Sidebar

Thứ Bảy
18.05.2024

Lời nói đầu sách “Phanxicô, giáo hoàng của người nghèo”, Andrea Tornielli

 

 “Xin anh chị em cầu nguyện cho tôi…”

Ngày thứ tư 13 tháng 3 năm 2013. Xế trưa khi thấy khói đen bay lên, tôi đi ăn trưa với các bạn đồng nghiệp ở tiệm ăn Roberto, như thường lệ tôi kêu món rau và mực chiên, sau đó tôi rời Vatican về phòng biên tập báo La Stampa, ở khu vực Barberini. Từ khi báo chí thành lập trang mạng đa truyền thông, các ký giả báo viết cũng phải làm phóng sự trực tiếp truyền hình, phóng sự nghe và vidéo. Ông trưởng phòng nói với tôi:”Nếu chiều nay có khói trắng, ngay lập tức chúng ta phát sóng trực tiếp có chèn hình để tường trình buổi loan báo.” Từ một ngày nay, các hồng y ở trong phòng mật nghị, họ không giao tiếp với bên ngoài, các nhật báo và một vài hồng y đã tiên đoán mật nghị sẽ “khó khăn” và “bất định,” chắc chắn lâu hơn lần tuyển chọn giáo hoàng Joseph Ratzinger năm 2005. Ngoại trừ có một ứng viên mạnh như hồng y Ratzinger, hồng y Bộ trưởng Thánh bộ Đức tin tám năm trước đây, còn không thì cuộc bầu chọn vị giám mục thứ 266 của thành phố Roma có thể sẽ khó nhọc hơn.

Dù vậy, ngay chiều hôm đó, người bạn và cũng là đồng nghiệp, ông Gerard O’Connell nói trước với tôi: “Theo tôi, chiều nay chúng ta sẽ có tân giáo hoàng…” Sáng hôm nay, tôi ra khỏi nhà với quyển sách El Jesuita (Tôi tin tưởng ở con người) trên tay, một quyển sách trao đổi giữa hồng y Bergoglio với hai ký giả Sergio Rubin và Francesca Ambrogetti. Trong các hồng y có khả năng làm giáo hoàng, hồng y Bergoglio là hồng y tôi quen biết nhiều nhất. Tôi chỉ phỏng vấn ngài một lần vào tháng 2-2012 cho trang mạng Vatican Insider, một trang chuyên đề của tờ La Stampa, nhưng từ nhiều năm nay, tôi cũng có dịp gặp ngài trong những lần hiếm hoi ngài đến Roma. Tôi thường nói chuyện với ngài về cuộc sống của Giáo hội. Tôi có quen và có mời linh mục Pepe về nhà tôi ở Roma. Linh mục Pepe là một trong các linh mục thuộc giáo phận của ngài, cha rao giảng Tin Mừng trong các khu phố ổ chuột ở Buenos Aires.

Tôi luôn luôn bị đánh động bởi chiều sâu đức tin, tính khiêm tốn, những lời nói biết chạm đến quả tim, những trao đổi lòng thương xót của Chúa nơi nhân cách hồng y Bergoglio. Cũng có khi tôi chuyển các bài viết, các suy niệm đăng trên blog cho ngài, hoặc xin ngài cầu nguyện. Sau mỗi buổi gặp mặt, lúc nào ngài cũng nói: “Cầu nguyện cho cha, cha xin con cầu nguyện cho cha…”

Thành phố Roma nơi tôi ở, hàng xóm và cũng là bạn lâu năm của tôi, ông Gianni Valente và bà Stefania Falasca cũng rất gần với cha Bergoglio từ nhiều năm nay. Tôi là chứng nhân của tình bạn này, và tôi cũng có nghe cha kể các kinh nghiệm mục vụ, các buổi gặp gỡ của cha với các tín hữu này, những người rất thương cha và thấy cha là một trong những người của họ: người đến để phục vụ chứ không phải người đứng trên cao; người đến để chia sẻ chứ không phải người đến để tỏ ra có uy quyền thiêng liêng; người đến để lôi cuốn họ qua nụ cười của lòng thương xót chứ không phải “áp đặt các chuẩn mực đức tin;” người đến để làm dễ dàng cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Gần gủi, thương xót, dịu dàng, kiên nhẫn: đó là những chữ của cha Bergoglio, vị giám mục đau buồn khi nghe có “một vài linh mục không rửa tội cho con của các bà mẹ không đám cưới vì chúng không được sinh ra trong bí tích hôn nhân.”

