Sidebar

Chúa Nhật

19.05.2024

Hiến binh của đức tin

 

Ông thường được gọi là thiên thần hộ thủ của giáo hoàng, nhưng ông hay nhắc đi nhắc lại, ông chỉ là “giọt nước trong đại dương Quan phòng”.

Ông Domenico Giani là chỉ huy trưởng đội hiến binh Vatican, hay còn gọi là cảnh sát của Quốc gia giáo hoàng, đứng đầu đội cứu hỏa, đứng đầu ban an ninh và bảo vệ dân sự. Nhưng trước hết, ông có nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho vị kế nhiệm Thánh Phêrô. Một công việc phức tạp của đội hiến binh (khác với Đội cận vệ Thụy Sĩ, quân đội của Giáo hoàng), vì phải lo vòng vòng ba trăm sáu mươi độ cho Quốc gia Vatican, cho trật tự công cộng, cho giao thông đường xá và… cho biên giới. Một trách vụ đặc biệt thấm nhuần trong đức tin, như ông Giani trả lời trong cuộc phỏng vấn độc quyền của báo Poliziamoderna trong lần mật nghị cuối, lần mật nghị mang nét phi thường chưa từng có do việc Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm.

Từ những ngày trước Mật nghị cho đến khi bầu Giáo hoàng mới, cả thế giới chú ý đến Vatican. Về mặt an ninh, ông có cảm thấy mình đứng trước một thách thức rất lớn không?

Như tôi vẫn thường lặp đi lặp lại, hàng ngày chúng tôi đã làm công việc này với một tinh thần phục vụ tối đa cho vùng đất nhỏ bé nhưng rất quan trọng này của hành tinh. Vatican vừa là một Quốc gia nhỏ, nhưng cũng có thể là quan trọng nhất thế giới vì Phêrô, mà bây giờ chúng ta gọi là Phanxicô, trước ngài là Bênêđictô, là biểu tượng quan trọng nhất và có ảnh hưởng nhất của nhân loại, vừa là điều tốt cho những gì Quốc gia này đại diện, nhưng đáng tiếc cũng là mục tiêu tiềm năng của các ý đồ xấu. Chắc chắn, Giáo hoàng là một gia sản của toàn nhân loại. Như thế, mỗi ngày chúng tôi phải chú ý tối đa cho an ninh cá nhân ngài, cho Quốc gia Vatican và dĩ nhiên là cho cả những người sống và làm việc ở đây. Tất cả con mắt của thế giới nhìn vào ngài, trong giây phút lịch sử vừa quan trọng vừa đặc biệt này, có nghĩa là phải gia tăng canh gác, dù cả với những chi tiết nhỏ như khi có người leo lên vòm Thánh Phêrô để tuyên truyền gây chú ý.

Ngoài các công việc bình thường hàng ngày, đâu là công việc phụ trội và đặc biệt của đội hiến binh phải làm trong thời gian mật nghị?

Phải nói là việc Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm là cả một ngạc nhiên lớn đối với chúng tôi, các mối quan hệ sâu đậm chúng tôi đã có với Đức Thánh Cha trong suốt những năm vừa qua. Chắc chắn đây là một tin bất ngờ, nhưng ngay lập tức, tin này được chấp nhận để hỗ trợ cho ước mong của giáo hoàng Ratzinger, ngài quyết định đi con đường này và đặt để Giáo hội vào bàn tay Chúa Quan phòng. Ngay tức khắc, công việc của chúng tôi trở nên nhiều hơn, vì một mặt phải nghĩ đến chỗ ở tạm thời của Đức Bênêđictô XVI, mặt kia phải lên chương trình an ninh cho mật nghị, sau đó là việc tấn phong tân giáo hoàng, nhưng trong trường hợp này thì tạ ơn Chúa vì không có tang lễ để phải lo. Chẳng hạn công việc cụ thể là phải lo an ninh cho tất cả các hồng y về Rôma dự mật nghị, nhất là phải bảo vệ các địa điểm chung quanh phòng mật nghị, tránh rỏ rỉ thông tin ra ngoài cũng như các xâm nhập từ bên ngoài, một công việc rất lớn mà chúng tôi đã từng làm trong kỳ Mật nghị năm 2005.

