Sidebar

Chúa Nhật

19.05.2024

Hồng y Paul Poupard: “Đức Phanxicô là con của Công Đồng và của Đức Phaolô VI”

 

 

Hồng y Paul Poupard là một trong các cộng sự thân tín của Đức Phaolô VI, ngài nhắc lại các kỷ niệm với Đức Phaolô VI và đính chính hình ảnh “giáo hoàng buồn” của Đức Phaolô VI.

Hồng y Paul Poupard, chủ tịch danh dự của Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa đã nhắc lại trên Radio Vatican một vài kỷ niệm với Đức Phaolô VI trong thời gian Công đồng Vatican II.

“Chỉ một thời gian ngắn sau khi được bầu chọn năm 1964, trong bài diễn văn khai mạc triều giáo hoàng của mình, Đức Phaolô VI  đã nói đến cái gọi là những “tiếng nói tuyệt vời” của thế giới hiện đại. Ngài nói thêm: “Chúng ta có biết nghe tiếng nói này không?” Khi khai mạc phần thứ nhì của Công đồng Vatican II, phần mà ngài chủ sự đầu tiên, ngài đặt ba câu hỏi: Chúng ta từ đâu đến? Đâu là con đường của chúng ta? Đâu là mục đích của chúng ta? Câu trả lời ngài mang lại cho chúng tôi là, chính Chúa Kitô đã triệu tập chúng ta lại, chính Chúa Kitô đã chỉ con đường cho chúng ta và cũng chính Chúa Kitô là nơi chúng ta sẽ đến. Các nhà quan sát chính thống đang ở Rôma lúc đó đã bị chinh phục bằng bài diễn văn khai mạc này.

Lúc đó tôi ở Văn phòng Quốc Vụ Khanh và tôi phụ trách việc liên lạc với các nghị phụ của Công đồng để chuyển đến cho Đức Phaolô VI các ưu tư của họ. Và tôi có thể xác nhận, ngài đọc tất cả, hoàn toàn tất cả vì ngài muốn trả lời từng phản bác. Ngài muốn bỏ đi các nghi ngờ, các phản bác vì ngài hiểu tính chất có căn cứ của vấn đề. Đặc biệt, bản văn về tự do tôn giáo đã gây căng thẳng dữ dội. Hồng y Léger của địa phận Montréal đã chuyển cho tôi một kiến nghị với 30 chữ ký của các hồng y, họ xin ngài ban bố một sắc lệnh về tự do tôn giáo. Nhưng Đức Phaolô VI ý thức rằng phúc trình đầu tiên mang tính xã hội nhiều hơn thần học. Ngài xin dời lại bản văn để có thì giờ cho nó chín muồi hơn. Quyết định này đã làm cho các chuyên gia trẻ giận dữ. Nhưng mười năm sau, khi tôi đến thành phố Montréal, hồng y Léger vừa thoáng thấy tôi từ đàng xa đã vội chạy đến gần tôi và nói: “Chúng tôi ngưỡng mộ sự khôn ngoan của Đức Phaolô VI, ngài đã biết làm cho chúng tôi kiên nhẫn để bản văn là một bản văn thần học, rằng tự do tôn giáo không phải là một sự nhượng bộ theo thời nhưng phải được xây dựng trên  phẩm giá con người”.

“Đức Phaolô VI tôn trọng các nghị phụ của Công đồng, ngài không muốn đặt gánh nặng lên vai họ nhưng ngài lại nói: “Tôi không phải là ông chưởng khế của Công đồng, tôi muốn tôi cũng là một nghị phụ của Công đồng!” “Nhưng ngài đã nếm các đau đớn cực kỳ sau Công đồng. Năm 1965 tôi gặp lại ngài, ngài vui vẻ, ngài chuyển lại thông điệp cho nhà tư tưởng gia và khoa học gia là các ông Jean Guitton và Jacques Maritain. Rồi đến trận cuồng phong tháng 5-1968 và chú giải Công đồng. Và luồng gió mới của thời đại: Giáo hội đến với thế giới để hoán cãi chứ không phải để lật đổ nó. Cao độ thử thách là chấn động do Đức ông Lefebvre gây ra. Đây là nỗi đau rất lớn mà Đức Phaolô VI vẫn giữ hy vọng. Chống với lời khuyên của các cộng tác viên của ngài, ngài đã dám làm năm l975 là năm toàn xá. Và mọi người đã ngạc nhiên, hàng triệu người đổ xô về Rôma hành hương. Cũng năm đó ngài phát hành Tông huấn Niềm vui của Đức tin, rồi đến lễ Giáng sinh, một Tông huấn khác, Niềm vui loan báo Tin Mừng. Tông huấn này kết thúc như sau: “Thời đại chúng ta chờ – và thường thường họ không biết – loan báo tin mừng của Phúc Âm, không phải do những người loan báo buồn bã và cam chịu nhưng là những người vui vẻ, hăng say, sứ giả của Tin Mừng”. Đức Phanxicô thường hay trích Tông huấn này, nhất là trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng của ngài. Tôi thấy có một tình phụ tử nào đó, một lòng tận tâm giữa hai giáo hoàng, Đức Phanxicô là con của Công đồng và của Đức Phaolô VI”.

Nguyễn Tùng Lâm dịch

583    08-02-2018