Sidebar

Thứ Bảy
18.05.2024

Mặt kia của Chính thống giáo

 

Có nhiều cách có thể làm cho hệ thống niềm tin của chúng ta bị mất cân bằng và gây tổn hại cho Chúa và Giáo hội.

Điều gì làm nên một đức tin chính thống, cân bằng, lành mạnh? Từ điển Oxford về Giáo hội Ki-tô định nghĩa chính thống giáo là “niềm tin đúng đắn đối lập với dị giáo.” Định nghĩa này đủ chính xác, nhưng chúng ta có xu hướng suy nghĩ về điều này theo một cách rất phiến diện.

Theo đa số, dị giáo được hiểu là đi quá xa, vượt qua biên giới tín điều, kéo căng sự thật Ki-tô ra quá mức có thể căng. Như vậy, chính thống giáo nghĩa là ở trong các giới hạn an toàn.

Điều này mới nghe qua tưởng là đúng, nhưng đó là một cách hiểu phiến diện và đơn giản hóa về chính thống giáo. Chính thống giáo có một chức năng kép: nó bảo bạn có thể đi bao xa, nhưng nó cũng bảo bạn phải đi bao xa. Mà chính phần sau thường bị lãng quên.

Các dị giáo là nguy hiểm, nhưng mối nguy ở đây có hai mặt. Niềm tin sai lầm vốn không tôn trọng các ranh giới tín điều đúng đắn chắc chắn sẽ đưa tới một tôn giáo tệ hại và cư xử đạo đức tệ hại. Tổn hại thật sự sẽ xảy ra. Các ranh giới tín điều là quan trọng. Nhưng cũng quan trọng không kém nếu chúng ta không giúp gì được cho Chúa, cho đức tin, cho tôn giáo và giáo hội khi đức tin của chúng ta hẹp hòi, mù quáng, cứng nhắc, và thiếu khoan dung. Chủ nghĩa vô thần chắc chắn là loại ký sinh trùng phát sinh từ thứ chủ nghĩa hữu thần tệ hại. Thường thường phản-tôn-giáo đơn giản chỉ là một phản ứng trước tôn giáo tệ hại và vì vậy sự hẹp hòi và thiếu khoan dung có lẽ là thứ kẻ thù ghê gớm đối với tôn giáo hơn so với bất cứ việc vi phạm ranh giới tín điều nào. Tôi ngờ rằng, Chúa, tôn giáo, và giáo hội sẽ bị tổn thương nhiều hơn khi đối diện với lòng hẹp hòi và thiếu khoan dung của một số tín đồ, hơn là khi họ có bất cứ tín điều dị giáo nào. Sự thật chân chính, niềm tin đúng đắn và lòng trung thành thật sự đối với Chúa Giê-su Ki-tô đòi hỏi trái tim chúng ta mở rộng ra để tỏa chiếu tình thương và lòng lân mẫn đối với tất thảy mà Chúa Giê-su là hiện thân. Một mình sự tinh tuyền của tín điều không đủ làm cho chúng ta thành môn đồ của Chúa Giê-su.

Có thể nói Chúa Giê-su rất rõ ràng về điều này. Bất kỳ ai đọc Phúc âm mà bỏ sót lời Chúa cảnh báo nhắc đi nhắc lại về lòng dạ cứng nhắc, hẹp hòi, thiếu khoan dung, thì người đó chỉ muốn đọc cái gì mình muốn đọc. Đương nhiên, Chúa Giê-su cũng nhắc là phải ở trong giới hạn của đức tin đúng đắn (chủ nghĩa đơn thần và tất cả hàm ý của nó) và luân lý đúng đắn (mười điều răn, thương yêu kẻ thù, tha thứ), nhưng Người cũng nhấn mạnh chúng ta có thể bỏ sót các yêu cầu đích thật của sứ vụ tông đồ nếu chúng ta không đi xa hơn mà chỉ khư khư giữ lời dạy của Người.

