Sidebar

Thứ Sáu
17.05.2024

Magnus MacFarlane-Barrow, đức tin để chống lại nạn đói

 

Nhà từ tâm người Ê-cốt là sáng lập viên tổ chức Bữa ăn của Mary (Mary’s Meals) một tổ chức công giáo phân phối một triệu bữa ăn mỗi ngày cho các em bé nghèo. Một sáng kiến phù với lời mời gọi của Đức Phanxicô chia sẻ “với những người đang thiếu thốn” nhân ngày Thế giới Người nghèo 19 tháng 11-2017. 

Dù mặc bộ đồ rất lịch sự, nhưng ông không có dáng dấp thương gia như lịch làm việc bận rộn của ông làm cho người khác nghĩ như vậy. Dáng đi nhẹ nhàng, mặt sáng lên với nụ cười thật tươi, cái nhìn có vẻ rụt rè, ông Magnus MacFarlane-Barrow đến đúng hẹn ở quán cà-phê điệu đàng Hemma gần khu vực cổ Édimbourg.

Quán ca-phê có vẻ như một phòng ăn gia đình không phải được chọn một cách tình cờ. Quán chỉ cách khách sạn sang trọng Macdonald Holyrood vài trăm mét, nơi ông vừa nói chuyện trước cử tọa ân nhân trung thành để nói về công việc bác ái công giáo của mình, tổ chức Bữa ăn của Mary. 

Bữa ăn của Mary được thành lập năm 2002 ở nhà kho cũ có mái tôn lượn sóng pp nông trại to lớn của gia đình ông ở Dalmally thuộc vùng ven biển Bắc Đại Tây Dương. Từ đó tổ chức này đã lớn mạnh không ngừng. Trước hết nhờ truyền miệng, sau đó là nhờ chiến dịch quảng cáo rộng lớn trên tầm mức quốc tế, nhanh chóng được các nhân vật công giáo trong lãnh vực chính trị, truyền thông hỗ trợ, bây giờ tổ chức của ông có uy tín quốc tế, phân phối mỗi ngày hơn một triệu phần ăn cho các em bé bị đói vì gia đình khó khăn, vì chiến tranh, nhất là ở Phi châu nhưng cũng ở các nước khác như các nước vùng Cận Đông, Thái Lan và Haiti.

Đằng sau công việc nhân đạo đồ sộ, người đàn ông có nếp sống tiết kiệm và đơn giản một cách lạ lùng. Ông xin lỗi và thú nhận: “Tôi không lắm lời khi tôi không nói về Bữa ăn của Mary. Hồi trước tôi không nói được trước công chúng”, nhưng khi nhắc đến “dự án của đời mình” thì ông nói không ngừng!

Hành hương Mễ Du

Vừa uống ly nước cam, ông vừa nói: “Tất cả là từ kinh nghiệm tuổi trẻ của tôi, chuyến đi Mễ Du đã thay đổi tận căn đời tôi”. Ông cho biết, khi 15 tuổi, ông đi viếng Đức Mẹ Mễ Du, nơi rất nhiều người thấy Đức Mẹ hiện ra một cách thật siêu nhiên.

Chính ông, ông nói gì về tính xác thực Đức Mẹ hiện ra ở Mễ Du? Ông nói khéo với giọng điệu như nói đùa: “Tôi thật bằng lòng vì quyết định này là của Đức Giáo hoàng Phanxicô chứ không phải của tôi!” Sự kết dính của ông với Đức Mẹ Mễ Du là keo sơn. Ông còn thiết lập cả một an-ten địa phương Bữa ăn của Mary. Ông giải thích: “Vi tôi thật sự cảm thấy nhờ ơn Chúa và nhất là tôi thấy rất nhiều vụ trở lại”.

Bắt đầu là cha mẹ ông, dù hai ông bà giữ đạo rất sốt sắng. Hai ông bà quan sát sự thay đổi nơi các con mình khi chúng từ Mễ Du về, họ rất ngạc nhiên. Đến lượt họ, ông Calum và bà Mary Anne MacFarlane-Barrow quyết định đi Bosnia-Herzégovina. Khi trở về Dalmally, họ biến nông trại của mình thành trung tâm tĩnh tâm, The Craig Lodge Family House of Prayer, đón tiếp các nhóm hành hương đến tĩnh tâm.

