Sidebar

Thứ Bảy
18.05.2024

“Đúng, ngài bướng bỉnh”: các giai thoại của Đức ông Vigano, bộ trưởng bộ Truyền thông

 

Đức ông Dario Edoardo Vigano, người Ý, bộ trưởng bộ Truyền thông, cũng tựa như ông Jacques Séguéla, nhà truyền thông người Pháp. Đức ông Dario Vigano, 55 tuổi, quản lý truyền thông của Đức Phanxicô. Đức ông cho chúng tôi biết một vài câu chuyện lý thú của ngài.

Với một “ông chủ” có thể thay đổi bài diễn văn của mình giờ chót, thay đổi lịch làm việc như thay áo chùng, đi thăm người vô gia cư không ai biết, thì Đức ông Dario Edoardo Vigano không thiếu việc làm. Cha lo việc truyền thông cho Đức Giáo hoàng, từ truyền thanh, truyền hình, báo hàng ngày cho đến các trang mạng xã hội… của Vatican. Chính cha là người đưa Đức Phanxicô đến với mạng xã hội Instagram. Năm 2015, cha vào làm việc ở bộ Truyền thông. Cha đến Paris để giới thiệu quyển sách của mình “Chào anh chị em! Truyền thông của Giáo hoàng Phanxicô: một cách mạng”, Nxb. Bayard. Quyển sách giải mã “phương cách” cách mạng của Đức Phanxicô. Chúng tôi có buổi phỏng vấn với Đức ông.

Với một giáo hoàng nhiều bất ngờ, quản lý cách truyền thông của ngài có khó không? 

Đức ông Dario Edoardo Vigano. Đức Phanxicô bất ngờ vì ngài không để mình bị giam trong hình thức, trong các nghi thức nghi lễ khác nhau. Chúng tôi biết, ngài giao tiếp mạnh hơn qua sự hiện diện, qua gần gũi, qua vòng ôm của ngài với giáo dân… Trong các lần ngài xuất hiện ở Quảng trường Thánh Phêrô, người quay phim của đài truyền hình Vatican phải chú ý nhiều đến các cử chỉ của ngài, có thể bất ngờ, nhưng trên thực tế, đối với chúng tôi điều này không còn bất ngờ vì chúng tôi đã quen với ngài như vậy!

Nhà xã hội học người Pháp Dominique Wolton, vừa xuất bản quyển sách nói chuyện trao đổi với ngài, ông khuyên ngài nên làm cho lời của mình trở nên hiếm. Đức Phanxicô có nói nhiều quá không?

Lời phê bình cho rằng ngài xuất hiện nhiều, ngài nói hơi nhiều là lời phê bình tốt, nhưng nếu ngài nghe theo lời khuyên này là để làm cho quyển sách của ông Wolton thành công! Đức Phanxicô không phải chỉ nói cho các người trí thức. Ngài có thể nói được với cả những người thấp hèn, những người vô gia cư… 

Khi ngài gọi điện thoại cho ai, thì đó là ý tưởng của ngài hay của bộ?

Không, ngài tự quyết định, do sáng kiến tự phát của ngài. Ngài không có chiến thuật đánh bóng cho hình ảnh của mình. 

Đường lối giao tiếp của ngài có bất trắc không?

Truyền thông là có bất trắc, phải có một cách tính toán nào đó trong mức độ có thể chấp nhận được. Tháng 2 vừa qua, trong video nói chuyện với đội bóng Super Bowl, khi đội này tranh chức vô địch nước Mỹ, ngài thâu một video. Ngài có hai bài chuẩn bị, một tiếng Anh, một tiếng Tây Ban Nha. Khi đó ngài hơi mệt và không có thì giờ để chuẩn bị bản tiếng Anh. Ngài mạo hiểm nói bằng tiếng Tây Ban Nha, trong bối cảnh có căng thẳng giữa Mêhicô và Mỹ.

