Sidebar

Thứ Bảy
18.05.2024

Linh mục Zollner: Chấn thương về mặt thiêng liêng của các nạn nhân bị lạm dụng tình dục

 

Ngoài các chấn thương về mặt thể xác, tâm lý, các nạn nhân bị lạm dụng tình dục còn bị chấn thương về mặt thiêng liêng.

Trong một bài báo đăng ở tạp chí tiếng Ý Văn minh Công giáo (Civiltà Cattolica), Linh mục Dòng Tên người Đức Hans Zollner, Giám đốc Trung tâm bảo vệ Trẻ em nhận thấy, ngoài các chấn thương thể xác và tâm lý các nạn nhân bị các tu sĩ lạm dụng tình dục còn bị chấn thương về mặt thiêng liêng.

Linh mục Zollner giải thích: “Trong một cuộc gặp với Đức Phanxicô, một nạn nhân bị lạm dụng tình dục đau buồn, tuyệt vọng kể: ‘Chúa Giêsu có mẹ của Ngài ở bên cạnh khi Ngài chịu đau khổ và khi Ngài chết. Mẹ của con, mẹ Giáo hội để con một mình trong cơn đau khổ của con”. Ngoài các chấn thương để lại trên thân thể, trong tâm hệ, những người này còn bị chấn thương  về mặt thiêng liêng. Bởi vì người đi lạm dụng họ lại là một linh mục hay một tu sĩ, những người “đại diện” cho Chúa, họ làm đen tối hình ảnh của Chúa trong lòng nạn nhân. Sự liên hệ này ít nhiều chúng ta thấy cũng cùng một hình thức ở mọi tôn giáo, nhưng đặc biệt với Giáo hội công giáo, sự liên hệ này có một tác động đặc biệt.

Chúng ta biết “Giáo hội được xây dựng, được chính Chúa Giêsu Kitô giao cho việc loan báo Tin Mừng: Chúa thương con người, Ngài có lòng thương xót và làm tất cả những gì Ngài có thể làm để cứu nhân loại, đã cho Con Một của Ngài xuống thế, hy sinh mạng sống mình cho loài người. Trong 2000 năm, một số lượng người vô cùng to lớn đã đảm trách công việc này và góp phần làm thế nào để Giáo hội là một nhiệm tích cứu rỗi người nghèo, người bệnh, tất cả những người đặc biệt mong manh. Nhưng cùng một lúc, trong Giáo hội luôn có những người làm ngược lại với những gì mà chính họ, Giáo hội và Chúa Giêsu loan báo”.

Linh mục Zollner nói thêm: “Rõ ràng trong đời sống Giáo hội có những yếu tố làm thuận lợi cho việc lạm dụng, hoặc che giấu, hoặc ngăn chận việc khám phá và phạt. Các yếu tố cần phải có sự can thiệp về mặt đào tạo và tổ chức”.

Linh mục giải thích: “Về khía cạnh thứ nhất, chính là vấn đề xử lý chính tình trạng tình dục của mình trong bậc sống độc thân; và quan điểm của sứ vụ, của vai trò của linh mục trong Giáo hội, trong chính xã hội nơi họ sống và hành động. Về khía cạnh thứ nhì, về mặt tổ chức, với yếu tố rủi ro là ‘não trạng đường hào’, não trạng qua đó, chúng ta muốn giải quyết sự việc trong nội bộ, tránh đưa ra ngoài công chúng. Sự có mặt của các cơ cấu có thể rõ ràng và các các giới hạn cấp bậc thì mơ hồ làm thuận lợi cho các điều kiện dẫn đến việc lạm dụng”.

Nó đặt ra một vấn đề khó khăn: “Trong một xã hội mà chữ tín là một trong các giá trị cao nhất, cơn khủng hoảng tạo ra do các vụ lạm dụng đặt chúng ta đối diện với những câu hỏi triệt để, mà một trong các câu hỏi đó là: chúng ta có sẵn sàng xem lại cách thức chúng ta ở trong Giáo hội không?”

Theo linh mục Zollner, cuộc chiến đấu chống các vụ lạm dụng tình dục “còn kéo dài” : “Không ai có thể cho rằng mình dứt khoát thắng được sự xấu – đó là một giả thiết nguy hại – nhưng chúng ta có thể cố gắng giảm bớt được hiểm nguy nhiều nhất có thể và gia tăng việc phòng ngừa. Ngày nay trong Giáo hội hoàn vũ, chiếc kim của cán cân đã đi trở lại về hướng kia, chầm chậm nhưng chắc chắn, và trong chiều hướng tốt”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

2620    12-11-2017