Sidebar

Thứ Bảy
18.05.2024

Linh mục Jacques Mourad, cựu con tin của nhóm Hồi giáo ISIS: “Tôi cảm nhận là tôi sắp bị chặt đầu”

 

Năm 2015, bị nhóm Hồi giáo ISIS bắt giữ 5 tháng, Linh mục Jacques Mourad làm chứng trong quyển sách, Một tu sĩ bị bắt làm con tin, một kinh nghiệm cực kỳ đau đớn của cha. Phỏng vấn với tu sĩ người Syria, bây giờ cha ở thành phố Kurdistan, Irak.

Như con cừu trong sách tiên tri I-sa-i-a, Linh mục Jacques Mourad tin chắc mình sẽ bị đưa đến lò hạ thịt. Ngày 21 tháng 5 năm 2015 khi bị quân khủng bố bắt ở tu viện Mar Elian của mình, thành phố Qaryatayn, gần Palmyre, tu sĩ công giáo người Syria tin chắc mình sẽ bị chặt đầu. Cha là người trong ba mươi năm qua dệt mối quan hệ giữa tín hữu kitô và hồi giáo, bây giờ cha lại ở trong tình trạng như tình trạng của chân phước Charles de Foucauld, một gương mẫu thánh thiện đã làm cha cảm phục, để cha là tu sĩ giữa người hồi giáo.

Bị tra tấn về cả tinh thần lẫn thể xác, linh mục quê thành phố Alep này không phủ nhận đức tin của mình, cha lại còn chia sẻ đức tin của mình với những người bắt bớ mình. Sau ba tháng bị giam trong những điều kiện khắc nghiệt khốn cùng, cuối cùng một thủ lãnh hồi giáo ra lệnh cho cha trở về làng Qaryatayn của cha cùng với hai trăm năm mươi giáo dân của cha bị bắt một tháng trước. Khi về nhà, cha thấy một phần tu viện của mình đã bị xe ủi giật sập. Cha cố gắng sống lại bình thường. Nhưng các áp lực của người hồi giáo trên tín hữu kitô thì thật không chịu đựng được, đến mức cha phải nói giáo dân nên đi đến Homs. Một cuộc đào thoát được sự hỗ trợ của các bạn hồi giáo.

Câu chuyện khủng khiếp này được cha kể lại trong quyển sách Một tu sĩ bị bắt làm con tin (Nxb. Emmanuel). Linh mục với khuôn mặt khắc khổ vì đau khổ nhưng có một giọng nói dịu dàng như con chiên đã xuống tận vực thẳm sự dữ, một vực thẳm gặm nhắm nhân loại. Bây giờ cha làm việc với các người tị nạn ở thành phố Kurdistan Irak và chờ cuộc chiến ở Syria chấm dứt, một cuộc chiến cha mô tả trong quyển sách của mình. Phỏng vấn với cha thánh linh mục.

Cha là cựu con tin của nhóm Hồi giáo ISIS, cha là người được phép lạ?

Đúng rồi! Tôi được trả tự do là phép lạ nhờ lời cầu bàu của Đức Mẹ Lộ Đức. Tôi cầu nguyện rất nhiều, tôi chẳng có việc gì lớn lao khác để làm! (Cười). Đức Mẹ đã nâng đỡ tôi trong suốt thời gian bị bắt này.

Chiến tranh Syria trong một vài con số

Theo cơ quan Quan sát Syria về nhân quyền, từ khi cuộc chiến bắt đầu năm 2011 đến nay đã có ít nhất 350 000 người chết. Theo Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc, có hơn 6,1 triệu người phải rời nhà trong nội xứ và 5,6 triệu người tị nạn ở các nước lân cận.

Cha có sợ chết không?

Trong mấy ngày đầu thì tôi sợ chết. Tôi nghĩ đó là bình thường. Đó là lần đầu tiên tôi đối diện với cái chết. Tôi cảm thấy tôi sắp bị chặt đầu. Đó là vấn đề của từng phút, từng giờ hay từng ngày? Tôi không biết gì hết. Trong những tình trạng như vậy, trong đầu mình bắt đầu tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra, đau đớn nào sẽ phải chịu.

