Sidebar

Thứ Bảy
18.05.2024

Gianluigi Nuzzi, nhân vật đáng ghét của Vatican

 

Ông là người dẫn đến các vụ rỏ rỉ Vatileak, đưa ra ánh sáng các vụ tai tiếng tài chánh và mafia ở Vatican. Trong một tác phẩm mới, ký giả người Ý kể các vụ lạm dụng tình dục xảy ra ngay tại Vatican.

Từ khi còn nhỏ, nhà báo Gianluigi Nuzzi đã quen thuộc với nhà thờ làng

Frioul, nơi ông thường được nghỉ hè ở đó. Còn ở trường tiểu học ở Milan, thành phố ông luôn an cư ở đây, cô giáo của ông là em họ của hồng y Albino Luciani, Tòa giám mục Venise, người sau này là Đức Gioan-Phaolô I nhậm chức ngày 16 tháng 8 – 1978, trước khi qua đời đột ngột ba mươi ba ngày sau đó. “Cô giáo thường nói cho chúng tôi nghe về ngài, về nụ cười và tính đơn sơ của ngài”.

Nếu ông đưa ra các chi tiết này là để chứng tỏ ông chẳng có gì chống với đạo công giáo, cũng như chống các giáo hoàng cách riêng, dù ngày 9 tháng 11 vừa qua, ông vừa phát hành quyển sách Tội nguyên tổ (Péché originel, Flammarion) vừa tiếng Pháp vừa tiếng Ý cùng một lúc. Quyển sách thứ tư của ông về các tiết lộ nội bộ Vatican. “Người ta có thể là tín hữu được rửa tội, có đức tin và làm điều tra về các thể chế tôn giáo, tôi không thấy có vấn đề gì ở đây”.

“Vatican là một nơi có những bí mật với bao nhiêu là vũ khí để chống lại quyền uy của giáo hoàng”. Gianluigi Nuzzi

Sau khi điều tra về cách điều hành đáng ngờ của Ngân hàng Vatican (IOR), còn được gọi là “ngân hàng giáo hoàng”, mà qua ngân hàng này tiền bạc của mafia và của các vụ hối lộ của các nhân vật chính trị được chuyển đến (Vatican SA, éd. Hugo et Cie, 2011); am hiểu cách quản trị tự do quá trớn của tài chánh Quốc gia Vatican (Đức Thánh Cha, Tai tiếng của Vatican (Sa Sainteté, scandale au Vatican, éd. Privé, 2012), một tai tiếng đã dẫn Đức Bênêđictô XVI đến việc từ nhiệm; cập nhật việc biển thủ quỹ dành cho người nghèo, Đường thánh giá, (Chemin de croix, Flammarion, 2015), lần này ký giả còn cho thấy các vụ lạm dụng tình dục xảy ra ở trường chuẩn bị-chủng viện Thánh Piô X, ngay dưới vòm Đền thờ Thánh Phêrô, chỉ cách Nhà Thánh Marta, nơi ở của Đức Phanxicô vài mét.

Trong căn bếp xinh đẹp nơi ký giả tiếp chúng tôi vào ngày chúa nhật tháng 11 này, ông Gianluigi Nuzzi 48 tuổi, đầu hói nhẵn giải thích, ông muốn trong quyển sách kể “mối dây liên hệ giữa máu, tình dục và tiền bạc, xây dựng lại mạng lưới chằng chịt trong đó, giáo hoàng bị giam giữ như tù nhân, kể cả các vị tiền nhiệm  trước ngài. Vatican là nơi của những áp lực qua về, nơi có những bí mật với bao nhiêu là vũ khí để chống lại quyền uy của giáo hoàng, những im lặng đè nặng như các nấm mồ. Một cách có hệ thống, hai khối quyền lực chạm trán nhau: những người muốn cải cách và những người không muốn cải cách, sợ bị khui ra các mưu mô thủ đoạn, giúp đỡ nhau, vì nhu cầu, vì hăm dọa.

An toàn không trụ vững

Nhân thể, ký giả Nuzzi dò tìm các ngõ ngách mới trong các việc xưa cũ. Vì sao Đức Gioan-Phaolô I chết? Vì sao một em bé gái Emanuela Orlandi 15 tuổi, con của một nhân viên Vatican biệt tăm một ngày tháng 6 năm 1983? Vì sao một trong các người bắt cóc bị cho là người ám sát em bé, một tay anh chị malavita rôma khét tiếng, bị ám sát năm 1990 lại được an nghĩ trong hầm mộ của đền thờ Thánh-Apollinaire, Rôma, một vinh dự bình thường dành cho các chức sắc nổi tiếng?

