Sidebar

Thứ Tư
22.05.2024

Một Cuộc Đột Phá Tâm Linh

Một Cuộc Đột Phá Tâm Linh

Ba Yếu Tố Chính của Sự Hoán cải

Bạn đã bao giờ có một cuộc đột phá chưa? Bạn đã làm việc chăm chỉ cho một dự án mà không đạt được nhiều tiến bộ, và rồi mọi thứ bỗng nhiên trở nên rõ ràng và bạn biết chính xác phải tiến hành thế nào.

Hoặc bạn đã bao giờ vật lộn để hiểu một khái niệm mới, có lẽ là trong lớp toán, và cuối cùng thì “bóng đèn” bật lên (có câu giải đáp) và nó có ý nghĩa với bạn?

Nếu bạn đã trải qua một bước đột phá, thì bạn sẽ biết nó có thể thú vị và phấn khởi như thế nào. Bạn lớn lên trong sự tự tin. Bạn có một quan điểm mới. Bạn cảm thấy tự do hơn và có khả năng nhiều hơn. Ít nhất, bạn rất vui vì đã được giải thoát khỏi mọi công việc và lo lắng!

Hãy cùng nhìn vào một người trong Kinh thánh, người đã trải nghiệm một loại đột phá trong đời sống tâm linh của mình, một bước đột phá của sự hoán cải (chuyển đổi). Tên bà  là Lyđia và câu chuyện của bà được kể trong sách Công vụ Tông đồ chương 16.

Một Nữ Doanh Nhân Thánh Thiện. Lyđia sống ở Thyatira, một thành phố ở vùng Tiểu Á cách một vài trăm dặm từ thành Philíp. Bà ấy hẳn là khá giả, vì bà cũng sở hữu một ngôi nhà ở Philíp (Cv 16,14.40). Luca nói với chúng ta rằng bà Lyđia là một người buôn len cánh kiến. Vì thuốc nhuộm màu tím là sản phẩm tốn kém nhất để sản xuất, nó thường chỉ dành riêng cho loại vải tốt nhất. Vì thế, các loại vải mà Lyđia đã mua và bán có nghĩa là dành cho những người giàu có thời bấy giờ.

Ngoài việc khá giả, Lyđia cũng phải rất khôn ngoan. Hẳn không hề đơn giản để một người phụ nữ thành công trong xã hội gia trưởng của Trung Đông cổ đại, chưa kể, Lyđia làm việc trong một doanh nghiệp rất cạnh tranh. Có lẽ bà đã phải nắm vững chìa khóa việc giao dịch của mình mọi lúc, hầu như mọi lúc. Không giống như hầu hết các đối thủ cạnh tranh của mình, Lyđia đã chọn không kinh doanh vào ngày Sabát. Thay vào đó, bà dành cả ngày để thờ phượng Thiên Chúa. Và quyết định của bà đã được công thưởng rất phong phú.

Thánh Kinh cho chúng ta biết rằng Lyđia đã tham dự một buổi cầu nguyện với một số phụ nữ khác mỗi ngày Sabát. Vì sự tuân giữ ngày Sabát, hầu hết các học giả đều cho rằng Lyđia là “một người kính sợ Thiên Chúa”, hay một người ngoại đã tòng đạo Do Thái. Bà và những người sùng đạo như bà có lẽ đã biết về Thiên Chúa của Cựu Ước, nhưng chưa nghe về Chúa Giêsu. Họ là những người phụ nữ ngay thẳng, yêu mến Chúa và tìm cách làm hài lòng Chúa bằng cuộc sống của họ. Tuy nhiên, khi chúng ta đọc tiếp, chúng ta thấy Thiên Chúa đã sử dụng thánh Phaolô để mở mắt họ theo những cách mới và thú vị.

Bà “Đã Mở Lòng Mình”. Câu chuyện về Lyđia mở ra với Phaolô và những người bạn đồng hành của ngài đã được Chúa Thánh Thần hướng dẫn để mở rộng công việc truyền giáo của họ đến Macêđônia, thành phố đầu tiên ở châu Âu mà họ sẽ đến. Điểm dừng chân đầu tiên của họ là thành phố Philíp. Khi họ đến, họ đã làm những gì họ đã làm ở mọi nơi khác mà họ đã đến thăm: họ tìm kiếm một hội đường. Dường như không có ai trong khu vực, ngoại trừ họ đã tìm hiểu về Lyđia và những người phụ nữ khác kính sợ Thiên Chúa, những người quy tụ bên bờ sông vào mỗi ngày Sabát. Do đó, họ đã đi để gặp các bà.

Khi họ đến buổi họp mặt, Phaolô và các bạn của ngài bắt đầu nói chuyện với những người phụ nữ. Chúng ta không biết chính xác những gì họ đã nói, nhưng chúng ta có thể cho rằng họ nói về Chúa Giêsu: Chúa Giêsu là ai, tại sao Chúa trở nên một con người, tại sao Chúa chết trên thập giá và đã sống lại. Cũng có thể là Phaolô đã kể câu chuyện về việc Chúa Giêsu đã mạc khải  chính mình cho ông trên đường đến Đamát.