Ngài có để cho an ninh của mình bị nguy hiểm khi quyết định ra khỏi xe giáo hoàng để trực tiếp chào giáo dân không?

Xác tín của ngài, là qua cách giao tiếp của mình, ngài loan báo Tin Mừng cho tín hữu bây giờ qua sự dịu dàng ân cần của ngài. Và để làm được như vậy, ngài không ngần ngại để mình bị hiểm nguy. Nhưng ban an ninh của giáo hoàng làm việc rất khéo cùng với các ban thông tin khác trong các buổi tiếp kiến chung ở Rôma hay trong các chuyến tông du. Không có quá nhiều sợ. 

Cha là người mê phim ảnh. Cha có cùng xem phim với Đức Giáo hoàng không?

Không, ngài không xem phim, cũng không xem truyền hình. Khi nhà đạo diễn Martin Scorsese đến Vatican để giới thiệu phim “Im lặng” (Silence), bộ phim nói về các tu sĩ truyền giáo Dòng Tên ở Nhật, ông có gặp Đức Giáo hoàng nhưng ngài không đến dự buổi trình chiếu phim. Khi còn là hồng y ở Buenos Aires, ngài có thói quen một tháng xem phim một lần với nhóm truyền thông của ngài. Theo dự trù, tháng 3 năm 2013, nhóm sẽ xem phim “Chúng ta đã có giáo hoàng, Habemus Papam” của đạo diễn Nanni Moretti, với diễn viên chính là tài tử Michel Piccoli. Nhưng lúc đó ngài phải lên đường đi Rôma dự mật nghị, ngài nói: “Giữ đó, khi nào tôi đi Rôma về thì mình sẽ xem”. Cuốn phim vẫn còn trong hộp ở Buenos Aires…

Đâu là các khuyết điểm của ngài?

Chính ngài, ngài biết mình nói “vâng” một cách dễ dàng. Trong các chuyến tông du của ngài, ngài chào tất cả các ký giả, từng người một và dĩ nhiên, tất cả đều xin ngài dành cho mình một cuộc phỏng vấn. Và cũng dĩ nhiên, ngài nói “vâng” với tất cả mọi người. Sau đó thì chính tôi là người lọc lại!! 

Ngài có vẻ bướng bỉnh, đúng không?

Đúng! (Cha dùng bàn tay đập mạnh trên bàn, ý muốn nói ngài rất bướng). Rất khó để làm ngài thay đổi ý kiến, nhưng chúng tôi có thể làm được.

Khi nào ngài đi Pháp?

Ai là người có thể biết được? Chỉ có ngài quyết định cho chuyến đi này. Tôi xin người Pháp cầu nguyện nhiều với Đức Mẹ Lộ Đức để thuyết phục ngài lên đường.

Ngài viết câu tweet như thế nào?

Bây giờ tài khoản Twitter của ngài có hơn 40 triệu người theo! Nhưng không phải ngài là người đánh máy các câu tweet. Ngài không có điện thoại di động cũng không có máy bảng. “Ngài tự cho mình là người Trung Cổ, không quen dùng các kỹ thuật mới”, Đức ông Vigano vừa cười vừa nói. Ngài cùng hợp tác với văn phòng phủ Quốc vụ khanh, “phân bộ” này điều hành các tài khoản Twitter Pontifex trong 9 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Pháp. Các câu “tweet líu lo” được chuẩn bị cho tháng sắp tới dựa trên các sự kiện (chẳng hạn tháng 11 có sự kiện Ngày Thế giới Người nghèo) và trình cho Đức Giáo hoàng. Đức ông cho biết: “Đức Phanxicô đọc tất cả các câu tweet và ngài chuẩn chi. Cũng có khi chính ngài đề nghị các câu tweet như trong trường hợp các câu nói về thượng hội đồng dành cho người tre”.

Marta An Nguyễn dịch

504    16-11-2017