Sidebar

Thứ Bảy
18.05.2024

Emmanuel Macron, một tổng thống có đức tin?

 


Samuel Pruvot, chúng ta có thể gọi ông là “người giải tội” của các chính trị gia. Samuel Pruvot, chủ bút báo Gia đình Công giáo (Famille Chrétienne), ông phụ trách trang chính trị của báo và đã từng phỏng vấn nhiều Tổng thống Pháp cũng như nhiều ứng viên trong lần tranh cử vừa qua. Ông luôn đặt cùng câu hỏi: đức tin của họ như thế nào?

Tác giả quyển sách Các ứng viên thú tội (Les candidats à confesse, nxb. du Rocher, 2017), ông Samuel Pruvot nói về đức tin của Tổng thống Emmanuel Macron sau khi gặp Đức Phanxicô.

Aleteia: Đâu là tiến trình đức tin của Emmanuel Macron?

Samuel Pruvot: Chỉ có Chúa mới biết tâm hồn ông. Nhưng có một sự kiện, năm 12 tuổi, ông xin rửa tội. Khi trao đổi trực tiếp với ông về chuyện này, người ta thấy ngay chiều sâu của kinh nghiệm này. Một kinh nghiệm trước hết mang tính tri thức trước khi là thiêng liêng. Khi đó ông còn ở tuổi vị thành niên, thấm đầy văn chương và rất hiếu kỳ, người muốn đến gần với kitô giáo. Môi trường dòng tên của Trường Quan phòng ở Amiens hỗ trợ cho ông rất nhiều. Ông rất nhạy cảm với tình bạn bè, ông xem kitô giáo không đối nghịch với cuộc sống, lại càng không đối nghịch với trí thông minh. Emmanuel Macron thú nhận sau đó ông đã xa đức tin khi đến tuổi vị thành niên. Ông nói đến một sự khó khăn với một vài nghi thức kitô giáo mà ông càng ngày càng khó thấy nét đẹp và giá trị của nó. Từ đó ông dần dần không còn giữ đạo, nhưng không cắt đứt và dứt khoát với đạo.

Cái gì còn lại nơi tổng thống trẻ Macron, người xin rửa tội lúc 12 tuổi?

Thật khó mà nói. Nhưng vẫn còn nơi ông một hình thức tôn giáo triết lý thấy rõ. Ông nhắc đến siêu việt khi nói về Chúa. Thậm chí ông nói đến một sự hiện diện của trống rỗng, thường xuyên, như một loại siêu hình đang chờ… Triết gia Paul Ricoeur đã có ảnh hưởng trên ông rất nhiều. Ông giữ một niềm say mê các bản văn thiêng liêng và nghệ thuật chú giải nó.

Đâu là tầm nhìn về thế tục của ông, tích cực hay tiêu cực?

Nếu so sánh ông với vị tiền nhiệm François Hollande thì tầm nhìn về thế tục của ông ít hẹp hòi hơn. Ông Emmanuel Macron xác tín tôn giáo là một phần của môi trường xã hội. Và cũng là một bối cảnh chính trị. Theo ông, chủ nghĩa chống giáo quyền thật sự đã xưa như trái đất. Đây là một người còn tương đối trẻ, một người của thế hệ hậu-kitô. Lời điểm là ông không có chuyện gì cần phải ‘giải quyết’ với Giáo hội. Khó khăn nơi ông là ông không thấy tôn giáo là nguồn ân sủng siêu nhiên. Nhưng ông lại thấy, theo cách tốt nhất, đây là nguồn quyền uy đạo đức đã trải qua nhiều thế kỷ. Và như vậy đã là một cái gì. Điều này xây dựng nơi ông sự tôn trọng chức giáo hoàng. Minh triết của ông, cũng như tính ngôn sứ của ông được thể hiện bởi Đức Phanxicô.

Một vài nhà phân tích giải thích, đứng trước trào lưu dâng cao của chủ nghĩa cực đoan hồi giáo, công giáo ngày càng trở nên đồng minh với tinh thần thế tục của nền Cộng hòa. Có phải đây cũng là cái nhìn của Tổng thống Emmanuel Macron không?

Emmanuel Macron cho rằng hồi giáo phải sống trong khuôn khổ đã được thiết lập của nền Cộng hòa. Ông hiểu năm 1905 đạo công giáo đã đau khổ nhiều với luật phân chia đạo và đời. Bây giờ ông yêu cầu hồi giáo cũng làm cùng công việc như vậy. Chắc chắn sẽ không dễ dàng và ông hiểu. Nhất là hồi giáo có một cái nhìn khác về tương quan giữa quyền uy thiêng liêng và thế gian, nhưng đây lại là một chuyện khác.

Các ứng viên thú tội (Les candidats à confesse, Samuel Pruvot, nhà xuất bản du Rocher, 2017).

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

477    28-06-2018