Không phải tất cả đều nói về thức ăn

Đây là sự mỉa mai lớn lao: Chúng ta thích ăn uống, còn Thiên Chúa thì thích nuôi dưỡng chúng ta. Chúng ta đặt một giá trị đặc biệt vào những bữa ăn chia sẻ trong các gia đình, còn Thiên Chúa lại yêu cầu chúng ta tổ chức việc thờ phượng của chúng ta trong Thánh Lễ xung quanh ý tưởng về việc ăn uống.

Như vậy tại sao Chúa từng mời gọi chúng ta ăn chay? Nếu thức ăn quá quan trọng, thì xem ra không hợp lý khi Chúa nói với chúng ta phải từ bỏ thức ăn để đến gần với Chúa hơn.

Không ai thích ăn chay. Không ai thích cơn đói làm khó chịu do việc ăn chay gây ra. Không ai thích cách ăn chay có thể làm cho chúng ta cảm thấy mệt mỏi, tức giận hoặc yếu đuối. Và chúng ta biết rằng Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta như con cái của Người, sẽ không vui gì khi thấy chúng ta đau khổ. Trong khi Giáo Hội dạy chúng ta rằng ăn chay là một trong những nguyên tắc tinh thần mạnh mẽ nhất mà chúng ta có thể thực hiện. Vì thế, chúng ta hãy quan tâm đến lời mời gọi ăn chay trong suốt Mùa Chay này. Hãy xem những phúc lành đem đến khi chúng ta sẵn sàng để dành một trong những ân huệ lớn nhất của Thiên Chúa – để chúng ta có thể được đổ đầy điều gì đó tốt hơn.

“Đôi Cánh” Của Sự Ăn Chay. Thánh Augustinô, một trong những Giáo Phụ lớn của Giáo Hội, một lần đã nói: “Bạn có muốn cầu nguyện để bay tới Thiên Chúa không? Rồi hãy cho nó hai cái cánh: ăn chay và bố thí”. Đối với Thánh Augustinô, ăn chay là một cách để giúp chúng ta tiến gần hơn đến Thiên Chúa, đến người khác, và đến con đường chúng ta đang sống. Điều đó còn nhiều hơn cả một chương trình có trọng lượng hoặc một cách để thanh tẩy thân xác chúng ta. Việc ăn chay tinh thần là một quyết định để từ bỏ thức ăn để chúng ta có thể đến gần Thiên Chúa.

Một phần của lý do mùa chay là nó có thể giúp chúng ta vượt qua những xu hướng tự nhiên thiên về sự thoải mái và khoái lạc. Dĩ nhiên, điều này không có ý nói rằng sự thoải mái và khoái lạc tự nó là tội lỗi. Vấn đề chỉ xảy ra khi khát vọng của chúng ta đối với sự thoải mái và khoái lạc trở nên bất quân bình và thái quá thành đam mê lạc thú.

Thomas Merton đã thấu hiểu được vấn đề tiềm tàng này khi nói rằng các ước muốn của chúng ta về thức ăn, thức uống, tình dục và khoái lạc giống như những đứa con nhỏ thường xuyên kêu gào sự chú ý và không bao giờ thấy hài lòng. Nếu chúng ta không dạy chúng những giới hạn đúng đắn, chúng có thể giữ chúng ta tập trung vào chính chúng ta và ngăn cản chúng ta yêu mến Thiên Chúa và quan tâm đến những người khác.

Vì thế khi chúng ta ăn chay, chúng ta có một cơ hội để “dạy dỗ” những khát vọng của chúng ta để tôn trọng những giới hạn đúng đắn. Điều đó như thể chúng ta đang nói với chúng, “tất cả các ngươi đều là những đứa con tốt, nhưng các ngươi cần theo ta thay vì cố gắng lèo lái ta. Tiếp tục; chúng ta hãy làm việc với nhau để đến gần Thiên Chúa”.

Câu chuyện của Miriam. Mẹ của Miriam, bà Rose, đang ngày càng lớn tuổi. Không lâu sau khi cha của Miriam qua đời, Rose bị chẩn đoán với căn bệnh Alzheimer (làm thoái hóa toàn bộ não bộ và không thể phục hồi). Càng ngày, Rose càng quên những thứ đơn giản, bà không thể nhận ra các bạn của bà và không thể nhớ bà đang ở đâu hoặc bà đang làm gì.

Nhận thấy tình trạng của mẹ ngày càng trầm trọng, Miriam đã quết định đưa mẹ mình về nhà sống chung với gia đình cô. Từ lúc đó, Miriam chăm sóc cho mẹ ăn, tắm cho mẹ, giữ mẹ an toàn và lau chùi, vệ sinh cho mẹ.

