Sidebar

Thứ Sáu
17.05.2024

Đứng bên những đường biên giới mới

 

Trong Tin mừng có một câu chuyện rất đánh động kể về cuộc gặp giữa Chúa Giêsu với một phụ nữ gốc Syrophoenicia. Tâm điểm câu chuyện là địa điểm diễn ra cuộc trò chuyện. Chúa Giêsu gặp người phụ nữ ở biên giới Samaria. Với Chúa Giêsu, Samaria là vùng đất ngoại bang, cả về sắc tộc lẫn tôn giáo. Khi gặp người phụ nữ này, Ngài đang đứng ở vùng biên giới, vùng rìa của cách nhìn nhận bản thân chiếu theo tôn giáo.
Tôi tin rằng đây cũng là vị thế của Kitô hữu chúng ta thời nay, đứng bên biên giới của những tôn giáo khác, kể cả những anh chị em Hồi giáo. Kế hoạch quan trọng nhất của giáo hội chúng ta trong năm mươi năm nữa sẽ là vấn đề quan hệ với các tôn Giáo khác, là Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo, Lão giáo, các tôn giáo bản địa ở châu Mỹ và châu Phi, và nhiều dạng tôn giáo mới cũ khác, cả các đạo đa thần và phong trào Kỷ nguyên mới (New Age). Nói đơn giản, nếu mọi bạo lực phát sinh từ chủ nghĩa cực đoan tôn giáo chưa đủ để khiến chúng ta thức tỉnh, thì đúng là chúng ta đang trong cơn mê man đầy nguy hiểm. Chúng ta không còn chọn lựa nào khác. Thế giới đã trở thành một ngôi làng, một cộng đồng, một gia đình chung và trừ phi chúng ta bắt đầu hiểu và đón nhận nhau cách sâu sắc hơn, thì chúng ta sẽ không bao giờ có một thế giới yên bình.
Hơn nữa, với các Kitô hữu chúng ta, mối đe dọa của thù hận và bạo lực đến từ các tôn giáo khác không phải là nguyên nhân chính để chúng ta phải thông hiểu các tin hữu không Kitô giáo hơn. Nguyên nhân sâu xa hơn là Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ đã mời gọi chúng ta làm thế. Thiên Chúa của chúng ta mời gọi chúng ta nhìn nhận và chào đón mọi người có đức tin thành tín, xem họ là anh chị em trong đức tin. Chúa Giêsu đã nói rất rõ điều này trong những lời của Ngài, nhiều lúc rõ ràng đến mức khó nghe. Ai là anh chị em tôi? Là những ai nghe lời Chúa và tuân giữ. Không phải là những người nói “Lạy Chúa” thì được vào Nước Trời, nhưng là những người thực thi thánh ý Thiên Chúa trên đời này. Ai có thể phủ nhận rằng có nhiều người không Kitô giáo lại đang thực thi thánh ý Chúa trên đời đó sao?
Nhưng còn chủ nghĩa cực đoan, bạo lực và những biểu hiện sai lầm của tôn giáo mà chúng ta thường thấy nơi những tôn giáo khác thì sao? Với những chuyện kinh khủng người ta làm nhân danh các tôn giáo khác, chúng ta có thể thực sự xem những tôn giáo đó là tôn giáo thật hay không?
Như Huston Smith đã nói, phải phán xét mọi tôn giáo dựa trên những biểu hiện cao nhất và những vị thánh, chứ không phải dựa trên những kẻ lầm lạc. Điều này cũng đúng với Kitô giáo. Chúng ta mong người khác không phán xét chúng ta bằng những thời kỳ tăm tối nhất hay bằng những hành động tồi tệ nhất mà các Kitô hữu từng làm nhân danh tôn giáo. Chúng ta mong được đánh giá qua các vị thánh và những việc tốt lành mà các Kitô hữu đã làm trong lịch sử. Chúng ta cũng phải hiểu các tôn giáo khác như thế. Và các tôn giáo khác tận bản chất và nơi những biểu hiện tốt nhất của họ mời gọi chúng ta đến với chân thiện mỹ, và tất cả các tôn giáo đều phát xuất những thánh nhân.
Nhưng còn sự độc nhất của Chúa Kitô thì sao? Câu Chúa Kitô nói Ngài là đường, là sự thật và là sự sống, và không ai có thể đến với Thiên Chúa mà không qua Ngài thì sao?
Qua 2000 năm lịch sử, thần học Kitô giáo chưa từng quay lưng lại với chân lý và sự độc nhất này, trừ một vài thần học gia với quan điểm không được Giáo hội chấp nhận. Vậy làm sao chúng ta nhìn chân lý của các tôn giáo khác theo tinh thần rằng Chúa Kitô là con đường duy nhất để đến với Thiên Chúa là Cha?
Thần học Kitô giáo (chắc chắn đúng với thần học Công giáo La Mã) luôn chấp nhận và tiên phong dạy rằng Mầu nhiệm Chúa Kitô lớn lao hơn nhiều so với những gì chúng ta có thể quan sát trong Kitô giáo lịch sử hữu hình và trong các giáo hội Kitô giáo trong lịch sử. Chúa Kitô thì lớn hơn các Giáo hội của chúng ta và vượt xa tầm của Giáo hội. Ngài vẫn nhắc nhở Giáo hội một câu mà Ngài từng nói với mẹ mình: “Con phải lo việc của Cha con.”
Trước đây, chúng ta thể hiện câu này bằng cách xác nhận rằng Thân thể Chúa Kitô, thân thể trọn vẹn của những kẻ tin, có cả yếu tố hữu hình và vô hình. Trong những tín hữu được rửa tội, chúng ta thấy Thân thể hữu hình của Chúa Kitô. Tuy nhiên, cùng lúc đó, chúng ta biết rằng có vô số những người khác vì vô số lý do không phải lỗi của họ đã không được rửa tội và không tuyên xưng một đức tin dứt khoát nơi Chúa Kitô, nhưng nhờ thiện tâm và hành động tốt lành mà được xem là như chúng ta trong đức tin.
Một vài người có thể ngạc nhiên với chuyện này, nhưng thật sự là, giáo lý của Giáo hội Công giáo La Mã nói rằng những người thật tâm trong bất kỳ tôn giáo nào đều có thể được cứu rỗi dù không trở thành Kitô hữu, và bất kỳ ai dạy ngược lại đều là dị giáo. Điều này dựa trên một nhận thức về Thiên Chúa mà các Kitô hữu chúng ta tôn thờ. Thiên Chúa hiện thân nơi Chúa Giêsu mong muốn cứu rỗi hết tất cả mọi người và không làm ngơ trước đức tin chân thành của hàng tỉ người trong hàng ngàn năm qua. Sẽ là không tôn trọng đức tin của mình nếu chúng ta giảng dạy khác đi. Tất cả chúng ta đều là con cái Chúa.
Đến tận cùng, chỉ có một Thiên Chúa là Cha của tất cả chúng ta, bất kể tôn giáo nào.
J.B. Thái Hòa dịch
421    07-08-2018