Sidebar

Thứ Sáu
17.05.2024

Lạm dụng tình dục: “Giáo hội phải tự vấn về phần trách nhiệm của mình”

 

Nữ tu Dòng Đa Minh Véronique Margron, thần học gia và là Chủ tịch Hội đồng Nam nữ Tu sĩ Pháp

Ngày thứ hai 30 tháng 7, Đức Phanxicô đã chấp nhận đơn xin từ chức của Giám mục Philip Wilson, thuộc Tòa Giám mục Adélạde (Úc), ngày 3 tháng 7 giám mục Wilson đã bị tòa lên án một năm tù vì đã bao che các vụ ấu dâm trong những năm 1970. Hai ngày trước đó, hồng y Theodore McCarrick, cựu Tổng Giám mục giáo phận Washington từ chức vì bị cáo buộc lạm dụng tình dục. Chúng tôi có cuộc phỏng vấn nữ tu Dòng Đa Minh Véronique Margron, thần học gia và là Chủ tịch Hội đồng Nam nữ Tu sĩ Pháp. 

Xơ nghĩ gì về tất cả các tội phạm, trọng tội và các vụ tai tiếng được đưa ra hàng loạt từ nhiều tháng nay?

Điểm đầu tiên là phải ý thức về sự cực kỳ trầm trọng và tính cá biệt của sự lạm dụng tình dục này. Quả thực, trong một thời gian quá lâu, trong lòng Giáo hội, người ta đã tương đối hóa tội ác và các hệ quả của nó trên các nạn nhân và gia đình của họ. Hoặc người ta muốn im lặng để “tránh tai tiếng”. Nhưng tai tiếng là chính sự lạm dụng, là sự phản bội lòng tin và tội ác đã phạm. Một khi ý thức được vấn đề, đây là giai đoạn cơ bản, thì giai đoạn thứ nhì là cân nhắc trách nhiệm của các thể chế chúng ta. Về mặt luật, khi có một thủ phạm, tất cả mọi người đều không dính vào, không phạm tội. Một tách biệt chủ yếu, nhưng trong Giáo hội, thủ phạm này có mối dây liên hệ chặt chẽ, với tổ chức, với thể chế của mình, đó là Giáo hội, dù là Giáo hội của giáo phận hay của Nhà Dòng. Như vậy Giáo hội phải tự vấn về phần trách nhiệm của mình, không phải là trong hành vi đã phạm, nhưng trong cách Giáo hội đã để cho một người có các hành vi chi phối, đặc biệt là lạm dụng quyền uy, lạm dụng thiêng liêng dẫn đến lạm dụng tình dục.

Giáo hội phải tự vấn về phần trách nhiệm của mình, trong cách đã để xảy ra các vụ lạm dụng quyền uy, lạm dụng thiêng liêng.

Tôi cũng thấy trong bối cảnh Giáo hội là người mẹ: thì vì sao người mẹ không biết bảo vệ con cái mình? Hoặc bối cảnh Người Cha là Thiên Chúa: thì vì sao người cha không biết bảo vệ con cái mình? Điều này không có nghĩa là chúng ta không còn nghĩ Giáo hội như người mẹ, nhưng chúng ta phải xem lại những gì chúng ta nói về Giáo hội khi Giáo hội đứng trước các vụ tai tiếng này. Vậy thì làm sao nói cho đúng, với sự thật? Và cuối cùng, nhìn xem cái gì còn mơ hồ trong các lời của chúng ta, các cuộc thảo luận của chúng ta hiện nay. Xem cái gì là chưa đủ về mặt nhân văn để phải luôn có sự cảnh giác, sự cẩn thận. Phải chất vấn lại tương quan của chúng ta với sự thánh và với tất cả những gì cấu trúc thể chế giáo sĩ. 

Xơ muốn nói gì?