Vài năm sau đó, bà Rose qua đời. Miriam và các anh chị em của cô tập họp lại để đọc di chúc của mẹ. Khi luật sư giải thích những ước muốn sau cùng của người mẹ, các người con ngạc nhiên nhận ra rằng bà Rose đã để lại mọi thứ bà có cho Miriam. Lá thư giải thích: “Miriam đã hy sinh quá nhiều cho mẹ – nghề nghiệp của nó, thời gian dành cho gia đình riêng và sự tự do của nó. Mẹ cho Miriam tất cả những gì mẹ có là điều ít nhất mẹ có thể làm vì nó đã cho mẹ tất cả những gì nó có”.

Một Sự Trao Đổi Thánh Thiêng. Sự chăm sóc của Miriam cho mẹ của cô – cũng như  sự đáp trả của mẹ cô cho sự chăm sóc đó – là một cách chúng ta có thể hiểu vẻ đẹp và giá trị của sự ăn chay. Mỗi ngày mùa Chay này, Cha trên trời của chúng ta sẽ đứng ở cửa tâm hồn chúng ta và xin chúng ta hãy hy sinh một chút thời gian, một chút sự tiện nghi và một chút thời gian rảnh rỗi của chúng ta để ở với Người. Người hứa sẽ trao đổi những của lễ này với một “phần gấp đôi” ân sủng của Người. Miriam đã hy sinh nhiều cuộc sống riêng của cô để chăm sóc cho mẹ cô, và cô đã được ân thưởng dồi dào – ngay cả dù cô không mong đợi điều đó! Tương tự như vậy, Thiên Chúa sẽ ân thưởng cho chúng ta cách dồi dào bất cứ khi nào chúng ta hy sinh một điều gì đó đối với chúng ta là quý giá đề dành thời gian cho Chúa hoặc để phục vụ dân của Người.

Khi chúng ta chay tịnh khỏi sự thoải mái và khoái lạc, là chúng ta đang thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa, con muốn hy sinh những thứ này để có chút thời gian hầu con có thể giữ tâm trí con tập trung vào những gì cuộc sống thực sự liên quan”. Chúng ta cũng đang thưa lên rằng: “Con biết Chúa muốn con vui thích với thế giới xinh đẹp này do chính Chúa đã tạo dựng nên, nhưng con cũng biết rằng tình yêu với Chúa và sự phụng sự Chúa thì quan trọng hơn sự thoải mái và sự khoái lạc của riêng con”.

Trong một ý nghĩa nào đó, sự ăn chay thì giống như một thế giới vi mô của toàn bộ đời sống Kitô hữu, nghĩa là “tôi sẽ không để bất cứ điều gì, ngay cả những khát vọng (thèm ăn, ham muốn, …) của tôi quan trọng hơn tình của tôi dành cho Chúa và dành cho những người khác”.

Ăn chay để chiến đấu. Ba trong bốn Tin Mừng – Mattheu, Mácco và Luca – nói với chúng ta rằng vào lúc khởi đầu sứ vụ của mình, Đức Giêsu đã đi vào hoang địa để ăn chay và cầu nguyện bốn mươi đêm ngày. Tin Mừng Mácco kể lại sự kiện đó cách đột ngột nhất: “ThầnKhí liền (lập tức) đẩy Người vào hoang địa” (Mc 1,12).

Tại sao Chúa Thánh Thần “dẫn” Đức Giêsu vào trong vùng hoang địa như thế này? Là để Người chuẩn bị cho sứ vụ của mình. Trong suốt thời gian đó, Đức Giêsu đã rơi vào trong một cuộc chiến chống lại Satan. Người đói bụng. Người yếu mệt. Người có thể bị tấn công. Ma quỷ đã dùng những mồi của sự thoải mái, khoái lạc và quyền lực để cố gắng làm cho Đức Giêsu phạm tội. Dù khó khăn biết chừng nào, Đức Giêsu đã trở lại trong chiến thắng sau cuộc ăn chay.

Chúng ta cũng ở trong một cuộc chiến và Satan cũng sử dụng những chiến thuật trên chúng ta. Mục đích của Satan là làm cho chúng ta quá quan tâm đến chính chúng ta đến nỗi chúng ta quên cả Thiên Chúa và lời mời gọi của Người để yêu thương nhau. Nhưng với sự trợ giúp của Thánh Thần và các Bí tích, chúng ta có thể tìm thấy sức mạnh nội tâm để nói không với những sự dối trá của ma quỷ. Khi chúng ta dấn thân vào cuộc chiến đấu, chúng ta cũng sẽ khám phá ra rằng sức mạnh ý chí của chúng ta thực sự mạnh mẽ hơn chúng ta thường nghĩ.

Thánh Phaolo cũng nói về cuộc chiến đấu này đối với tâm trí. Người gọi đó là một cuộc chiến giữa “con người cũ” và “con người mới”. Người nói rằng mục đích của cuộc sống chúng ta là “cởi bỏ” con người cũ và “mặc lấy” con người mới, con người được đổi mới nhờ Thánh Thần (Cl 3,9.10; Ep 4,22.24).

