Sidebar

Thứ Bảy
18.05.2024

Ki-tô hữu và phần thưởng thiên đàng

GÓC NHÌN ĐỨC TIN VÀ CUỘC SỐNG
KI TÔ HỮU VÀ PHẦN THƯỞNG THIÊN ĐÀNG
KI TÔ HỮU VÀ PHẦN THƯỞNG THIÊN ĐÀNG

 

Đối với Ki-tô hữu chúng ta, Thiên đàng không phải là một khái niệm xa lạ. Trái lại, trong kinh nguyện hằng ngày, nhất là lúc hấp hối trên giường bệnh, chúng ta vẫn cầu xin cho được chết lành, và sau khi chết được lên Thiên đàng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng, được hưởng hạnh phúc muôn đời.

 Thiên đàng, luyện ngục, hỏa ngục là những chân lý chúng ta phải tin.

 

HỘI THÁNH NÓI GÌ VỀ THIÊN ĐÀNG?

 Trong đề mục “Thiên đàng”, sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đã viết như sau:

 “Những kẻ chết trong ơn nghĩa Chúa và kẻ được thanh luyện trọn vẹn, sẽ sống mãi với Đức Ki-tô. Muôn đời họ sẽ nên giống Thiên Chúa, vì Người thế nào họ sẽ được ‘nhìn thấy Người như vậy’ diện đối diện  (x. 1Ga 3,2) (x. Sđd số 1023). 

 “’Thiên đàng’ là cuộc sống viên mãn vì được hiệp thông trong sự sống và tình yêu với Thiên Chúa Ba Ngôi, với Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, với các thiên thần và các thánh. Thiên đàng là mục đích tối hậu và là sự hiện thực các nguyện vọng sâu xa nhất của con người, là tình trạng hạnh phúc tuyệt hảo và chung cuộc” (x. Sđd số 1024).

 “’Lên Thiên đàng’ là ‘được ở với Đức Ki-tô’. Những người được tuyển chọn ‘sống trong Người’, nhưng vẫn giữ, hay nói đúng hơn là tìm được căn tính đích thực của mình, danh xưng riêng của mình ” (x. Sđd số 1025).

 

Khi nói về Thiên đàng là đích điểm niềm hy vọng Ki-tô giáo, ĐTC Phan-xi-cô đã chia sẻ:

 “Thiên đàng không phải là một nơi của chuyện huyền thoại, và cũng chẳng phải là vườn thần tiên. Thiên đàng là vòng tay ôm với Thiên Chúa, Đấng là tình yêu vô biên, và chúng ta vào thiên đàng nhờ Chúa Giêsu, Người đã chết trên thập giá vì chúng ta. Nơi nào có Chúa Giêsu, nơi ấy có lòng thương xót và hạnh phúc; không có Chúa thì chỉ có lạnh lẽo và tối tăm. Trong giờ chết, Kitô hữu lập lại với Chúa Giêsu: Xin Chúa nhớ đến con. Và cho dù không còn ai nhớ đến chúng ta, Chúa Giêsu vẫn ở đó cạnh chúng ta. Ngài muốn đưa chúng ta vào nơi đẹp đẽ nhất. Ngài muốn đưa vào đó với ít nhiều điều thiện trong cuộc sống chúng ta, để không điều gì bị mất đi khỏi những gì Ngài đã cứu chuộc. Và trong nhà Cha, Ngài cũng mang tất cả những gì ở trong chúng ta cần được cứu chuộc: những thiếu sót và những sai lầm trong trọn cuộc sống. Đó là mục đích cuộc sống của chúng ta: tất cả được hoàn thành, được biến đối trong tình thương.

 

Nếu chúng ta tin điều đó, thì cái chết không còn làm cho chúng ta sợ hãi nữa và chúng ta cũng có thể hy vọng rời khỏi thế giới này một cách thanh thản, với bao nhiêu lòng tín thác. Ai đã biết Chúa Giêsu, thì không còn sợ hãi gì nữa. Và chúng ta cũng có thể lập lại những lời của cụ già Simeon, cụ cũng đã được phúc gặp gỡ Chúa Kitô, sau trọn cuộc đời chờ đợi: Giờ đây, lạy Chúa, xin cho tôi tớ Chúa ra đi bình an, theo lời Ngài, vì mắt con đã thấy ơn cứu độ của Chúa (Lc 2,29-30)” (Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news).

 

Trong buổi cầu nguyện với quần chúng ngày 21 tháng 7 năm 1999, Đức thánh GH Gioan Phaolô II đã tạo nên vấn đề thời sự. Ngài nói: “Thiên đàng là một trạng thái sống (state of being) chứ không phải là một nơi chốn (place) theo nhận thức của ngôn ngữ loài người”.  Ngài nói rõ thêm,“Thiên đàng không phải là một khái niệm trừu tượng hay là một địa điểm cụ thể trong những cụm mây, nhưng là một lối sống, là mối quan hệ giữa cá nhân với Thiên Chúa Ba Ngôi. Đó là cuộc gặp gỡ Chúa Cha, diễn ra trong Chúa Kitô phục sinh, và hiệp thông với Chúa Thánh Thần". Đối với giới truyền thông ngoài Công giáo, lời tuyên bố này quá bất ngờ vì đi ra ngoài nhận định về Thiên đàng của truyền thống. (Nguồn: conggiao.info).

 

Vậy thì chúng ta có thể khẳng định một điều là Thiên đàng không phải là một nơi chốn nào đó, trên trời, trong vũ trụ xa xôi... “Lên Thiên đàng” chỉ là cách nói hướng chúng ta về một huyền nhiệm thiên giới, về một thực tại thiên thai qua đó, sau cái chết thể lý, chúng ta được gặp gỡ, hiệp thông, sống với Thiên Chúa Ba Ngôi trong Đức Giê-su Ki-tô. Chính Chúa Giê-su cũng đã khích lệ các môn đệ của Ngài, “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành” (Ga 17,24).

