghi ngờ. Và con nghĩ điều này bình thường với tất cả những trẻ em ở tuổi con. Vì cha là Giáo hoàng và cha sẽ ở trong lòng con rất lâu, trong cuộc đời của con vì con gặp cha ở tuổi vị thành niên, ở tuổi mới lớn lên, con xin cha cho con vài lời để nâng đỡ con trong tiến trình tăng trưởng này và cũng là nâng đỡ những người trẻ khác như con.

 

Đức Phanxicô: Đi là một nghệ thuật, vì nếu lúc nào chúng ta cũng đi nhanh thì chúng ta sẽ mệt và sẽ không đi xong, đi đến cuối con đường. Ngược lại, nếu chúng ta ngừng thì chúng ta cũng sẽ không đi đến cùng. Đi, chính là nghệ thuật nhìn về chân trời nhưng cũng là chịu đựng sự mệt mỏi của con đường. Và thường thường, con đường thì khó khăn, nó không dễ chút nào. “Tôi muốn trung thành với con đường này, nhưng không dễ, các con nghe này: sẽ có bóng tối, sẽ có những ngày u buồn, những ngày thất bại, những ngày mình bị té…, bị té, bị rơi, bị ngã”. Nhưng các con luôn luôn nghĩ đến điều này: đừng sợ thất bại, đừng sợ bị ngã. Trong nghệ thuật đi, điều quan trọng không phải là bị té nhưng là “không nằm bệt xuống đất”. Đứng dậy ngay lập tức và tiếp tục đi. Và điều này rất đẹp: phải làm việc mỗi ngày, phải đi theo nhịp của con người. Nhưng phải nhớ: đi một mình không tốt, vừa không tốt và vừa chán. Cùng đi với cộng đoàn, với các bạn, với những người thương chúng ta: như thế sẽ giúp chúng ta đến được một cách chính xác mục tiêu chúng ta phải đạt. Cha không biết cha có trả lời đúng theo câu hỏi của con không. Đúng hả? Con không sợ con đường của con chứ. Cha cám ơn con.

 

Một cô gái nhỏ: Con tên là Sofia Grattarola, con học Trường  Massimiliano Massimo. Con muốn hỏi cha, cũng như tất cả các trẻ con, khi cha đi học tiểu học, cha có bạn không? Và bây giờ cha là Giáo hoàng, con muốn biết cha còn gặp họ không, các bạn của cha..?

 

Đức Phanxicô: Cha mới là Giáo hoàng từ hai tháng rưỡi nay. Các bạn của cha ở cách đây 14 giờ bay, họ ở rất xa. Nhưng cha muốn nói với con một điều: ba trong số các bạn đó đã đến thăm cha và chào cha, cha gặp họ và họ viết thư cho cha, cha thương họ lắm. Mình không thể sống không có bạn: tình bạn rất quan trọng, rất rất quan trọng. 

 

Một em bé gái: Con tên là Teresa. Thưa cha, cha có muốn thành Giáo hoàng không?

 

Đức Phanxicô: Con có hiểu thế nào là một người không thương chính bản thân mình không? Người nào muốn và thích được làm Giáo hoàng thì người đó không thương chính bản thân họ. Chúa không chúc lành cho họ. Không, cha không muốn trở thành Giáo hoàng. Con hiểu chứ? Con, con lại đây, lại đây.

 

Một bà: Trọng kính Đức Thánh Cha, chúng con là Monica và Antonella thuộc ca đoàn Học Sinh Thiên Cung của Trường Xã hội Turin. Chúng con được đào tạo trong các trường của Dòng Tên, chúng con thường có dịp suy nghĩ về linh đạo của thánh I-Nhã, chúng con xin hỏi cha: khi cha chọn đời sống tận hiến, điều gì thúc đẩy cha vào Dòng Tên thay vì đi tu triều hay chọn một dòng khác? Chúng con xin cám ơn cha.

