Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Kinh chiều I Lễ Mẹ Thiên Chúa và Kinh Te Deum


Lúc 5 giờ chiều Chúa Nhật 31/12, Đức Thánh Cha đã chủ sự giờ Kinh Chiều I lễ Mẹ Thiên Chúa và Kinh Te Deum để tạ ơn Chúa cuối năm 2023. Có khoảng 6 ngàn rưỡi tín hữu đã hiện diện tại buổi đọc Kinh Chiều trong đền thờ thánh Phêrô. Đây là buổi đọc Kinh Chiều I và Kinh Tedeum truyền thống hằng năm của Đức Thánh Cha với các tín hữu để tạ ơn Chúa về năm vừa qua.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Đức tin cho phép chúng ta sống thời điểm này khác với não trạng trần thế. Niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa nhập thể, được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, mang lại cho chúng ta một cảm nhận mới về thời gian và cuộc sống. Tôi sẽ tóm tắt nó trong hai từ: biết ơn và hy vọng.

Ai đó có thể nói: “Nhưng đó chẳng phải là điều mọi người làm vào buổi tối cuối cùng của năm sao? Mọi người đều cảm ơn, mọi người đều hy vọng, dù tin hay không tin”. Có lẽ nó dường như là vậy, và nó là như vậy! Nhưng, thực tế, lòng biết ơn trần thế, niềm hy vọng trần thế là điều dễ thấy; chúng thiếu chiều kích thiết yếu là chiều kích tương quan với Đấng Khác và với người khác, với Thiên Chúa và với anh chị em. Khi sự biết ơn và hy vọng trần thế chỉ tập trung vào tôi, thì nó sẽ dễ bị hụt hơi và không thể đi xa hơn là sự hài lòng và lạc quan.

Ngược lại, trong Giờ Kinh chiều này, với đỉnh điểm là bài thánh thi tuyệt mỹ Te Deum, người ta có thể hít thở một bầu không khí hoàn toàn khác: bầu không khí ca ngợi, kinh ngạc và biết ơn. Và điều này xảy ra không phải vì sự uy nghiêm của Vương cung thánh đường, không phải vì ánh sáng và những bài hát - đúng hơn, những điều này là hệ quả -, nhưng vì Mầu nhiệm được diễn tả trong điệp ca của thánh vịnh đầu tiên: “Cuộc trao đổi sao mà kỳ diệu: Đấng tác tạo con người lại sinh làm Con Đức Trinh Nữ để ta được thông phần bản tính Thiên Chúa”. Cuộc trao đổi này thật kỳ diệu.

Phụng vụ giúp chúng ta đi vào cảm thức của Giáo hội; và có thể nói, Giáo hội học những điều đó từ Mẹ Đồng Trinh.

Chúng ta hãy nghĩ về lòng biết ơn của Đức Maria khi Mẹ nhìn Chúa Giêsu mới sinh. Đây là một kinh nghiệm mà chỉ một người mẹ mới có được, tuy nhiên nơi Mẹ, nơi Mẹ Thiên Chúa, kinh nghiệm này có chiều sâu độc nhất, không gì sánh được. Chỉ Mẹ Maria cùng với Thánh Giuse biết Hài Nhi đến từ đâu. Nhưng Người vẫn ở đó, thở, khóc, cần ăn, cần được che chở, được chăm sóc. Mầu nhiệm dành chỗ cho lòng biết ơn, vốn trổ sinh trong chiêm niệm về ân sủng, trong sự vô vị lợi, trong khi chết ngạt trong nỗi lo lắng về những của cải và về sự phô trương.

Giáo Hội học được lòng biết ơn từ Mẹ Đồng Trinh. Và cũng học được niềm hy vọng. Người ta có thể nghĩ rằng Thiên Chúa đã chọn Mẹ, Maria người Nazareth, bởi vì nơi trái tim Mẹ, Thiên Chúa đã nhìn thấy phản ánh chính hy vọng của Người, là điều Người đã đổ tràn nơi Mẹ bằng Thánh Thần. Mẹ Maria luôn tràn đầy tình yêu, tràn đầy ân sủng, và do đó, Mẹ cũng đầy tràn niềm tin tưởng và hy vọng.