“Tôi cố gắng sống bình thường, tôi không dùng loại tin mật mã khó hiểu”. Gianluigi Nuzzi

Vì sao Vatican từ chối không hợp tác hoàn toàn với tòa án Ý về vụ này, một vụ ám ảnh nước Ý đến mức không tuần nào là báo chí không nói đến? Tại sao người tin tưởng của Đức Bênêđictô XVI, người đứng đầu Ngân hàng Vatican (IOR) bị cách chức không giải thích, ông lo sợ cho mạng sống của mình? Bao nhiêu câu hỏi làm cho người đọc cảm thấy e dè sợ hãi bức tường thành to lớn bao phủ Quốc gia và che giấu các bí mật của nó.

Trên bàn bếp còn các mẫu bánh sinh nhật. Trẻ con chơi ở phòng khách. Có chiếc máy pha cà-phê ở bàn làm việc, có máy cắt jambon còn mới toanh và một camera nhỏ đặt trên cửa cũng như ở tất cả các phòng khác. Người ta không bao giờ biết. Ký giả Nuzzi không giải thích vì sao một số hồ sơ mật ông đang làm khi viết quyển Đường thánh giá (Chemin de croix) lại được đăng trên báo trước khi quyển sách được phát hành, khi rỏ rỉ một phần các tiết lộ thì nó làm giảm nhẹ các hiệu quả. Ông nói: “Tôi cố gắng sống bình thường, tôi không dùng loại tin mật mã khó hiểu. Các camera này giúp tôi an tâm, vì khi đụng đến một Quốc gia mạnh như thế thì không có an toàn nào trụ vững.

Như một tiểu thuyết gián điệp 

Để làm cho chủng sinh trẻ Kamil Tadeusz Jarzembowski nói ra các lạm dụng tình dục ở trong tường thành Vatican, ký giả hẹn với Kamil ở bàn sân bên ngoài của khách sạn Marcella Royal Hotel. Một nơi công cộng, khó để theo dõi và đủ xa Tòa Thánh để bảo đảm cho sự kín mật của họ. Kamil là một chủng sinh trẻ người Ba Lan. Để tìm hiểu các tài liệu của Ngân hàng Vatican, ông trú ở villa kín đáo của một cô bạn ở ngoại ô của thủ đô Ý. Ông nhớ lại: “Thật lạ lùng, ở đó có những em bé gái đi học về, có con chó chơi ngoài bãi cỏ. Còn tôi thì xem xét các khoản thu nhập đáng nghi của Ngân hàng Vatican”.

“Tôi không phải là hộp thư. Tôi kiểm lại và tôi làm cho các thông tin ăn khớp với nhau”. Gianluigi Nuzzi

Gianluigi Nuzzi có hơi ngông không đây? Từ thành công của quyển Vatican SA (250 000 ấn bản ở Ý, được dịch ra 14 thứ tiếng), đây là điều tra đầu tiên của ông dựa trên tài liệu mật của Đức ông Renato Dardozzi, một cố vấn có ảnh hưởng của Tòa Thánh, khởi sinh các quyển sách càng ngày giống tiểu thuyết trinh thám, gần với “tầng ba”, tầng ở Vatican nơi có văn phòng Quốc Vụ Khanh, nói cách khác là chính quyền của Quốc gia nhỏ bé nhất thế giới.

“Thường thường chính những người cho tin tiếp xúc trực tiếp với tôi. Nhưng tôi không phải là cái hộp thư. Tôi kiểm lại và làm cho các thông tin ăn khớp với nhau”. Năm 2011, chính ông Paolo Gabriele, quản gia của Đức Bênêđictô XVI liên lạc với ông. Chính người thân tín này, người ở bên cạnh Đức Bênêđictô XVI trong các sinh hoạt hàng ngày, đôi khi còn xem truyền hình buổi tối với ngài, chính ông muốn mình là người đại diện “một nhóm người” tin chắc có “những lực đen tối và liên minh với nhau” để chống ý muốn cải cách Giáo hội mà Đức Bênêđictô XVI muốn tiến hành.

Để chứng minh điều này, ông Gabriele sao lại một phần các trao đổi của Đức Bênêđictô XVI với Đức ông Vigano, người có trách nhiệm trong việc quản trị Tòa Thánh hồi đó, và tiếp xúc với nhà báo. Hai người gặp nhau trong một căn hộ trống ở khu vực Prati, Rôma. Họ không nói chuyện với nhau trước khi kiểm các máy vi âm cài đặt giữa hai lần hẹn với ông Paolo Gabriele hay không. Các tài liệu quý giá này được cài vào lớp lót của áo vét của ông. Ông bị bắt ngày 23 tháng 5 năm 2012, bị ra tòa và bị kết án 18 tháng tù treo trước khi được Đức Bênêđictô XVI ân xá.

