Sidebar

Chúa Nhật

19.05.2024

Những mãnh gỗ vụn của đời sống cầu nguyện

Cầu nguyện thật sự là gì? Không phải là những lời cầu nguyện, nhưng là việc cầu nguyện, không chỉ là nói nhiều điều với Chúa nhưng là đụng chạm đến Chúa hay đúng hơn là được Người đụng chạm. Một lời cầu nguyện đúng nghĩa, một lời cầu nguyện phó thác hoàn toàn vào quyền năng phục sinh sẽ trông như thế nào?

Chúng ta nên thận trọng việc mình tìm kiếm nơi tốt nhất, những điều kiện lý tưởng nhất và cách thức hiệu quả nhất để cầu nguyện. Điều đó có thể dẫn đến việc chúng ta quên mất luật nền tảng của cầu nguyện Kitô giáo: cầu nguyện thì lúc nào cũng có đó, cũng diễn ra trong tim ta, bất kể chúng ta ở đâu, bất kể chúng ta làm gì, bất kể cảm xúc của chúng ta ra sao. Khoảnh khắc chúng ta nhận ra điều đó, tức là chúng ta đang cầu nguyện. Những vị đại thánh đã thường nói về cầu nguyện giống như việc hít thở và phải trở nên như việc hít thở; nó là cái gì đó nên ở với chúng ta luôn luôn.

Ở đây tôi muốn chia sẽ một câu chuyện riêng tư. Khi được mười bảy tuổi, đức tin của tôi bỗng trở nên sống động, tôi đã khám phá ra các Thánh vịnh và đã đem lòng yêu mến chúng, và cũng vừa đọc được một cuốn sách tuyệt vời về cầu nguyện. Vì vậy tôi cố gắng bước vào thói quen cầu nguyện hằng ngày, hay dành cho mình ‘thời gian tĩnh lặng’ mỗi ngày như một số người gọi nó cách đáng yêu như vậy. Và rồi nó có hiệu quả. Năm phút mỗi ngày mà tôi quyết định dành để cầu nguyện sớm tỏ ra là quá ngắn: nên chúng trở thành mười lăm, hai mươi, hai mươi lăm phút. Tôi cộng thêm năm phút mỗi ngày và tôi không thấy phiền lòng, tôi yêu điều đó, nó cho tôi thật nhiều bình an, thật nhiều niềm vui.

Đó là những ngày may mắn, vì một lý do mà tôi không nhớ, tôi đã có tất cả chỗ cho riêng mình, vì vậy tôi có thể tận hưởng tất cả sự thinh lặng và bình an mà tôi muốn. Nhưng thời gian hồng phúc này sẽ không kéo dài... Tôi có ba anh chị em, nhỏ hơn tôi, đứa út thì chỉ mới hai hay ba tuổi vào lúc đó - tôi yêu chúng tha thiết, dù có thể chúng rất phiền phức, tôi chúc lành cho chúng.

Vậy hãy hình dung cảnh tượng này: Tôi nhốt mình trong phòng, tôi ngồi trên một cái ghế, tôi đọc một thánh vịnh, đọc đi đọc lại nó, một câu đánh động tôi, tôi nhắm mắt lại và cố gắng lặp lại nó cách nhẹ nhàng bằng con tim mình. Những đứa em của tôi đang chơi trốn tìm, một đứa không vui về điều gì đó, chúng bắt đầu cãi cọ. Đứa út bắt đầu khóc và đến đập cửa phòng tôi: thật bực mình... Tôi vẫn có giữ tập trung, nhưng cơn tức giận không ngừng tăng lên, sự bực tức lên cao trào và đến một thời điểm nào đó tôi cuối cùng đã hét vào mấy đứa em của mình phải im lặng, không phải một lần nhưng nhiều lần, cho đến khi nãn chí và cảm thấy tội lỗi vì đã mất bình tĩnh, tôi mới bỏ cuộc!

Cảnh tượng này xảy ra hai hay ba lần cho đến khi tôi nói về trãi nghiệm này với một tu sĩ dòng Bênêdictô vào cuối tuần đó. Trong quá trình trò chuyện đó, tôi nhận được một bài học không bao giờ quên về cầu nguyện. Khi tôi trút nỗi thất vọng của mình cho vị tu sĩ này và xin sự tha thứ vì đã nổi giận, người kể tôi nghe cầu chuyện về một Kitô hữu ở Việt Nam trong thời kỳ bách hại. Anh bị bắt vì đức tin của mình và mất nhiều năm bị giam giữ nơi xà liêm nhỏ nhất, bị dồn cách quá đáng vào giữa những kẻ trộm cướp, giết người và những phạm nhân khác.

Khi cuối cùng anh ta cũng được thả ra vào nhiều thập niên về sau, anh ấy nói rằng việc cầu nguyện, việc cầu nguyện sâu thẳm của con tim, đã chẳng bao giờ rời bỏ anh ta trong chốn tù ngục đó, và điều đó, không làm anh ấy mất tập trung, tiếng ồn, sự bất tiện, tiếng la hét và mọi kiểu khổ sở khác mà anh ta phải chịu ở đó đã trở nên nguyên liệu cho lời cầu nguyện của anh ta - không phải là một trở ngại, nhưng qua hoàn cảnh đó anh ta đã học được cách để cầu nguyện. Vì vậy, vị tu sĩ dòng Bênêdictô kết thúc bằng việc nói với tôi rằng: ‘bài kiểm tra xem lời cầu nguyện của bạn có xác thực hay không là học cách biến mọi sự thành lời cầu nguyện.’ Người đã nói với tôi rằng, ‘Bất kỳ mảnh gỗ vụn nào cũng thích hợp để mồi lửa.’ Đó là bài học to lớn về cầu nguyện trong cuộc đời của tôi.