Thêm nữa ngày tấn phong tân giáo hoàng, chúng tôi phải đảm trách an ninh cho các phái đoàn nước ngoài từ khắp nơi trên thế giới về dự. Ở Vatican, chúng tôi có nghi thức rất chặt chẽ, giúp chúng tôi bảo vệ tốt các nhân vật đến đây. Tất cả đều có sự hợp tác thường lệ và hàng ngày với đội cảnh sát Ý, trước hết là với Ban Kiểm tra An ninh công cộng và phối hợp với cảnh sát của nhiều quốc gia khác nhau. Chắc chắn, chúng tôi đảm trách được công việc nhờ nhân viên có trình độ tác nghiệp rất cao, với thiết bị tối tân nhất, không kể đến sự hợp tác chặt chẽ với các nhân viên lo cho quảng trường Thánh Phêrô và Vatican. 

Đâu là các công việc đầu tiên ngay ngày hôm sau khi Đức Phanxicô được tấn phong?

Các buổi đi ngạc nhiên, bất ngờ của Đức Phanxicô đến Nhà Thánh Marta, đến bệnh viện thăm hồng y Jorge Mejia. Đó là những chuyến đi rất cảm động, trước đây khi ngài còn ở Buenos Aires, ngài thường đi bộ hoặc dùng phương tiện di chuyển công cộng, trong thời gian đầu, ngài muốn đến Nhà Thánh Marta một cách tự nhiên, nhưng sau đó, nhanh chóng ngài hiểu, có những đòi hỏi liên quan đến chức vụ của mình, vì thế mọi việc phải có sự đồng ý của Ban Thanh tra Vatican và chúng tôi đã nhanh chóng tổ chức đâu vào đó.

Công việc kế tiếp là bảo vệ an ninh cho nơi ở mới của ngài, vì ngài không ở dinh tông toà mà ở Nhà Thánh Marta, nên phải xem lại một số thủ tục và tăng cường thêm an ninh ở đây… Chúng tôi cũng phải để ý đến các tiếp xúc của ngài, vì Đức Phanxicô thích gần giáo dân, chẳng hạn ngài thích chào trẻ con và chào giáo dân càng nhiều càng tốt ở quảng trường Thánh Phêrô. Nhưng điều này cũng là điều tự nhiên của giáo hoàng.

Khi tổ chức các chuyến đi trên thế giới thì trước hết tôi đến nước đó, tiếp xúc với các đồng nghiệp ở đây, các cơ quan thông tin của các Quốc gia khác, tôi luôn giải thích, giáo hoàng trước hết và trên hết là một linh mục. Như thế, đương nhiên ơn gọi của ngài là gần với giáo dân, mong được là một người ở giữa họ. Đó cũng là nét đặc biệt của Đức Bênêđictô XVI và Đức Gioan-Phaolô II (các giáo hoàng tôi đã phục vụ trước Đức Phanxicô). Phải nói là cách Đức Phanxicô tiếp xúc với những người yếu đuối nhất, khiêm hèn nhất rất đẹp và được giáo dân mến mộ. Lẽ tự nhiên cách tiếp xúc này cần có một biện pháp phòng ngừa chặt chẽ, được thực hiện qua các vụ kiểm soát trước sự kiện với các đồng nghiệp của Ban Kiểm tra và các đồng nghiệp khác ở những nước chúng tôi sẽ đến. Công việc phòng ngừa này làm cho chúng tôi cảm thấy được yên tâm hơn. Dĩ nhiên lúc nào cũng có kẻ cuồng nhiệt hay những người muốn đến quá gần, nhưng đa số họ không có ác ý, không phải để tấn công ngài nhưng để tỏ lòng thương yêu của mình, dù một cách thái quá. Và đó là những trường hợp chúng tôi luôn xử lý tốt.

Ông có thể kể cho chúng tôi biết lần đầu tiên ông gặp Đức Phanxicô và xúc cảm của ông lúc đó không?

