Sidebar

Thứ Bảy
18.05.2024

Nhiều khuôn mặt môn đệ

 

Quyển sách mới “Giêsu thành Nazareth” của học giả Kinh Thánh lừng danh người Đức, Gerhard Lohfink, đã mô tả những cách thức khác nhau trong liên kết với Chúa Giêsu. Không phải ai cũng là tông đồ, không phải ai cũng là môn đệ, và không phải ai đã giúp đỡ cho Chúa Giêsu cũng đi theo Ngài. Nhiều cá nhân khác nhau có cách riêng của mình để theo Chúa Giêsu. Và đây là cách diễn giải của ông:

“Chúng ta hẳn phải thấy qua các Tin Mừng, đặc biệt là Tin Mừng theo thánh Máccô, ngài đã nhìn nhận có rất nhiều kiểu dự phần vào công cuộc của Chúa Giêsu. Có nhóm Mười hai. Có một nhóm mở rộng ra là nhóm môn đệ. Có người dự phần trong đời sống của Chúa Giêsu. Có những người ủng hộ địa phương, mời ngài đến nhà mình. Có những người giúp đỡ Ngài trong những hoàn cảnh cụ thể, dù chỉ là mời một ly nước. Cuối cùng, có những người được hưởng lợi ích từ Chúa Giêsu, và vì thế họ không chống Ngài.” 

Rồi Lohfink nhận xét như sau: “Những đường chỉ nối kết xuyên suốt các Tin Mừng không phải là chuyện ngẫu nhiên. …Trong Giáo hội ngày nay, một đám đông không hình thể, chúng ta không thể thấy biểu hiện của tất cả các dạng trên.  Đó là bộ khung phức tạp như cơ thể con người. Sự cởi mở của các Tin Mừng, sự cởi mở của Chúa Giêsu là để chúng ta chú ý, chúng ta là người thiếu đức tin khi không thể đón nhận một lối sống môn đệ hay khi hoàn toàn xa lạ với các lối sống môn đệ đó. Dù gì đi nữa, thì Chúa Giêsu cũng đã không bao giờ làm kiểu loại trừ như thế.” 

Nếu những gì Lohfink nói là đúng, thì đây là điều quan trọng trong nhận thức về Giáo hội của chúng ta, cả về mặt lý thuyết lẫn thực tế trong các cơ cấu giáo xứ của chúng ta. Nói đơn giản là, rõ ràng chúng ta cũng có những chuyện giống hệt như thời Chúa Giêsu. Khi nhìn vào Giáo hội ngày nay, cụ thể trong phạm vi các giáo xứ, rõ ràng là ngoài thành phần cốt lõi, thành phần cộng đoàn dấn thân, cụ thể là những người tham gia thường xuyên vào đời sống Giáo hội và đón nhận (ít nhất là phần chính yếu của) các tín lý và giáo huấn luân lý của Giáo hội, thì còn có một phần khác nữa, rộng hơn. Giáo hội còn có những nhóm đa dạng, những người ít gắn bó với Giáo hội hơn: những người thỉnh thoảng đi lễ, những người đón nhận một vài giáo lý mà thôi, những vị khách đến thăm nhà thờ, những người không dứt khoát gia nhập nhưng có lòng đồng cảm với Giáo hội và giúp đỡ Giáo hội bằng nhiều cách, và cuối cùng, nhưng không kém quan trọng, là những người gắn bó với Thiên Chúa theo cách riêng của họ, những người có lòng đạo nhưng không theo đạo. Như những gì Lohfink đã đưa ra, những người này đã quy tụ quanh Chúa Giêsu, và “họ không phải là không quan trọng” đối với sứ mạng của Ngài.

Nhưng chúng ta phải cẩn thận trong cách hiểu chuyện này. Điều này không có nghĩa là cương vị môn đệ có nhiều cấp bậc, có số thánh thiện hơn, số khác ít thánh thiện hơn, giống như Tin Mừng trọn vẹn chỉ dành cho một số người nào đó. Nhiều thế kỷ trong lịch sử Giáo hội, linh đạo Kitô giáo đã phải chịu chính sự hiểu lầm này, khi nhìn chung người ta nghĩ rằng các tu sĩ, nữ tu, nhà chiêm niệm, linh mục, và những người tương tự như thế được xem là những người sống trọn vẹn theo Tin Mừng, còn những người khác thì không đáp ứng được lời mời đòi hỏi cao hơn của Chúa Giêsu. Không có kiểu loại trừ như thế. Không bao giờ được chia Giáo hội theo kiểu, hoàn hảo và thiếu hoàn hảo, tốt hơn và tàm tạm, dự phần trọn vẹn và dự phần cục bộ. Toàn bộ Tin Mừng áp dụng cho tất cả mọi người, lời Chúa Giêsu mời gọi mọi người hãy thân thiết với Ngài. Chúa Giêsu không kêu gọi giáo dân theo kiểu cao thấp. Về mặt lý thuyết, cương vị môn đệ Kitô hữu không chấp nhận có phân biệt đẳng cấp, trình độ, tầng lớp, và các mức độ dự phần khác nhau … nhưng trong thực tế lại luôn gần giống như vậy mà thôi, tương tự như trong một chuyện tình vậy. Mỗi người chọn mức độ chìm đắm trong tình yêu, có một số người dấn mình sâu hơn người khác, cho dù về mặt lý thuyết tất cả đều phải yêu bằng hết chiều sâu trọn vẹn của tình yêu.

Và, do bởi lịch sử nhân loại và bởi sự tự do của con người, nên chẳng lạ gì khi mọi chuyện nên như thế. Luôn luôn có vô số biến thể cả về chiều sâu lẫn mức độ dự phần. Mỗi người chúng ta có chuyện đời riêng của mình, với những ơn ban và thương tổn, những thành hình và những biến dạng riêng của mình, nên tất cả chúng ta trưởng thành với những năng lực rất khác nhau trong việc xem xét, nhận thức, yêu thương, đón nhận tình yêu, và trao ban chính mình cho một ai đó hay một sự cao cả nào đó. Không một ai trong chúng ta nên trọn vẹn, và không một ai hoàn toàn trưởng thành. Tất cả chúng ta đều có giới hạn về khả năng. Do đó, xét theo tôn giáo, không thể kỳ vọng một ai đáp lại điều gì một cách trọn vẹn vượt quá mức độ năng lực của người đó, và như thế chắc chắn chúng ta sẽ quy tụ quanh Chúa Giêsu theo nhiều cách khác nhau, dựa vào năng lực nhìn nhận và trao ban bản thân của mình. Dường như, Chúa Giêsu thấy ổn với chuyện này.

Dưới con mắt của Ngài, không có kiểu môn đệ tạm bợ hay môn đệ sáng láng. Và chúng ta cũng không được có kiểu phân loại như thế. Tất cả chúng ta đều quây quần quanh Chúa Giêsu bằng những cách khác nhau của riêng mình, và chúng ta phải cẩn thận đừng phán xét nhau, bởi bè lũ phái Donato và con cái của nó vẫn luôn mãi lởn vởn chực xâu xé.

J.B. Thái Hòa dịch

794    21-05-2018