Sidebar

Thứ Sáu
17.05.2024

Đức tin và Sự nhẹ nhàng

 

Shusaku Endo, tác giả người Nhật của tiểu thuyết kinh điển, Thinh lặng (Silence) đã được Martin Scorsese chuyển thể thành phim, là người Công giáo, và ông thấy quê hương Nhật Bản của mình không phải lúc nào cũng cảm thông với đức tin của ông. Ông bị hiểu lầm, nhưng vẫn giữ được sự cân bằng và tấm lòng rộng lượng, là nhờ ông rất nhẹ nhàng, không nghiêm trọng hóa mọi chuyện. Đó chính là cách ông hợp nhất đức tin với cảm nghiệm riêng về các thất bại cá nhân, và cách ông giữ thái độ với một nền văn hóa hiểu lầm mình. Ông tin chính sự nhẹ nhàng làm cho đức tin sống được.

Ông nói đúng. Sự nhẹ nhàng khiến đức tin sống được, là vì sự hài hước và châm biếm cho chúng ta một thái độ cần có để tha thứ cho mình và cho người khác trước những yếu đuối và sai lầm của mình. Khi quá nghiêm trọng thì chẳng còn tha thứ, thậm chí là cả với bản thân mình.

Hài hước là gì? Nó có nghĩa là gì? Một thế hệ trước, Peter Berger đã viết quyển sách Chuyện của các Thiên thần (A Rumor of Angels), trong đó ông xem xét vấn đề hài hước theo cái nhìn triết học. Tôi thích kết luận của ông. Ông cho rằng, trong hài hước, chúng ta đạt đến sự siêu việt. Có thể cười trước một hoàn cảnh dù thương tâm hay thảm khốc đến đâu chẳng nữa, nghĩa là chúng ta đứng trên hoàn cảnh đó, trong chúng ta có điều gì đó không bị tình cảnh đó, hay bất kỳ tình cảnh nào giam hãm.

Trong các bài viết của nhà thơ người Nga, Anna Akhmatova, có một ví dụ tuyệt vời cho điều này. Trong thời kỳ thanh trừng của Stalin, chồng của bà đã bị bắt giam cùng với nhiều người khác. Bà thỉnh thoảng được đi thăm để đưa thư và đồ tiếp tế cho chồng. Khi đứng xếp hàng chờ trước nhà tù ở St. Petersburg, bà đứng bên cạnh các phụ nữ khác có chồng, con đang bị giam. Và hoàn cảnh còn  trớ trêu hơn. Trong số họ, không một ai biết liệu người thân của mình còn sống hay không, thế mà phải chờ bên ngoài hàng tiếng đồng hồ giữa tiết lạnh mùa đông. Một ngày nọ, khi đang đứng xếp hàng chờ, một bà khác nhận ra bà, tiến lại gần và hỏi, “Bà tả cảnh này được không?” Akhmatova trả lời, “Được,” và khi bà nói thế, dường như hai người thoáng cười với nhau.

Thoáng cười với nhau. Một nụ cười có sự nhẹ nhàng, cho phép họ, dù vô thức, nhận ra rằng họ vượt trên hoàn cảnh đó. Nụ cười giữa họ cho họ thấy rằng họ không chỉ là họ lúc này. Dù hoàn cảnh đó có kinh khủng đến đâu, thì xét cho cùng, họ vẫn không phải là tù nhân của thời khắc đó. Hơn nữa, nụ cười đó là một hành động bất chấp đầy tính chính trị và ngôn sứ, dựa trên đức tin. Sự nhẹ nhàng có sức mạnh lật đổ.

Điều này không chỉ đúng với cách chúng ta sống đức tin, mà còn đúng trong cách chúng ta sống sao cho lành mạnh trong gia đình. Một gia đình nghiêm trọng sẽ không có chỗ cho tha thứ. Sự nặng nề sẽ đẩy các thành viên trong gia đình dần rơi vào khổ sở hay bị đẩy ra xa gia đình. Hơn nữa, nó còn tạo nên một ngẫu tượng là chính sự nghiêm khắc nặng nề đó. Ngược lại, một gia đình có thể xem xét vấn đề nghiêm túc, nhưng vẫn có thể cười với nó sẽ là gia đình có tha thứ, bởi sự nhẹ nhàng cho họ cái nhìn lành mạnh trước các nhược điểm của mình. Một gia đình lành mạnh có lúc sẽ chân thành xem xét bản thân, và mang trong đầu nụ cười giữa bà Akhmatova và người bạn của mình mà nói rằng, “Mình đâu có bi đát!”

Và điều này cũng đúng với chủ nghĩa dân tộc. Chúng ta cần nghiêm túc với đất nước của mình, nhưng một chút nhẹ nhàng sẽ giữ sự nghiêm túc này đúng hướng. Tôi là một người Canada. Là người Canada, chúng tôi yêu đất nước mình, tự hào về nó và nếu cần, sẽ chết vì nó. Nhưng chúng tôi có sự nhẹ nhàng vô cùng trong lòng ái quốc. Chúng tôi nói đùa về đất nước mình, và vui vẻ khi người khác cũng nói đùa như thế. Thế là chúng tôi không có những tranh cãi chua cay về ai ái quốc , ai không. Sự nhẹ nhàng giữ chúng tôi thống nhất.

Dĩ nhiên, tất cả chuyện này càng đúng trong đức tin và linh đạo. Đức tin thật sự thì thâm sâu, đã trở nên một phần trong tâm hồn, một DNA chi phối hành vi. Hơn nữa, đức tin thực sự không tránh né chuyện thương tâm trong đời, nhưng trang bị cho chúng ta để đương đầu với sự nặng nề của cuộc đời mỗi lúc chúng ta thất vọng, thất bại, đau lòng, chịu bất công, chịu phản bội, tan tác chia ly, bệnh tật, suy giảm sức khỏe, và cuối cùng là cái chết. Đừng nhầm điều này với tinh thần lạc quan tự nhiên hay chủ ý chối bỏ chuyện xấu. Một đức tin thật, vì là thật nên khiến chúng ta nhận thức mơ hồ về định mệnh và sự siêu việt của mình, đức tin như thế sẽ luôn cho chúng ta sự khôn ngoan, hiểu biết, và nụ cười, bất chấp hoàn cảnh như thế nào. Như thánh Thomas More tử đạo, chúng ta sẽ có thể đùa một chút với người đao phủ, và sẽ có thể tha thứ cho người ta và cho bản thân mình vì không hoàn hảo.

Cuộc đời của chúng ta thường bi đát. Nhưng không sao. Chúng ta vẫn có thể cười được với nhau! Chúng ta đang được ở trong bàn tay ân cần. Thiên Chúa rõ ràng có hài hước, Ngài thông hiểu và tha thứ.

Thế mà trong linh đạo Kitô giáo có quá nhiều sách phải đặt tên là, Sự nặng nề không chịu nổi của Đức tin.

J.B. Thái Hòa dịch

614    06-12-2018