Thánh Phao-lô cũng không nói đến Thiên giới như một cõi mơ hồ nào đó, nhưng bày tỏ ước mong được “về với Chúa, được gặp Chúa, và được ở với Chúa”. Ngài viết: “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi…Tôi bị giằng co giữa hai đàng: ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Ki-tô, điều này tốt hơn bội phần; nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn vì anh em. ” (x. Pl 21-23). Chỗ khác, ngài cũng đã viết: “Vậy, chúng tôi luôn mạnh dạn, và điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa.” (2Cr 5,8).

 

KI-TÔ HỮU VÀ PHẦN THƯỞNG THIÊN ĐÀNG

 Mọi Ki-tô hữu đều ước mong sau khi chết sẽ được “lên Thiêng đàng” để được hưởng hạnh phúc đời đời với Chúa. Thiên đàng là phần thưởng tuyệt vời nhất dành cho những kẻ trung tín, đang sống trong ơn nghĩa Chúa. Phần thưởng ấy khác xa với những gì chúng ta hình dung, nhất là theo cách nghĩ thiển cận của đức tin bình dân thì Thiên đàng là “chốn bồng lai tiên cảnh”, ở đó người ta được sống một đời sống vui sướng, an nhàn đời đời.

 

Vì Thiên đàng là chính Chúa hằng sống, là sự hiệp thông yêu thương với Ba Ngôi Thiên Chúa, là mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa trong Chúa Ki-tô, cho nên chúng ta được mời gọi chuẩn bị một tinh thần và một tâm thế đặc biệt để lãnh nhận Thiên đàng.

 Thiên đàng trước hết là ân huệ Thiên Chúa ban cho những ai có lòng tin và biết sám hối.

 Vì Thiên đàng là ân huệ nhưng không cho nên chúng ta bỏ qua những suy nghĩ cho rằng mình được “lên Thiên đàng” là do đi lễ nhiều, đọc kinh nhiều, lần hạt nhiều, xưng tội nhiều, bố thí nhiều, lập công đền tội nhiều vv... Niềm tin ấy đã biến Thiên đàng như một món nợ mà Thiên Chúa trả cho ta vì ta đã lập nhiều công đức...

 Khi Chúa Giê-su đến trần gian rao giảng Nước Thiên Chúa, thì thánh Gio-an Tẩy Giả đã loan báo, “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,2). Đức Giê-su cũng rao giảng: “Thời kỳ đã mãn, và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Vì ơn cứu chuộc đã đến gần và được ban nhưng không, nên những ai muốn lãnh nhận ân huệ ấy thì phải chuẩn bị cả thể xác lẫn tinh thần với một tâm thế đặc biệt, đó là sự sám hối. Sám hối là từ bỏ con người cũ, quay đầu 180o, sẵn sàng thay đổi hoàn toàn để đón nhận thực tại mới. Đó là niềm tin vào Đức Giê-su. Người trộm lành sám hối đã được Chúa Giê-su hứa cho vào Thiên đàng với Ngài, “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43).

 
Thiên đàng cũng là phần thưởng dành cho những công dân trung tín của Nước trời.

 Đó là những người sống và thực hành Tám Mối Phúc thật.

“ ‘Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ’.

Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp’.

Phúc thay ai sầu khổ, vì họ được Thiên Chúa ủi an’.

Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng’.

Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương’.

Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa’.

Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là Con Thiên Chúa’.

Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ’.

Phúc cho anh em, khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại, và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao’. ” (Mt 5, 1-12).

 

Thiên đàng luôn dành cho những ai có lòng mến Ki-tô giáo.

 Có thể nói giữa Thiên đàng và lòng mến Ki-tô giáo có một mối liên hệ rất mật thiết. Nói cách khác, Thiên đàng luôn là phần thưởng cho những ai có lòng yêu mến theo gương Đức Ki-tô, “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34); “Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8); “Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (x.1Ga 4,16).

 Sự hiệp thông với Thiên Chúa, tức Thiên đàng, đòi hỏi chúng ta phải mặc lấy chiếc áo lòng mến của Chúa Ki-tô, là Đấng đã yêu mến Cha và yêu thương nhân loại đến cùng. Thánh Phao-lô đã ca tụng đức mến như con đường trổi vượt mà mọi Ki-tô phải dấn thân luyện tập và đi theo (x. 1Cor 13, 1-13). Tất cả sẽ qua đi, duy chỉ có lòng mến là tồn tại. Sự tồn tại của lòng mến chính là sự tồn tại vĩnh cửu của Thiên đàng. Vì cả hai đều xuất phát từ Thiên Chúa là tình yêu. Khi yêu mến như Đức Ki-tô, chúng ta đã sống thực tại thần linh và vĩnh cửu rồi (x. Ga 13, 8-13).

 Trong bối cảnh cuộc phán xét diễn ra vào ngày chung thẩm, mỗi người tín hữu chúng ta sẽ được xét xử căn cứ vào việc thực thi những bổn phận liên quan đức ái Ki-tô giáo. Chúng ta sẽ được tuyển chọn hay bị loại trừ là tùy vào những việc cụ thể chúng ta làm hay bỏ qua không làm cho những người anh em mình. Lúc đó Thiên đàng sẽ ban cho “những kẻ lành” đứng bên phải Đấng Phán Xử. “Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: ‘Nào những kẻ Cha ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thủa tạo thiên lập địa. Vì xưa ta đói, các ngươi đã cho ta ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm’ ” (Mt 25, 34-36)./.

 

Aug. Trần Cao Khải

2211    03-05-2018