Sidebar

Thứ Bảy
18.05.2024

Giáo Hội và đời sống tử đạo

Dẫn nhập

Trong những năm gần đây, một số nơi trên thế giới, nhất ở vùng Trung Đông đang phải hứng chịu những hành động cướp bóc, hãm hiếp, tự sát và khủng bố tàn bạo của IS (Islamic State – Nhà nước Hồi giáo tự xưng). Đối với thế giới nói chung, người ta cảm thấy những hành động ngang ngược của nhóm khủng bố IS là những tội ghê rợn và dã man, gây ra đau khổ, chết chóc cho bao người, vi phạm nhân quyền và làm suy giảm kinh tế và an ninh quốc gia... Thế nhưng đối với niềm tin của những tín đồ IS, thì những hành động đó lại là bằng chứng cho thấy họ là những anh hùng, những vị tử đạo và chắc chắn họ sẽ được hưởng lạc thú viên mãn đời sau. Riêng đối với Giáo hội Công giáo chúng ta, việc tử đạo rất được khuyến khích và tán dương trong mọi hoàn cảnh, có thể coi tử đạo chính là “linh đạo” của Giáo hội. Vậy phải chăng để được phúc tử đạo, Giáo hội cũng cần phải tiến hành những hành động khủng bố như IS vẫn đang làm? Chắc chắn là không, vì bản chất tử đạo mà Giáo hội Công giáo đang sống và hoàn thiện không chỉ dừng lại ở việc làm chứng cho đức tin, nhưng là sống chết cho một tình yêu và công lý.

Với đề tài Giáo Hội Với Đời Sống Tử Đạo, người viết sẽ trình bày theo nội dung sau: (1) Khái niệm tử đạo, (2) Thánh Kinh mặc khải về tử đạo, (3) Giáo hội với đời sống tử đạo.

1. Khái niệm tử đạo

Khi hỏi tử đạo là gì? Chắc ai ai cũng có thể trả lời cách nhanh chóng mà không cần suy nghĩ lâu: tử đạo là chết vì đạo. Theo tiếng Hy Lạp tử đạo (marturion) có nghĩa là sự làm chứng. Với người Kitô hữu thì tử đạo là làm chứng cho đức tin, làm chứng cho Đức Kitô bằng cái chết của chính mình (x. Cv 22,20). Đó là một ân huệ lớn lao mà chúng ta nhận được từ Thiên Chúa. Khi tử đạo, người Kitô hữu được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, Đấng đã chấp nhận cái chết để cứu độ muôn người. Họ nên giống Đức Kitô trong việc đổ máu để làm chứng cho đức tin.1 Trong giáo lý Giáo hội Công giáo cũng đã trình bày: “Sự tử đạo là việc làm chứng cao cả nhất cho chân lý đức tin; đó là sự làm chứng cho đến nỗi phải chết. Vị tử đạo làm chứng cho Đức Kitô, Đấng đã chết và đã sống lại, mà họ được liên kết với Người bằng đức mến.”2

Trên đây là khái niệm dựa vào hành vi tử đạo cách “anh hùng,” còn theo tư tưởng của thần học gia nổi tiếng Karl Rahner (1904-1984), chắc chắn sẽ có những vị “tử đạo ẩn danh,” tức là những người không phải Kitô hữu minh nhiên, nhưng đã dùng cái chết để làm chứng cho đức tin, cho luân thường đạo lý, đúng với lương tâm và xứng với nhân phẩm con người. Giáo hội coi những người này đã được nhận “Phép rửa bằng máu và ước muốn.”3

Ngoài khái niệm tử đạo phải đổ máu, Giáo hội còn tôn phong một hình thức khác nữa đó là “tử đạo” nhưng không đổ máu. Sở dĩ có hình thức này, vì một số người với lòng mến, họ đã chấp nhận mọi nghịch cảnh đến với cuộc đời của họ, họ coi đó như là cuộc thao luyện về đức tin.

Dù là hình thức nào đi nữa, chúng ta thấy động lực chính của tử đạo đó là lòng yêu mến Đức Kitô và muốn hiệp nhất nên một với Người. Nói cách khác, “tử đạo là hoa trái của tình yêu Đức Kitô.” Như vậy, Đức Kitô không những là mục đích của việc tử đạo, mà chính Người là Vị Tử Đạo nguyên khởi khi vâng phục Chúa Cha nhập thể và tự hiến trên thập giá (x. Pl 2,6-11). Chính Đức Giêsu cũng đã mặc khải điều này qua những lời rao giảng trong Thánh Kinh.4

2. Thánh Kinh mặc khải về tử đạo

Tử đạo theo cái nhìn của Giáo hội Công giáo đặt nền tảng trên mặc khải của Thánh Kinh cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Trong phần này, người viết chỉ trình bày cách sơ lược với một vài chứng cứ trong Cựu Ước; và nơi Tân Ước thì chỉ tập trung vào chính Đức Giêsu Kitô qua hy tế thập giá.