Lần đầu tiên tôi gặp ngài là ở Nhà Nguyện Sixtine, ngay lập tức sau khi ngài được bầu chọn. Tôi được đào tạo về mặt thiêng liêng theo linh đạo Phanxicô, tôi cũng thuộc Dòng Phanxicô vì thế khi tôi biết ngài chọn tên Phanxicô, tôi rất xúc động. Rồi có một cuộc gặp rất cảm động, nhưng tôi xin được phép giữ cho tâm hồn của tôi.

Ngay chiều 28 tháng 2 – 2013, đội hiến binh đảm nhiệm việc bảo vệ an ninh cho Đức Giáo hoàng danh dự Joseph Ratzinger. Ông đã sống sứ vụ đặc biệt này như thế nào và công việc bảo vệ mới này như thế nào?

Đức Thánh Cha Ratzinger sống như một hình thức về hưu thiêng liêng ở Castel Gandolfo, là nơi rất quen thuộc với ngài và ngài rất thích. Tôi có thể nói, nơi này không phải là một vấn đề lớn cho an ninh. Vùng ngài sống được bảo vệ 24/24, bây giờ có thêm sự hợp tác của cảnh sát Quốc gia và các binh sĩ. Ngài đi dạo mỗi ngày, cầu nguyện, đọc sách, các sinh hoạt này không đòi hỏi phải quá lo  về mặt an ninh. Đúng hơn là chúng tôi tìm cách bảo vệ đời sống riêng của ngài, điều mà ngài mong muốn.

Ông rất tích cực trong công việc thiện nguyện, đặc biệt là với hội “Rondine Cittadella della Pace”, ông cũng tham dự vào đối thoại liên tôn giáo. Đức Phanxicô rất cởi mở với các sinh hoạt này. Ông có thể cho chúng tôi biết ý kiến cá nhân của ông về chuyện này không?

Tôi nghĩ Đức Bênêđictô XVI cũng rất cởi mở trong đối thoại liên tôn và ngay lập tức, Đức Phanxicô đi theo con đường của người tiền nhiệm. Chúng ta sống ở một thời buổi mà chúng ta không thể nào làm khác đi. Như giám mục Rôma đã nói: “Dù với những người không tin, chúng ta luôn có một hy vọng, trong nghĩa luôn có sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn họ. Tôi cũng nhận ra tầm quan trọng trong các lần họp với Cảnh sát Quốc tế (Interpol), Vatican rất được tôn trọng trong tất cả các nước, kể cả những nước có tôn giáo khác. Tôi nhắc lại, Vatican là quốc gia chỉ nhỏ về diện tích, nhưng không nhỏ về tầm quan trọng, trong các buổi họp đa phương cho các buổi hội thảo này, chúng tôi thấy được thực tế này đến độ nào, ngay cả các nước hồi giáo cũng có mong muốn được tiếp xúc, được kết bằng hữu, một mong muốn đối thoại để xây dựng những chiếc cầu hòa bình. Một cộng đoàn như cộng đoàn chúng tôi, cộng đoàn của lực lượng cảnh sát có thể góp phần rất nhiều cho đối thoại, vì đây là một cộng đoàn làm việc cho một chương trình chung, mang an ninh đến cho thế giới.

Từ năm 2008, đội hiến binh có chân trong Tổ chức Quốc tế Cảnh sát Hình sự Oicp/Interpol (Organisation Internationale de Police Criminelle). Làm thế nào các tổ chức này cải thiện sinh hoạt của đội? Trong công việc hàng ngày?

Chắc chắn tổ chức Cảnh sát Quốc tế giúp chúng tôi nối kết nhanh chóng ở mức độ quốc tế, điều này giúp chúng tôi rất nhiều, không những trong việc chuẩn bị cho các chuyến tông du ở nước ngoài, nhưng còn giúp trong các tình trạng khẩn cấp mà các vị đại diện tôn giáo có thể có mặt trong các vùng này. Tôi phải nói, tất cả các thông tin chúng tôi nhận được, kể cả trên bình diện quốc tế đã cung cấp cho chúng tôi đủ yếu tố cần thiết để hành động, bảo đảm an ninh cho giáo hoàng. Ở một vài vùng có xung đột trên thế giới, nơi có những trường hợp nặng như các tín hữu kitô bị bách hại, bị giết, bị bỏ quên như ở Syria, Nigeria và một vài vùng ở Ấn Độ, Cảnh sát Quốc tế đặc biệt giúp chúng tôi chú ý về các vụ bách hại này và để đối phó lại.

