Sidebar

Thứ Tư
22.05.2024

Mầu nhiệm nhập thể mang lại quyền năng.

 

 
Là kitô hữu thời này, chúng ta có một nỗi đau ít được nói đến. Đó là nỗi đau mất một cái gì thân quý, không phải vì cái chết hay xa mặt, nhưng vì mất một cái gì có thể chia sẻ chung như đức tin, luân lý và giữ đạo.

baby.jpg

Tôi xin giải thích bằng một ví dụ: Bạn là bậc cha mẹ đang cố gắng giữ đạo đúng đắn. Bạn hay đi nhà thờ, cầu nguyện, có đời sống đạo đức theo khuôn phép. Khi con còn nhỏ, chúng theo bạn một cách tự nhiên, cùng giữ đạo và chia sẻ niềm tin với bạn. Dần dần, hoặc bỗng chốc, chúng không đi nhà thờ, không cùng chia sẻ quan điểm về tính dục và hôn nhân với bạn, bướng bỉnh hoặc biện hộ cho cuộc sống không cùng chí hướng với bạn.

 

Đầu tiên hết, bạn thách đố và chiến đấu. Bạn bắt chúng đi nhà thờ, bắt chúng tôn trọng quan điểm ki-tô về phương diện tính dục, nhưng không được. Cuối cùng, trong hụt hẫng, bạn dừng ở một điểm không vui vẻ: bạn tiếp tục giữ đạo, con cái thì không.

 

Là linh mục, tôi gặp nhiều bậc cha mẹ, ở nhiều nước, họ lo phiền về con cái như thế. Tuy nhiên không chỉ giới hạn với những bậc cha mẹ đang lo phiền về con cái. Nỗi đau này ảnh hưởng sâu xa đến tất cả chúng ta. Không ai trong chúng ta là không cảm thấy xót xa sâu đậm khi một đứa con, một người bạn, một người em gái hay một người em trai từng bước đi bên chúng ta, giờ không cùng đi nữa.

 

Một trong những mối giây liên kết sâu đậm đã bị suy yếu và căng thẳng. Chúng ta đau đớn: vì chúng ta vừa cảm thấy bị hất hủi, bị mất mát và vừa lo cho hạnh phúc và phần rỗi của họ cũng như mối giây liên kết lâu dài của họ với chúng ta.

 

Nỗi đau này rất phổ biến, rất sâu đậm, và hiếm khi được nói đến. Chúng ta nên phản ứng thế nào? Là cha mẹ, bạn bè, anh chị em, chúng ta có thể làm được gì? Là nhiệm thể Đức Ki-tô, chúng ta có thể làm gì?

 

Rõ ràng chúng ta cầu nguyện và tiếp tục giữ đạo, hy vọng yêu thương và thách đố bằng chính cuộc sống mình hơn là bằng lời nói. Đây là những gì chúng ta phải làm – và, thường đó là tất cả những gì chúng ta có thể làm được.

 

Nhưng quan trọng là hiểu những gì chúng ta đang thật sự làm khi thực hiện chúng. Có một cái gì sâm đậm hơn đang diễn ra, chứ không phải trên bề mặt. Đó là gì?

 

Trong Phúc âm thánh Gio-an 20: 23, Đức Giê-su nói với cộng đoàn kitô hữu đầu tiên: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai thì, người ấy bị cầm giữ.” Trong Phúc âm thánh Mát-thêu 16: 19 Người nói với Phê-rô: “Dưới đất, con cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất con tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”

 

Theo cách chú giải truyền thống thì ngụ ý nhắc đến bí tích hòa giải và trao ban quyền năng chủ chăn cho thánh Phê-rô và những người kế vị. Ít nhất là như vậy, nhưng chưa đủ. Những gì Đức Giê-su đang thực hiện ở đây là trao ban cho toàn thể cộng đoàn Ki-tô quyền năng tha tội cũng như quyền năng cầm buộc và tháo cởi. Cụ thể điều này muốn nói gì?

 

Nó có nghĩa rằng nếu chúng ta thật sự là một phần của nhiệm thể Đức Ki-tô thì khi chúng ta tha tội cho ai thì, người ấy được tha. Cũng thế, nếu chúng ta yêu thương ai và ôm họ trong đời sống của mình thì, người đó, dù hành động của họ thế nào đi nữa, cũng không bị chia cắt khỏi nhiệm thể Đức Ki-tô. Nếu bạn tiếp tục yêu thương một ai đó, người đó được ràng buộc với bạn.

 

Hỏa ngục chỉ là điều khả thể khi một ai đó tự đặt mình hoàn toàn ra khỏi ranh giới của tình yêu và sự tha thứ của cộng đoàn Ki-tô hữu, khi họ tự làm cho mình không còn khả năng yêu thương và tha thứ, khi họ chủ động cự tuyệt không những tôn giáo và đạo đức, mà còn quan trọng hơn, cự tuyệt với tình yêu.

 

Nói một cách cụ thể: Nếu một người con, anh chị em, hay người thân yêu của bạn bị lầm đường lạc lối trong việc giữ đạo và đạo đức thì, miễn là bạn vẫn tiếp tục yêu thương họ, kết hợp với họ, thứ tha họ thì họ vẫn còn ràng buộc với chúng ta, vẫn là một phần thân thể của Giáo Hội (qua tình yêu của bạn).

 

Dầu cho mối tương giao của họ với Giáo Hội và với linh đạo Ki-tô là ở bên ngoài nhưng họ vẫn ở trong ân sủng bởi vì bạn là một phần nhiệm thể của Đức Ki-tô và khi một ai đó chạm vào bạn là họ được chữa lành và tha thứ, giống như những người xưa kia được chữa lành nhờ chạm vào Đức Giê-su.

 

Khi bạn yêu thương một ai đó, trừ phi họ chủ động cự tuyệt tình yêu đó, còn thì họ vẫn còn ràng buộc – ràng buộc với nhiệm thể của Đức Ki-tô, vẫn được cứu rỗi.

 

Và điều này đúng ngay cả với cái chết. Nếu người thân của bạn chết trong tình trạng, ít nhất là bề ngoài, họ không còn giữ đạo như một Ki-tô hữu và về mặt đạo đức họ ở bên lề nhiệm thể Đức Ki-tô thì, tình yêu và sự tha thứ của bạn vẫn sẽ tiếp tục ràng buộc họ với nhiệm thể Đức Ki-tô và họ sẽ tiếp tục được thứ tha – ngay cả sau khi chết.

 

Trích sách Tập sống vượt lên nỗi sợ, Forgotten among the Lilies, Learning to Love Beyond Our Fears, Ronald Rolheiser

 

Nguyễn Kim An dịch

488    30-05-2019