Sidebar

Chúa Nhật

19.05.2024

Newman, trí thông minh của đức tin

 

Linh mục Arnaud Mansuy bề trên Nhà nguyện Nancy, linh mục giáo xứ St-Epvre, giáo sư Kinh thánh tại Đại chủng viện Lorraine, chủ tịch Hội Thân hữu Newman của Pháp.

Chính khi tìm cách cố gắng cứu Giáo hội Anh giáo ra khỏi các hiểm họa nội bộ mà mục sư John Henry Newman đã khám phá lại cách thức kế vị của các Tông đồ trong Giáo hội công giáo. Ngài là người bảo vệ lương tâm và tính không thể sai lầm của giáo hoàng, thần học gia vĩ đại này đã để lại chứng từ của một đời sống thánh thiện và trong sự thật.

Việc chân phước John Henry Newman sắp được phong thánh nêu bật tầm quan trọng của ngài không những trong Giáo hội Anh giáo ở thế kỷ 19 mà ở cả lịch sử Giáo hội. Ngài đã được Đức Bênêđictô XVI phong chân phước năm 2010, nên dịp phong thánh này là dịp khám phá hoặc tái khám phá đời sống phong phú và tác phẩm của nhà thần học sinh tại Luân Đôn trong một gia đình Anh giáo ngày 21 tháng 2 năm 1801.

Một sự “quyến rũ tuyệt vời”

Trong thời gian đi học, ngài nổi bật với khả năng trí tuệ và sức làm việc phi thường, ngài là giảng viên, là giáo sư thạc sĩ của trường Oriel, trường danh tiếng nhất của Đại học Oxford, ngài có một sự nghiệp đáng kể trong môi trường đại học. Công việc giảng dạy song song với công việc mục vụ, ngài ở độc thân, năm 1824 ngài là phó tế, một năm sau ngài là linh mục. Là cha xứ của họ đạo St Mary thuộc Đại học Oxford, các bài giảng của ngài chạm vào tâm hồn người nghe và càng càng có nhiều người đến nghe. Chứng từ của phê bình gia người Anh John Campbell Shairp (1819-1885): “Bài giảng của ngài có một cái gì rất đặc biệt đòi hỏi người nghe cần có một chút thì giờ để thấm. […] Điều này mất một chút thì giờ, nhưng khi đã thấm thì một sự quyến rũ tuyệt vời bắt đầu dấy lên trong lòng người nghe”. Hậu thế giữ các bài giảng giáo xứ của ngài như một kho tàng của trí thông minh của đức tin.

Trong sự kế vị tông đồ

Tháng 12 năm 1832, ở thời điểm khó khăn của Giáo hội Anh giáo, Newman cùng với một người bạn và cha của người này đi một chuyến du hành 6 tháng ở Địa Trung Hải. Vào cuối chuyến đi khi ngài về Sicile một mình, ngài bị bệnh và suýt chết. Sau chuyến đi này, ngài ý thức sâu đậm xác tín Chúa chọn mình là khí cụ của Ngài ở Anh. Newman về lại trường Đại học Oxford, ở đây ngày 14 tháng 7 năm 1833 ngài nghe người bạn Keble của mình giảng về Assisi, On National Apostasy, đánh dấu ngày mở đầu Phong trào Oxford. Đối với Newman và các thành viên trong phong trào thì phải cứu Giáo hội Anh giáo khỏi các hiểm nguy đe dọa từ bên trong. Newman không còn trách vụ nào ở Trường Oriel, ngài dành hết thì giờ cho Phong trào và nhanh chóng trở thành người lãnh đạo uy tín cả về suy nghĩ và từ bản chất mẫu mực của ngài. Công việc của Newman trong Phong trào và việc ngài đọc các sách của các Giáo phụ và các thần học gia Anh giáo thế kỷ 17 đã làm cho ngài hé thấy, nếu Giáo hội Anh giáo muốn đích thực là chính mình thì họ phải nhận thấy mình là Giáo hội của các Tông đồ, với sứ mạng kế tục trong công việc tông đồ. Chính qua sự trung thành với nguyên tắc này mà Newman có được xác tín trong lòng, chính Giáo hội La Mã mới thực sự là Giáo hội đích thực, xác tín này làm ngài quyết định trở lại.