 

Đức Phanxicô: Cha hay ở lại tại Trường Xã hội Turin. Cha biết nhiều trường này. Yếu tố làm cha thích Dòng Tên là khía cạnh truyền giáo của Dòng, cha muốn thành nhà truyền giáo. Khi cha học môn thần học, cha viết cho cha giám tỉnh lúc đó là cha Arrupe để ngài gởi cha đi Nhật hay đi bất cứ một nơi nào khác. Nhưng ngài đã suy nghĩ và đã trả lời cho cha với một đức ái cao cả: “Nhưng con bị đau phổi thì sẽ không tốt cho một công việc nặng nhọc như vậy”, và thế là cha ở lại Buenos Aires. Cha Arrupe quá nhân lành vì ngài không nói: “Con chưa thánh thiện đủ để trở thành nhà truyền giáo”: ngài thật nhân từ và giàu đức ái. Yếu tố mang đến cho cha sức mạnh để trở thành tu sĩ Dòng Tên là yếu tố truyền giáo: đi ra ngoài, đi theo sứ vụ để loan báo về Chúa Giêsu Kitô. Cha nghĩ đó là tinh thần của linh đạo chúng ta: đi ra ngoài, đi và luôn luôn đi để loan báo Chúa Giêsu Kitô, không khép mình trong các cơ cấu của chúng ta, thường thường đó là những cơ cấu tàn tạ. Yếu tố truyền giáo là yếu tố thúc đẩy cha. Cha cám ơn.

 

Một bà: Con tên là Caterina De Marchis ở trường Lêô XIII, con xin hỏi: Vì sao cha từ bỏ tất cả giàu sang của một Giáo hoàng như dinh thự Giáo hoàng, xe sang trọng, vì sao cha thích ở căn hộ bình thường, cha đi xe buýt với các giám mục? Vì sao cha từ bỏ các phương tiện giàu có này?

 

Đức Phanxicô: Cha nghĩ đây không phải là vấn đề giàu có. Theo cha, đây là vấn đề cá tính: đúng như vậy. Cha cần sống chung với người khác, nếu cha sống một mình, cha bị cô lập, như thế không tốt cho cha. Một giáo sư cũng đặt câu hỏi này với cha: “Vì sao cha không đến ở đó?:. Cha đã trả lời: “Thưa giáo sư, đó là lý do tâm lý”. Đó là cá tính của cha dù Dinh Giáo hoàng cũng không phải là sang trọng, con yên tâm… Nhưng con hiểu đó, cha không thể sống một mình. Thêm nữa, cha nghĩ, ở vào thời buổi này, người ta thường hay đề cập đến không biết bao nhiêu là vấn đề khổ nghèo trên thế giới, ở như thế sẽ chướng lắm. Trong một thế giới của thừa mứa, của dư giả, của cải có thể nuôi ăn cho tất cả mọi người thì chúng ta không hiểu vì sao lại còn có những em bé đói ăn, những em bé không được đến trường, còn bao nhiêu là người nghèo! Nạn nghèo đói ngày nay là một tiếng kêu thảm thiết. Chúng ta tất cả đều phải nghĩ mình nên nghèo hơn một chút: cả chúng ta, tất cả chúng ta phải làm vậy. Làm sao mình trở nên nghèo hơn để giống Chúa Giêsu hơn, Đấng là người nghèo khó? Đó là vấn đề. Nhưng đó không phải là vấn đề đạo đức cá nhân, chỉ là cha không thể sống một mình, xe cộ cũng vậy, những chuyện mà con nói: không nên có quá nhiều và trở nên nghèo hơn một chút. 

 

Một em bé trai: Con tên là Eugenio Serafini, con học ở Trường CEI (Trung tâm Giáo dục I-Nhã – Centre d’éducation ignacien). Con muốn hỏi cha một câu hỏi ngắn: làm sao cha quyết định đi tu? Cha làm như thế nào? Khi từ bỏ gia đình và bạn bè cha có thấy khó không?