2.1. Tử đạo trong Cựu Ước

Trong Thông điệp “Deus Caritas Est,” Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI viết: “Lịch sử tình yêu của Thiên Chúa với Israel nằm trong chiều kích sâu thẳm ở chỗ, Người ban cho họ Torah (Lề Luật) có nghĩa là mở mắt cho họ thấy rõ bản chất đích thực của con người và vạch cho họ con đường để trở thành con người đúng đắn.”5 Lịch sử dân Israel đã từng bị bách hại bởi Vua Antiôkhô, thời Giuđa Macabê minh chứng điều đó. Vì sự trung thành với Lề Luật mà rất nhiều người phải chết cách đau đớn như kinh sư Elada, ông thà chấp nhận cái chết chứ không ăn thịt cúng. Khi sắp chết vì đòn vọt, ông vừa rên vừa nói: “Đức Chúa là Đấng thông suốt mọi sự, hẳn Người biết là dù có thể thoát chết, nhưng tôi vẫn cam chịu những lằn roi gây đau đớn dữ dằn trong thân xác, còn trong tâm hồn, tôi vui vẻ chịu khổ vì lòng kính sợ Người” (2 Mcb 6,30). Cũng trong thời gian đó, vì trung thành với Lề Luật mà bảy anh em cùng với bà mẹ trong một gia đình đã chịu tử đạo cùng một ngày; trước khi bị hành hình, người thứ nhất đã mạnh mẽ nói rằng: “Chúng tôi chết vì Luật pháp của Vua vũ trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời” (2 Mcb 7,9).

Qua hai câu chuyện trên, cho chúng ta thấy được ý nghĩa tử đạo trong thời Cựu Ước, là dùng cái chết để thể hiện sự trung thành trong đức tin vào Thiên Chúa qua việc tuân giữ Lề Luật và cũng thể hiện niềm hy vọng phục sinh đời sau. Sự trung thành trong đức tin đến hy sinh mạng sống mình tiếp tục trải dài trong Tân Ước và đỉnh cao là nơi thập giá Đức Kitô.

2.2. Tử đạo trong Tân Ước

Đức Giêsu, theo ý định của Chúa Cha nhập thể làm người. Khi đó, Người như chấp nhận đi vào một cuộc tử đạo thực sự, điều này được thể hiện rõ qua cuộc sống của Người ở trần gian (x. Pl 2,7-8). Từ mầu nhiệm giáng sinh đến cái chết đau đớn trên cây thập giá và sau cùng là cuộc chiến thắng vinh hiển qua biến cố phục sinh; đó là một hành trình “tử đạo” của chính Đức Giêsu.

Trong thời gian rao giảng, Đức Giêsu đã nói về người mục tử hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên (x. Ga 10,11), như hạt lúa gieo vào lòng đất phải chết đi (x. Ga 12,24) và nhiều dấu chỉ khác nữa như men, muối, ánh sáng... đều mạc khải về sứ vụ của Người khi đến trần gian là tự nguyện trao ban chính mình vì tình yêu, mà đỉnh cao là “hy lễ trên thập giá” cho con người. Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI đã viết:

“Chính cái chết trên thập tự của Đức Giêsu, biểu lộ một tình yêu cao cả đến độ Thiên Chúa chống lại chính mình, tình yêu của Người chống lại công lý của Người. Người Kitô hữu nhìn thấy mầu nhiệm Thập giá đang ẩn tàng trong đó: Thiên Chúa yêu thương con người đến độ trở thành con người, chạy theo họ cho đến độ đi vào cõi chết và với cách thức này đã giao hoà công lý với tình yêu.”6

Như vậy chính nơi Đức Giêsu đã mặc khải cho chúng ta đầy đủ nhất về chiều kích của tử đạo. Vì Giáo hội được chính Đức Giêsu thiết lập, nên Giáo hội cũng sẽ đi theo con đường mà Đức Giêsu đã đi, đó là qua thập giá đến vinh quang (x. Mt 10,38), đó là con đường của tình yêu tự hiến cho người mình yêu (x. Ga 15,13).

