Sidebar

Chúa Nhật

19.05.2024

José Advincula, tân hồng y gần gũi giáo dân

José Advincula, tân hồng y gần gũi giáo dân 

 

Ở tuổi 68, Tổng Giám mục José Advincula, giáo phận Capiz không phải là giám mục truyền thông  như Hồng y Tagle hay như chủ tịch Hội đồng Giám mục Phi Luật Tân, Đức Tổng Giám mục Pablo Virgilio David trẻ tuổi, nhưng con đường mục vụ của tân hồng y được nhiều người biết đến.

“Giám mục José Advincula là ai?” Đó là câu hỏi được nhiều người Phi Luật Tân đặt ra khi ngày 25 tháng 10  họ nghe Đức Phanxicô tuyên bố tên ngài trong danh sách các tân hồng y trong công nghị ngày 28 tháng 11 sắp tới.

Sinh ngày 30 tháng 3 năm 1952 ở Capiz, tân hồng y chịu chức năm 1976 và theo học ngành tâm lý. Ngài được gởi đến Giáo hoàng Học viện Angelicum ở Rôma để học giáo luật. Năm 1999, ngài về lại nước và được bổ làm cha xứ ở giáo phận gốc. Năm 2001, ngài được Đức Gioan-Phaolô II phong giám mục giáo phận San Carlos ở miền trung quần đảo, năm 2011 ngài được Đức Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm giám mục ở giáo phận Capiz.

Một giám mục gần với đàn chiên của mình

Sau khi được nâng lên hàng hồng y, Đức Tổng Giám mục chủ tịch Hội đồng Giám mục Phi Luật Tân Pablo Virgilio David đã khen ngợi tấm lòng trắc ẩn đặc nét của tân hồng y. Theo ngài, tân hồng y đã nổi bật trong cuộc khủng hoảng sức khỏe, ngài báo động có sự gia tăng các trường hợp trầm cảm và ngay cả tự tử trong giáo phận. Một chủ đề thiết thân với cựu sinh viên ngành tâm lý. Trong thư mục vụ gởi trong thời gian cách ly, giám mục Advincule đã gióng lên tiếng chuông báo động: “Là Giáo hội, chúng ta được gọi để trau dồi văn hóa của sự hiện diện (…) Khi chúng ta biết người nào đang bị trầm cảm, chúng ta phải đưa tay ra dù chúng ta không phải là chuyên gia về sức khỏe tâm thần.”

Sự quan tâm đến người anh em là quyết tâm của tân hồng y. Theo ngài, một mục tử phải ở gần đàn chiên nhất có thể, nhất là khi đàn chiên của mình bị đau khổ. Đức Phanxicô đã không ngừng nhắc lại sự hiện diện âm thầm bên cạnh những người đau khổ hẳn đã mến sự nhạy cảm này.

Gần với giáo dân và những người đau khổ, tân hồng y xem việc bổ nhiệm mình là một cách hồng y đoàn mở ra với những người ở vùng ngoại vi. Ngài nói với Vatican News ngày hôm sau khi được bổ nhiệm: “Tôi luôn nghĩ Giáo hội phải ở gần giáo dân, đặc biệt là với những người của vùng ngoại vi”. Điều này có nghĩa là hiểu được niềm vui cũng như nỗi lo lắng và cuộc sống của người nghèo.

Nhân quyền, nghèo đói, giáo dục

Vị hồng y tương lai còn quan tâm đến một chủ đề thân thiết với ngài: đó là Nhân quyền. Trong một đất nước bị tàn phá vì đói nghèo và bạo lực, nhân quyền phải là trọng tâm sứ mệnh của toàn Giáo hội. Và ngài nhấn mạnh đến vai trò của giáo dục, đó là “cách để con người được nâng lên, kiếm được nhiều tiền hơn để có một cuộc sống đàng hoàng hơn.”

Với việc bổ nhiệm này, số hồng y Phi Luật Tân được tăng lên thành bốn hồng y. Nhưng hồng y Advincula sẽ là người duy nhất hoạt động ở Phi Luật Tân, hai hồng y khác đã nghỉ hưu và Đức Hồng Y Tagle hiện đang đứng đầu Bộ Truyền giáo cho các Dân tộc ở Rôma. Để hoạt động như một liên kết hiệu quả giữa quần đảo Phi Luật Tân và Vatican, tân hồng y sẽ có thể dựa vào kinh nghiệm thực địa của mình, ngài đã làm việc ở ba giáo phận nông thôn từ khi còn là linh mục cho đến khi là giám mục.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

538    29-11-2020