Khi Phaolô chia sẻ thông điệp Phúc Âm, một điều gì đó đã xảy ra với Lyđia. Chúa Thánh Thần ngự trên bà và “đã mở lòng bà … (để bà) chú ý đến những gì Phaolô nói” (Cv 16,14). Và thế là bắt đầu hội thánh Philípphê, hội thánh đầu tiên trên lục địa châu Âu.

Thiên Chúa ban một ân sủng biến đổi đặc biệt ngày hôm đó. Chúa chấp nhận  hiểu biết giới hạn của Lyđia và mở rộng nó. Người đã giúp Lyđia nắm bắt được Phúc Âm mà Phaolô đã rao giảng và ban cho bà ân sủng để đáp trả một cách tuyệt vời.

Ba Yếu Tố Chính. Câu chuyện này cho chúng ta một cửa sổ dẫn vào cách mọi người gia nhập Giáo Hội trong thời đại của các tông đồ. Trên thực tế, trong vài thế kỷ đầu tiên, tiến trình điển hình là ba lần: việc rao giảng Tin Mừng (truyền giáo), tiếp theo là sự hoán cải rồi đến việc rửa tội.

Ngày nay, trật tự đã khác, nhưng cả ba yếu tố vẫn còn: việc rao giảng Tin Mừng – chia sẻ phúc âm; sự hoán cải – một quyết định từ bỏ tội lỗi và hướng về Chúa Kitô; và phép rửa tội – việc tuôn đổ ân sủng của Thiên Chúa để thanh tẩy chúng ta khỏi tội lỗi của chúng ta và làm cho chúng ta thành con cái của Thiên Chúa và các thành viên của Giáo Hội. Chúng ta hãy cùng xem xét từng yếu tố trong ba yếu tố này.

1. Việc Rao Giảng Tin Mừng – Thần Khí và Lời. Trước hết việc rao giảng Tin Mừng: chia sẻ Tin Mừng về Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa Đấng đã chết trên thập giá và đã sống lại. Thông điệp này có thể đến trực tiếp từ Chúa Thánh Thần, như đã xảy ra với Phaolô, nhưng nó thường đến khi Thánh Thần nói qua một tín hữu đã trải nghiệm sự hoán cải (Cv 9,1-19). Trong trường hợp của Lyđia, Thần Khí đã làm việc thông qua Phaolô và những người bạn đồng hành của ngài.

Dù nguồn gốc của thông điệp là gì, việc rao giảng Tin Mừng luôn luôn, trước hết và trên hết, là một công việc của Chúa Thánh Thần. Chỉ có Thánh Thần mới có thể mở lòng một người như Người đã làm cho Lyđia và mạc khải Chúa Giêsu theo một cách hoàn toàn mới. Chỉ có Thánh Thần mới có thể xuyên thấu trái tim một người với lời hứa về sự sống mới. Chỉ có Thánh Thần mới có thể tiết lộ tội lỗi và tuôn đổ tình yêu chữa lành của Chúa Cha. Cho dù điều đó xảy ra trong tích tắc hoặc trong một khoảng thời gian vài ngày hoặc vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm, chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể “cảm hóa (phúc âm hóa)” một người theo cách dẫn dăt họ đến một sự hoán cải thay đổi cuộc sống.

2. Sự Hoán Cải – để “Quay Về”. Trong câu chuyện dụ ngôn về người con trai hoang đàng, Chúa Giêsu minh họa hai chiều kích hoán cải khác nhau nhưng có liên quan: hoán cải ban đầu và hoán cải liên tục. Hoán cải ban đầu là quyết định chính yếu để từ bỏ tội lỗi và phó thác cuộc sống của chúng ta cho Chúa Kitô. Chúng ta có thể thấy điều này ở đứa con hoang đàng. “Hồi tâm”, anh đã từ bỏ lối sống cũ và trở về nhà của cha mình (Lc 15,17).

Về phần người anh cả, anh trai của anh, đang sống với cha. Anh cả là một đứa con trai ngoan ngoãn, làm việc chăm chỉ với tài sản (ruộng đất) của cha mình. Nhưng anh vẫn có những khoảnh khắc tự cho mình là công chính, tức giận và phẫn nộ để đối phó. Bạn có thể nói rằng anh cần một sự hoán cải sâu sắc hơn để có thể tận hưởng cuộc sống trong ngôi nhà của cha mình hơn nữa. Như người cha trong dụ ngôn đã cư xử với chàng trai trẻ này, Thiên Chúa không ngừng mời gọi chúng ta đưa ra quyết định để giúp chúng ta xa rời tội lỗi và kéo chúng ta lại gần Chúa Giêsu hơn. Những cuộc chuyển đổi như thế này đang diễn ra khi chúng ta kiên trì cầu nguyện và tham dự Thánh lễ, khi chúng ta cố gắng tuân giữ các mệnh lệnh của Chúa và khi chúng ta vượt xa khỏi chính mình để phục vụ những người khác.

Lyđia đã trải nghiệm một cuộc hoán cải ban đầu vì trái tim bà đã mở ra với sứ điệp của Phaolô. Bà đã chọn chấp nhận Chúa Giêsu là Chúa và Đấng Cứu Độ của mình. Bây giờ, bà đã bước đi trên con đường người môn đệ, một con đường có vô số cơ hội để trải nghiệm một sự biến đổi ngày càng sâu sắc hơn với Chúa.

3. Bí Tích Rửa Tội – Các Thành Viên của Một Thân Thể. Theo Giáo lý Hội Thánh Công giáo, bí tích rửa tội giúp chúng ta gột rửa tội lỗi nguyên thủy, biến chúng ta thành một thọ tạo mới và “đã tháp nhập chúng ta vào Giáo Hội”, thân thể của Chúa Kitô (CCC, 1267). Trong những năm đầu của Giáo Hội, bí tích rửa tội đến sau khi một người đã nghe Phúc Âm, tin vào Chúa Kitô và tuyên xưng rằng Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết. Theo thời gian, Giáo Hội bắt đầu rửa tội cho trẻ sơ sinh, giao phó cha mẹ và cha mẹ đỡ đầu của đứa trẻ phải chấp nhận trách nhiệm chính là rao giảng Phúc Âm cho đứa trẻ đó và dẫn đưa nó đến một quyết định trưởng thành để hướng về Chúa Kitô.

Sau khi Lyđia nghe Phúc Âm của Phaolô, bà “đã mở lòng mình” với Chúa và có lòng tin vào Người (Cv 16,14). Bà có kinh nghiệm chuyển đổi sang Chúa Kitô và sau đó được rửa tội, cùng với gia đình của bà (Cv 16,15). Trong trường hợp của bà, cũng như trong trường hợp của hầu hết các Kitô hữu đầu tiên khác, sự hoán cải của Lyđia, quyết định sống cho Chúa Kitô của bà đã được ghi dấu ấn và làm cho bà có khả năng sống như thế nhờ ân sủng của Thiên Chúa qua bí tích này.

Niềm Vui của Sự Hoán Cải. Sự hoán cải là sự kết hợp của ân sủng toàn năng của Thiên Chúa và quyết định của con người chúng ta. Chúng ta tự do lựa chọn dâng hiến cuộc sống của mình cho Chúa Giêsu, nhưng chúng ta sẽ không thể lựa chọn như thế nếu đó không do Chúa Thánh Thần chỉ cho chúng ta thấy nhu cầu của chúng ta cần đến Chúa Kitô.

Sau kinh nghiệm ban đầu về sự hoán cải, chúng ta vẫn cần ân sủng của Chúa trong Bí tích Thánh Thể; chúng ta vẫn cần ân sủng của Chúa trong sự khôn ngoan của Kinh Thánh; chúng ta vẫn cần ân sủng của lòng thương xót của Chúa trong Bí tích Hòa Giải. Không có ân sủng liên tục có sẵn trong những món quà như thế này, chúng ta dễ bị mất cảm thức về Chúa Giêsu, dễ bị cám dỗ và sa vào tội lỗi.

Lyđia có lẽ đã nhớ rằng bà sẽ dành hết phần đời của mình cho ngày Sabát. Khác xa với việc chỉ là một trong số nhiều sự kiện như vậy, đó là ngày mà Chúa Thánh Thần mở lòng bà ra với Phúc Âm. Đó là ngày bà gặp Chúa Giêsu và trải nghiệm sức mạnh của Chúa Thánh Thần cũng như sự tha thứ  tội lỗi của bà theo một cách mới.

Điều gì đã xảy ra với Lyđia và gia đình bà cũng có thể xảy ra với chúng ta. Chúa muốn mọi người trong gia đình chúng ta trải nghiệm niềm vui hoán cải. Người muốn tất cả chúng ta đều nhận biết sự khác biệt giữa việc chỉ sống cho thế giới này và sống cho Chúa Giêsu.

Đồng thời, Chúa cũng muốn chúng ta thức dậy mỗi ngày và bước vào “Trường học của Chúa Kitô”, để Chúa Thánh Thần có thể tiếp tục dạy dỗ chúng ta. Mỗi ngày, Chúa Thánh Thần muốn chỉ cho chúng ta cách theo đuổi sự hoán cải đang diễn ra cho đến ngày cuối cùng khi chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu với khuôn mặt chưa được tiết lộ, đó là, với những trái tim đã được thanh tẩy khỏi tất cả mọi tàn dư của tội lỗi.

Theo the Word Among us
Personal Spirituality Resources
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

656    23-02-2019