 

Đức Phanxicô: Con nghe cha nè, từ bỏ gia đình luôn luôn khó, luôn luôn. Đối với cha, chuyện này rất khó. Không có dễ chút nào. Có những lúc tốt đẹp, Chúa giúp đỡ mình, cho mình một chút niềm vui. Nhưng cũng có những lúc khó khăn, con cảm thấy cô độc, con cảm thấy khô khan, con không có niềm vui nội tâm. Có những khó khăn. Nhưng theo Chúa Giêsu là một điều tốt đẹp, con đi theo con đường của Chúa Giêsu, con giữ thăng bằng và con tiến tới đàng trước. Sau đó sẽ đến những giây phút đẹp hơn. Nhưng không ai được nghĩ là đời sống sẽ không có khó khăn. Bây giờ cha muốn đặt cho con một câu hỏi. Con suy nghĩ nhé, với bao nhiêu khó khăn làm sao mình đi tới đàng trước? Không phải là chuyện dễ. Nhưng mình phải đi tới đàng trước với tất cả sức mạnh và lòng tin tưởng vào Chúa, với Chúa mọi sự đều có thể được.

 

Một cô gái trẻ: Con xin chào cha, con tên là Federica Iaccarino, con học ở trường Pontano ở Naples. Con muốn xin cha một lời khuyên cho người trẻ ngày hôm nay vì nước Ý đang trải qua một giai đoạn rất khó khăn. Con xin cha giúp để cải thiện tình trạng này để những người trẻ như chúng con có thể tiến tời đàng trước.

 

Đức Phanxicô: Con nói nước Ý đang trải qua một giai đoạn khó khăn. Đúng, nước Ý đang đi qua cơn khủng hoảng. Nhưng cha muốn nói với con: không phải chỉ có nước Ý mới gặp khủng hoảng. Trong lúc này toàn thế giới đang đi qua cơn khủng hoảng. Và khủng hoảng không phải là một chuyện xấu. Đúng là khủng hoảng làm cho chúng ta khổ nhưng chúng ta phải – nhất là những người trẻ – biết đọc ý nghĩa của cơn khủng hoảng. Cơn khủng hoảng này có ý nghĩa gì? Tôi phải làm gì để giúp đi ra khỏi cơn khủng hoảng? Cơn khủng hoảng mà chúng ta sống hiện nay là cơn khủng hoảng của nhân loại. Người ta sẽ nói: nhưng đó là cơn khủng hoảng kinh tế, cơn khủng hoảng của việc làm. Đúng, rất đúng. Nhưng tại sao? Bởi vì vấn đề việc làm, vấn đề kinh tế là hệ quả của vấn đề lớn là vấn đề nhân loại. Chính giá trị nhân bản đang khủng hoảng và chúng ta, chúng ta phải bảo vệ giá trị nhân bản. Trong lúc này… Nhưng cha đã nói điều này ba lần, bây giờ là lần thứ tư. Một ngày nọ cha đọc câu chuyện kể một giáo sĩ thời Trung cổ, từ năm 1200. Vị giáo sĩ này kể cho người Do Thái nghe câu chuyện tháp Babel. Xây tháp Babel không phải dễ: người ta phải dựng từng viên gạch. Và người ta làm gạch như thế nào? Người ta lấy bùn, lấy rơm trộn với nhau, mang vào lò nung phải qua rất nhiều công đoạn mới có được viên gạch. Sau các công đoạn này, mỗi viên gạch là một gia tài quý giá! Rồi họ mang gạch lên cao để xây tháp Babel. Một hòn gạch bị rơi là cả một thảm kịch: họ sẽ phạt người thợ đã làm rơi! Nhưng nếu có một người bị rơi thì đó không phải là chuyện quan trọng! Đó là cơn khủng hoảng chúng ta đang sống hiện nay, cơn khủng hoảng nhân bản. Ngày nay con người không đáng giá, đáng giá là tiền bạc. Và Thiên Chúa đã cho loài người tất cả tạo vật, Ngài đã ban tạo vật cho từng người, đàn ông cũng như đàn bà để họ quản trị, Chúa không giao cho loài người tiền bạc. Đó là khủng hoảng, chính con người bị khủng hoảng vì con người ngày hôm nay – các con nghe rõ – là nô lệ! Và chúng ta phải giải phóng mình ra khỏi các cơ cấu kinh tế và xã hội này, những cơ cấu làm chúng ta thành nô lệ. Đây là bổn phận của các con.

 

Một em bé: Con xin chào cha, con tên là Francesco Vin, con học trường Thánh I-Nhã ở Messine. Con muốn biết cha có  đến Sicile không?

 

Đức Phanxicô: Không. Cha có thể nói hai chuyện: không hoặc chưa, cha chưa đến.

 

Nếu cha đến, chúng con chờ cha ở đó!

 

Đức Phanxicô: Cha kể con nghe: cha biết Sicile nhờ xem phim, cách đây mười năm cha có xem phim tên là Kaos. Đó là cuốn phim dựa trên bốn câu chuyện của Pirandello, phim rất hay. Xem phim đó cha cha được nhìn phong cảnh tuyệt đẹp của Sicile. Đó là điều duy nhất cha biết về Sicile. Rất đẹp! 

 

Một giáo sư: Con dạy tiếng Tây Ban Nha vì con là người Tây Ban Nha: con xuất thân từ San Sebastian. Con cũng dạy môn tôn giáo và con có thể nói, các cô thầy, các giáo sư rất mến cha: điều này là chắc chắn. Con không nói nhân danh ai một cách đặc biệt nhưng khi con gặp bao nhiêu là cựu học sinh, bao nhiêu là nhân vật, cũng như chúng con là những người lớn, những thầy cô được các tu sĩ Dòng Tên đào tạo, con tự vấn về sự dấn thân trên các mặt xã hội, chính trị của chúng con trong xã hội, trong cương vị người lớn ở các trường của Dòng Tên. Xin cha nói cho chúng con biết một chút về cách mà chúng con dấn thân, công việc chúng con ngày nay ở Ý, trong thế giới, có thể mang tinh thần Dòng Tên, có thể mang tinh thần Phúc Âm.

 

Đức Phanxicô: Rất tốt. Dân thân vào chính trị là một nghĩa vụ đối với người Kitô. Là Kitô hữu, chúng ta không thể nào “đóng vai Philatô”, có nghĩa là chúng ta rửa tay: chúng ta không thể. Chúng ta phải tham dự vào chính trị vì đó là hình thức cao cả nhất của đức ái, vì nó đi tìm lợi ích chung. Các giáo dân phải làm việc cho chính trị. Các con sẽ nói với cha: “Nhưng không phải dễ!” Cũng không phải dễ để trở thành linh mục. Không có chuyện gì dễ trong cuộc sống. Cũng không phải dễ, vì chính trị thường biến thành tham nhũng: cha tự hỏi: vì sao nó thành tham nhũng? Có phải vì người Kitô hữu không tham dự vào chính trị với một tinh thần Phúc Âm chăng? Cha để lại câu hỏi này cho con: đổ tội cho người khác thì dễ dàng, “đó là lỗi của..”. Nhưng còn tôi, tôi làm gì? Đây là một bổn phận! Làm việc cho lợi ích chung là bổn phận của Kitô hữu! Con đường để làm việc cho lợi ích chung là con đường chính trị. Cũng có những con đường khác: làm giáo sư cũng là một con đường khác. Nhưng hoạt động chính trị vì lợi ích chung là một trong những con đường. Điều này thật rõ ràng. 

 

Một người trẻ: Thưa cha, con tên là Giacomo. Hôm nay con không đến đây một mình, con đi với rất nhiều người trẻ, chúng con ở trong Liên đoàn truyền giáo sinh viên. Đây là một phong trào có tính bề mặt vì phong trào có ở hầu hết các trường. Trọng kính cha, trước hết, con xin nhân danh các bạn cùng đi với con hôm nay, con xin cám ơn cha vì chúng con thấy trong các lời nói của cha một sứ điệp mang tính hy vọng mà trước đây, đôi khi chúng con phải đi tìm ở thế giới bên ngoài. Bây giờ chúng con nghe từ bên trong trường của chúng con, một cái gì mà chúng con cảm thấy rất mạnh. Nhất là, kính thưa cha, cho phép con được nói, ánh sáng này rọi chiếu nơi mà những người trẻ chúng con bắt đầu cảm thấy thật sự mất hy vọng. Như vậy chúng con xin hết lòng cám ơn cha, cha đã nói những điều thật nền tảng.

 

Câu hỏi của con là: qua kinh nghiệm cha đã biết, chúng con đã học để biết, để sống với nhiều hình thức khó nghèo khác nhau, nghèo khó về mặt vật chất – như nghèo khó ở nước Kenya mà trường chúng con kết nghĩa -; nghèo khó về mặt thiêng liêng – con nghĩ đến nước Roumania, con nghĩ đến những tình huống chính trị khó khăn, con nghĩ đến nạn nghiện rượu. Vậy thưa cha con muốn hỏi: làm sao chúng con, những người trẻ, có thể sống trong sự nghèo khó này? Chúng con phải cư xử như thế nào?

 

Đức Phanxicô: Trước hết, cha muốn nói với con một chuyện: các con đừng đánh mất hy vọng! Cha xin các con, đùng đánh mất hy vọng. Ai đã lấy mất hy vọng của các con? Giàu có của cải, tính huyênh hoang tự phụ, tính kiêu ngạo, tính tự đủ, tính thế gian. Tất cả những chuyện này lấy mất hy vọng của các con.

 

Các con tìm hy vọng ở đâu? Nơi Chúa Giêsu nghèo khó, Đấng xuống thế làm người nghèo hèn cho chúng ta. Còn con, con nói đến khó nghèo. Khó nghèo nhắc chúng ta phải gieo hy vọng để mình có được hy vọng nhiều hơn. Điều này hơi khó hiểu, nhưng cha còn nhớ cha Arrupe đã viết một bức thư rất hay cho Trung tâm Nghiên cứu Xã hội ở Các Trung Tâm Xã hội Dòng Tên. Ngài nói cách chúng ta phải nghiên cứu vấn đề xã hội. Và cuối cùng, ngài nói cho tất cả chúng ta: “Xin anh chị em lắng nghe, chúng ta không thể nói về người nghèo mà không có kinh nghiệm với người nghèo”. Các con kết nghĩa với trường học ở Kenya: đó là kinh nghiệm với người nghèo. Chúng ta không thể nói về nạn nghèo khó một cách trừu tượng, điều này không tồn tại! Nghèo khó là da thịt của Chúa Giêsu nghèo khó, nơi đứa bé bị đói, nơi người bệnh, nơi các cơ cấu bất công của xã hội. Các con hãy nhìn vào da thịt của Chúa Giêsu. Nhưng các con đừng để mất hy vọng vì thích thoải mái, mang tinh thần thích thoải mái cuối cùng sẽ  dẫn các con trở nên “chẳng là gì” trong đời sống! Người trẻ phải thách thức với những lý tưởng cao đẹp. Đó là lời khuyên của cha. Nhưng chúng ta tìm hy vọng ở đâu? Nơi da thịt của Chúa Giêsu đau khổ và trong sự khó nghèo đích thực. Có sợi giây nối kết của hai chuyện này. Cha cám ơn các con.

 

Bây giờ cha ban phép lành của Thiên Chúa cho tất cả chúng con, cho gia đình chúng con.

 

Marta An Nguyễn

 

669    30-12-2017