3. Giáo hội với đời sống tử đạo

3.1. Nguồn gốc của Giáo hội là tử đạo

Từ tình yêu Ba Ngôi trong tạo dựng (tử đạo qua trao ban), tình yêu khi Ngôi Hai nhập thể làm người (tử đạo qua vâng phục), hiến tế trên thập giá (tử đạo qua hiến dâng mạng sống) và phục sinh vinh hiển (triều thiên tử đạo), tình yêu Thiên Chúa vẫn hằng tiếp tục ở với Giáo hội qua Chúa Thánh Thần (tử đạo qua “đồng hành”), Giáo hội được phát xuất, đó là cách thức Thiên Chúa biểu lộ tình yêu và chia sẻ vinh quang của Người. Như vậy, Giáo hội là một thực tại phát xuất từ tình yêu, sống cho tình yêu và hướng đến tình yêu vĩnh cửu. Giáo hội đó chỉ thực sự hữu hình, khi chính Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người thiết lập, để tiếp tục mang ơn cứu độ của Người cho khắp cùng trái đất, sau khi Người chịu chết và phục sinh đã trao ban Thánh Thần, để từ đó Giáo hội chính thức được công khai. Vậy Giáo hội hữu hình ấy đã được sinh ra trong sự tử đạo, vì chính Đức Giêsu, Đầu của thân mình là Giáo hội đã tử đạo trên thập giá để cứu độ nhân loại, như thánh Gioan Kim Khẩu nói: “Từ cạnh sườn Đức Giêsu, máu và nước chảy ra khai sinh ra Giáo hội.” Hơn nữa, Giáo hội phải đi theo con đường mà Đức Giêsu đã đi, là con đường thập giá, con đường tình yêu (x. Ga 15,18-16,4); vì thế đã có biết bao vị anh hùng, bao nhiêu là cộng đoàn đã sống và làm chứng về một đức tin kiên vững. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã quả quyết: “Giáo hội của Thiên Chúa được sinh ra nhờ ân sủng của Người, ân sủng được diễn tả trong cách thức tuyệt vời là sự tử đạo.”7

3.2. Đời sống của Giáo hội là tử đạo

Giáo hội đổ máu để tiếp tục sống

Chúng ta tin tưởng rằng,“Những giọt máu đào của Đức Giêsu Kitô để lại, dưới sự hoạt động của Thần Khí đã không ngừng trổ sinh hoa trái.” Trong những thế kỷ đầu, chúng ta được biết đến vị tử đạo tiên khởi trong Giáo hội là thánh Stêphanô, người đã bị ném đá cho đến chết sau một bài dài cho giới lãnh đạo Do Thái về phụng vụ, đền thờ với thái độ giả hình và chủ động trong cái chết của Đức Giêsu (x. Cv 7). Sau là các thánh Tông Đồ, các Kitô hữu tại Giêrusalem đã bị bắt bớ dữ dội và giết chết khi rao giảng và làm chứng về Đức Kitô phục sinh (x. Cv 8,1-3). Chính Giáo hội đã cho đi những dòng máu tử đạo, để cũng từ máu đó mà Giáo hội tiếp tục sống mạnh mẽ hơn, như giáo phụ Tertullian đã xác tín: “Máu của các vị tử đạo sẽ là hạt giống phát sinh thêm nhiều Kitô hữu.” Đến thế kỷ thứ III, chúng ta thấy xuất hiện các hang toại đạo, là nơi sinh hoạt của Kitô hữu dưới thời bị bắt bớ, cấm đoán và giết hại, đó cũng là nơi chôn cất rất nhiều thi hài của người Kitô hữu chết vì đạo, trước khi có Sắc chỉ Milan (313) của hai hoàng đế Constantin và Licinius. Mặc dù tình hình đã ổn định hơn sau sắc chỉ Milan, nhưng thù địch của Giáo hội thì không bao giờ hết, như thánh Phêrô đã viết: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong Đức tin mà chống cự” (1 Pr 5,8-9a).

Trong lịch sử Giáo hội, chúng ta đã nghe đến những cuộc tấn công không những về bạo lực, mà còn nơi tư tưởng qua các học thuyết trong cũng như ngoài Giáo hội, nơi các tôn giáo, các phương tiện truyền thông... Khi đối diện với tất cả, Giáo hội phải luôn kiên vững trong đức tin để chống cự. Con cái Giáo hội sẽ noi gương các Thánh Tử đạo, sẵn sàng dùng mạng sống mình, để bảo vệ cho tình yêu và công lý được ngự trị. Tinh thần đó, đã được các giáo phụ nêu gương trong việc rao giảng và hộ giáo, sau đó tiếp tục với các đức giáo hoàng, giám mục, linh mục, thần học gia... Nhờ đó, Giáo hội mới tiếp tục được phát triển cho đến ngày nay. Chúng ta xác tín đó là hoạt động của Chúa Thánh Thần, và sẽ không điều gì có thể làm ta thay đổi, như thánh Phaolô đã kiên quyết rằng: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo” (Rm 8,35)?