Chúng ta thường nghe nói về các linh mục hay các tu sĩ, đó là “người đàn ông hay người phụ nữ của Chúa”. Là nữ tu, tôi chỉ có thể thấy điều này là tuyệt vời, nhưng không phải vì thế mà chúng ta được tách ra, đây là một trách nhiệm quá bao la! Và đó mới là vấn đề, khi giáo dân không thể tưởng tượng một “người đàn ông của Chúa, một phụ nữ của Chúa” lại đi lạm dụng. Vậy trước hết trong bối cảnh với người tu sĩ, với sự thánh – có nghĩa là “tách biệt” –, điều làm cho linh mục hay người tu sĩ trở nên người tách biệt, thì điều này cần suy nghĩ lại. Cho đến khi nào giáo dân còn để họ trên bệ thờ, cho họ xứng đáng hơn người khác, hơn gia đình, và hơn cả các tổ chức giáo hội, thì giáo dân không có cùng mức cảnh giác mà đáng lý giáo dân phải có, chẳng hạn như khi họ cảnh giác với nhà giáo dục trẻ em hay giáo sự dạy thể thao. Đây không phải là vấn đề nghi ngờ, nhưng một thái độ thiếu cảnh giác như vậy sẽ nguy hiểm cho đời sống Giáo hội, phải ở trong sự thận trọng cần thiết. Trong rất nhiều trường hợp, và đáng tiếc thay là không may, các tín hữu từ lâu đã mù quáng và bị che mù, họ sống trong phủ nhận và thậm chí, đôi khi còn là người bảo vệ cho kẻ săn mồi này, săn mồi kia. 

Và đó là vấn đề, khi giáo dân không thể tưởng tượng một “người đàn ông của Chúa” hoặc “một phụ nữ của Chúa” lại đi lạm dụng.

Như thế vấn đề là: Làm thế nào mà khái niệm của chúng ta về linh mục hay nam nữ tu sĩ lại không tạo được lối thoát cho tính nhân văn của nó trong trọn sự phức tạp và chiều dày này.

Theo xơ, điều này cũng tác động đến tổ chức nội bộ… chẳng hạn đến vị trí các giáo dân…

Nó cũng đi song song với tổ chức quyền lực trong Giáo hội. Tất cả những ai đã rửa tội đều chọn bậc sống, đều có các tiếng gọi khác nhau. Sự hiện diện của một linh mục trong cộng đoàn là điều cơ bản, nhưng càng có nhiều giáo dân, cả nam lẫn nữ cùng chia sẻ trách nhiệm, cùng hợp tác hơn trong một tinh thần đồng đội vững mạnh thì khi đó chúng ta sẽ tránh được các tình trạng này, tình trạng của một người bị chênh vênh.

Một cách cụ thể, làm thế nào để xét lại khái niệm sự thánh ở thang bậc Giáo hội?

Trước hết không phải ở thang bậc Giáo hội hoàn vũ, qua một thượng hội đồng mà chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề! Dĩ nhiên giáo hoàng hay các tiếng nói thế lực sẽ có thể gợi ý để suy nghĩ, để định hướng, nhưng gợi ý này phải được làm ở cấp bậc địa phương, như tất cả công việc thần học hay mục vụ. Một cách cơ bản, đây cũng là công việc giữa các thần học gia, các nhà chú giải Kinh Thánh, các tu sĩ, các sử gia phải làm với các nạn nhân. Trên thực tế, các nạn nhân – thật đáng buồn-, lại là những người hiểu rõ những gì sai lầm của sự thánh, của lòng tin tưởng mù quáng đã tạo nên. Đây không phải là lắng nghe họ rồi trình bày giữa các tu sĩ có trách nhiệm nhưng, thêm một lần nữa, là phải cùng nhau suy nghĩ, trong một chất vấn chung, quan tâm chung.

Tôi nghĩ đến công việc chẳng hạn của Trung tâm Bảo vệ trẻ vị thành niên của Đại học Gregoria ở Rôma, nơi các nạn nhân có tiếng nói. Còn tại Hội đồng các Nam nữ Tu sĩ Pháp (CORREF) chúng tôi vừa làm bước đầu tiên, ngày 11 tháng 6 vừa qua chúng tôi tổ chức một ngày họp để lưu ý đến vấn đề này cho 130 bề trên nam nữ các Dòng và mời ba nạn nhân đến làm chứng. Đây là một ngày rất sâu đậm và nghiêm túc, nhưng rất chuẩn mực.