Chúng ta hãy suy nghĩ về điều này bằng cách đặt câu hỏi về những ý tưởng định kiến của chúng ta về việc cầu nguyện. Chúng ta có thường từ bỏ mọi nổ lực cầu nguyện ở những nơi chốn, những tình thế hay những bối cảnh nhất định bởi vì chúng ta nghĩ rằng cầu nguyện là phải tập trung, là phải có những tình cảm đúng đắn, phải có tâm trạng tốt, phải có những điều kiện lý tưởng và phải có nhiều thời gian rãnh rỗi. Đây là một chuỗi dài những ngăn trở để cầu nguyện: tôi không có thời gian; tôi luôn bị bao quanh bởi thành thị, tiếng ồn và người ta; tôi gặp căng thẳng và áp lực; tôi nóng nảy, phiền muộn, nãn lòng; tôi cảm thấy thất vọng.

Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể hiểu rằng tiếng ồn không phải là thứ thù nghịch với việc chúng ta cầu nguyện, không phải là thứ chống lại việc chúng ta cầu nguyện, nhưng là thứ mà chúng ta rút ra để cầu nguyện? Điều gì sẽ xảy ra nếu cơn giận, lòng ghen tị, sự thất bại - mọi cảm xúc như thế tràn ngập từng người chúng ta nhiều lần trong ngày - điều gì sẽ xảy ra nếu những cảm xúc như thế không những không còn là một ngăn trở cho việc cầu nguyện mà còn trở thành những mãnh gỗ vụn để nuôi dưỡng việc cầu nguyện của chúng ta, trở thành thứ giữ cho ngọn lửa cầu nguyện luôn cháy?

Hãy thử điều này: mỗi lần tôi giận dữ, tôi bày tỏ cơn giận của mình cho Chúa, tôi kể Chúa nghe tôi giận giữ vì điều gì và với ai. Đây chẳng là cầu nguyện sao? Mỗi lần tôi thất bại hay chán nãn, tôi kể Chúa nghe hoàn cảnh thế nào và tại sao. Cũng vậy: đây chẳng phải là cầu nguyện sao? Mỗi lần có điều gì đó làm tôi tổn thương, điều gì đó làm tôi đau đớn, tôi nói điều đó với Chúa, đơn giản là tôi nói điều đó, với Chúa. Và cũng theo cách thức như vậy, khi điều gì đó mang lại cho tôi một niềm vui lớn lao, khi tôi thành công trong việc gì đó và cảm thấy hạnh phúc về nó, tôi dành một vài giây để tạ ơn Chúa: đây chẳng phải là cầu nguyện sao? Hãy bắt thử làm điều này và kết quả là bạn sẽ cầu nguyện hằng trăm lần một ngày, và nếu bạn thêm vào tất cả những mãnh vụn như thế, bạn sẽ khám phá ra rằng mình đã dành rất nhiều thời gian để cầu nguyện hơn hẳn so với khi bạn cầu nguyện trong những lúc yên tĩnh nhất của mình.

Chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng chúng ta có thể khắc phục nỗi cơn giận hay sự thất bại của mình trước rồi mới có thể cầu nguyện. Có thể khó tin, nhưng Chúa yêu thích cách chân thành và sâu sắc từng tâm tư tốt cũng xấu của chúng ta, mỗi cảm xúc cao đẹp cũng như thấp kém của chúng ta: tất cả những thứ đó!

Dĩ nhiên câu hỏi rõ ràng ở đây là: điều gì đã biến chúng thành lời cầu nguyện? Khi nào thì cơn giận đó chỉ là cơn giận, khi nào thì cơn giận đó trở thành lời cầu nguyện? Hay khi nào nỗi đau chỉ là nỗi đau? Hay khi nào ham muốn cũng chỉ là ham muốn (phải, bởi vì sự ham muốn cũng có thể trở thành lời cầu nguyện)? Hay khi nào thù ghét cũng chỉ là thù ghét, và khi nào nó trở thành lời cầu nguyện?

Đúng vậy, chỉ có một điều, chính điều đó đã biến thành một lời cầu nguyện, một tiếng kêu đau đớn thảm thiết nhất từng vang lên trên trái đất: Lạy Chúa của con, lạy Chúa của con, sao Ngài nỡ bỏ rơi con? (Tv 22,2) Điều gì làm cho tiếng kêu la này không chỉ là một tiếng kêu đau đớn hay thậm chí là một lời phạm thượng nhưng lại là một lời cầu nguyện? Câu trả lời chính là Lạy Chúa của con, lạy Chúa của con.

Đây là bí mật cuối cùng của cầu nguyện, hòn đá giả kim biến mọi thứ cảm xúc vốn có, tốt hay xấu, cao đẹp hay thấp kém, thành vàng của cầu nguyện: chẳng phải là sự tập trung, chẳng phải là sự thinh lặng tuyệt đối, chẳng phải là bình an nội tâm, chẳng phải là có nhiều thời gian rãnh rỗi. Bí mật sau cùng của cầu nguyện nằm trọn trong câu này Lạy Chúa của con, lạy Chúa của con! Tôi nói câu này với Chúa, tôi trình bày câu này cho Chúa, tôi lúc nào cũng ở với Chúa và cũng biết rằng Chúa lúc nào cũng ở với tôi.

Minh Nguyên chuyển dịch từ "Say It To God" của Luigi Gioia
 (Nxb. Bloomsbury, 2017)

403    09-08-2021