Tôi còn có một nỗi sợ khác. Tôi không cảm thấy mình xứng đáng là người tử đạo, tôi, tôi là kẻ có tội. Tôi cảm thấy cần xưng tội. Nhưng không thể được, tôi cố gắng nói lên hết các tội của mình và xưng trực tiếp với Chúa. Qua những ngày chiến đấu đầu tiên, tôi được bình an và sẵn sàng chết nhờ lời cầu nguyện và nhờ Thánh Phaolô. 

Thánh Phaolô đã giúp cha như thế nào?

Ngài giúp tôi đi ra khỏi cơn bối rối của tâm hồn. Khi ngài viết trong Thư gởi tín hữu Philiphê: “Vì đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi”, tôi hiểu cái chết là một món quà giúp người tín hữu được gần với Chúa Kitô. Có những lúc khi tên khủng bố đến nói với tôi: “Nếu ông không trở lại, tôi sẽ chặt đầu!”, tôi muốn nói với nó: “Thì chặt đi! Như vậy đối với tôi còn tốt hơn là bị ở với quý vị trong các điều kiện bị bắt như thế này!” 

Đâu là giây phút khó khăn nhất của cha?

Đó là lúc tôi gặp các giáo dân của tôi trong một nhà tù ở gần thành phố Palmyre, khi quân khủng bố chuyển tôi đến đó. Đó là giây phút đau đớn nhất đời tôi. Thật là khủng khiếp khi thấy các giáo dân, các người đàn ông, đàn bà, trẻ con, 250 người mà tôi yêu thương ở trong tay các tên khủng bố này. Một nửa giáo xứ của tôi! (Họ được trả tự do với những điều kiện rất nghiêm nhặt, nhất là cấm giữ đạo).

Cha có kể một vài trao đổi lạ lùng với các tên khủng bố này. Trao đổi nào cha nhớ lại nhiều nhất?

Tôi có cuộc thảo luận rất đáng kể với một lãnh tụ của tổ chức hồi giáo vùng Raqqa. Đó là ngày thứ tám. Vào cuối buổi nói chuyện, ông nói với tôi: “Cha nên xem thời gian bị tù này như một cuộc tĩnh tâm thiêng liêng!” Đối với tôi, tôi thật ngạc nhiên, một người khủng bố hồi giáo lại dạy cho tôi một chuyện như vậy, với tôi, một tu sĩ đã sống gần ba mươi năm trong sa mạc, khuyên tôi nên xem việc bắt giam mình là thời gian tĩnh tâm. 

Vì sao ông ấy nói với cha như vậy?

Tôi không biết… Chắc chắn là Thần Khí! (Cười, rồi thinh lặng). Trong những lúc như thế này, chúng ta cảm nhận Chúa hành động như thế nào, Chúa hoán cải như thế nào. Lời này được nói ra là hoa trái của một cuộc thảo luận thần học và tín điều với tên khủng bố. Tôi có thể thấy Thần Khí làm việc đến mức nào. Ngài dùng kẻ có tội, người làm sự dữ để nói những chuyện hữu ích. Những chuyện cứu chúng ta. Người này, tôi chưa bao giờ gặp lại.

Một vài người hồi giáo đã tra tấn cha. Một vài người người khác lại giúp cha đào thoát. Cha nhìn hồi giáo với cái nhìn như thế nào?

Nhóm Hồi giáo dùng kinh Coran để phạm tội ác. Ở thời buổi chúng ta, chính trị dùng tôn giáo làm mặt nạ để lấy lý do làm chiến tranh. Khi tôi còn trẻ, tôi khó chấp nhận hồi giáo. Khi tôi biết chân phước Charles de Foucauld, tôi cầu nguyện rất nhiều với ngài. Cuộc đời chiêm nghiệm của ngài là tấm gương cho tôi. Ngài giúp tôi mở lòng, yêu thương và hiểu lời giảng dạy của Tin Mừng về tình yêu cho người anh em, tình yêu cho kẻ thù. Sau kinh nghiệm bắt giữ này, tôi còn tin chắc hơn về sự cần thiết của đối thoại và gặp gỡ. Thế giới của chúng ta rất cần và mình phải có sáng kiến làm trước. 