Tin vang dội và vụ án

Hai năm sau các vụ rỏ rỉ Vatileak đầu tiên, nhà báo còn giáng mạnh hơn khi ông có được hồ sơ của Ủy ban nghiên cứu về các hoạt động kinh tế và hành chính của Vatican (Cosea), một ủy ban kiểm soát tài chánh được Đức Phanxicô thiết lập ngay từ đầu triều giáo hoàng của ngài, tháng 3 năm 2013. Thêm một lần nữa, các người đưa tin tự ý tiếp xúc với ông, một vài người nói họ muốn giúp giáo hoàng thấy được các lệch lạc của giáo triều và các chi tiêu mà họ cho rằng “ngoài kiểm soát”.

Thêm một lần nữa, hai phe công khai chạm trán nhau: một bên, các  người quản lý khắc khổ và thanh đạm, tập hợp lại với nhau chung quanh Đức Phanxicô; bên kia là những người tiêu phí, những người quen với vương quyền, với những việc làm thiếu tế nhị và thích lộng lẫy huy hoàng như cựu hồng y Quốc Vụ Khanh Tarcisio Bertone, người vừa sửa căn hộ sang trọng có sân thượng hết 500 000 euro, một phần lấy từ ngân quỹ của Bệnh viện Nhi đồng Bambino Gesù, Rôma.

Một người, Đức ông Lucio Angel Vallejo Balda, một chức sắc bất mãn trong các tham vọng của mình, một phụ nữ, bà Francesca Immacolata Chaouqui, người dùng mánh khóe để có tiếng tăm, cả hai là thành viên của Ủy ban nghiên cứu về các hoạt động kinh tế và hành chính của Vatican (Cosea), thân cận với Opus Dei và có thể họ là tình nhân của nhau, cung cấp cho nhà báo có trong tay chìa khóa của một thông tin vang dội về vụ biển thủ ở mức độ cao của quỹ Thánh Phêrô, một quỹ do cả thế giới đóng góp để lo các việc từ thiện.

Nhưng lần này Vatican quyết định ra tay, chấp nhận bị lố bịch. Bị công an Tòa Thánh nghi ngờ, Balda và Chaouqui bị hỏi cung. Nhà báo Nuzzi cũng không thoát khỏi vụ án được mở ra vào ngày 24 tháng 11 năm 2015 vì “ăn cắp và tiết lộ bất hợp pháp các thông tin mật”, một tội có thể bị tám năm tù.

Ông cười: “Đó là lần đầu tiên tôi vào Vatican”. Tám tháng sau, ông được trắng án cùng với một đồng nghiệp khác – ông Emiliano Fittipaldi, người có cùng thông tin và đã xuất bản quyển sách Tham Lam (Avarizia, Feltrinelli). Francesca Chaouqui bị án treo. Chỉ có linh mục Balda bị mười tám tháng tù. Nhà báo Nuzzi nhớ lại: “Tôi rất sợ bản án dù khả năng tôi bị tù rất ít. Muốn vậy, Vatican phải yêu cầu để dẫn độ tôi (vì nhà báo Nuzzi là người Ý và ở Ý). Nhưng một trừng phạt như vậy sẽ làm cho một nhà báo như tôi bị Vatican lên án suốt đời”.

Sách bán chạy và là người tài giỏi ở truyền hình

Từ những ngày ra tòa này, ngồi trên băng ghế gỗ không thoải mái của các bị cáo, trong tòa án nhỏ xíu của Vatican, mỗi ngày chỉ có sáu đại diện nhà báo chọn lọc kỹ càng được tham dự, ông giữ kỷ niệm của một thừa phát lại mặc đồ đen đứng bên cạnh. “Một ngày, ông nghiêng về phía tôi và nói: ‘tôi không bao giờ bỏ qua một chương trình phát sóng của Quarto Grado’.”

“Lý thuyết về khối chống đối trong lòng Giáo hội của ông phải khôn khéo. Ở Rôma, chủ nghĩa bất động đứng hàng đầu”. Marco Politi, nhà văn.