Đâu là các tính chất để có thể là hiến binh?

Trước hết là phải yêu Giáo hội dù trong những trạng huống bất toàn của phần số con người, vì chúng ta biết Giáo hội được quản trị bởi Chúa Quan phòng. Và các hiến binh phục vụ Giáo hội qua việc phục vụ người kế vị Thánh Phêrô. Như thế tôi nghĩ đòi hỏi đầu tiên của một ứng viên hoàn hảo là phải có một đức tin sâu đậm, một tinh thần cao cho giá trị của gia đình. Đương nhiên một tính chất đặc biệt khác là phải biết làm hiến binh. Tôi không muốn nói phải làm theo kiểu Rambo, nhưng là những người được đào tạo về mặt tâm lý để thực hiện một công việc tế nhị như thế này. Vậy, là tín hữu kitô tốt là đủ tiêu chuẩn để là người cảnh sát tốt. 

Ông tuyển chọn các ứng viên như thế nào?

Đơn xin phải được gởi đến Ban điều hành. Khi có cuộc tuyển chọn nhân viên mới, một kỳ thi sẽ được tổ chức và chúng tôi xem xét các đơn, các tân binh. Đây là kỳ thi tuyển rất kỹ, qua nhiều thử thách khác nhau… Trước hết, chúng tôi kiểm tra các đơn xin và sàng lọc rất kỹ các đòi hỏi căn bản, đức tin công giáo và các yếu tố khác. Những người được nhận phải qua một loạt thử nghiệm và những người hiếm hoi được sàng lọc sẽ qua một quá trình đào tạo rất khó ở Vatican. Có một vài sinh hoạt đào tạo được hợp tác với các giáo sư bên ngoài. Thường thường, các giáo sư của chúng tôi cũng đi đào tạo cho các lực lượng cảnh sát khác. Công việc đào tạo kéo dài hai năm cả phần lý thuyết và thực hành.

Từ khi ông được chỉ định đứng đầu đội hiến binh, chúng tôi thấy có một sự phát triển đáng kể về dụng cụ kỹ thuật và các phương tiện chuyên chở cho các khóa đào tạo chuyên nghiệp, cũng như thành lập nhóm Can thiệp Nhanh chóng để đối phó với những trường hợp đặc biệt. Ông thấy cảnh sát Vatican trong những năm tới sẽ như thế nào?

Tôi không nghĩ là có đôi đũa thần, chúng tôi thích ứng với thời buổi hiện đại và theo kịp thời sự. Chẳng hạn ở Vatican, cũng có các công việc phòng chống tội phạm có tổ chức, rửa tiền hay tài trợ tài chánh cho các tổ chức khủng bố, và chúng tôi có những luật rất nghiêm khắc và đổi mới. Có khi chúng ta nghe nói đến việc cần thiết phải minh bạch, và đúng vậy, Vatican phải làm tất cả các bước cần thiết để “đi tới” chứ không phải chỉ là tin đồn. Sự hiện diện của Giáo hội trên thế giới bao gồm mỗi ngày, có hàng triệu người, ngoài việc rao giảng, họ làm và làm rất nhiều, chúng ta hãy nghĩ đến các nhà truyền giáo và những người làm việc từ thiện. Đức Phanxicô nói: “Giáo hội nghèo của người nghèo”. Cảnh sát Vatican phải đáp ứng với các nhu cầu và các đòi hỏi này, và để làm được như vậy, chúng tôi có hai cách: đào tạo nhân viên với các dụng cụ văn hóa và kỹ thuật giúp họ làm việc tốt, cùng một lúc, chúng tôi tạo các quan hệ với các đồng nghiệp ở các nước khác để trao đổi thông tin và kinh nghiệm.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

551    24-01-2018