Cha có giận hay hận thù các người bắt mình không?

Không. Nhà tù giúp tôi nhạy cảm hơn với chiều kích nhân bản và gần hơn với những người đang đau khổ. Nhưng điều làm tôi giận nhất là tình trạng chiến tranh hiện nay ở Syria và Trung Đông. Đứng trước các tội ác ở đất nước chúng tôi, tôi giận trước sự im lặng của thế giới. Tôi giận khi đứng trước hàng triệu người Syria bị phân tán, bị di dân, sống trong những điều kiện tị nạn cực kỳ khó khăn. Điều này làm cho tôi nghĩ tâm hồn thế hệ chúng ta cứng rắn và khép kín đến như thế nào.

Trong sách của cha, cha có những lời nghiêm khắc với phương Tây, một trong những người có trách nhiệm đối với chiến tranh ở Syria. Cha nói đây là chiến tranh của “dầu đen, của tiền bạc, của quyền lực thế giới”. Phương Tây là kẻ có tội?

Ông quên nói đây là chiến tranh để bán vũ khí! Tất cả các nước chế tạo vũ khí đều có trách nhiệm với các cuộc chiến tranh, với những người chết, những người tị nạn này. Chúng ta phải ngừng ăn mừng các hợp đồng bán vũ khí! Người dân có trở nên vô ý thức, vô cảm trước đau đớn của các gia đình phân tán này không? Hàng ngàn và hàng ngàn người tị nạn bi chia rẽ gia đình ở Đức, ở Thụy Điển… Ông có hình dung nỗi đau của họ? Đau với người chết của chúng tôi là chưa đủ, phải thấy nỗi đau của người tị nạn. 

Donald Trump quyết định chấm dứt hiệp ước về vũ khí nguyên tử với Iran. Trung Đông lại chìm trong cơn khủng hoảng còn nặng hơn?

Đó là nỗi sợ của tôi. Tôi cực kỳ lo. Trên thực tế, thế giới này sẽ không bao giờ thỏa mãn các lợi ích của họ. Không thể nói họ ngưng được. Họ càng có thì họ càng muốn thêm. Việc phát triển chiến tranh ở Trung Đông phục vụ cho các lợi ích của họ. 

Cha sống ở Kurdistan Irak. Vì sao cha không sống ở Syria?

Ba tháng sau khi tôi thoát khỏi tù ngục, tôi nghĩ tôi không thể nào tiếp tục sống ở đó được, tôi không được tự do để nói lên nỗi đau của tôi. Vì thế tôi quyết định sống và chia sẻ nỗi đau của hàng ngàn người tị nạn ở Souleymanieh, miền đông-nam của thành phố Kurdistan Irak.

Cha không quay về tu viện Mar Elian của cha?

Tôi hy vọng sẽ trở về đó. Nhưng không thể nào về trước khi tình hình chính trị của vùng này được giải quyết và các người tị nạn Syria được về lại đó. Tôi sẽ không xây dựng lại tu viện trước khi có một thỏa hiệp quốc tế và dứt khoát để giải quyết vấn đề.

Tu viện có bị phá hủy không?

Các tên khủng bố đã phá hủy phần đất cổ của tu viện nhưng may mắn thay, phần này đã được tái dựng. Họ phá hủy ngôi mộ Mar Elian (thánh Julien Émèse), đối với các tên khủng bố, đây là biểu tượng của dị giáo. Nhưng trên thực tế, Mar Elian là biểu tượng của sự hiệp nhất của tín hữu kitô và tín hữu hồi giáo, ngài được hai cộng đoàn xem là thánh của họ. Nhưng không phải các tên khủng bố là người duy nhất phá hủy tu viện, một phần khác của tu viện vị các vụ dội bom phá hủy.

Cha có tin tức các bạn cha, Linh mục Paolo Dall’Oglio và các giám mục chính thống, Giám mục Boulos Yazigi và Giám mục Yohanna Ibrahim bị bắt năm 2013 không?

Tôi không có một tin tức nào. nhưng theo kinh nghiệm và hy vọng của tôi. Tôi nghĩ họ còn sống.

Marta An Nguyễn dịch

648    27-05-2018