Ông Magnus rụt rè nói: “Lối sống này đôi khi hơi xâm lấn vào lãnh vực gia đình”. Khi là sinh viên, ông có đời sống riêng, buổi tối vui chơi với các bạn, “nhâm nhi ly bia như các bạn cùng tuổi, các bạn giữ đạo cũng như không giữ đạo” và cũng giữ lối sống đạo hạnh của nông trại. Với độ lùi, ông phân tích về cuộc sống của mình: “Tôi có cảm tưởng như tôi đu dây giũa hai lối sống không ăn khớp nhau, nhưng tôi không bao giờ mất đức tin”.

“Tình yêu giống như cái gì? Tình yêu có bàn tay để giúp người khác. tình yêu có đôi chân để chạy đến người nghèo và người thiếu thốn. Tình yêu có đôi mắt để nhìn sự khốn cùng và các nhu cầu của nó. Tình yêu có đôi tai để nghe tiếng thở dài và nỗi khó nhọc của con người. Và tình yêu là giống như những chuyện này”. Thánh Âugutinô

Một bước ngoặc đổi đời ở Malawi

Mười hai năm sau, khi cùng em trai Fergus ngồi xem truyền hình trong một quán yêu thích của họ, Magnus thấy các hình ảnh đầu tiên của cuộc chiến tranh ở Bosnia. “Chúng tôi không thể ngồi khoanh tay trước các hình ảnh cực kỳ hung bạo xảy ra ở một đất nước mà chúng tôi yêu quý”.

Quá xúc động, thanh niên trẻ làm việc trong ngành nuôi trồng cá hồi quyết định cùng với em trai Fergus đi giúp người dân bị chấn thương. Sau khi quyên góp áo quần, thuốc men, tiền bạc của bà con láng giềng, của các gia đình trong vùng, hai anh em đi xuyên Âu châu 23 lần trên chiếc xe Land Rover cũ kỹ, không sợ hiểm nguy, họ tự tay đem nhu yếu phẩm đến cho các nạn nhân dân sự.

Một trong những chuyến đi này, anh Magnus gặp cô Julie, cô là y tá thiện nguyện viên người gốc vùng Inverness, miền bắc Ê-cốt. Hai năm sau anh lập gia đình với cô. Khi hai vợ chồng về lại nước, tặng phẩm được gởi về tới tấp. Lúc đó anh Magnus nghỉ một năm không lương, anh bỏ công việc nuôi trồng thủy sản và thành lập tổ chức bác ái đầu tiên, Giúp đỡ Quốc tế Ê-cốt, The Scottish International Relief (SIR).

Năm 2002, anh muốn phát triển tổ chức Phi Chính Phủ nhỏ này ở Phi châu, và anh đến Malawi, đất nước này đang bị nạn đói hoành hành chưa từng thấy. Chuyến đi này là bước ngoặc của cuộc đời anh. Trong một ngôi làng nhỏ, một bà mẹ bị sida nằm hấp hối trước mặt sáu đứa con của mình. Đứa con trai lớn nhất là em Edward, 14 tuổi.

Ông Magnus xúc động nhớ lại: “Khi tôi hỏi em Edward, đứng trước cái chết của mẹ mình, em mong muốn gì, em trả lời: ‘Con mong được ăn và được đi đến trường’. Câu nói này, chỉ trong vài giây khẳng định ước muốn của tôi, làm một cái gì cho giáo dục và nuôi ăn các học sinh”.

1,2 triệu em bé được nuôi ăn mỗi ngày 

Từ đó tổ chức Giúp đỡ Quốc tế Ê-cốt trở thành Bữa ăn của Mary, một tên cảm hứng từ các lần Đức Mẹ hiện ra ở Mễ Du. Năm 2002 có 200 em được giúp ở Malawi. Bây giờ con số này lên đến 1 230 000 em, trong 14 nước trên bốn châu lục nhận được bữa ăn hàng ngày. Số tiền 15,70 âu kim nuôi được một em bé ăn được một năm. Dù thành công, tổ chức điều hành Bữa ăn của Maryvẫn không thay đổi. Trụ sở chính vẫn ở Dalmally, trong nhà kho cũ giữa các ngọn đồi.

Ông nói gần như đùa: “Sự đơn giản là rất quan trọng đối với tôi: tôi không biết vì sao Chúa lại chọn tôi làm công việc này, ở một ngôi làng heo hút xa xuôi này”. Nhưng ông say sưa cho biết, chính đó là nơi Bữa ăn của Mary ra đời và từ đó, con số các em được đi học đã tăng rất nhiều.