Việc đề phòng chống các vụ lạm dụng có được dạy ở các chủng viện không?

Phải tiếp tục công việc đào tạo về mặt tình cảm và tính dục ở chủng viện cũng như ở tập viện. Nhưng chủ yếu là phải tháp tùng nhiều hơn trong mười năm đầu sau khi chịu chức hay sau khi khấn Dòng. Không phải do ám ảnh, nhưng để hiện diện tốt hơn trong các bước ngoặc cuộc đời vì thường có một sự khác biệt lớn giữa đời sống ở chủng viện hay ở tập viện với đời sống ở giáo xứ hay ở cộng đoàn. Vấn đề cá biệt bảo vệ trẻ vị thành niên phải ở trong chương trình đào tạo cho tất cả, trước hết vì các linh mục cũng như nam nữ tu sĩ thường ở trong các chức vụ có trách nhiệm, để họ có thể tìm ra được các em bé đang là nạn nhân.

Nhưng chủ yếu là phải tháp tùng nhiều hơn trong mười năm đầu sau khi chịu chức hay sau khi khấn Dòng. 

Một văn hóa giấu kín có còn phần nào trong Giáo hội Pháp không?

Tôi biết gần đây có các tình huống lạm dụng mà các tu sĩ có trách nhiệm đã cố thử để vượt qua các thủ tục bắt buộc. Chúng ta vẫn còn sợ hai thái quá trong Giáo hội: thái quá của một số người cố duy trì bí mật và thái quá của một số người bừng lên khi nghe một tin đồn nhỏ, làm cho họ rút lui khỏi trách nhiệm, khỏi sứ mạng, khỏi giáo xứ mà không có một biện pháp phòng ngừa nào. Theo tôi, vấn đề là phải làm việc như sau: làm cách nào để có cảnh giác và cẩn thận cần thiết? Điều này đòi hỏi tất cả những người có trách nhiệm, linh mục hay tu sĩ phải cùng làm việc với một hội đồng cố vấn hiệu năng để có các quyết định cân nhắc và đầy đủ thông tin của các tâm lý gia, luật gia v.v..

Hội đồng tòa án giáo sĩ và dân sự: đâu là các chức năng riêng của họ?

Trong trường hợp có nghi ngờ có tội phạm hay trọng án trong giáo phận, Tòa Thánh đòi hỏi người có trách nhiệm về giáo sĩ hay nhà Dòng phải tuân theo luật của đất nước mình. Nữ tu Véronique Margron giải thích: “Kể từ thời Đức Bênêđictô XVI, đầu tiên hết là bắt buộc phải theo luật pháp dân sự, đó là rõ ràng”.

Ngay cả trong trường hợp có một kỳ hạn ấn định các sự kiện đưa ra đã được quy định, thì phải rất thận trọng. Thật vậy, không có gì nói rằng, kẻ tấn công sẽ không lặp lại các hành vi sai trái của mình. “Ngoài ra, phải duy trì tinh thần cảnh giác và trong nhiều tình huống, cẩn thận là phải báo cho công tố viên biết, vì chính công tố viên mới là người quyết định tiến hành cuộc điều tra hay không”.

Một khi công tố viên xác định có một mức độ đáng tin tối thiểu, thì người tu sĩ có trách nhiệm mới có thể bắt đầu một cuộc điều tra tại tòa án giáo hội của giáo phận, hay tại Rôma tùy theo trường hợp. Cũng cần có những biện pháp cần thiết, như tách biệt đương sự, đình chỉ sứ vụ (không được quyền giải tội, giảng lễ, dâng lễ ngoài công chúng v.v), đình chỉ sứ mạng, cấm đến gần trẻ em v.v.  Sau khi xét xử, tòa án giáo hội mới có thể tước bỏ tình trạng tu sĩ hay giáo sĩ. Luật pháp dân sự và luật pháp giáo hội làm việc mỗi bên trong lãnh vực của mình, không lẫn lộn.

Marta An Nguyễn dịch

384    05-08-2018