Có thể nói, Giáo hội đang sống nhờ những dòng máu tử đạo của con cái mình, như thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhận định: Giáo hội trong mỗi khúc quanh của lịch sử vẫn bén rễ sâu qua lời chứng của các vị tử đạo. Nhờ gương mẫu mà họ đã chiến thắng giữa mọi thời, mọi dân nước, mọi ngôn ngữ, dân Thiên Chúa được kiện cường hơn trong niềm tin. Những giọt máu đào của các vị tử đạo được ví như “những viên gạch xây dựng nên tòa nhà của Thiên Chúa.”8

Giáo hội đổ máu để hướng đến sự hiệp nhất

Giáo hội được Chúa Kitô thiết lập chỉ được thành toàn và viên mãn khi tất cả được cứu độ và hiệp nhất nên một (x. Ga 11,52; 17,21).9 Trước khi chịu khổ nạn, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể, để tiếp tục hy tế thập giá. Nơi bí tích ấy, chỉ duy nhất một Tấm Bánh được bẻ ra và một Chén Rượu được trao ban cho nhiều người, để những ai đón nhận được hiệp nhất nên một trong Đức Kitô (x. 1 Cr 10,17). Vì thế, máu của tử đạo đổ ra như là “chất liệu” để gắn kết sự hiệp nhất trong Giáo hội, như thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói: “Sự hiệp nhất trong Giáo hội có thể đạt được nếu những ‘nguyên tắc của việc tử đạo’ như là tình yêu vô vị lợi, tự hiến tế chính mình được tháp nhập vào trong mối tương quan giữa các Giáo hội. Máu của các Thánh Tử đạo cũng là ‘nguồn sức sống cho sự hiệp nhất của Giáo hội.’”10 Bởi vì tử đạo là gì? Nếu không phải là làm chứng cho tình yêu Đức Kitô, mà Đức Kitô là duy nhất, nên máu tử đạo đổ ra là để hiệp nhất Giáo hội trong thân mình mầu nhiệm Đức Kitô (x. Ep 4,1-6). Thánh Augustinô đã xác tín: “Những đau khổ của Đức Kitô không chỉ diễn ra nơi một mình Người, tuy nhiên những nỗi thống khổ ấy lại không diễn ra nơi nào khác ngoài Đức Kitô.”11

Như vậy, qua dòng máu tử đạo đã tăng nguồn sức sống và tạo sự hiệp nhất cho Giáo hội, thì Giáo hội phải ý thức điều đó, để trân quý, sẵn sàng và cố gắng không ngừng dấn thân làm chứng cho tình yêu và công lý ngự trị trong xã hội hôm nay.

Giáo hội đổ máu để hướng tới cánh chung

Trong bài giảng tám mối, Đức Giêsu đã nói: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,10). Về ngày cánh chung, sau khi tiên báo những đau đớn sẽ đến với môn đệ, Đức Giêsu đã phán rằng: “Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 24,13). Sự bền chí hay trung thành chắc chắn sẽ dẫn đến tử đạo, vì đó là hoa quả của một tình yêu tự hiến. Tình yêu sẽ trở nên trọn vẹn khi được kết hợp nên một với Đấng đã phục sinh, đó là niềm hy vọng ngày cánh chung. Giáo hội không chỉ sống trong hiện tại mà còn để hướng đến niềm hy vọng ngày mai, vì thế mà Giáo hội không ngừng ra đi loan báo Tin Mừng, sống và làm chứng về Đức Kitô, phục vụ Người nơi các thụ tạo, đặc biệt là con người chúng ta (x. 1 Pr 3,15). Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định rằng:

“Việc tử đạo là cuộc nhập thể vĩ đại nhất của Tin Mừng về niềm hy vọng. Tử đạo là một cuộc khải thắng vượt thắng tất cả sự coi khinh và ghen ghét dành cho con người và cho chiều kích thiêng thánh nơi con người, một cuộc hiển thắng giống như của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô trên đồi Calvary. Giáo hội gọi ngày đón nhận ngành lá tử đạo chính là dies natalis (ngày sinh).”12