Sáng kiến của ông được báo chí địa phương cũng như quốc tế khen thưởng nhiều lần. Năm 2010, tổ chức của ông được kênh truyền hình CNN chọn là một trong các “anh hùng của năm”. Tháng 4 năm 2015, tạp chí Mỹ Time Magazine vinh danh ông là một trong “một trăm nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất thế giới”. Ông vừa nói vừa bật cười: “Tôi không thể nào ngờ, tôi, ngay cả tôi cũng không phải là người có ảnh hưởng nhất trong chính gia đình của tôi!”

Được Đức Phanxicô ban phép lành

Thành công của tổ chức của ông đã làm cho ông được gặp nhiều nhà lãnh đạo công giáo. Năm 2011, ông có cuộc gặp ngắn với Đức Bênêđictô XVI. Với Đức Phanxicô, ông đã gặp ngài hai lần ở Vatican. Lần cuối vào ngày 11 tháng 5 năm 2016, Đức Phanxicô đã cầm tay ông, ngài nói bằng tiếng Ý khuyến khích ông: “Đi tới! Đi tới! Đi tới! Xin Chúa chúc lành cho công việc của ông!”

Một lời chúc lành đúng lúc khi trên thế giới “có gần 57 triệu trẻ em còn cần đến sự trợ giúp thực phẩm”, ông Magnus MacFarlane-Barrow dứt khoát “không ngừng ở đây và xin Chúa quan phòng giúp đỡ trong những năm sắp tới”.

Trong khi chờ đợi, ông nếm hương vị từng bước tiến dù nhỏ đến đâu. Như năm 2015, sau nhiều lần cố công tìm thanh niên trẻ Edward và rồi ông đã gặp lại Edward. Dù Bữa ăn của Mary đến quá trễ với Edward, nhưng ít nhất bây giờ tổ chức này cũng phân phát được cho con trai 5 tuổi của Edward bữa ăn hàng ngày.

Về ông Magnus MacFarlane-Barrow:

  1. Sinh tại Aberdeen, miền đông-bắc Ê-cốt.
  2. Hành hương Mễ Du.
  3. Cùng với em trai, hai anh em thu gom áo quần, thức ăn, nhu yếu phẩm đem đến Yougoslavia, trong thời gian chiến tranh ở Bosnia. Khi về nhà, ông thành lập tổ chức bác ái Scottish International Relief mà ông phát triển trong vòng mười năm.
  4. Đi Malawi, được cảm hứng để thành lập Bữa ăn của Mary.
  5. Được kênh truyền hình CNN bầu là một trong các “anh hùng của năm”.
  6. Tạp chí Mỹ Time Magazine xếp ông trong danh sách một trăm nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới. Cùng năm, ông phát hành quyển tiểu sử, Nông trại nuôi một triệu trẻ em (The Shed that Fed a Million Children). Quyển sách trở thành quyển sách bán chạy (nxb. Ed William Collins).
  7. Gặp Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung.
  8. Bữa ăn của Mary nuôi hơn 1 230 000 trẻ em mỗi ngày.

Những điều tâm đắc

Cha mẹ của tôi

Các quyết định của cha mẹ nhất là quyết định biến nơi ở của gia đình thành nhà tĩnh tâm cho khách hành hương đã tạo cảm hứng cho tôi rất nhiều. Cha mẹ tôi đặt tha nhân, đặt nhân loại là ưu tiên trong cuộc đời của họ. Bây giờ cha mẹ tôi đã trên 80 tuổi, họ đầy sức sống, năng lực và luôn muốn làm nhiều hơn cho những người thiếu thốn.

Câu cá

Khi tôi về vùng Argyll, khi tôi không bận trả lời các thư từ công việc hoặc khi tôi không chơi với các con thì tôi thích đi câu cá với chúng ở sông Dalmally. Sở thích đi câu cá hồi (saumon) ngày xưa trở về với tôi! 

Đức Phanxicô

Tôi rất mến ngài. Cách ngài đặt Chúa Giêsu vào trọng tâm tất cả mọi sự, thái độ tận căn của ngài trong lời nói cũng như trong việc làm là tấm gương hàng ngày của tôi. Tôi yêu mến sự đơn giản của ngài, lòng quan tâm đến người nghèo của ngài. Trong một thế giới ngày càng theo chủ nghĩa vật chất, tôi thấy điều này quá ư cần thiết.

Marta An Nguyễn dịch

385    06-08-2018