Chính thống giáo chân chính đòi hỏi chúng ta duy trì một mối căng thẳng lớn, giữa ranh giới thật không nên vượt qua với ranh giới và biên giới thật mà bạn phải vượt qua. Bạn có thể không đi quá xa, nhưng bạn cũng phải đi xa đủ. Và đó có thể là một con đường độc hành. Nếu bạn mang trong lòng mối căng thẳng này một cách chân thành, không chịu lùi bước trước bất cứ bên nào, thì chắc chắn bạn sẽ thấy mình có rất ít đồng minh về cả hai phía, nghĩa là, quá tự do đối với những người bảo thủ và quá bảo thủ đối với những người tự do.

Xin thử đưa ra chỉ một ví dụ: Bạn thấy kiểu chính thống giáo nhiều khổ đau nhưng mang tính Ki-tô trọn vẹn hơn ở một người như Raymond Brown, một học giả thánh kinh nổi tiếng, một nhà tư tưởng trung thành với Công giáo La mã, chịu để mình bị công kích vì các lý do hoàn toàn trái ngược nhau, bởi những người từ cả hai phía của dãy tư tưởng. Ông làm cho người tự do thấy khó chịu vì ông dừng lại trước khi họ nghĩ ông phải dừng và ông làm cho người bảo thủ khó chịu vì ông nêu ra rằng chân lý và tín điều đúng đắn thường kéo căng chúng ta vượt ra ngoài những vùng quen thuộc cũ.

Và sự căng thẳng này là một mối băn khoăn bẩm sinh lành mạnh, chúng ta sinh ra là để sống điều đó hàng ngày trong đời sống chứ không phải là điều chúng ta có thể giải quyết một lần là xong. Thực ra gốc rễ sâu xa của mối liên hệ này nằm ngay trong chính linh hồn con người. Linh hồn con người, như Tô-ma A-qui-nô đã nói một cách kinh điển, có hai nguyên lý và hai chức năng: Linh hồn là nguyên lý sự sống, năng lượng và lửa bên trong chúng ta, dù cả khi nó cũng là nguyên lý tích hợp, hợp nhất và kết dính. Linh hồn giũa cho chúng ta sống động và có lửa, thậm chí ngay cả khi nó giữ cho chúng ta không bị tiêu tán và rã rời. Một linh hồn lành mạnh vì vậy giữ chúng ta ở trong vòng ranh giới lành mạnh, ngăn chúng ta khỏi bị phân rã, ngay cả khi nó giữ cho chúng ta có lửa, để chúng ta không bị hóa đá và trở nên quá chai sạn đến nỗi không thể bước vào cuộc sống một cách trọn vẹn. Theo nghĩa đó, bản thân linh hồn là một nguyên lý chính thống giáo lành mạnh bên trong chúng ta. Nó giữ chúng ta trong vòng các giới hạn thực ngay cả khi nó đẩy chúng ta hướng về phía các biên giới mới.

Chúng ta luôn sống trước hai mối nguy hiểm đối lập: sự phân rã hóa và sự chai sạn hóa. Để giữ lành mạnh, chúng ta cần biết những giới hạn của mình và chúng ta cũng cần biết mình phải kéo căng bản thân ra xa bao nhiêu. Bản năng bảo thủ cảnh cáo chúng ta về điều thứ nhất. Bản năng tự do cảnh cáo chúng ta về điều thứ hai. Cả hai bản năng này đều lành mạnh bởi vì cả hai mối nguy hiểm đó đều có thực.

Goethe, nhà thơ người Đức, từng viết: Cuộc sống có nhiều mối nguy hiểm, và sự an toàn là một trong những mối nguy hiểm đó. Điều này đúng đối với đời sống cá nhân của chúng ta và cũng đúng trong chính thống giáo Ki-tô. Có một mối nguy hiểm trong các giáo điều tệ hại nhưng cũng có một mối nguy không kém trong việc không tỏa chiếu ý chí cứu rỗi phổ quát của Chúa đối với mọi dân tộc, với lòng lân mẫn và thông hiểu đầy đủ.

J.B. Thái Hòa dịch

617    04-12-2017