Chính tình yêu Đức Kitô trên thập giá đã cho chúng ta một hiểu được nguồn gốc, sứ mạng và niềm hy vọng của Giáo hội là gì, nếu không phải là làm chứng về tình yêu Đức Kitô và đưa tất cả mọi thành phần trong vũ trụ đi vào tình yêu nội tại của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Kết luận

Giáo hội với đời sống tử đạo, cho chúng ta có được cái nhìn rõ hơn về chiều kích tử đạo của Giáo hội, từ nền tảng trong Thánh Kinh, truyền thống, giáo phụ và huấn quyền cách rõ ràng. Từ đó, giúp cho Giáo hội có được sự đối thoại và mục vụ tốt nhất trong đời sống chứng tá Tin Mừng giữa lòng thế giới. Đây có thể được coi là một trong những điểm quan tâm của Công đồng Vaticanô II về Giáo hội và sự đóng góp to lớn của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, một trong những vị thánh rất gần gũi với chúng ta, để duy trì sự hiện hữu giữa tình yêu và công lý trong lòng thế giới hôm nay.

Giáo hội luôn đề cao đời sống tử đạo, sẽ không bao giờ là một sai lầm giống như một số tôn giáo khác, nhưng nó sẽ là động lực cho Giáo hội sống, vì đó là ơn trổi vượt và là sự xác nhận cao quý nhất về bác ái.13 Đây là quan điểm khác xa so với hành động tự sát theo suy nghĩ tiêu cực của một số người, điều này cũng được minh chứng thực tế trong đời sống của Giáo hội.

Giáo hội với đời sống tử đạo sẽ cho thấy được mục đích của mọi hoạt động đang diễn ra trong Giáo hội là gì? Nếu không phải là chấp nhận cho đi, chấp nhận trao ban trong tình yêu như một hy tế cho đến sẵn sàng chịu chết như Đức Kitô, nhằm mang lại ơn cứu độ và quy tụ muôn loài thụ tạo. Có thể coi đây là chứng tá dễ ấn tượng hơn trong sứ vụ loan báo Tin Mừng như Pascal đã từng nói: “Những người làm chứng mà sẵn sàng chết cho lời chứng của mình thì tôi dễ tin.”14

Tinh thần tử đạo của Giáo hội phải luôn luôn được thể hiện trong cuộc sống thường ngày với tinh thần yêu mến và phục vụ như Đức Kitô, đồng thời hướng đến một niềm hy vọng vĩnh cửu trong sự dẫn dắt của Thần Khí, hướng đưa vũ trụ đến nơi mà tình yêu và công lý được thành toàn nơi Thiên Chúa.

GHI CHÚ
1 Hội đồng Giám mục Việt Nam - Ủy ban Giáo lý Đức tin - Tiểu ban Từ vựng, “Tử Đạo,” trong Từ Điển Công giáo 500 Mục Từ (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2011), 368.
2 Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, số 2473, bd. Hội đồng Giám mục Việt Nam - Ủy ban Giáo lý Đức tin (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo 2012), 687.
3 Ibid., số 1258.
4 Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen Gentium, số 42 , bd. Hội đồng Giám mục Việt Nam - Ủy ban Giáo lý Đức tin (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2012), 149.
5 Bênêđíctô XVI, Thông điệp Deus Caritas Est, số 9,  bd. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - Ủy ban Giáo lý Đức tin, http://www.simonhoadalat.com. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2015.
6 Ibid., số 12.
7  Gioan Phaolô II, Giáo Huấn Về Thần Học Tử Đạo, Thời sự thần học – số 54, tháng 11.2011, http://catechesis.net. Truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2016.
8 Ibid.
9 Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis Redintegratio, số 2.
10  Gioan Phaolô II, Giáo Huấn Về Thần Học Tử Đạo, Thời sự thần học – số 54, tháng 11.2011, http://catechesis.net.
11 Các Bài Đọc Giờ Kinh Sách – Quyển 1, bd. Nhóm phiên dịch Các Giờ kinh Phụng vụ (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2008), 1074.
12  Gioan Phaolô II, Giáo Huấn Về Thần Học Tử Đạo, Thời sự thần học – số 54, tháng 11.2011, http://catechesis.net.
13 x. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen Gentium, số 42; Tuyên ngôn Dignitatis Humanae, số 11.
14 Nguyễn Hồng Phúc, Máu Đào Tử Đạo - Hiến Tế Sự Sống, http://tinmung.net. Truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2016. 

John Phạm

1154    30-11--0001