“Quarto grado” (Cấp độ thứ tư) là một khung kính khác của nhà báo Gianluigi Nuzzi. Chương trình truyền hình này của nhóm Mediaset, ông Silvio Berlusconi là sở hữu chủ. Từ năm 2010, chương trình phát mỗi tuần một lần về các bí hiểm của “sổ đen hàng ngày” ở Ý (cronaca nera). Từ năm 2013, Nuzzi điều hành chương trình này. Các chữ “bi kịch”, “đưa ra”, “bí hiểm” là những chữ nhà báo dùng nhiều nhất, kèm theo đó là loại nhạc kinh dị để gây chú ý.

Buổi chiều chúa nhật 19 tháng 11 khi chúng tôi gặp nhau, chương trình phát sóng về cái chết khó hiểu của Đức Gioan-Phaolô I trong quyển sách của ông: nhồi máu cơ tim hay bị đầu độc? Chắc chắn người ta sẽ còn đặt câu hỏi này trong mười năm nữa. Buồn cười khi thấy hiệu quả của ‘Nuzzi người của truyền hình cổ động cho Nuzzi tác giả sách bán chạy’, rồi trên một chương trình thông tin-giải trí khác là các lời thú nhận của một trong số các nạn nhân bị cho là bị lạm dụng tình dục ở Vatican, với các quy chiếu của quyển sách của nhà điều tra Nuzzi. Một mẫu kinh tế hoàn hảo.

“Tôi không bao giờ nói về các quyển sách của ông. Đó là nguyên tắc, một nhà vatican học của một nhật báo Ý lớn bực mình trả lời trên điện thoại, ông xin giữ ẩn danh. Còn câu chuyện của những người cho mình bị lạm dụng tình dục, câu chuyện này cũng được đề nghị cho các nhà báo khác, nhưng họ thấy các chứng cớ này chưa đủ tin cậy”.

“Ở Rôma, chủ nghĩa bất động đứng hàng đầu”

Đàng sau những lời nói này là sự bực mình của những người mà hàng ngày phân tích kỹ các sinh hoạt của giáo hoàng và thấy cứ mỗi hai năm phát hành một quyển sách xem họ như những người thông đồng hay những người mù quáng. Nhà báo Nuzzi chế giễu: “Các nhà vatican học là các người giúp lễ, họ đặt đức tin trên công việc của mình, chính vì vậy họ hiếm khi đụng đến các vấn đề lớn. Tôi, tôi không sợ các sự việc cũng như hệ quả, tôi kể các chuyện này ra”.

Nhà văn Marco Politi, cựu ngòi viết của nhật báo La Repubblica, tác giả quyển Phanxicô giữa các con chó sói (François parmi les loups, éd. Seuil) thì độ lượng hơn. Để có thể làm tùy viên ở Maxcơva, ông biết các khó khăn khi điều tra về “Điện Cẩm Linh, Tử Cấm Thành hay Vatican, các quyền lực đàng sau các bức tường”. “Các quyển sách của nhà báo Nuzzi thì rất quan trọng để người công giáo hiểu các ưu tư kinh tế của giáo triều. Tuy nhiên lý thuyết về khối chống đối trong lòng Giáo hội của ông phải khôn khéo. Ở Rôma, chủ nghĩa bất động đứng hàng đầu. 20 % giáo triều ủng hộ Đức Giáo hoàng, 10 % chống và 70 % chờ triều giáo hoàng mới”. Cả một bối cảnh cho công việc của nhà báo Gianluigi Nuzzi.

Nhưng ông có muốn làm không? Ông lấy làm tiếc: “Các con buôn luôn ở đền thờ”. Trang 235 của quyển sách Tội nguyên tổ (Péché originel) ông viết: “Sẽ không tránh được phải xuống Hỏa ngục để khám phá các bí mật của cung điện thiêng liêng này ở đó, những bí mật mà bây giờ vẫn còn làm cho các cải cách của Đức Phanxicô thất bại”. Một cách thú nhận, ông sẽ không thế nào khám phá được.

Trong căn bếp của ông ở Milan, màn đêm buông xuống, ông mơ một chủ đề khác. Trong đầu ông là câu chuyện của hai phụ nữ mà một người bạn kể cho ông: một phụ nữ tham dự vào việc chế tạo bom nguyên tử, một phụ nữ chống đối. Hay một tác phẩm chính trị về “các tầm nhìn”. Đã đến lúc ông phải quyết định. Sự thành công các quyển sách giúp ông tránh cảnh thiếu thốn. Các nhà xuất bản cầu cạnh ông. “Không vì vậy mà tôi mua xe Ferrari, nhưng nhờ đó tôi có thể trả tiền học cho các con tôi học ở trường tốt”. Chính xác: đó là một trường công giáo.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

732    28-11-2017