Thánh Philipphê Nêri và Nhà nguyện

Sau đó là thời kỳ công giáo của Newman, sau khi hiệp thông trọn vẹn ngày 9 tháng 10 năm 1845 và sau khi từ chức cha xứ họ đạo St Mary vào tháng 9, ngài đã giảng bài giảng Anh giáo cuối cùng ở nhà thờ Littlemore.

Tháng 9 năm 1846, ngài đi Rôma và chuẩn bị nhận lệnh của Giáo hội công giáo, ngài nhận chức linh mục ngày 30 tháng 5 năm 1847. Những năm ở Rôma giúp ngài hiểu thêm về Thánh Philiphê Nêri và Nhà nguyện mà lối sống này phù hợp với lối sống ở Đại học ở Oxford, nhận thức được Anh giáo và nền tảng học vấn của mình sẽ giúp mình mở ra những con đường mới cho công giáo và nhờ thế giúp cho ngài cắm rễ sâu hơn trên đất Anh của mình. Newman về Anh và thành lập Nhà nguyện Thánh Philiphê Nêri ở Birmingham. Theo yêu cầu của hệ thống phân cấp công giáo, ngài phụ trách nhiều chức vụ, đáng kể là việc thành lập Quỹ Đại học Dublin, dịch Thánh Kinh công giáo nhưng không thành theo các dự án của ngài.

Giáo hoàng và lương tâm 

Tháng 1 năm 1864, ông Charles Kingsley (1819-1875) viết một bài vu khống về các giáo sĩ công giáo và yêu cầu Newman biện minh lòng trung thành của ngài với Giáo hội Anh giáo. Newman trả lời bằng cách xuất bản Apologia pro vita sua (một tiểu sử thiêng liêng của ngài). Tác phẩm này có một tác động lan tỏa rộng lớn, giúp ngài tạo được thiện cảm với hàng giáo sĩ công giáo cũng như với người tin lành. Năm 1874, qua Thư gởi Quận công Norfolk, Newman trả lời sự chỉ trích của Anh giáo về giáo điều không thể sai lầm của giáo hoàng mà công đồng Vatican I vừa tuyên bố, bị cho là người công giáo trút bỏ lương tâm của mình.

Sau các thử thách khác nhau và các tấn công nhiều ít vào cá nhân, ngài có được giai đoạn bình an hơn. Năm 1877, ngài được bầu làm thành viên danh dự của Học viện Trinity College, điều này đã làm cho ngài rất vui. Năm 1879, ngài được Đức Giáo hoàng Leon XIII phong hồng y, và nhờ vậy ngài sống đời sống giảng thuyết của mình. Và ở cộng đoàn này ngài đã sống mười một năm cuối đời, ngài qua đời ngày 11 tháng 8 năm 1890. 

Trung thành với sự thật 

Khi ngài qua đời, ngài được toàn nước Anh vinh danh, ngài để lại trong ký ức mọi người một lòng trung thành sâu đậm cho sự thật. Ngoài các chứng từ về đời sống của mình, ngài để lại một gia tài đồ sộ 41 tác phẩm hoàn chỉnh. Di sản này gồm nhiều lãnh vực khác nhau, từ triết, thần học, lịch sử Giáo hội, các bài giảng cho đến giáo dục và cả thơ văn (bài Songe de Gérontius nổi tiếng), hai tiểu thuyết và các bài viết cá nhân như Nhật ký và các thư từ trao đổi rất nhiều. Qua việc công bố và dịch qua nhiều ngôn ngữ, tác phẩm của ngài đã được phổ biến rộng rãi.

Nhưng không phải vì phẩm chất trí tuệ nổi bật hay các tác phẩm đáng kể mà ngài được phong thánh, nhưng là do đời sống thánh thiện và sự trung thành của ngài với nguyên tắc mà ngài đã có từ tuổi vị thành niên “thánh thiện hơn là yên tĩnh” (holiness rather than peace). 

Linh mục Arnaud Mansuy bề trên Nhà nguyện Nancy, linh mục giáo xứ St-Epvre, giáo sư Kinh thánh tại Đại chủng viện Lorraine, chủ tịch Hội Thân hữu Newman của Pháp.  Newman nhà giảng thuyết, chín bài giảng chưa được công bố. 2-2019.

Marta An Nguyễn dịch

410    28-09-2019