Sidebar

Thứ Năm
02.05.2024

Họp báo trên máy bay: Sức mạnh của giáo hoàng, các thượng phụ chính thống giáo, nữ phó tế, Mẹ Têrêxa, Jean Vanier…

 

Sức mạnh của giáo hoàng, cảm nghĩ của ngài về nước Bulgari và Bắc Macedoina, chức phó tế phụ nữ, gọi điện thoại cho ông Jean Vanier: đó là các câu hỏi các ký giả đặt cho Đức Phanxicô trên chuyến bay của hãng hàng không Alitalia đưa ngài từ Skopje về Rôma chiều thứ ba 7 tháng 5-2019.

Đức Phanxicô vinh danh các thượng phụ chính thống giáo, đó là “những người của Chúa”. Ngài nhắc đến lễ Rước lễ lần đầu của 245 em ở Rakovski, nước Bulgari và sự dịu dàng của các nữ tu Dòng Mẹ Têrêxa ở Bắc Macedoina. 

“Tôi không mệt trong các chuyến đi”

Trả lời phóng viên Petas Nanev (đài truyền hình Bulgari), Đức Phanxicô vừa nói vừa cười: “Trước hết tôi muốn nói là tôi không đi gặp phù thủy. Tôi không biết vì sao nhưng thật sự là như vậy. Đó là ơn của Chúa. Khi tôi đến một nước nào, tôi quên hết, không phải vì tôi muốn vậy. Tôi có cảm tưởng là tôi quên bản thân mình và đơn giản tôi ở đó. Điều này mang đến cho tôi quyết tâm, tôi không mệt trong các chuyến đi. Tôi nghĩ Chúa cho tôi sức lực. Tôi xin Chúa cho tôi được trung thực, được phục vụ ngài và không xem các chuyến đi này là chuyến du lịch. Và rồi… tôi cũng không làm việc nhiều như vậy!” (Nhà báo Andrea Tornielli ghi lại trên Vatican Media).

Sự dịu dàng của các nữ tu làm vô hiệu hóa việc xúc phạm

Các em rước lễ lần đầu

Một cách tự phát, Đức Phanxicô nói cảm nghĩ về chuyến đi này, bắt đầu với sự dịu dàng của các nữ tu của Mẹ Têrêxa: “Có hai chuyện làm cho tôi có ấn tượng, sự dịu dàng của các nữ tu và lễ rước lễ lần đầu của các em. Ngày nay người nghèo ở Macedoina hiện diện nơi Mẹ Têrêxa. Có rất nhiều người nghèo, các nữ tu khi họ săn sóc người nghèo, họ thật dịu dàng, họ không có thái độ trịch thượng, các nữ tu xem người nghèo như con mình. Một tấm lòng dịu dàng, một khả năng âu yếm người nghèo. Ngày nay chúng ta quen với đủ loại xúc phạm, chửi rủa: chính trị gia này chửi rủa chính trị gia kia, người này xúc phạm người kia, ngay cả trong gia đình cũng xúc phạm nhau. Tôi không dám nói đây là văn hóa xúc phạm, nhưng xúc phạm giống như vũ khí cầm tay, kể cả nói xấu người khác, vu khống, phỉ báng. Và tôi thấy các nữ tu lo cho từng người như thử họ lo cho Chúa Giêsu. Một thanh niên trẻ đến gần tôi, nữ tu bề trên nói với tôi: “Thật tốt, xin cha cầu nguyện cho anh, anh uống nhiều lắm…” Sơ vuốt ve anh với lòng dịu dàng của một người mẹ. Điều này làm cho tôi cảm thấy đây là Giáo hội-mẹ. Và tôi cám ơn Macedoina đã có kho tàng này.”

Và chuyện kia là chuyện các em rước lễ lần đầu: “Tôi xúc động vì nó nhắc cho tôi nhớ lại lần rước lễ lần đầu của tôi ngày 8 tháng 10 năm 1944… Tôi thấy các em mở ra với cuộc sống qua bí tích rước lễ. Giáo hội bảo vệ các trẻ em, các em có một giới hạn vì các em còn nhỏ, nhưng các em là một hứa hẹn vì các em sẽ lớn lên. Lúc đó tôi có cảm nhận 245 em này là tương lai của Giáo hội, của nước Bulgari.”

Bulgari và Macedoina, huyền ẩn của lòng tôn trọng

Đức Phanxicô nói: “Biết bao nhiêu là đấu tranh để có độc lập, biết bao nhiêu máu đã đổ ra, biết bao nhiêu huyền ẩn để củng cố căn tính. Trong cả hai nước đều có các cộng đồng chính thống giáo, công giáo và hồi giáo. Trong cả hai nước tỷ lệ tín hữu chính thống giáo là đa số. Người hồi giáo thì ít, người công giáo còn ít hơn nhưng tôi thấy có một điểm chung của hai nước: có mối quan hệ tốt đẹp giữa các tín ngưỡng khác nhau: ở Bulgari chúng tôi thấy qua buổi cầu nguyện cho hòa bình. Đó là chuyện bình thường đối với người Bulgari: mỗi người có quyền giữ đạo của mình và có quyền được tôn trọng: điều này đã đánh động tôi rất nhiều. Và buổi nói chuyện với Thượng phụ Neophyte cũng đã giúp tôi, đó là ‘con người với Chúa!’. Còn ở Macedoina thì tôi được đánh động bởi câu nói của tổng thống: ‘Ở đây không phải là khoan dung với tôn giáo, ở đây có sự tôn trọng.’ Chúng ta tôn trọng tôn giáo. Bây giờ chúng ta thấy thiếu sự tôn trọng trên thế giới, thiếu tôn trọng quyền con người, quyền cho trẻ em, quyền cho người lớn tuổi, ước mong thần nghiệm của một nước phải được tôn trọng, điều này làm cho tôi rất mừng.” 

Tiếp xúc với người chính thống giáo

Trả lời câu hỏi của nhà báo Silvije Tomasevic (Vecernji List) về mối quan hệ với chính thống giáo và việc phong thánh sắp tới cho hồng y người Croati Stepinac, người được Đức Gioan-Phaolô II phong chân phước năm 1998, Đức Phanxicô phân biệt “những người của Chúa” và “các vụ tranh chấp lịch sử”: “Nói chung các mối quan hệ rất tốt đẹp và có thiện chí. Tôi có thể nói, trong số các thượng phụ, tôi đã gặp những người của Chúa. Thượng phụ Néophyte là người của Chúa. Và Thượng phụ Elie II, tôi mang trong quả tim tôi. Tôi mến Thượng phụ Georgia, đó là người của Chúa đã giúp tôi rất nhiều. Và Thượng phụ Báctôlômêô cũng là người của Chúa, Thượng phụ Cyril cũng là người của Chúa. Các ông có thể nói: người này có khuyết điểm này, người kia rất chính trị… Nhưng tất cả chúng ta đều có khuyết điểm, tôi cũng có khuyết điểm. Tất cả đều là người của Chúa. Và có các vụ tranh chấp lịch sử giữa các Giáo hội chúng ta, một số vụ rất xưa. Hôm nay tổng thống nói với tôi về chuyện ly giáo ở Đông phương, bắt đầu ở Macedoina. Giáo hoàng có đến để giải quyết chuyện này không? Tôi không biết. Chúng tôi là anh em, chúng tôi không thể kính Chúa Ba ngôi mà không có bàn tay hợp nhất của anh em mình. Còn về vấn đề phong thánh của chân phước Stepinac: đó là người đức hạnh, vì thế Giáo hội đã phong chân phước. Nhưng đến một lúc trong tiến trình có một số điểm chưa được sáng tỏ, và tôi phải ký hồ sơ phong thánh, tôi phải cầu nguyện, suy nghĩ, xin ý kiến, tôi thấy tôi phải xin lời khuyên của Thượng phụ người Serbe Irénée và ngài đã giúp tôi. Chúng tôi phải thành lập một ủy ban lịch sử chung: dù là ngài hay tôi, chúng tôi không muốn phạm sai lầm, chúng tôi quan tâm đến sự thật. Bây giờ còn nhiều điểm khác cần nghiên cứu để sự thật được sáng tỏ. Tôi không sợ sự thật. Tôi chỉ sợ sự phán xét của Chúa.” 

