Sidebar

Chúa Nhật

28.04.2024

Năm năm triều giáo hoàng: Sức mạnh của một cái tên

 

Nhân dịp năm năm triều giáo hoàng của giáo hoàng Bergoglio, bài xã luận của báo L’Osservatore Romano ngày 13 tháng 3 – 2018 có tựa đề “Sức mạnh của một cái tên”.

Một cái tên bất ngờ và không chờ đợi, một cái tên biểu tượng cho sự “canh tân tận căn”, một cái tên “nhắc đến Thánh Phanxicô Axixi với sự dứt khoát của ngài trong việc bắt chước Chúa Kitô”. Cái tên nói lên lòng “quan tâm và gần gũi với người nghèo”, “rao giảng hòa bình và bảo vệ tạo dựng”, tên này bây giờ dính với một “triều giáo hoàng chủ yếu truyền giáo”.

Với sự cho phép của báo L’Osservatore Romano, chúng tôi đăng bài xã luận của ông

Giovanni Maria Vian, giám đốc nhật báo của Vatican. 

Sức mạnh của một cái tên

Cách đây năm năm, ít người dự đoán mật nghị sẽ bầu một hồng y ở tòa giám mục Buenos Aires, lại còn ít người biết hơn người kế vị Đức Bênêđictô XVI sẽ chọn tên nào, Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm, một sự kiện lịch sử đầu tiên chưa từng có từ sáu thế kỷ nay. Dù vậy, sự mong chờ cho tên này đã có, như một vài hồng y cử tri đề nghị ngài và một cách thật kỳ lạ, trong thời kỳ mật nghị, các đài truyền hình đưa ra hình ảnh một người mặc áo dòng nâu quỳ trời mưa lạnh giá đang rơi ở Quảng trường Thánh Phêrô, ông cầm tấm các-tông ghi chữ “Giáo hoàng Phanxicô”, nơi mấy chữ này cho thấy sự mong chờ thường thấy ở thời Trung cổ: mong chờ có sự canh tân tận căn nhờ một “người cha nhân hậu”.

Trong truyền thống do thái, tên mang nhiều ý nghĩa hơn, chứ không phải chỉ là một danh gọi, Kinh Thánh cho thấy: Đức Chúa thay tên cho ông Abraham, Chúa Giêsu thay tên cho Thánh Phêrô, để nói lên từ nay có một sự biến đổi trong cuộc đời họ. Sự dùng một tên khác với tên của mình, sau này được củng cố trong một vài nhà dòng, cũng như áp dụng trong các thế kỷ đầu tiên với các giáo hoàng. Nhưng chưa một giáo hoàng nào chọn tên Phanxicô, một tên có nguồn gốc thế tục ở vùng la-tinh trung đại, đến từ nước Pháp, nhưng lại trở thành tiêu biểu cho người kitô vì nhắc đến thánh Axixi (tên rửa tội là Gioan) và sự tận căn của ngài trong việc bắt chước Chúa Kitô.

Bước qua năm thứ sáu triều giáo hoàng, rõ ràng cho thấy sức mạnh của tên mà Đức Bergoglio chọn khi ngài giải thích cho các ký giả ba ngày sau khi được bầu chọn. Tên nhắc đến hình ảnh của Thánh Phanxicô Axixi vì ba lý do: rao giảng hòa bình, bảo vệ tạo dựng và gần gũi người nghèo, một gợi ý của hồng y bạn thân người Ba Tây Cláudio Hummes đang ngồi gần ngài trong Nhà nguyện Sixtine khi thấy số phiếu vượt quá hai phần ba ấn định. Ba yếu tố của sứ điệp kitô đặc trưng cho tiến trình của giáo hoàng châu Mỹ đầu tiên, ngài cũng là giáo hoàng đầu tiên không phải là người Âu châu từ mười ba thế kỷ nay và cũng là giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên.

Khi ngài cho thấy, sự cần thiết Giáo hội phải đi ra vùng ngoại vi địa lý và ẩn dụ của thế giới để rao giảng Tin Mừng, một thời gian trước mật nghị, Tổng Giám mục Buenos Aires đã vạch đường lối của một triều giáo hoàng chủ yếu truyền giáo, các đường hướng mà vài tháng sau, ngài triển khai trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng như một dự án làm việc của ngài. Niềm vui, đúng, dù rất nhiều tín hữu kitô đã tử đạo, dù có các vụ bách hại, dù có sự mất quân bình càng ngày càng tăng giữa phía bắc và nam bán cầu, dù có chiến tranh thế giới “từng phần” như ngài thường lên án, dù sự tàn phá hành tinh gây thiệt hại trước hết cho người nghèo như Thông điệp Chúc tụng Chúamô tả, một thông điệp được đón nhận trong sự quan tâm và hy vọng của rất nhiều người không ở trong Giáo hội. Làm thế nào mà, vượt ra được lằn ranh hữu hình của Giáo hội để lời nói đơn giản và chí tình này của một kitô hữu mang một trách vụ lớn, ngày nào cũng xin người khác cầu nguyện cho mình.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

763    15-03-2018