Sidebar

Thứ Bảy
18.05.2024

Những điều ẩn kín đối với những người học rộng và thông minh

 

Tôi đã sống và làm việc gần trọn quãng đời trưởng thành trong giới hàn lâm, học ở nhiều trường đại học, dạy trong giới đại học, và có bạn bè thân thiết và đồng nghiệp là các vị giáo sư đại học. Thế giới đó như thế nào? Những người sống trong giới hàn lâm đó là những người ra sao?

Có lẽ trải nghiệm của tôi không mang tính điển hình bởi vì phần lớn các học giả mà tôi được theo học và phần lớn các giáo sư thần học cũng như các học giả đồng nghiệp khác của tôi đã trở thành giáo sư và giảng viên đại học với chức năng mục vụ như là một ơn gọi hơn là nghề nghiệp. Vì vậy, thay vì phải chật vật với vấn đề đức tin và giáo hội, họ có động lực trở thành những nhà hàn lâm phục vụ cho đức tin và các cam kết của mình với giáo hội. Xét theo nhiều khía cạnh, những vị giáo sư trong các trường thần học và các trường mục vụ không phải là điển hình của giới hàn lâm.

Nhưng một nhà hàn lâm là một nhà hàn lâm, và các nghiên cứu đại học và sau đại học, cho dù được thực hiện với động cơ gì, cũng đều có vài tác động tương tự tới con người. Và thế là tôi nghi ngờ xem cái quỹ đạo, trong đó có tôi, là điển hình hơn hay là không điển hình. Mà điển hình là như thế nào?

Các nhà hàn lâm, các học giả, và các vị giáo sư đại học, giống bất kỳ thành phần xã hội nào, đều là một tập hợp phức tạp: Trong các giới đại học, bạn sẽ thấy một số người khiêm tốn, khoan dung, đầy lòng kính tín và thật sự tốt nhất mà bạn từng gặp; cũng vậy, bạn sẽ thấy một số người đầy kiêu ngạo, bo bo thu vén cho mình, phi luân và bất nhẫn nhất trên đời. Thế giới hàn lâm cũng giống như mọi nơi khác.

Dù sự thật là vậy, từ lâu một câu nói của Chúa Giê-su vẫn ám ảnh tôi, đó là: thường thường, những bí mật sâu kín nhất của cuộc sống và đức tin lại ẩn kín đối với những người học rộng và thông minh, nhưng lại vén mở ra với trẻ con, với những ai có tâm trí ít phức tạp hơn. Tôi không nghi ngờ tính chân thực của câu nói đó; tôi chỉ tự hỏi tại sao.

Tại sao? Rõ ràng trí tuệ và học vấn là những chuyện tốt. Trí tuệ là món quà Chúa ban cho để tách chúng ta khỏi các loài cầm thú, cơ hội học hành là cái quyền quý giá mà Chúa trao cho ta. Thực sự, tình trạng ngu si và thiếu giáo dục là những điều mà bất kỳ xã hội lành mạnh và bất kỳ cá nhân lành mạnh nào cũng cố gắng vượt thoát ra. Thánh kinh khen ngợi cả minh triết lẫn trí thông minh, và sự lành mạnh của bất kỳ giáo hội nào cũng dựa một phần vào dòng chảy trí tuệ mạnh mẽ trong lòng nó. Trong lịch sử, khi nào giáo hội để cho lòng sùng đạo bình dân, cho dù chân thành, lấn lướt nền thần học sâu sắc thì giáo hội phải trả giá đắt. Chính công cuộc Cải tạo đã thoát thai từ đó, và một trong những điều đầu tiên mà Công đồng Trent giao nhiệm vụ cho Công giáo La Mã là các linh mục phải được đào tạo tốt hơn về mặt trí tuệ.

Trí tuệ và học hành là những điều tốt. Chúa không ban cho chúng ta trí tuệ rồi bảo chúng ta đừng sử dụng nó. Ngây ngô không phải là một phẩm hạnh và không bao giờ được nhầm lẫn với ngây thơ. Vậy thì tại sao “thông minh và giỏi giang” là điều có thể không giúp cho chúng ta hiểu được những bí ẩn sâu kín nhất của cuộc sống và đức tin?

Lỗi không nằm ở chuyện thông minh và học hành; bản thân cả hai chuyện đó đều tốt, nhưng sai lầm là ở những gì chúng có thể vô tình gây ra cho chúng ta. Trí tuệ và học hành thường có một tác động ngoài dự tính, đó là làm suy yếu đi những gì thuộc về bản tính trẻ thơ trong chúng ta, nghĩa là, chính cái sức mạnh mà chúng đem lại cho cuộc sống chúng ta có thể khiến ta một cách vô thức tự cho rằng mình siêu việt hơn, và khiến chúng ta tin rằng, vì thông minh, nên chúng ta có nhu cầu lẫn có quyền tự tách mình ra khỏi những người khác theo kiểu mà bản tính tự nhiên cần nương tựa của trẻ con không để chúng làm như vậy. Trẻ con không tự lực được cho dù đó là điều chúng mong muốn mãnh liệt. Chúng cần những người khác và chúng biết như vậy. Vì thế, một cách tự nhiên hơn, trẻ con tìm tới và nắm lấy bàn tay ai đó chìa ra. Chúng không có cái khả năng tự lực xa xỉ kia.

Khi chúng ta “học rộng và thông minh” chúng ta có thể quên đi dễ dàng hơn rằng mình cần đến những người khác, và vì vậy không tự nhiên tìm đến nhờ bàn tay giúp đỡ của người khác như cách của một đứa trẻ. Chúng ta dễ tự cách ly bản thân hơn. Khi càng ít nhận thức được tình trạng thiếu thốn của mình thì chúng ta càng dễ bỏ qua những gì mà Chúa và cuộc sống đang mời gọi chúng ta. Chính cái sức mạnh mà trí tuệ và học hành đem lại cho đời sống chúng ta có thể gợi cho chúng ta có cảm giác tự lực sai lầm khiến chúng ta tách mình một cách thiếu lành mạnh ra khỏi người khác và coi mình siêu việt hơn theo cách nào đó. Và lòng tự đại không bao đi một mình, nó luôn luôn đem theo con cái của nó: ngạo mạn, khinh khi, chán nản, bất nhẫn. Tất cả những tính đó là những rủi ro nghề nghiệp cho những người “học rộng và thông minh”, và không cái nào trong số đó giúp hé mở một bí mật sâu kín nào của cuộc sống.

Nhưng chúng ta phải cẩn thận để không hiểu sai bài học này. Đức tin không yêu cầu chúng ta không được mở mang trí óc. Cả ngu si lẫn ngây ngô đều không ích gì cho đức tin. Những chiều sâu vô hạn không bao giờ bị trí tuệ hữu hạn đe dọa. Và vì vậy, trở nên học rộng và tinh tế không bao giờ là chuyện xấu; chỉ là chuyện xấu nếu chúng ta vẫn kẹt ở đó. Nhiệm vụ ở đây là phải trở nên hậu-tinh tế, nghĩa là, vẫn tràn đầy trí tuệ và luôn học hỏi ngay cả khi chúng ta trở về mang tâm thức trẻ thơ.

J.B. Thái Hòa dịch

593    08-12-2017