 Về chức phó tế phụ nữ

Nhà báo Joshua McElwee (National Catholic Reporter) đặt câu hỏi về chức phó tế phụ nữ. Đức Phanxicô nêu lên việc thành lập một ủy ban nghiên cứu về các nữ phó tế ở Giáo hội sơ khai: “Ủy ban đã được thành lập và đã làm việc từ hai năm nay. Các thành viên ở nhiều lãnh vực khác nhau, mỗi người suy nghĩ khác nhau nhưng họ làm việc chung và đã đồng ý với nhau về một số điểm. Mỗi người có cái nhìn riêng, họ không đồng ý quan điểm của nhau, và vì thế ủy ban đã dừng lại. Về chức phó tế phụ nữ: có một cách khác để nhận thức, khác với cách nhận thức chức nam phó tế. Chẳng hạn, cho đến ngày nay, các công thức phong nữ phó tế được tìm thấy không cùng một cách như cách phong nam phó tế, nó giống như cách phong nữ đan trưởng của một nữ đan viện. Đó là kết quả. Một số người nói không, họ cho đây là công thức phong phó tế… Có các nữ phó tế ngay từ đầu. Nhưng việc phong chức của họ có là bí tích hay không? Họ đã giúp tôi. Chẳng hạn trong phụng vụ rửa tội, ngày xưa rửa tội bằng cách ngâm mình, khi rửa tội cho một phụ nữ, các nữ phó tế giúp đỡ… Và rồi chúng tôi tìm thấy tài liệu, các nữ phó tế được giám mục gọi đến khi có cãi vã trong hôn nhân để giải thể hôn nhân. Các nữ phó tế được gởi đi khám nghiệm các vết bầm tím trên cơ thể của phụ nữ bị chồng đánh. Nhưng không có gì chắc chắn để cho rằng việc phong chức cũng có hình thức và mục đích giống như phong chức nam phó tế. Một số người nói: có sự nghi ngờ. Chúng ta tiếp tục nghiên cứu. Nhưng cho đến giờ phút này, công việc chưa được tiến triển. Cũng là một điều kỳ lạ, chức nữ phó tế khi nào cũng ở trong một vùng địa lý nào đó, nhất là ở Syria… Tôi học tất cả những chuyện này từ ủy ban: Chúng tôi đã làm một công việc tốt, và công việc này có thể giúp để đi tới và cho một câu trả lời dứt khoát, hoặc được, hoặc không. Hiện nay chưa ai nói điều này, nhưng một vài thần học gia đã nói cách đây 30 năm, rằng không có chức nữ phó tế vì phụ nữ ở hậu trường trong Giáo hội và không phải chỉ ở trong Giáo hội. Nhưng cũng thật kỳ lạ: vào thời đó có nhiều phó tế lương dân, chức nữ phó tế ở trong lịch trình điều hòa của các giáo phái lương dân. Chúng ta đang ở giai đoạn này và mỗi thành viên đang nghiên cứu chủ đề của mình.”

Đức Phanxicô đã điện thoại cho ông Jean Vanier

Ông Jean Vanier, nhà sáng lập Cộng đoàn Arche qua đời trong đêm thứ hai ngày 6 rạng ngày thứ ba 7 – 5 2019: trên máy bay từ Skopje về Rome, Đức Phanxicô đã cho các ký giả biết, trước đó một tuần ngài có điện thoại cho ông Jean Vanier: “Tôi biết ông Vanier bị bệnh. Nữ tu Geneviève Jeanningros thường xuyên cho tôi tin tức. Tôi điện thoại cho ông tuần vừa qua, ông nghe tôi nhưng gần như không trả lời được. Tôi muốn nói lên lòng biết ơn của tôi với ông, một con người biết đọc sự đòi hỏi của một kitô hữu từ huyền nhiệm của cái chết, của thập giá, của bệnh tật, của bí ẩn của những người khiếm khuyết, bị mọi người bỏ rơi. Ông không những làm việc cho những người bị xã hội ruồng bỏ nhưng còn làm việc cho những người trước khi sinh ra đã bị lên án tử hình. Tôi chân thành nói lên lời cám ơn ông, cám ơn Chúa đã gởi đến cho chúng ta con người cao cả này”.

 

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

286    09-05-2019