Niềm hy vọng của Mẹ Maria và của Giáo hội không phải là sự lạc quan, mà là một điều gì khác: đó là sự tin tưởng vào Thiên Chúa trung tín với lời hứa của Người (xem Lc 1:55); và đức tin này mang hình thức hy vọng trong chiều kích thời gian, chúng ta có thể nói là “đang trên hành trình”. Người Kitô hữu, giống như Đức Maria, là một người hành hương của hy vọng. Và đây sẽ là chủ đề của Năm Thánh 2025: “Những Người Hành hương của Hy vọng”.

Anh chị em thân mến, chúng ta có thể tự hỏi: Roma có đang chuẩn bị để trở thành “thành phố của hy vọng” trong Năm Thánh không? Tất cả chúng ta đều biết rằng việc tổ chức Năm Thánh đã được tiến hành được một thời gian. Nhưng chúng ta hiểu rõ rằng, theo cái nhìn của chúng ta ở đây, vấn đề chủ yếu không phải là về điều này; đúng hơn đó là chứng tá của cộng đoàn Giáo hội và dân sự; chứng từ đó, hơn cả các sự kiện, hệ tại ở lối sống, ở phẩm chất đạo đức và thiêng liêng của việc chung sống. Và do đó, câu hỏi có thể được đặt ra như thế này: chúng ta có đang làm việc, mỗi người trong lãnh vực của mình, để thành phố này trở thành dấu chỉ hy vọng cho những ai đang sống và cho những người đến thăm nó không?

Một ví dụ. Bước vào Quảng trường Thánh Phêrô và thấy rằng, trong vòng tay của những hàng cột, mọi người thuộc mọi quốc tịch, văn hóa và tôn giáo bước đi một cách tự do và thanh thản, là một trải nghiệm khơi lên niềm hy vọng; nhưng điều quan trọng là nó được khẳng định bằng sự chào đón nồng nhiệt khi viếng thăm Đền Thánh, cũng như qua các dịch vụ thông tin. Một ví dụ khác: sự quyến rũ của trung tâm lịch sử lâu đời và phổ quát của Roma; nhưng làm sao để người già hoặc người khuyết tật vận động cũng có thể dễ dàng tiếp cận và thưởng thức; và “vẻ đẹp tuyệt vời” phải tương ứng với phong cách trang trí đơn giản và chức năng bình thường ở những địa điểm và bối cảnh của cuộc sống thường nhật. Bởi vì một thành phố đáng sống hơn cho người dân của mình cũng sẽ thân thiện hơn với mọi người.

Anh chị em thân mến, một cuộc hành hương, đặc biệt nếu dấn thân, đòi hỏi cần sự chuẩn bị tốt. Vì lý do này, vào năm tới, trước Năm Thánh, được dành riêng cho việc cầu nguyện. Trọn một năm dành cho việc cầu nguyện. Và không vị thầy nào tốt hơn cho chúng ta ngoài Mẹ Thánh của chúng ta. Chúng ta hãy học nơi trường học của Mẹ: chúng ta hãy học nơi Mẹ cách sống mỗi ngày, mỗi khoảnh khắc, mỗi công việc với cái nhìn nội tâm hướng về Chúa Giêsu. Tất cả đều ở trong sự hiện diện và ân sủng của Chúa Giêsu, là Chúa. Tất cả với lòng biết ơn và hy vọng.

Kết thúc buổi đọc Kinh Chiều, Đức Thánh Cha ban phép lành cho các tín hữu. Sau đó, dù trời tối, Đức Thánh Cha đã được đẩy trên xe lăn ra ngoài quảng trường để viếng hang đá và chào thăm các tín hữu đã tham dự giờ Kinh Chiều qua màn hình lớn ngoài quảng trường.

Ngày 1/1, Lễ Mẹ Thiên Chúa, lúc 10 giờ sáng giờ Roma, tức lúc 4 giờ chiều giờ Việt Nam, Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ Mẹ Thiên Chúa và cầu bình an cho năm mới. Vatican News Tiếng Việt sẽ truyền hình trực tiếp Thánh Lễ với thuyết minh tiếng Việt, và được phát trên website và kênh Youtube của Vatican News Tiếng Việt.

 

Theo Vatican News (31/12/2023)

100    01-01-2024