Con người cũ bị thống trị bởi những ước muốn ích kỷ. Con người mới thì tràn đầy tình yêu, sự bình an, sự kiên nhẫn và lòng tốt. Mỗi người chúng ta là một sự kết hợp giữa con người cũ và con người mới, và cả hai đều muốn thống trị chúng ta. Tất cả chúng ta có quá nhiều điều tốt trong chúng ta. Chúng ta yêu thương. Chúng ta tử tế và cảm thông. Chúng ta muốn làm điều tốt. Đồng thời, chúng ta có nhiều ảnh hưởng không tốt. Chúng ta nóng giận. Chúng ta làm tổn thương người khác. Chúng ta oán giận. Chúng ta nói dối và chúng ta lừa gạt.

Ăn chay kết hợp với việc cầu nguyện có thể giúp chúng ta chiến thắng trong cuộc chiến này. Nó có thể giúp chúng ta lớn mạnh hơn trong đức tin và gần với Thiên Chúa hơn. Nó có thể giúp chúng ta nói không khi chúng ta bị cám dỗ.

Vì thế qua bốn ngày chay sắp tới, bạn hãy cố gắng chiến thắng một hoặc hai trong những cuộc chiến này, chúng vốn dường như luôn luôn nhảy múa trên bạn. Có thể đó là sự giận dữ hoặc sự oán giận hay lười biếng. Có thể đó là một điều gì đó. Mỗi ngày, bạn hãy làm một quyết định để thực hành điều trái ngược với những thói xấu ấy. Nếu đó là sự nóng giận, bạn hãy cố gắng mặc lấy sự tha thứ. Nếu đó là lòng tham, bạn hãy cố gắng mặc lấy sự trong sạch. Nếu đó là sự lười biếng, bạn hãy quyết tâm sống năng động. Bạn hãy xin Chúa giúp đỡ bạn. Hãy làm điều bạn có thể và Thiên Chúa sẽ công thưởng cho bạn.

Việc ăn chay có những hiệu quả toàn thể. Rõ ràng, ăn chay thì tốt cho chúng ta. Thật vậy, việc ăn chay làm gia tăng hơn sự lớn lên về đời sống tinh thần của chúng ta. Nó có thể biến đổi cả thế giới. Một thí dụ đến từ Sách Esther. Trong câu chuyện này, một viên chức lớn tuổi được lòng ở Persia đang âm mưu tiêu diệt dân Do Thái trong đất nước của ông. Mordecai, một người Do Thái tốt lành, đã khám phá ra âm mưu này và ông đã xin Hoàng hậu Esther, cũng là một người Do Thái, đi đến gặp vua và vạch trần âm mưu đó.

Lo lắng về câu trả lời của vua, Esther đã xin tất cả những người Do Thái ăn chay và cầu nguyện cho hoàng hậu. Rồi bà cũng cầu nguyện và tiếp cận đức vua. Dường như tất cả đã được trợ giúp nhờ việc ăn chay và cầu nguyện, kết quả là vua đã lắng nghe hoàng hậu Esther và đã bảo đảm sự an toàn cho dân của hoàng hậu.

Thế giới của chúng ta có quá nhiều vấn đề. Chúng ta thấy chiến tranh, sự phá thai, sự bất hòa trong gia đình, sự nghèo nàn và sự đói khổ. Tin tức thì hầu như luôn luôn u ám. Nhưng như Esther, Mordecai và tất cả những người Do Thái ở Persia, chúng ta có thể ăn chay và cầu nguyện. Chúng ta có thể tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa sẽ trả lời cho những lời cầu nguyện của chúng ta. Hãy tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra nếu toàn thể Giáo Hội đều ăn chay và cầu nguyện chỉ cho một trong những vấn đề nói trên! Chắc chắn, Thiên Chúa sẽ lắng nghe chúng ta và mở rộng bàn tay cứu độ của Người.

Một Thời Gian để Đổi Mới. Khi chúng ta ăn chay, chúng ta thưa với Chúa Giêsu rằng: “Con muốn nhận lấy uy quyền của Chúa trên những ước muốn của con – không phải thức ăn thống trị con – nhưng là Chúa”. Chúng ta đang xin Chúa giúp chúng ta chiến thắng cuộc chiến chống lại con người cũ của chúng ta. Và chúng ta đang xin Chúa đến và cứu thế giới khỏi tội lỗi. Nguyện xin Chúa cho việc ăn chay của chúng ta trong bốn mươi ngày Mùa Chay này dẫn đến một thời kỳ đổi mới (tái sinh) cho chúng ta và cho mọi người.

Theo the Word Among us

Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương