Nói ít làm nhiều

Thiên Chúa sử dụng phương pháp tiếp cận

      Trong bài giảng cho Thánh lễ đầu tiên với tư cách là Đức Thánh Cha, Đức Giáo Phanxico đã nói về lời mời ơn gọi của chúng ta là phải luôn luôn ra đi, xây dựng và tuyên xưng Đức Giêsu Kitô.

      Kể từ ngày đó, Đức Giáo Hoàng đã nói với chúng ta rằng chúng ta đang ở trên một hành trình. Đó là một hành trình dọc theo con đường của sự thánh thiện, một hành trình đi tới các biên thùy của xã hội để giúp đỡ những người nghèo túng, và một hành trình đi ra thế giới để chúng ta có thể chia sẻ Tin Mừng cho nhiều người và nhiều người hơn nữa.

     Nhưng chúng ta không ở trên hành trình này một mình. Một trong những từ ngữ ưa thích khác của Đức Giáo Hoàng là “sự đi cùng (sự đồng hành)”. Ngài thôi thúc chúng ta hãy đi với nhau, để giúp đỡ nhau đạt tới đích điểm của chúng ta.

    Trong một bài nói chuyện với các Đức Giám mục Brazil, Đức Giáo Hoàng Phanxico đã nói: “Chúng ta cần một Giáo Hội có khả năng bước đi bên cạnh con người” (Bài nói chuyện ngày 28/7/2013, p.3). Ngài than phiền rằng có quá nhiều người đã bỏ Giáo Hội bởi vì họ thấy Giáo Hội “quá lạnh lẽo, có lẽ quá tự mãn với chính mình”, và ngài đề nghị chúng ta hãy tập trung vào việc “sưởi ấm tâm hồn con người”, để trở nên “một Giáo Hội có khả năng tìm lại được cung lòng thương xót của người mẹ” hầu chúng ta có thể bày tỏ lòng thương xót đó cho mọi người xung quanh chúng ta.

     Hãy đồng hành với họ. Đây là cái nhìn của Đức Giáo Hoàng về cách thế Thiên Chúa muốn dùng chúng ta. Thiên Chúa Cha biết rằng chúng ta cần phải sẵn sàng đồng hành với con người, để làm cho chính chúng ta luôn sẵn lòng với họ, nếu chúng ta sẽ trao tặng cho họ tin tốt lành của Tin Mừng. Nói đơn giản với con người về Chúa Giêsu hoặc về Giáo Hội thì chưa đủ; chúng ta cần chứng tỏ cho họ thấy Thiên Chúa yêu thương họ biết chừng nào qua sự thương yêu và những hành động của chính chúng ta. Như Chúa Giêsu đã nói: “Đây là điểm mọi người nhận biết anh em là môn để của Thầy, là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga13,35).

     Qua cuộc sống hoạt động xã hội của mình, Thánh Têrêsa Calculta đã nhiều lần thôi thúc con người hãy làm cho chính họ có khả năng đến gần được với những người xung quanh mình. Thánh nhân nói: “Hãy mở rộng tình yêu đến mọi nơi bạn hiện diện”. “Hãy là sự diễn tả sống động lòng nhân từ của Thiên Chúa; lòng nhân từ nơi khuôn mặt của bạn, lòng nhân từ trong đôi mắt của bạn, lòng nhân từ nơi nụ cười của bạn, lòng nhân từ trong cái chào ấm áp của bạn”. Vì thế, chúng ta hãy nhìn vào một số cách thức mà chúng ta có thể làm theo lời khuyên của mẹ thánh.

     Đôi mắt mỉm cười. Các nhà khoa học nói với chúng ta rằng những nụ cười làm cho chúng ta trở nên hấp dẫn hơn và chúng có thể nâng tâm trạng của những người khác lên. Cũng vậy nụ cười có thể nâng tâm trạng của chúng ta lên. Các bác sĩ bệnh tâm thần đã khám phá ra rằng khi chúng ta mỉm cười, ngay cả nếu khi cười cách gượng gạo (ép buộc), thì các chất dẫn truyền thần kinh “hạnh phúc (happy)” như các hoocmon tạo cảm giác dễ chịu, vui vẻ và cảm xúc tích cực sẽ được phóng thích, làm cho chúng ta bình an và hy vọng hơn. Họ nói với chúng ta rằng một nụ cười có tác dụng lây lan, nghĩa là một nụ cười thường được đáp lại bằng một nụ cười khác.

    Những nghiên cứu khác – cũng có chung ý nghĩa – nói với chúng ta rằng những người kết hợp sự tiếp xúc bằng con mắt với một nụ cười được xem là đáng tin tưởng và chân thành hơn là những người nhìn chỗ ra khác hay nhìn ngây ra hoặc có những sự diễn tả tiêu cực trên khuôn mặt của họ. Việc tiếp xúc bằng đôi mắt nói với người khác rằng bạn đang quan tâm đến hạnh phúc của họ. Nó nói với họ rằng bạn tôn trọng họ và bạn đang mở lòng và đang đón tiếp họ.

     Vì thế hãy nở một nụ cười. Khi bạn đang nói chuyện với những người khác, hãy nhanh chóng kiểm tra chính mình để bảo đảm rằng bạn đang biểu lộ một thái độ lôi cuốn, tích cực. Hãy để cho ngôn ngữ thân thể của bạn nói với họ rằng bạn đang sẵn sàng, thậm chí đang háo hức để đồng hành với họ trên con đường của họ.

     Giá trị của “Chuyện Phiếm (chuyện nho nhỏ)”. Nếu bạn muốn đồng hành với ai đó, bạn cần phải đang cùng đi với họ. Điều đó không luôn luôn dễ dàng, nhưng nó có thể làm nên một thế giới của sự khác biệt. Đặc biệt khi chúng ta đi theo lời cổ vũ của Đức Thánh Cha để đồng hành với những con người đang “ở ngoài rìa” (xã hội), chúng ta có thể cảm thấy không thoải mái. Chúng ta cần phải sẵn sàng tìm thấy một mảnh đất chung với mọi người chúng ta gặp. Chúng ta thường gạt bỏ giá trị của những câu chuyện nho nhỏ, nhưng đó lại là một trong những cách thế quan trọng nhất mà chúng ta có thể liên kết với người khác và làm cho chính chúng ta trở nên sẵn sàng với họ.

    Hãy chứng tỏ cho người khác thấy rằng bạn thực sự quan tâm đến họ, rằng bạn quan tâm đến những thách đố và những chiến thắng của họ. Hãy nói về một sự kiện ở xứ đạo mà tại đó bạn có thể đã nhìn thấy họ. Hãy chia sẻ về gia đình của bạn và tìm ra những cách thức mà cuộc sống gia đình của họ cũng tương tự như thế. Hãy sẵn sàng tham gia với họ mỗi ngày, nhưng cá vị, bình đẳng và rồi bạn sẽ nhận ra một tình bằng hữu đang lớn lên. Bạn sẽ nhận ra rằng họ đã sẵn sàng là những người bạn đồng hành với bạn, đơn giản chỉ vì bạn chia sẻ với họ những ước mơ và hy vọng, những lo lắng và những tâm trạng thất bại căn bản như họ.

    Những cuộc nói chuyện hằng ngày có thể mở ra cánh cửa cho những mối tương quan sâu xa hơn. Những câu chuyện ấy giúp chúng ta tìm thấy mảnh đất chung nơi chúng ta có thể gặp gỡ để chúng ta bắt đầu đi với nhau. Chúng giúp chúng ta phát triển những tình bạn trong đó chúng ta bắt đầu ảnh hưởng lẫn nhau. Chúng giúp chúng ta học hỏi lẫn nhau, để mở rộng tâm hồn chúng ta cho nhau và chia sẻ cuộc sống của chúng ta cho nhau. Đó không phải là điều mà Thiên Chúa đang sử dụng – để chia sẻ sự hiện diện của Chúa Giêsu với những người mà bạn biết và yêu thương sao?

    Vì thế hãy tìm ra những cách thức đến với những người khác trong xóm làng hay xóm đạo của bạn, ngay cả những người dường như rất khác biệt với bạn. Bắt đầu một cuộc trò chuyện mới chỉ có thể dẫn đến một nơi đặc biệt nào đó thôi.

    Lắng nghe cách cẩn thận. Dĩ nhiên, mọi cuộc trò chuyện đều có hai phần: nói và lắng nghe. Lắng nghe có lẽ là cách thức có sức mạnh nhất mà chúng ta có thể đồng hành với con người. Thánh Luca nói với chúng ta cách thức Đức Giêsu phục sinh đã đồng hành với hai môn đệ trên đường tới Emmaus thế nào. Nếu bạn chú ý, bạn sẽ thấy rằng Đức Giêsu chỉ nói lúc đầu. Ngài hỏi “Các anh đang tranh luận với nhau về vấn đề gì vậy?”. “Chuyện gì đã xảy ra làm cho các anh cảm thấy quá buồn phiền như vậy (Lc 24, 17.19)?” Dĩ nhiên Đức Giêsu đã biết họ đang nói gì, nhưng dù sao đi nữa Ngài vẫn để cho hai môn đệ kể cho Ngài nghe câu chuyện của họ.

    Câu chuyện này là một thí dụ về sự đồng hành cảm động. Đức Giêsu được cải trang đã bày tỏ tất cả những yếu tố của một người đồng hành với những người khác: bước vào trong thế giới của họ, lắng nghe cách tôn trọng và nói vào tâm hồn họ. Ai biết? Có lẽ Ngài đã mỉm cười và nhìn họ. Chúng ta có lẽ không có tài năng cũng chẳng chu đáo được như Đức Giêsu, nhưng chúng ta vẫn có thể thực hiện một sự khác biệt khi chúng ta học trở nên một người lắng nghe đặc biệt.

   Quan điểm của ai? Một người chồng và một người vợ đi dự tiệc và đang tán gẫu với mấy người bạn. Khi nói về việc tư vấn hôn nhân, người vợ lên tiếng “chúng tôi không cần tư vấn”. “Chồng tôi và tôi có nhiều tương quan. Anh ấy học về truyền thông ở đại học, còn tôi thì học về nghệ thuật sân khấu. Vì thế anh ấy truyền thông giỏi, còn tôi tôi biết phải hành động thế nào như thể tôi đang lắng nghe.

    Chúng ta có thể cười nhạo câu chuyện như thế này, nhưng sự thật là việc truyền thông của chúng ta có thể quá dễ dàng tập trung vào cách thức chúng ta trình bày quan điểm của chúng ta thay vì lắng nghe quan điểm của người khác. Một sự tiếp cận như thế này có thể dẫn đến việc bỏ sót những cơ hội và làm mất đi những mối tương quan. Nó cũng có thể cản trở chúng ta đi theo lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxico là làm cho trái tim con người ấm lên. Làm sao chúng ta có thể thực hiện một sự khác biệt trong cuộc sống của người khác nếu chúng ta quá ích kỷ chỉ nói về cuộc sống của chúng ta? Làm thế nào chúng ta có thể làm ấm lòng người khác bằng sứ điệp tình yêu của Thiên Chúa nếu chúng ta không cố gắng thấu hiểu những nỗi lòng của họ?

     Điều đó nghe có thể là đã có một kế hoạch trước, nhưng suy nghĩ về cách thức một người đàn ông tên Jeremy đã cố gắng để làm cho chính mình trở nên sẵn sàng được Thiên Chúa sử dụng. Anh đã thực hiện một việc là cố gắng đến với một người mới vào mỗi Chúa Nhật sau Thánh Lễ. Ngẫu nhiên giới thiệu chính mình, rồi anh đưa ra một số câu hỏi để bắt đầu một cuộc trò chuyện: Bạn sống ở đâu? Bạn làm nghề gì để sinh sống? Bạn là con chiên trong giáo xứ này bao lâu rồi? Jeremy có một mục đích trong tâm trí: mở cánh cửa. Anh chắc chắn rằng anh lắng nghe, đặt một câu hỏi khác và cố gắng  đi theo đến nơi mà câu chuyện dẫn đến.

    Thời gian trôi qua, người ta trở nên yêu quý Jeremy và tin tưởng anh. Họ cũng cảm thấy tự do để chia sẻ với anh những lo lắng và muộn phiền của họ. Và bởi vì anh đã bày tỏ chính anh là một người biết lắng nghe, họ đáp lại bằng sự quý mến và chú ý lắng nghe anh khi anh chia sẻ về tình yêu của anh dành Thiên Chúa. Họ nhìn thấy đức tin của anh qua cách anh hành động, và nó truyền cảm hứng cho họ đến gần với Chúa Giêsu hơn. Họ nhìn thấy sự nhiệt tình của anh đối với giáo xứ và họ cũng cảm thấy can đảm hơn để dấn thân vào.

    Cách thức đơn giản. Đó thực sự là một cách thức đơn giản: nếu bạn muốn được Thiên Chúa sử dụng, bạn hãy chắn chắn rằng bạn nói ít hơn là nghe. Nếu bạn giúp đỡ những người khác trên hành trình đức tin của họ, hãy tìm kiếm một mảnh đất chung và bước đi bên cạnh họ. Hãy hiểu biết lẫn nhau và bạn hãy xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau hơn. Bạn không chỉ làm nên một sự khác biệt trong cuộc sống của họ, nhưng chính họ cũng sẽ làm nên một sự khác biệt trong cuộc sống của bạn. Bạn sẽ khám phá ra rằng bạn sẽ có những người anh chị em xa hơn nữa trong Chúa Kitô mà bạn chưa từng tưởng tượng. Đó là cách thức mà vương quốc của Thiên Chúa được xây dựng.

Theo the Word Among us

Meditations and Issues for September 2017

Chuyển ngữ:  Nhóm Học viện  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương