Sidebar

Chúa Nhật

19.05.2024

Những sự kiện Công giáo thế giới năm 2018

 

365 ngày đã trôi qua, Công giáo và Dân tộc xin điểm lại những dấu ấn quan trọng của Giáo hội hoàn vũ trong năm 2018.

 

5 năm triều đại Ðức Phanxicô

Ngày 13.3.2013, khói trắng bay lên tại Quảng trường Thánh Phêrô của Vatican, Đức Hồng y Tổng Giám mục TGP Buenos Aires (Argentina) Jorge Mario Bergoglio là người được mật nghị hồng y bầu chọn. Ngày 19.3.2013, người vẫn tự nhận là “đến từ cùng trời cuối đất” chính thức lên ngôi giáo hoàng với tông hiệu Phanxicô. Đức Phanxicô đã thật sự trở thành “người xây cầu” khi mở rộng cửa Tòa Thánh để kết nối với thế giới – đặc biệt là những vùng ngoại vi – một cách hiệu quả hơn và làm cầu nối để những quốc gia từng có nhiều thập niên thù địch có thể từng bước tạo lại quan hệ. Tháng 2.2016, ngài đã có “cuộc gặp ngàn năm” với Đức Thượng phụ Chính Thống giáo Nga Kirill. Tôn chỉ xây dựng Giáo hội của Đức Giáo Hoàng Phanxicô không hề thay đổi trong 5 năm với ý tưởng “Giáo hội nghèo khó của người nghèo”, trong đó tài chính phải minh bạch và các vị đứng đầu không thể sống xa hoa “như pharaon” – như ngài từng nhận định thẳng thắn.


Bổ nhiệm Thanh tra Tông tòa tại Mễ Du

Đức cha Henryk Hoser, nguyên Tổng Giám mục Warszawa-Praga, Ba Lan đã được Đức Phanxicô bổ nhiệm làm đặc phái viên tại Mễ Du vào tháng 2.2017. Ngày 31.5.2018, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm ngài làm Thanh tra Tông tòa (apostolic visitor) vô thời hạn tại Mễ Du. Theo thông cáo của Vatican, nhiệm vụ của Đức cha Hoser hoàn toàn mang tính chất mục vụ, nhằm tiếp tục công việc trước đây của ngài với vai trò là đặc phái viên của Đức Giáo Hoàng. Trong vai trò mới là Thanh tra Tông tòa, ngài không chỉ quan sát các hoạt động mục vụ, mà còn đảm bảo “một sự đồng hành ổn định và liên tục” cho cộng đoàn ở Mễ Du, cũng như cho khách hành hương đến viếng thăm Đền Thánh, là “những người có nhu cầu cần được quan tâm đặc biệt”.

Mễ Du (Medjugorje) là một địa điểm nhỏ bé, cách thành phố Mostar (Bosnia-Herzegovina) 25 cây số về hướng tây nam. Từ hơn 35 năm nay, địa danh này được các nhân chứng thuật lại là nơi Đức Trinh Nữ Maria (Gospa, theo tiếng địa phương) đã hiện ra nhiều lần. Giai đoạn đầu của các lần hiện ra nói trên diễn ra từ 24.6 đến 3.7.1981. Giai đoạn hai vẫn đang tiếp diễn, tại các địa điểm khác nhau.

 

Tông huấn “Gaudete et exsultate – Hãy vui mừng và hân hoan”

Ngày 9.4.2018, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã công bố tông huấn Gaudete et exsultate – Hãy vui mừng và hân hoan, mời gọi các tín hữu đáp lại “ơn gọi nên thánh trong thế giới hiện đại”. Dài 113 trang, chia thành 5 chương và 177 đoạn, đây là bản tông huấn thứ ba của Đức Phanxicô. Sau một Giáo hội cởi mở với Evangelii gaudium (Niềm vui Tin Mừng), một Giáo hội giàu lòng thương xót với Amoris laetitia (Niềm vui Yêu thương), tông huấn Gaudete et exsultate(Hãy vui mừng và hân hoan) mô tả một Giáo hội thánh thiện. Tựa đề của tông huấn vừa công bố trích từ lời Chúa Giêsu nói về các Mối Phúc Thật trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu (5,12): “Hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng các con thật lớn lao trên trời! Chính như thế, người ta đã bách hại các ngôn sứ đi trước các con”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng toàn thể Giáo hội được mời gọi trở thành “Dân Thánh”, theo tinh thần của Công đồng Vatican II.

 

Tòa Thánh và Trung Quốc đạt thỏa thuận tạm thời

Văn bản thỏa thuận được Ðức ông Antoine Camilleri, Thứ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh ký kết với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Siêu vào ngày 22.9.2018 tại Bắc Kinh. Ông Greg Burke, Giám đốc Phòng Báo chí Vatican cho biết: “Thỏa thuận hướng đến việc Tòa Thánh và chính quyền Bắc Kinh tìm được tiếng nói chung về bổ nhiệm giám mục tại Trung Quốc. Mục đích mang tính mục vụ, không mang tính chính trị, với mong muốn giúp các tín hữu tại nước này được coi sóc bởi những vị giám mục hiệp thông với Rome”. Cụ thể, các hoạt động mục vụ được hướng đến gồm: tạo đà cho việc loan báo Tin Mừng; tạo điều kiện cho đời sống đức tin của các tín hữu Trung Quốc…

Bên cạnh thỏa thuận tạm thời, “để vượt qua những vết thương của quá khứ”, Đức Thánh Cha đã quyết định cho 8 vị giám mục “trái phép” của Trung Quốc (không được sự chấp thuận của Tòa Thánh khi bổ nhiệm) được tái hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội. Cũng trong dịp này, Đức Phanxicô đã thành lập giáo phận mới tại Trung Quốc là Thừa Đức (tỉnh Hà Bắc), với nhà thờ Chánh tòa Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành. Theo thông cáo của Vatican, thỏa thuận vừa ký kết là hoa trái của một tiến trình được mở ra từ thời Đức Gioan Phaolô II.

 

Ðức Phaolô VI được tuyên thánh

Ngày 14.10.2018, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tuyên thánh cho Đức Phaolô VI và 6 vị khác. Đức Phaolô VI được xem là một trong những vị tạo nhiều ảnh hưởng nhất đối với Giáo hội trong thế kỷ 20. Ngài đã sáng lập Thượng Hội đồng Giám mục vào ngày 15.9.1965. Một đóng góp vô cùng quan trọng của ngài cho Giáo hội là tiếp tục tổ chức và hoàn tất Công đồng Vatican II (1962 – 1965), với sự tham gia của 2.344 giám mục trên toàn thế giới. Được Đức Gioan XXIII khai mạc năm 1962, khi thánh Giáo Hoàng qua đời vào năm 1963, nhiều người từng lo ngại Công đồng có thể bị kết thúc sớm và rơi vào quên lãng. Nhưng sau khi được mật nghị hồng y bầu chọn, Đức Phaolô VI quyết định nối tiếp công trình của người tiền nhiệm. Vào thời điểm kết thúc ngày 8.12.1965, Công đồng Vatican II đã mang đến vô số cải cách để mở cửa ra với thời đại mới. Trên hết, Đức Phaolô VI muốn Giáo hội phải có sự đối thoại với thế giới hiện đại. Ngài theo đuổi chủ đề này và trình bày hết sức rõ ràng trong tông huấn Ecclesiam Suam (Giáo hội của Ngài), cũng như khẳng định thái độ rõ ràng trước các biện pháp ngừa thai trái tự nhiên trong thông điệp nổi tiếng Humanae Vitae (Sự sống Con người).

Cùng được tuyên thánh với Đức Phaolô VI còn có 6 vị chân phước khác: Ðức cha Oscar Romero (1917-1980), vị thánh đầu tiên của El Salvador; chân phước Nunzio Sulprizio, sinh năm 1817, qua đời vì bệnh ung thư xương khi mới 19 tuổi (năm 1836); cha Francesco Spinelli (1853-1913), người Ý, đấng sáng lập dòng các Nữ Tu Tôn Sùng Bí Tích Thánh Thể; cha Vincent Romano (1751-1831), là cha sở trong hơn 30 năm của giáo xứ Torre del Greco (Ý); nữ tu người Ðức Maria Katharina Kasper (1820-1898), đấng sáng lập dòng Nữ Tỳ Khó Nghèo Của Chúa Giêsu Kitô; nữ tu Nazaria Ignacia March Mesa (1889-1943), đấng sáng lập dòng Thập Tự Quân Truyền Giáo.

 

Ðại hội gia đình thế giới lần thứ 9

Ðại hội diễn ra từ ngày 21 – 26.8 tại Dublin, Ireland với sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng. Ngài đã tham dự rất nhiều hoạt động như gặp gỡ với các cặp đôi trẻ tại nhà thờ Chánh tòa Đức Bà Dublin; tham dự Liên hoan gia đình tại sân vận động Croke với sự hiện diện của khoảng 82.000 người đến từ hơn 100 quốc gia… Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã đến trung tâm bác ái của dòng Phanxicô tại Dublin, nơi phân phát thực phẩm hằng ngày cho hàng trăm người vô gia cư. Tại thánh lễ bế mạc đại hội, Ngài mời gọi cộng đoàn kể lại những gì họ đã lắng nghe và trải qua trong tuần lễ đại hội cho những ai không thể đến dự: “Hãy trở thành nguồn động viên cho người khác và mang lời dạy của Chúa Giêsu về cuộc sống vĩnh hằng đến cho những người xung quanh mình”. Ngài mô tả gia đình “là nơi lan truyền Tin Mừng cho tất cả mọi người, đặc biệt đối với những ai từ lâu đã bị quên lãng”.

 

Thượng Hội đồng Giám mục về Giới trẻ

Thượng HĐGM diễn ra từ ngày 3 đến 28.10 đã tập hợp 267 vị có quyền bỏ phiếu cho văn kiện chung kết; ngoài ra còn có 72 chuyên gia và dự thính viên, trong đó có 36 người tuổi dưới 30 để thảo luận về đề tài “Giới trẻ, đức tin và phân định ơn gọi”. Công nghị đã khép lại với văn kiện chung kết, nhấn mạnh Hội Thánh và tất cả các thành viên phải tìm cách tốt hơn để lắng nghe giới trẻ, tiếp nhận chất vấn của các thanh niên một cách nghiêm túc, công nhận họ là những thành viên đầy đủ của cộng đoàn Dân Chúa, kiên nhẫn sát cánh cùng họ và cung cấp chỉ dẫn đúng lúc để giới trẻ có thể sống trọn vẹn với đức tin.

Bên cạnh đó, Thượng HĐGM cho rằng, Giáo hội cũng phải lưu ý đến tiếng nói tất cả mọi người, bao gồm nữ giới. Dù không đề cập đến khả năng phụ nữ được thụ phong linh mục hoặc đảm nhiệm vị trí phó tế, văn kiện chung kết thừa nhận nữ giới đã bị loại bỏ khỏi các quá trình ra quyết định. “Sự thiếu vắng tiếng nói cũng như quan điểm của phụ nữ đã khiến nhiều cuộc thảo luận bị nghèo nàn, và con đường của Giáo hội mất đi sự đóng góp quý báu cho nỗ lực phân định”, theo văn kiện.

Thiện Tâm

680    10-01-2019