Tôi thấy cha rất bình thản mấy ngày trước mật nghị. Cha thố lộ với Gianni và Stefania: “Ban đêm, cha ngủ như một đứa con nít.” Cha cũng nói cho chúng tôi biết, cha đã soạn sẵn bài giảng cho ngày Thứ Năm Tuần Thánh khi về lại Argentina. Cha cũng nói cha đã giữ vé ngày về là ngày 23-03 và cha có hẹn với một cộng đồng Do Thái mà cha không muốn thất hẹn. “Tôi phải về với Hiền Thê của tôi,” cha vừa cười vừa lặp lại câu nói, cha xem Giáo hội Buenos Aires như “hiền thê” vì cha yêu thương và tận tâm phục vụ tất cả mọi người, tất cả mọi chuyện. Không có gì trong thái độ của cha cho thấy cha biết trước trách nhiệm nặng nề sắp đến. Đó là chứng tá của một người đơn giản. Dù vậy, tôi chưa bao giờ cảm nhận thái độ bình thản và phó thác vào Chúa nơi hồng y Bergoglio cho bằng mấy ngày vừa qua.

Có lẽ đó là lý do vì sao xế chiều ngày 13-3, vừa về đến phòng biên tập, tôi đã bắt đầu viết vài ghi chú về cha, vừa viết vừa nghe khúc nhạc êm dịu nổi tiếng Canon de Pachelbel do dàn nhạc London Symphony Orchestra trình diễn. Tôi còn nhớ có lần khi cùng các bạn gặp cha Bergoglio, tôi đã nghe bài này trong ấn bản đàn hạc (harpe). Rồi, đến 19.05pm, sau khi con chim mòng biển đậu rồi bay nhiều lần trên ống khói bằng đồng của mái nhà nguyện Sixtine, một làn khói trắng dày đặc bay lên. Vị tân giáo hoàng đã được bầu. Với bạn đồng nghiệp Paolo Mastrolilli, tôi phụ trách trực tiếp trang mạng La Stampa. Chúng tôi vừa chờ loan báo vừa kể cho độc giả để họ biết diễn tiến ở đây, giây phút này. Ngay khi tuyên bố câu tiền định “Habemus Papam,” hồng y Jean-Louis Tauran tiếp liền “Geo…”, vần đầu tiên của Georgium là tôi kêu lên: “Bergoglio!” Tôi bắt đầu nói về ngài, về câu chuyện, về cuộc đời, về kinh nghiệm giám mục, về tính đơn giản, khiêm tốn và về phê phán “tính trần tục thiêng liêng” trong Giáo hội của ngài.

“Làm sao anh nói chuyện trực tiếp mà không khóc. Tất cả ở đây ai cũng khóc…”, khi cuối cùng tôi liên lạc được với vợ tôi ở Milan qua hệ thống Skype, bà hỏi tôi như vậy ngay.

Nét đơn giản của đức giáo hoàng, cái nghiêng đầu sâu lắng để nhận lời chúc lành mà ngài xin dân chúng dành cho ngài, lời chào thân thiện tự phát – “Xin chào – Buona sera”, phong cách cố hữu của ngài dù bây giờ đã là giám mục thành phố Roma và là giáo hoàng, một phong cách mãi mãi và duy nhất nơi ngài, đã đánh động hàng triệu quả tim tín hữu.

Ngài không muốn mặc áo choàng đỏ và mang giày đỏ. Ngài không muốn thay cây thánh giá cũ cũng như chiếc nhẫn cũ. Sáng hôm sau, ngài đến tượng Đức Mẹ Salus populi romani (Đức Bà che chở dân Roma) ở Sainte-Marie Majeure, không kèm theo phái đoàn đông người cũng như ban bảo vệ hùng hậu mà thường dưới mắt tín hữu, họ thấy đây là một nguyên thủ quốc gia siêu cường chứ không phải là một chủ chăn, giám mục thành phố Roma. Cha Bergoglio, giáo hoàng Phanxicô, giáo hoàng dòng Tên đầu tiên, giáo hoàng Châu Mỹ Latinh đầu tiên, người đầu tiên chọn tên hiệu là Phanxicô Đaxi, qua những người hèn mọn nhưng lại có những hành vi, lời nói cao cả mà từ ngay buổi đầu của triều đại giáo hoàng đã cho thấy phải tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô như thế nào cho ngày hôm nay.

Khi ngài gặp các hồng y trong căn phòng Clémentine, ngài nói: “Đừng bao giờ nhường bước cho bi quan, đừng bao giờ để cho niềm cay đắng của ma quỷ cám dỗ chúng ta mỗi ngày; đừng bao giờ nhường bước cho bi quan, chán nản; chúng ta có một kiên định vững chắc rằng Thần Khí với sức thổi cực mạnh sẽ làm cho Giáo hội can đảm kiên trì,  tìm ra các phương cách mới để rao giảng Phúc Âm, để mang Phúc Âm đến tận cùng quả đất.” Và chiều 13-03, thế giới đã có một chứng nhân sáng chói. 

Phanxicô, Giáo hoàng của người nghèo, Dẫn nhập, Andrea Tornielli, Nguyễn Tùng Lâm dịch

636    04-03-2018